Nội dung toàn văn Chỉ thị 05/CT-VKSTC 2021 nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-VKSTC | Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Thời gian qua, công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ quan, đơn vị thông tin, báo chí của Ngành như: Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành phản ánh kịp thời, thường xuyên về hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Nổi bật là việc tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”; cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân”; cuộc thi viết “Chân dung cán bộ kiểm sát và bản lĩnh Kiểm sát viên”, sự thành công của bộ phim “Sinh tử”... đã ghi dấu ấn đậm nét và để lại ấn tượng sâu sắc về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân và hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong công cuộc đổi mới đất nước, cải cách tư pháp, bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hoạt động thông tin, tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân còn chưa phong phú, sâu sắc và chưa kịp thời; cá biệt có bài viết còn thông tin một chiều; việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, thông tin, tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng chuyên môn của một số biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân với các cơ quan thông tin, báo chí trong và ngoài Ngành có lúc còn thụ động, chưa kịp thời.
Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác tuyên truyền, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung tổ chức, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, biện pháp trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành; thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác này để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần giúp người dân và xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
2. Thông tin, tuyên truyền kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về cải cách tư pháp, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và trong các đạo luật về tư pháp; về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
3. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các nguyên tắc công tác mà Viện kiểm sát nhân dân đã xác định và kiên trì thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với Kiểm sát viên là phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; về kết quả hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng việc thông tin, tuyên truyền kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; về kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu về chân dung người cán bộ kiểm sát là kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai và tận tâm phục vụ nhân dân.
4. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền bảo đảm chất lượng, phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân và xã hội. Các tin bài đăng trên báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử và nội dung chương trình phát thanh, truyền hình phải đáp ứng yêu cầu về tính chính trị, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tính nghiệp vụ; gắn công tác tuyên truyền với công tác đào tạo, phổ biến, giáo dục pháp luật.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử và các mạng xã hội. Tiếp tục phối hợp xây dựng phim truyền hình, phim tài liệu về ngành Kiểm sát nhân dân, tăng tần suất, thời lượng phát sóng và mở rộng kênh phát sóng Chương trình Truyền hình Kiểm sát.
6. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền và đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân; Tổ tuyên truyền của Viện kiểm sát Quân sự trung ương và Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức thực hiện nghiêm quy định về phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân.
7. Xây dựng cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền. Tăng cường các điều kiện bảo đảm nhằm tạo điều kiện tốt để các cơ quan, đơn vị thông tin, báo chí của Ngành phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
8. Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thực hiện tốt vai trò nòng cốt, định hướng nội dung, phương thức hoạt động thông tin, tuyên truyền của Ngành; chú trọng công tác quản lý, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên; tăng cường quản lý, hướng dẫn hoạt động cho các cộng tác viên.
9. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này; phối hợp cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tin, báo chí trong và ngoài Ngành; định kỳ hàng năm báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả thực hiện.
Tạp chí kiểm sát có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.
| VIỆN TRƯỞNG |