Nội dung toàn văn Chỉ thị 07/2006/CT-UBND bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long Quảng Ninh
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2006/CT-UBND | Hạ Long, ngày 22 tháng 02 năm 2006 |
CHỈ THỊ
"VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI VỊNH HẠ LONG"
Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và địa chất, địa mạo. Đồng thời, Vịnh Hạ Long còn có tiềm năng to lớn về kinh tế cảng biển, du lịch, đánh bắt nuôi trồng hải sản.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long. Các cấp, các ngành trong tỉnh và Tập đoàn Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ Di sản bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng, qua đó, ý thức của người dân từng bước được nâng lên, chất lượng môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long vẫn được duy trì, lượng khách du lịch đến với Hạ Long ngày một tăng, uy tín và vị thế của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được khẳng định trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, kiểm điểm lại công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long có dấu hiệu nặng nề hơn bởi các hoạt động: Khai thác, chế biến than; san lấp mặt bằng lấn biển; nuôi trồng hải sản; phá rừng ngập mặn; hoạt động của tàu thuyền du lịch; dân cư sống trên Vịnh; xả thải của các đô thị, khu dân cư ven Vịnh và những yếu tố tiềm ẩn khác đã tạo ra sự quan tâm, bức xúc cho nhân dân trong tỉnh cũng như đối với khách du lịch khi đến thăm quan Vịnh Hạ Long.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khắc phục những tồn tại trên Uỷ Ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành chức năng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các địa phương trong tỉnh có liên quan, các tổ chức và cá nhân có hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Vinh Hạ Long khẩn trương triển khai thực hiện những việc sau đây:
1. Đối với hoạt động khai thác, chế biến than.
a. Trước mắt:
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác, chế biến than thuộc quyền quản lý phải triển khai thực hiện ngay, triệt để, nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các quy định bảo vệ môi trường khác có liên quan; có biện pháp hữu hiệu ngăn không cho chất thải rắn từ các bãi thải của mỏ, của các khu chế biến than chảy xuống Vịnh; từng bước ngừng việc đổ thải ven bờ và vùng cạnh bờ Vịnh. Nước thải từ khai thác mỏ và trong quá trình tuyển than phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải ra vùng đệm và vùng phụ cận Vịnh Hạ Long. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm, bồi lắng Vịnh Hạ Long phải thực hiện khắc phục, bồi thường thiệt hại môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh than có liên quan đến Vịnh Hạ Long. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long.
b. Về lâu dài:
Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam:
- Xây dựng kế hoạch thu hẹp quy mô khai thác và sản lượng sản xuất than khu vực thành phố Hạ Long, không phát triển thêm các mỏ lộ thiên ngoài 3 mỏ hiện tại: Hà Tu, Núi béo, 917; xây dựng kế hoạch đóng cửa các mỏ lộ thiên nhỏ. Đầu tư máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ khai thác các mỏ lộ thiên để sớm kết thúc khai thác than lộ thiên tại thành phố Hạ Long theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Đối với các khu vực đổ thải, cần bố trí khai thác hợp lý các mỏ lộ thiên để tận dụng không gian đã khai thác làm bãi thải; tập trung đổ thải về phía Bắc, hạn chế tiến tới ngừng việc đổ thải đất đá tại bãi thải Nam Lộ Phong.
- Tổ chức trồng cây phủ xanh các bãi thải.
- Sớm sắp xếp, hệ thống cảng tiêu thụ than theo quy hoạch được duyệt; hạn chế và tiến tới ngừng hẳn việc chuyển tải than trên Vịnh.
- Đầu tư trang thiết bị tiên tiến trong khai thác, chế biến than, đặc biệt là các công nghệ giảm thiểu tác động xấu của khai thác, chế biến than đến môi trường sinh thái Vịnh, trong đó quan tâm xử lý nước thải, chất thải rắn trước khi thải ra Vịnh.
- Đánh giá tác động của hoạt động khai thác, chế biến than, kinh doanh than đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long; giành kinh phí để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh, như tình trạng bồi lắng Vịnh từ hoạt động sản xuất, chế biến than theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
2. Đối với hoạt động lấn biển, nạo vét, đổ thải.
a. Trước mắt:
- Các chủ dự án lấn biển phải thực hiện xây kè, hoặc đổ bờ bao trước khi san lấp mặt bằng theo đúng quy trình kỹ thuật, có biện pháp nạo vét bùn thải ngay để tránh bồi lắng Vịnh. Ngừng ngay việc san lấp mặt bằng đối với các dự án chưa xây kè hoặc làm bờ bao.
- Các chủ đầu tư phải lập ngay phương án san lấp mặt bằng, nạo vét bùn thải trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án san lấp mặt bằng, nạo vét bùn thải phải có hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định và được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường tỉnh phê duyệt. Khi tiến hành dự án phải giám sát chặt bên thi công, đảm bảo dự án được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chống gây tác động xấu đến môi trường hiện nay, đồng thời phải thông báo việc thực hiện dự án với Ban quản lý Vịnh Hạ Long để Ban quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành có liên quan giám sát thực hiện.
- Các chủ dự án phải tổ chức quan trắc, đánh giá tác động môi trường và có biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường Vịnh Hạ Long từ dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các chủ dự án trong quá trình san lấp mặt bằng, nạo vét, đổ thải. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt và buộc phải bồi thường, khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định; xây dựng quy định quản lý việc nạo vét, đổ bùn thải trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh trong quý II/2006.
b. Về lâu dài:
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành, địa phương có liên quan:
- Tổ chức đánh giá tác động môi trường từ các dự án san lấp mặt bằng, đề xuất biện pháp khắc phục đối với những tác động xấu từ các dự án san lấp mặt bằng, nạo vét, đổ bùn thải.
- Đề xuất quy hoạch các điểm đổ bùn thải trên đất liền để tránh gây tác động xấu đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long.
3. Đối với rừng ngập mặn.
a. Trước mắt:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm cùng các ngành, địa phương liên quan:
- Kiểm tra, rà soát lại các dự án san lấp mặt bằng tại các khu vực có rừng ngập mặn, các dự án thực hiện không có hiệu quả, không đúng nội dung dự án được phê duyệt, hoặc đã quá thời hạn nhưng không triển khai, báo cáo, đề xuất Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, xử lý.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn, tái tạo lại các khu rừng ngập mặn, trước hết là khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu vực Bái Tử Long.
b. Về lâu dài:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì việc lập hồ sơ, bản đồ về rừng ngập mặn, xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn và chương trình kế hoạch quản lý rừng ngập mặn; đề xuất việc đầu tư ngân sách phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn bằng nguồn kinh phí đền bù của các dự án và các nguồn vốn khác.
- Hạn chế chuyển mục đích khu đất có rừng ngập mặn để thực hiện các dự án làm ảnh hưởng xấu đến rừng ngập mặn. Trường hợp cần giải quyết phải có phương án bù lại phần rừng ngập mặn đã mất.
4. Đánh bắt và nuôi trồng hải sản.
a. Trước mắt:
- Sở Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành, địa phương liên quan:
+ Kiểm tra các dự án nuôi trồng hải sản và đề xuất với tỉnh giải quyết vi phạm đối với các dự án nuôi trồng hải sản nhất là các dự án nuôi trồng hải sản tại các khu vực có rừng ngập mặn và trên Vịnh Hạ Long. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản trái phép, khai thác, mua bán san hô, đánh bắt hải sản bằng các biện pháp huỷ diệt như đánh mìn, xiếc điện, cào đáy biển...
+ Xem xét lại các điểm nuôi trồng hải sản trong vùng Di sản đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Nếu thấy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Vịnh phải báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh ngay. Đồng thời đánh giá việc nuôi trồng hải sản hiện đang hoạt động trên Vịnh để điều chỉnh trong thời gian tới.
b. Lâu dài:
- Sở Thuỷ sản chủ trì việc tổ chức nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản, điều kiện nuôi trồng hải sản, xây dựng quy hoạch đánh bắt, nuôi trồng hải sản trên Vịnh.
5. Đối với hoạt động tàu thuyền du lịch; vận tải hàng hoá; than; vận chuyển chất thải trên Vịnh.
a. Trước mắt:
- Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Công an tỉnh, Sở Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát các phương tiện giao thông thuỷ hoạt động trên Vịnh, trong đó chú trọng kiểm tra các tàu thuyền du lịch; tàu thuyền vận chuyển than. Xử phạt nghiêm các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường hoặc có hành vi gây ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long, cần thiết phải đình chỉ hoạt động.
- Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì đề xuất việc tổ chức thu gom, xử lý chất thải từ các tàu thuyền du lịch hoạt động trên Vịnh. Nước thải từ các tàu thuyền du lịch phải xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải.
- Sở Du lịch chủ trì cùng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, các ngành, địa phương liên quan đề xuất, xác định các tua, tuyến du lịch và hướng dẫn các tàu đi theo tua, tuyến. Các khu vực có đa dạng sinh học cần phải quản lý chặt chẽ, tàu thuyền du lịch hoạt động tại khu vực này phải được phép của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
a. Về lâu dài:
- Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Giao thông –Vận tải cùng các cơ quan liên quan đề xuất quy hoạch phát triển tàu thuyền du lịch trên Vịnh Hạ Long.
- Ban Quản lý Vịnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đề xuất quy hoạch các điểm đón trả khách tại các điểm tham quan trên Vịnh đảm bảo đưa đón khách trật tự, an toàn, vệ sinh, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên; khoanh vùng các khu có đa dạng sinh học để quản lý và có hình thức tham quan phù hợp, để tạo cho du khách có thể tiếp cận và hưởng thụ.
6. Đối với dân cư sống trên và xung quanh Vịnh.
a. Trước mắt:
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Vịnh tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động trên Vịnh theo chức năng, thẩm quyền pháp luật quy định; xử lý nghiêm các trường hợp gây mất an ninh trật tự trên Vịnh. Chỉ đạo công tác đăng ký hộ khẩu, hộ tịch trên Vịnh theo đúng quy định của Nhà nước và Uỷ ban Nhân dân tỉnh; phối hợp với Uỷ ban Nhân dân thành phố Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long kiểm tra, rà soát tất cả các hộ dân sống trên Vịnh, phân loại các hộ dân trên Vịnh để có biện pháp giải quyết đối với từng hộ dân cho phù hợp.
Hộ dân có hộ khẩu tại Vịnh Hạ Long (theo thống kê tháng 7 năm 2000) tạm thời cho tồn tại sống trên Vịnh và di chuyển dần ra khỏi các điểm du lịch như: Bồ Nâu, Sửng Sốt, Thiên Cung, Đầu Gỗ; di chuyển các hộ dân không đăng ký hộ khẩu ở thành phố Hạ Long cương quyết xử lý ra khỏi khu Di sản. Trước mắt cho tồn tại các điểm dân cư: Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Cống Đỏ, Cống Tàu và Cống Đầm.
- Uỷ ban Nhân dân thành phố Hạ Long chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành liên quan trong việc lập phương án quản lý chặt chẽ các làng chài, từ việc quản lý hộ khẩu đến việc đầu tư xây dựng nhà bè, hoạt động sản xuất kinh doanh, vui chơi và tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nước thải trong các khu dân chài; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với hộ dân sinh sống quanh Vịnh; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện tốt việc xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt trước khi thải ra Vịnh.
b. Về lâu dài:
- Uỷ ban Nhân dân thành phố Hạ Long chủ trì cùng với Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan liên quan lập phương án từng bước di chuyển các hộ dân lên bờ. Chỉ để lại số lượng hộ dân nhất định để hoạt động du lịch và bảo tồn bản sắc dân chài; Quy hoạch lại các làng chài trên Vịnh, củng cố bộ máy tổ chức làng chài, xây dựng các quy định của làng chài, theo tinh thần xây dựng các làng chài đạt tiêu chuẩn về văn hoá phục vụ du lịch.
7. Đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên và xung quanh Vịnh.
a. Trước mắt:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện ngay biện pháp thu gom đối với chất thải rắn, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải ra Vịnh.
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long phải có biện pháp xử lý trong một thời gian nhất định theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nếu quá thời hạn quy định mà cơ sở không thực hiện xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường thì bị xem xét đình chỉ hoạt động.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên và quanh Vịnh không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.
- Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành, địa phương liên quan thực hiện quy hoạch phát triển kinh doanh xăng dầu, bổ sung hoàn thiện các quy định cụ thể về kinh doanh xăng dầu trên Vịnh trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định kinh doanh xăng dầu trên Vịnh đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Nhà nước ban hành.
b. Lâu dài:
Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đề xuất quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long hoặc không có giải pháp xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
8. Về thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
- Các ngành chức năng của tỉnh, Uỷ ban Nhân dân các địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức để các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long biết, thực hiện.
- Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định pháp luật bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long; các giải pháp phòng chống, bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long; đưa tin về những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long; các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long.
- Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đưa giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long vào các cấp học và phát triển đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
9. Về tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với ngành Thuế, Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan liên quan đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh mức thu các loại phí, thuế đối với các hoạt động kinh tế xã hội trên Vịnh và đề xuất việc sử dụng nguồn kinh phí thu được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trên Vịnh phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
- Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan lập kế hoạch quan trắc môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc khuyến khích nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây ảnh hưởng, tác động đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long.
10. Tổ chức thực hiện:
- Các ngành chức năng của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền pháp luật quy định chủ động phối hợp hoạt động với Ban quản lý Vịnh Hạ Long, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và các công việc thuộc ngành mình quản lý; tích cực tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh xây dựng hoàn thiện các qui định để quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh trên Vịnh, xung quanh Vịnh và các hoạt động khác có liên quan đến Vịnh theo hướng phát triển Di sản bền vững, vừa bảo tồn được Di sản, vừa phát huy được giá trị Di sản, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra,thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời những hoạt động không tuân theo qui định, xâm hại đến giá trị của Di sản và môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long. Việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên Vịnh phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không chồng chéo, trùng lặp về nội dung gây, phiên hà, cản trở hoạt động của doanh nghiệp; cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra phải thông báo cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long biết, phối hợp.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên theo dõi, phát hiện các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long, kịp thời thông báo cho các ngành chức năng biết để kiểm tra, xử lý theo quy định.
- Uỷ ban Nhân dân các địa phương có liên quan cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về mọi mặt đối với các hoạt động trên Vịnh, xung quanh Vịnh trong phạm vi địa giới của mình và xử lý nghiêm, triệt để, kịp thời các sai phạm, nhất là các sai phạm về bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan của tỉnh để đảm bảo thống nhất, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long phải nghiêm túc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường khác có liên quan, nếu gây ô nhiễm, gây tổn hại môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long sẽ bị xử lý, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long thì được khen thưởng theo quy định.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, Uỷ ban Nhân dân các địa phương có liên quan khẩn trương xây dựng ngay chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh trong quý II/2006 qua Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để tổng hợp.
Giao Ban Quản lý Vịnh Hạ Long là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành liên quan thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng 1 lần về Uỷ ban Nhân dân tỉnh; chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp định kỳ 6 tháng để kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH |