Nội dung toàn văn Chỉ thị 08-NN/CT đẩy mạnh công tác chăn nuôi gia súc vụ đông xuân 1967-1968
BỘ NÔNG NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 08-NN/CT | Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 1967 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHĂN NUÔI GIA SÚC TRONG VỤ ĐÔNG XUÂN 1967-1968
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
Vụ đông xuân hàng năm, thường là vụ trâu bò hay bị chết vì đói rét, lợn gà hay bị dịch bệnh giết hại; nhiều nơi lợi dụng tình hình thời tiết và dịch bệnh để lạm sát gia súc. Tình hình đó làm cho đàn gia súc ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng trên nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Đảng và Chính phủ về chăn nuôi gia súc năm 1967, gây cơ sở vững chắc cho việc phát triển nhanh, mạnh đàn gia súc trong các năm tới, Bộ yêu cầu các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành, các khu, ty nông nghiệp thực hiện gấp mấy công tác lớn sau đây:
1. Sau khi hoàn thành cấy lúa mùa, các địa phương cần tổ chức ngay một đợt học tập và tuyên truyền phổ biến sâu rộng từ tỉnh xuống hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Nghị quyết số 62-CP về phát triển chăn nuôi gia súc của Chính phủ ban hành ngày 17/5/1967 (đã đăng báo Nhân dân số 4797 ngày 29/5/1967) để làm cho các cấp, các ngành, mọi cán bộ, nhân dân và xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, vai trò, vị trí của chăn nuôi gia súc, thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, để yên tâm phấn khởi phát triển chăn nuôi làm cho chăn nuôi mau chóng tiến lên cân đối với trồng trọt.
2. Trên cơ sở học tập, nghiên cứu thực hiện Nghị quyết số 62-CP nói trên, tỉnh cần có kế hoạch tổ chức lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan liên hệ kiểm điểm công tác lãnh đạo chỉ đạo chăn nuôi ở địa phương (về mặt chấp hành các chủ trương, chính sách chăn nuôi, về tổ chức đội ngũ và phân công cán bộ chuyên trách công tác chăn nuôi từ tỉnh đến xã, hợp tác xã… ) để có kế hoạch phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, cần có biện pháp chỉ đạo thực hiện từng mặt công tác chăn nuôi thú ý, nhằm giải quyết mấy yêu cầu lớn trước mắt là:
- Làm thế nào để trâu bò không bị chết vì đói rét trong đông xuân tới, gia súc không bị lạm sát.
- Đảm bảo có đủ lợn con nhằm thỏa mãn yêu cầu phát triển chăn nuôi lợn.
- Chặn đứng và dập tắt nhanh gọn các ổ dịch gia súc hiện đang còn lai nhai ở một số nơi; bảo vệ phòng chống dịch tốt trong đông xuân tới. Cụ thể từng mặt công tác là:
A. Về công tác chăn nuôi.
Phải lấy việc giải quyết thức ăn cho gia súc làm trọng tâm.
Kiểm tra đôn đốc việc để 5% đất cho chăn nuôi tập thể, hướng dẫn sử dụng hợp lý, thâm canh cao độ để sản xuất được nhiều thức ăn gia súc chất lượng tốt.
Đẩy mạnh trồng cỏ, cắt cỏ phơi khô dự trữ cho trâu bò vụ đông xuân tới. Tận thu các phụ phẩm công, nông nghiệp, tăng cường chế biến. Sử dụng tốt các công cụ cải tiến và nửa cơ khí đã được trang bị. Nơi nào chưa có các loại công cụ đó thì cần có kế hoạch trang bị kịp thời để giảm bớt sức lao động, tăng năng suất chăn nuôi.
Phát động phong trào chăn vỗ trâu bò sau vụ cấy mùa, tổ chức các đợt thi đua nuôi trâu bò béo sạch, đồng thời giáo dục tư tưởng, chuẩn bị kế hoạch sửa sang chuồng trại, dự trữ đầy đủ thức ăn để phòng chống đói rét cho gia súc. Kiên quyết không để trâu bò, bê, ghé chết rét như các năm trước để có đủ trâu bò cầy bừa vụ chiêm 1967-1968.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra kế hoạch phòng chống bão lụt cho gia súc (nhất là ở những vùng trọng điểm, sung yếu).
B. Về công tác thú y.
Phải lấy công tác phòng bệnh làm chủ yếu kiên quyết không để dịch bệnh gia súc phát sinh và lây lan gây thiệt hại lớn như đông xuân 1966-1967.
Trong tháng 8 năm 1967 các tỉnh đều phải hoàn thành kế hoạch chuẩn bị thuốc men, phương tiện có thể tiêm phòng xong cho gia súc trong tháng 9/1967 đạt tỷ lệ cao. Sang tháng 10/1967 tiếp tục bố trí tiêm vét.
Tập trung lực lượng xây dựng tốt các trạm thú y tỉnh, huyện. Đảm bảo 100% xã có màng lưới thú y, có đủ tủ và túi thuốc thú y.
Nơi hiện nay đang có dịch gia súc lai nhai phải nêu cao quyết tâm dùng mọi biện pháp, tập trung khả năng dập tắt dịch mau chóng.
Có kế hoạch kiểm tra và quản lý tất cả các ổ dịch cũ, phát hiện kịp thời các ổ dịch mới. Nếu có dịch, tập trung lực lượng bao vây, dập tắt mau chóng trong vòng 15 ngày. Kiểm tra tốt công tác vận chuyển, sát sinh, phòng, chống lạm sát. Kiểm tra sít sao việc tiêm phòng đạt tỷ lệ cao hạn chế phí thuốc men.
Đề cao cảnh giác, theo dõi, phát hiện, báo cáo kịp thời và có kế hoạch khẩn trương đối phó với mọi hiện tượng dịch âm mưu dùng chiến tranh côn, vi trùng phá hoại gia súc.
C. Về công tác giống gia súc.
Phải lấy việc đảm bảo cung cấp đủ giống và giống tốt làm trọng tâm để phát triển chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng.
Cần phải nhanh chóng phục hồi, phát triển đàn gia súc cái và đực giống (kể cả lợn và trâu, bò). Đẩy mạnh chăn nuôi lợn nái trong các trại trung tâm của hợp tác xã. Ở vùng lợn nái phải có kế hoạch chú ý giúp đỡ các gia đình xã viên duy trì và phát triển lợn nái được tốt.
Có kế hoạch duy trì, bảo vệ tốt đàn nái cơ bản. Đặc biệt chú trọng đàn nái đã được bình tuyển. Chuẩn bị chu đáo kế hoạch và biện pháp mở rộng diện bình tuyển lợn. Lãnh đạo tốt việc điều hòa phân phối lợn con giống (cả đực và cái) từ nơi thừa đến nơi thiếu (cần có kế hoạch giúp đỡ và hướng dẫn thải loại từng bước lợn nái xấu khi đàn lợn hậu bị chưa đi vào sản xuất để đảm bảo có đủ lợn con phát triển chăn nuôi ở địa phương).
Hướng dẫn và giúp đỡ các hợp tác xã, các gia đình xã viên đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở những nơi có điều kiện.
Kịp thời lấy đực cho trâu bò cái và lợn nái trong vụ thu và đông xuân tới, đảm bảo mọi gia súc cái đều có chửa, gia súc con đẻ ra nuôi được với tỷ lệ cao.
Trên đây là Bộ chỉ nêu những nét chính về các công tác chăn nuôi cần được đẩy mạnh thực hiện trong vụ đông xuân tới. Vụ chăn nuôi, Cục thú y, Cục giống gia súc cần có kế hoạch biện pháp hướng dẫn các địa phương thực hiện từng mặt công tác phù hợp với từng vùng. Mặt khác cần bố trí cán bộ xuống các địa phương kiểm tra giúp đỡ việc thực hiện.
Bộ yêu cầu các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành, các khu,ty nông nghiệp phân công cán bộ chuyên trách công tác trên, báo cáo kế hoạch thực hiện chỉ thị này, báo cáo kịp thời kết quả và kinh nghiệm từng bước công tác để Bộ tập hợp phổ biến chỉ đạo phong trào chung.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |