Nội dung toàn văn Chỉ thị 07/1998/CT-TTg xây dựng kế hoạch tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/1998/CT-TTg | Hà Nội, ngày 05 tháng 2 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÌM KIẾM - CỨU NẠN TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều quy định yêu cầu các ngành, các địa phương phải có những biện pháp để phòng ngừa, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản khi gặp thiên tai, tai nạn rủi ro... Song do còn chủ quan, việc chấp hành quy định, trang bị an toàn còn lỏng lẻo, chưa có kế hoạch tìm kiếm - cứu nạn cụ thể, do đó khi có tình huống xảy ra các địa phương, các ngành rất lúng túng trong tổ chức tìm kiếm - cứu nạn. Riêng cơn bão số 5 (đầu tháng 11 năm 1997) đã cướp đi hàng trăm sinh mệnh ngư dân và tài sản thiệt hại ước tính tới trên 7.000 tỷ đồng, mặc dù các lực lượng tìm kiếm - cứu nạn của Trung ương và địa phương đã hết sức cố gắng tập trung mọi khả năng để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cơn bão số 5 gây ra.
Để chủ động hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân địa phương khi có các tai nạn rủi ro (đường không, đường biển), thiên tai và hậu quả ô nhiễm sinh thái môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Giao cho ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh) chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tìm kiếm - cứu nạn cho người và phương tiện (tàu, thuyền...) trong và ngoài địa phương bị nạn trên địa bàn tỉnh.
Các tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương lập kế hoạch tìm kiếm - cứu nạn trình ủy ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn phê duyệt (văn bản gửi về ủy ban Quốc gia qua Văn phòng ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn số 1 Hoàng Diệu, Hà Nội).
Nội dung kế hoạch :
+ Các tình huống có thể xảy ra (tai nạn, thiên tai) trên địa bàn tỉnh.
+ Kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng, phương tiện, vật chất của tỉnh tham gia tìm kiếm - cứu nạn.
+ Ngân sách dự phòng để thực hiện kế hoạch tìm kiếm - cứu nạn của địa phương.
Kế hoạch tìm kiếm - cứu nạn của địa phương cần gắn với kế hoạch phòng chống lụt bão của địa phương.
Khi có tình huống xảy ra trên địa bàn (tai nạn đường thủy, đường không, thiên tai...) các tỉnh căn cứ vào kế hoạch tìm kiếm - cứu nạn đã được phê duyệt chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện trên địa bàn của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm - cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp các tình huống xảy ra vượt quá khả năng của địa phương, tỉnh cần báo cáo kịp thời về ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn và phối hợp với các lực lượng tìm kiếm - cứu nạn của Trung ương thực hiện các hoạt động tìm kiếm - cứu nạn khắc phục hậu quả rủi ro do tai nạn và thiên tai gây ra.
2. Các cơ quan thường trực tìm kiếm - cứu nạn chuyên ngành (Hàng không, Hàng hải, Thủy sản, Dầu khí) có kế hoạch và hiệp đồng chặt chẽ với các tỉnh có liên quan để chủ động triển khai các kế hoạch tìm kiếm - cứu nạn theo các chuyên ngành.
3. Văn phòng ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn lập kế hoạch chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng chung giữa các lực lượng tìm kiếm - cứu nạn của Trung ương và địa phương theo các tình huống dự kiến.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn chỉ đạo các cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành (Hàng không, Hàng hải, Thủy sản, Dầu khí), Văn phòng ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn; các Bộ ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện về ủy ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn (qua Văn phòng ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn số 1A Hoàng Diệu, Hà Nội).
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|