Nội dung toàn văn Chỉ thị 06/2007/CT-UBND thực hiện Chỉ thị 36/2005/CT-TTg xây dựng cơ sở vững mạnh
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2007/CT-UBND | Tam Kỳ, ngày 25 tháng 01 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 36/2005/CT-TTG NGÀY 17/10/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CƠ SỞ VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thời gian qua, các cấp các ngành đã quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/2005/CT-TTG ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng xây dựng cơ sở ngày càng được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định về chính trị, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện; củng cố thêm một bước thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Song bên cạnh đó, một số nơi chỉ đạo triển khai thiếu đồng bộ hoặc chưa toàn diện; hiệu quả thực hiện có nơi chưa cao, vai trò tham mưu của một số cơ quan chức năng chưa thật sự nổi bật, hoạt động phối hợp còn thiếu chặt chẽ. Nhiều nơi chưa kịp thời phát hiện khâu yếu, mặt yếu để khắc phục; chưa gắn phong trào thi đua yêu nước vào công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.
Để tiếp tục triển khai thực hiện đạt kết quả công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới, UBND tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt những việc sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 36/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, có biện pháp sát với tình hình của địa phương, cơ sở nhằm đạt cho được mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ xây dựng cơ sở là "Giữ vững sự ổn định về chính trị; kinh tế, văn hóa xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, có nếp sống văn hóa lành mạnh, quốc phòng an ninh vững mạnh, góp phần làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống có thể xảy ra ở địa phương, cơ sở".
2. Các sở, ban, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đạt kết quả thiết thực. Coi trọng xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, "thế trận lòng dân" vững chắc; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân; bảo đảm nguồn ngân sách, nhất là những nơi khó khăn; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về mọi mặt.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm:
3.1. Nghiên cứu cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí, yêu cầu về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xác định chi tiết nhiệm vụ, mối quan hệ hiệp đồng, phối hợp của các cơ quan, đơn vị và có sự hướng dẫn thống nhất cho đơn vị, địa phương.
3.2. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh (gọi tắt Ban chỉ đạo 36) để tập trung chỉ đạo việc thực hiện xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện trên địa bàn tỉnh theo đúng Chỉ thị 36/2005/CT-TTg và nội dung Thông tư số 102/2006/TT-BQP ngày 31/5/2006 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Chỉ huy Quân sự là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 06 của tỉnh.
4. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới theo tinh thần Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 02/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm giữ gìn tốt trật tự trị an, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tham mưu xử lý có hiệu quả các tình huống, kiên quyết không để xảy ra "điểm nóng" trên địa bàn.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
5.1. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng tại địa phương; chỉ đạo các ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả các nội dung theo Chỉ thị 36/2005/CT-TTg và hướng dẫn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.
5.2. Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Ban chỉ đạo 36) do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, lãnh đạo một số ban ngành liên quan làm thành viên để tập trung chỉ đạo thực hiện, trực tiếp giúp Chủ tịch UBND theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện trên địa bàn tỉnh; những nơi là địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, biển đảo, các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn phải được tập trung chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ.
5.3. Căn cứ vào tình cụ thể của từng địa phương để tổ chức khảo sát và chọn 01 xã (phường, thị trấn) để thực hiện xây dựng điểm vững mạnh toàn diện; tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng thực hiện.
Định kỳ vào tháng 11 hàng năm, các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 36/2005/CT-TTg báo cáo Ban chỉ đạo 36 của tỉnh (qua BCH Quân sự tỉnh); trong quý I năm 2009, UBND tỉnh tổ chức sơ kết để báo cáo Chính phủ theo quy định.
Xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ có tính toàn diện, liên quan đến tất cả các cấp, các ngành, do đó cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, liên tục; kịp thời rút kinh nghiệm từng giai đoạn để phục vụ cho việc chỉ đạo thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |