Chỉ thị 07/CT-UBND

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2011 về việc tăng cường quản lý chất lượng công tác khảo sát, thiết kế xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội do thành phố Hà Nội ban hành

Nội dung toàn văn Chỉ thị 07/CT-UBND tăng cường quản lý chất lượng công tác khảo sát


UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 07/CT-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KHẢO SÁT, THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn, công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công trình và từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều công trình xây dựng khi thi công còn phải dừng lại chờ xử lý, thay đổi giải pháp thiết kế, hoặc thiết kế chưa phù hợp với thực tế gây lãng phí trong công tác đầu tư, khi đưa công trình vào khai thác thì hiệu quả sử dụng không cao, xuống cấp nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình khai thác, sử dụng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do nhận thức về trách nhiệm trong việc quản lý chất lượng công tác khảo sát, thiết kế xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, gồm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn xây dựng cũng như một số cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng còn chưa đầy đủ. Công tác khảo sát chưa thực hiện đúng quy trình khảo sát, số liệu khảo sát chưa phù hợp, chưa đủ số liệu phục vụ cho công tác thiết kế. Công tác thiết kế chưa thực hiện các quy định về kiểm tra các điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, lập và phê duyệt nhiệm vụ phục vụ cho công tác thiết kế; thiết kế không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn không đồng bộ, còn nhiều hạn chế và bất cập, hoặc chưa áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đặc biệt là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, Quy chuẩn về an toàn sinh mạng và sức khỏe, Quy chuẩn về môi trường, Quy chuẩn về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả… Việc xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng khảo sát, thiết kế chưa nghiêm minh, chưa kịp thời làm ảnh hưởng chất lượng công trình xây dựng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, từng bước nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

1.1. Sở Xây dựng Hà Nội, cơ quan giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng trên địa bàn, có trách nhiệm:

a) Hàng năm xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác khảo sát, thiết kế cho các cán bộ, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố. Xây dựng và hướng dẫn quy trình quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế (kèm theo các biểu mẫu) cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng có liên quan tham khảo, áp dụng.

b) Tổ chức xây dựng, hướng dẫn quy trình quản lý, nội dung kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi hoạt động vượt quá điều kiện năng lực hành nghề, hoạt động sai chứng chỉ hành nghề, hoạt động không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ (về lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị), Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ (về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình), Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ (về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng) và các văn bản hướng dẫn. Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các chủ thể hoạt động khảo sát, thiết kế công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố; kế hoạch kiểm tra các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo phù hợp với các quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và hệ thống tiêu chuẩn áp dụng nhằm ngăn ngừa tai nạn, hạn chế các rủi ro cho người sử dụng công trình.

c) Phối hợp với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức việc kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm trong công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng) và các văn bản hướng dẫn.

d) Thường xuyên rà soát, lập danh sách các Công ty tư vấn xây dựng có năng lực và uy tín trong công tác khảo sát, thiết kế để cập nhật định kỳ (6 tháng, 01 năm), thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Nội để các chủ đầu tư có cơ sở chọn lựa tư vấn khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng phù hợp yêu cầu.

e) Chỉ đạo Chánh thanh tra Sở Xây dựng lập kế hoạch thanh tra chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, trong đó có nội dung thanh tra và xử lý các vi phạm trong công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế.

1.2. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Sở Giao thông Vận tải; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm:

a) Hàng năm xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khảo sát, thiết kế, xây dựng các công trình chuyên ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác khảo sát, thiết kế cho các cán bộ, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng các công trình chuyên ngành trên địa bàn.

b) Phối hợp với Sở Xây dựng để thực hiện các Điểm b, c, d tại Mục 1.1 của Chỉ thị này.

c) Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn Thành phố về Sở Xây dựng, để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Xây dựng.

1.3. UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất, có trách nhiệm:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác khảo sát, thiết kế cho các cán bộ, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả giám sát cộng đồng đối với chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

b) Phối hợp với Sở Xây dựng để thực hiện các Điểm b, c, d tại Mục 1.1 của Chỉ thị này.

c) Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn Thành phố về Sở Xây dựng, để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Xây dựng.

2. Chủ đầu tư (hoặc Ban Quản lý dự án được ủy quyền) đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố, có trách nhiệm:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng công trình trong việc khảo sát, thiết kế xây dựng; lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế có tư cách pháp nhân, đủ năng lực chuyên môn và có kinh nghiệm phù hợp theo quy định. Khi thẩm định, phê duyệt hoặc nghiệm thu các sản phẩm khảo sát, thiết kế phải xem xét về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác khảo sát, thiết kế.

b) Tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, nhiệm vụ thiết kế. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng khảo sát, thiết kế xây dựng. Trường hợp không đủ điều kiện năng lực để tự thực hiện công tác giám sát khảo sát xây dựng, phải thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện công tác này, phù hợp với quy định pháp luật.

c) Khuyến khích việc sử dụng các chuyên gia, các đơn vị tư vấn có trình độ cao trong nước, (nếu cần thiết, có thể sử dụng các chuyên gia, các đơn vị tư vấn có trình độ cao ngoài nước) để thực hiện các công tác khảo sát, thiết kế công trình xây dựng; ứng dụng công nghệ có tính chất độc quyền bí quyết riêng, bản quyền sở hữu trí tuệ nhằm mục đích mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cho dự án.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khi thực hiện những nội dung trên, tùy theo tính chất, nội dung dự án chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành xem xét, trình UBND Thành phố cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu.

3. Các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, có trách nhiệm:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn. Trường hợp phát hiện nhiệm vụ khảo sát chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và quy định hiện hành, phải thông báo đến chủ đầu tư để có sự điều chỉnh kịp thời.

b) Chỉ giao việc chủ trì khảo sát, thiết kế cho cá nhân của tổ chức mình nếu người đó có chứng chỉ hành nghề và năng lực hành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật. Tổ chức hệ thống quản lý chất lượng, tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm của từng bộ môn cụ thể đáp ứng các yêu cầu quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, đảm bảo chất lượng, phù hợp nhiệm vụ, các nội dung hợp đồng đã ký với chủ đầu tư trước khi bàn giao cho chủ đầu tư.

c) Nghiên cứu áp dụng hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng hiện hành để đảm bảo chất lượng toàn diện về kỹ thuật, mỹ quan công trình và hiệu quả sử dụng, đặc biệt cho người khiếm thị, người khuyết tật, tiếp cận sử dụng thuận tiện, an toàn sinh mạng, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc áp dụng Tiêu chuẩn và quy trình, quy phạm kỹ thuật thiết kế xây dựng phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng (Quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng).

d) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

đ) Trường hợp nhà thầu khảo sát, tư vấn thiết kế thực hiện không đảm bảo yêu cầu theo hợp đồng; hoặc không đúng nhiệm vụ khảo sát, thiết kế đã được phê duyệt; phát sinh khối lượng thi công do khảo sát, thiết kế sai; sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn tiêu chuẩn về khảo sát,  thiết kế, xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật.

e) Gửi hồ sơ năng lực kèm theo văn bản tự xác định hạng tổ chức tư vấn của mình về Sở Xây dựng theo định kỳ (trước ngày 15/11) hàng năm để Sở Xây dựng xem xét và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Nội, giúp các Chủ đầu tư có cơ sở lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế cho phù hợp.

g) Nghiêm cấm việc mượn, thuê, cho mượn, cho thuê chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng dưới mọi hình thức.

4. Đối với các cơ quan khác có liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng, các chủ thể hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố

a) Cơ quan cấp trên của chủ quản lý, chủ sử dụng công trình có trách nhiệm: Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình không được khảo sát, thiết kế hoặc khảo sát thiết kế không phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình đang sử dụng thuộc phạm vi quản lý; Kịp thời báo cáo Sở Xây dựng, sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành các công trình không đảm bảo an toàn trong việc vận hành, khai thác, sử dụng.

b) Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Quỹ đầu tư phát triển Thành phố có trách nhiệm: Chi chấp nhận thanh toán các hồ sơ khảo sát, thiết kế, giám sát, thẩm tra và thi công xây dựng khi có đủ hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định; chi quyết toán vốn khi hồ sơ thanh toán có biên bản kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Quyết định số 122/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND Thành phố Hà Nội (về việc ban hành Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội).

c) Thanh tra Thành phố, Thanh tra xây dựng các cấp: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, theo dõi xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định tại Chỉ thị này, Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010, Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ.

Yêu cầu Giám đốc các sở, ban ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân tư vấn lập hồ sơ khảo sát, thiết kế, các chủ đầu tư và các Ban Quản lý dự án có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, cần kịp thời phản ánh, đề xuất phương án xử lý về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực TU;
- Thường trực HĐNDTP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Bộ: XD, GTVT, NN&PTNT;
- Các sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã; Ban QL KCN-KCX;
- Đài PT&THHN; Báo HNM, KTĐT, ANTĐ;
- Trung tâm Công báo;
- CVP; PVP, các Phòng chuyên viên;
- Lưu: VT, XDv.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 07/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu07/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành08/04/2011
Ngày hiệu lực18/04/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 07/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 07/CT-UBND tăng cường quản lý chất lượng công tác khảo sát


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 07/CT-UBND tăng cường quản lý chất lượng công tác khảo sát
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu07/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hà Nội
                Người kýPhí Thái Bình
                Ngày ban hành08/04/2011
                Ngày hiệu lực18/04/2011
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật13 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Chỉ thị 07/CT-UBND tăng cường quản lý chất lượng công tác khảo sát

                      Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 07/CT-UBND tăng cường quản lý chất lượng công tác khảo sát

                      • 08/04/2011

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 18/04/2011

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực