Chỉ thị 06/2008/CT-UBND thực hiện Nghị định quy chế thực hiện dân chủ Bình Dương đã được thay thế bởi Chỉ thị 01/2015/CT-UBND thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước Bình Dương và được áp dụng kể từ ngày 15/03/2015.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 06/2008/CT-UBND thực hiện Nghị định quy chế thực hiện dân chủ Bình Dương
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2008/CT-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 07 tháng 7 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 71/1998/NĐ-CP NGÀY 08/9/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN
Trong những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan (gọi tắt là Nghị định 71) đã góp phần phát huy dân chủ, quyền làm chủ của cán bộ công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực và tinh thần trách nhiệm; góp phần cải cách hành chính, xây dựng cơ quan văn hoá, phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện Nghị định 71 đã gần 10 năm, nên một một số cơ quan, đơn vị chủ quan, buông lỏng việc thực hiện dẫn đến lề lối làm việc mang nặng tính hành chính, quan liêu; việc công khai các chế độ chính sách pháp luật cho cán bộ công chức còn hạn chế, chưa tạo ra không khí dân chủ để phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức.
Để Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được thực hiện có nề nếp, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các Sở, ban, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp:
- Củng cố việc thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị mình, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Quyết định 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan nhà nước và Quyết định 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ về Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền.
- Rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định của cơ quan mình trái với Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
- Củng cố Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; hàng năm tổ chức Hội nghị cán bộ công chức theo đúng hướng dẫn; phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân nhằm góp phần phát hiện và phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến trong việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng lợi dụng dân chủ để gây mất đoàn kết nội bộ và hành vi vi phạm quyền dân chủ, trù dập cán bộ công chức dám đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.
2. Các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước để tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội.
3. Giao Sở Nội vụ làm cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp, giải quyết và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định 71; hàng quý báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh.
4. Đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 71 và các văn bản khác có liên quan, góp phần phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để kịp thời chỉ đạo thực hiện./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |