Nội dung toàn văn Chỉ thị 07/2012/CT-UBND khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn Hậu Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2012/CT-UBND | Vị Thanh, ngày 05 tháng 6 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai và thực hiện tốt các văn bản này, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là hoạt động khuyến công). Trên cơ sở đó đã đạt được một số kết quả nhất định, huy động được các nguồn lực tham gia, tạo điều kiện và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn theo Chương trình khuyến công của UBND tỉnh, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế nhất định như: chưa có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành; tốc độ tăng trưởng công nghiệp nông thôn còn thấp so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn tỉnh, việc huy ñộng các nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thành phố thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Công Thương:
a) Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện tốt hoạt động khuyến công; tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn cho các đối tượng có liên quan để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết, các chương trình, đề án cụ thể trong hoạt động khuyến công;
b) Hướng dẫn các địa phương, các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm;
c) Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động khuyến công để nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công đến cấp cơ sở;
d) Chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng và các đơn vị có liên quan để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện Chương trình khuyến công theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đã được phê duyệt;
đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, lập kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu về công nghiệp nông thôn để cung cấp thông tin cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ quan chức năng và cá nhân cần quan tâm;
e) Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ;
g) Định kỳ (hàng tháng, quý, năm) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai, thực hiện Chương trình khuyến công ở địa phương.
2. Sở Tài chính:
a) Căn cứ Chương trình khuyến công của địa phương đã được phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách của địa phương xem xét, tổng hợp chung vào phương án phân bổ ngân sách địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết nghị;
b) Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra sử dụng kinh phí và quyết toán kinh phí khuyến công theo quy định;
c) Phối hợp Sở Công Thương thẩm định các đề án khuyến công, xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Phối hợp Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có liên quan đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về ưu đãi đầu tư;
b) Xây dựng và trình UBND tỉnh những cơ chế chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn;
c) Cân đối nguồn tài chính bố trí cho việc tổ chức thực hiện Chương trình khuyến công theo kế hoạch hàng năm;
d) Hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn các nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp nông thôn;
đ) Tranh thủ các nguồn kinh phí đóng góp trong và ngoài nước cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở nông thôn về mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Phối hợp Sở Công Thương ưu tiên tuyển chọn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm tại các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn về chuyển giao, cải tiến quy trình công nghệ, các công cụ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định hiện hành;
b) Chủ trì và phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cơ cấu vốn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ cho hoạt động khuyến công.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, gắn với khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh;
b) Tăng cường quản lý các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện;
c) Chủ động phối hợp lập quy hoạch, xây dựng mô hình phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với việc phát triển nông thôn mới.
7. Liên minh Hợp tác xã:
a) Phối hợp với Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các cơ sở, hợp tác xã công nghiệp nông thôn, tham gia tổ chức các cuộc thi tay nghề, thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngành nghề nông thôn;
b) Lập kế hoạch hành động nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò của kinh tế tập thể ở từng địa phương, nhất là hình thành các mô hình kinh tế hợp tác giản đơn.
8. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
a) Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp với Sở Công Thương (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp) xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án khuyến công được phê duyệt trên địa bàn quản lý.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp cùng các Đoàn thể chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý, giám sát việc triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn và có nhiệm vụ khôi phục, phát triển nghề, làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
9. Các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai các đề án khuyến công tại cơ sở cần tranh thủ cơ hội, nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động khuyến công, xây dựng đề án khuyến công phù hợp, thiết thực để hỗ trợ có hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.
10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Giao Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ban, ngành và địa phương phản ánh về Sở Công Thương tổng hợp trình UBND tỉnh nắm, kịp thời chỉ đạo./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |