Chỉ thị 09/2012/CT-UBND tăng cường quản lý nhà nước cơ sở hạ tầng viễn thông đã được thay thế bởi Quyết định 31/2019/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thông tin tỉnh Quảng Ngãi và được áp dụng kể từ ngày 01/01/2020.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 09/2012/CT-UBND tăng cường quản lý nhà nước cơ sở hạ tầng viễn thông
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2012/CT-UBND | Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 5 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật, dịch vụ thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ viễn thông phát triển vượt bậc, xoá dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho chính quyền và người dân ở mọi miền trong tỉnh tiếp cận các dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chưa đầy đủ nên hệ thống hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển thiếu tính tổng thể, đồng bộ và chưa bền vững.
Để phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông hiệu quả, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời giữ được mỹ quan và môi trường, nhất là ở khu vực đô thị, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện các công việc sau:
a) Công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Các đường cáp viễn thông, đường dây thuê bao được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường phố, đường điện để thuận tiện cho việc lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ công trình.
b) Cáp viễn thông, thiết bị viễn thông được phép lắp đặt trong công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật ngầm, phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy-nel kỹ thuật trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực viễn thông phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh.
d) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực viễn thông xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp. Không bắt buộc chuyển mục đích sử dụng đất đối với xây dựng các công trình có quy mô nhỏ và mang tính đặc thù về hạ tầng kỹ thuật ngành viễn thông như: trạm máy; cột dây thông tin; cống, bể cáp; cột ăng-ten.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ một số quy định không còn phù hợp về quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Tham mưu UBND tỉnh xử lý các trạm BTS (trạm thu, phát sóng thông tin di động) đã được đầu tư đưa vào khai thác nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng.
b) Xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh trong năm 2012.
c) Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành quy định về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông có hiệu quả, bảo đảm mỹ quan, môi trường đô thị.
d) Lập kế hoạch chỉnh trang, ngầm hóa và treo lại các mạng cáp viễn thông, phát thanh, truyền hình tại các tuyến phố, khu dân cư, khu đô thị thuộc địa bàn thành phố Quảng Ngãi và trung tâm huyện. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban ngành liên quan trình UBND tỉnh ban hành quy định mức phí đóng góp của các doanh nghiệp để thực hiện hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
e) Lập dự án kêu gọi đầu tư một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (cống, bể cáp; cột ăng ten) tại một số tuyến đường chính và trung tâm đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.... để doanh nghiệp sử dụng chung.
g) Chủ trì thẩm định các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của doanh nghiệp, trình UBND tỉnh phê duyệt.
h) Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác, kiểm tra thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về xây dựng, lắp đặt, sử dụng các công trình viễn thông của các tổ chức, cá nhân, xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.
3. Sở Xây dựng
Tham mưu UBND tỉnh quy định, hướng dẫn đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào các đồ án quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế. Nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có (điểm c, khoản 1 Điều 37 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP) khi lập thiết kế cơ sở các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.
4. Sở Giao thông vận tải
Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có (điểm c, khoản 1 Điều 37 Nghị định số
83/2011/NĐ-CP) khi lập thiết kế cơ sở xây dựng hệ thống cầu, đường.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh quy định việc sử dụng chung hệ thống cột (trong đó có cột điện) để treo cáp điện lực và cáp viễn thông, thông tin đối với những khu vực chưa thể ngầm hóa và không thể bố trí thêm cột tại cùng ví trí.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương về việc sử dụng đất để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được phê duyệt, đối với các vị trí chưa có trong quy hoạch sử dụng đất thì tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất.
7. Sở Tài chính
Căn cứ hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, thực hiện việc kiểm soát và quản lý giá thuê hạ tầng kỹ thuật công cộng để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông theo quy định của pháp luật.
9. Công an tỉnh
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, cố tình cản trở việc chỉnh trang, ngầm hóa, xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông.
10. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi
Căn cứ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được phê duyệt, phối hợp với các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan lập kế hoạch ngầm hóa mạng ngoại vi. Ưu tiên bố trí mặt bằng trong khu Kinh tế, Khu công nghiệp để doanh nghiệp viễn thông xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Phối hợp, triển khai thực hiện kế hoạch chỉnh trang, treo lại và ngầm hóa các mạng cáp viễn thông, thông tin tại khu vực đô thị trên địa bàn, đặc biệt là tại thành phố Quảng Ngãi.
b) Đối với các huyện, thành phố đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt, phải tiến hành bổ sung quy hoạch xây dựng ngầm hóa mạng cáp viễn thông, thông tin phù hợp theo yêu cầu thực tế của mỗi địa phương.
12. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh
a) Xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Lập kế hoạch, lộ trình để triển khai ngầm hóa các mạng cáp viễn thông và xây dựng các trạm BTS đến năm 2015 thông qua Sở Thông tin và Truyền thông thẩm tra, thẩm định.
c) Khi đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông tại các tuyến đường mới trong đô thị, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu đô thị mới phải thực hiện xây dựng ngầm 100% mạng cáp, ngoại trừ những trường hợp đặc thù khách quan.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp và tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Giao Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh khi có vướng mắc phát sinh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |