Nội dung toàn văn Chỉ thị 09/BXD-TCLĐ 1997 thực hiện 28/CP quản lý tiền lương thu nhập doanh nghiệp Xây dựng
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/BXD-TCLĐ | Hà nội, ngày 16 tháng 07 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 28/CP NGÀY 28 - 3 - 1997 CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG, THU NHẬP TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CỦA NGÀNH XÂY DỰNG
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập đối với người lao động, đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về cải tiến, đổi mới chế độ tiền lương nhằm từng bước nâng cao mức sống cho người lao động. Trong ngành Xây dựng, Chính quyền và Công đoàn các cấp cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề lao động tiền lương. Hầu hết các đơn vị đã có những biện pháp tích cực đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, kết hợp với mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức lại sản xuất và lao động để thích ứng với cơ chế thị trường; khai thác và đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho người lao động. Tuy nhiên, do chế độ và cơ chế quản lý lao động tiền lương tại các doanh nghiệp được áp dụng như khu vực Hành chính sự nghiệp nên tiền lương và thu nhập của người lao động chưa thực sự là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển. Việc áp dụng mức lương cơ bản thấp; hệ thống định mức lao động chưa hợp lý, lạc hậu; đơn giá tiền lương lập thiếu căn cứ chuẩn xác; cơ chế kiếm tra, kiểm soát, điều tiết của các cơ quan quản lý chưa thực hiện được đồng bộ... đã làm cho tiền lương, thu nhập của người lao động không đủ bù đắp tái sản xuất sức lao động; đồng thời tiền lương, thu nhập giữa các ngành, các loại hình doanh nghiệp, các đơn vị trong cùng ngành nghề còn chênh lệch khá cao; dẫn đến tiền lương, thu nhập của người lao động chưa gắn với kết qủa sản xuất kinh doanh, không đảm bảo công bằng xã hội.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/CP ngày 28/3/1997 về đổi mới tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp nhà nước. Để triển khai thi hành Nghị định 28/CP của Chính phủ đạt kết qủa tốt và phù hợp với tình hình đặc điểm của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các doanh nghiệp trong Ngành khẩn trương tiến hành các nội dung công tác cụ thể sau đây:
1. Tổ chức quán triệt Nghị định 28/CP ngày 28 tháng 3 năm 1997 của chính phủ, các thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các văn bản của Bộ Xây dựng đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ nghiệp vụ trong doanh nghiệp để thống nhất về quan điểm, nhận thức và yêu cầu về công tác quản lý lao động tiền lương trong giai đoạn hiện nay; từ đó đề ra các biện pháp thiết thực nhằm đưa công tác này tại cơ sở đi vào nề nếp, góp phần thực hiện tốt Bộ Luật Lao động và Luật doanh nghiệp nhà nước.
2. Rà soát hệ thống định mức lao động đang áp dụng; xây dựng mới hoặc bổ sung đối với những sản phẩm chưa có định mức hoặc những định mức đã lạc hậu cho phù hợp với công nghệ sản xuất, làm cơ sở để xây dựng đơn giá tiền lương và trả lương gắn với năng suất, chất lượng, hiệu qủa lao động của từng người.
Việc xây dựng, xét duyệt định mức lao động thực hiện theo nguyên tắc, phương pháp và quy trình tại thông tư số 14/LĐTBXH - TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau khi định mức lao động được xét duyệt, đưa vào sử dụng; doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý cấp trên (nếu là doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Tổng Công ty) hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu là doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng do các Sở địa phương quản lý).
3. Xây dựng đơn giá tiền lương trình cấp trên xét duyệt theo hướng dẫn tại thông tư số 13/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Khi xây dựng đơn giá tiền lương, các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các bước sau đây:
a. Xác định nhiệm vụ năm kế hoạch để xây dựng đơn giá tiền lương:
Nhiệm vụ năm kế hoạch có thể xác định theo các chỉ tiêu sau đây:
- Tổng doanh thu (hoặc tổng doanh số); - Lợi nhuận; - Tổng sản phẩm (kể cả sản phẩm quy đổi) bằng hiện vật; - Tổng thu trừ (-) tổng chi (trong tổng chi không có lương).
Đối với doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, để đảm bảo sát với tình hình thực tế, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; chọn chỉ tiêu tổng doanh thu hoặc lợi nhuận, vì các chỉ tiêu này phản ánh thực chất hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu qủa kinh tế của đơn vị.
b. Xác định qũy lương kế hoạch để xây dựng đơn giá tiền lương; bao gồm:
- Xác định lao động định biên: Lao động định biên được xác định trên cơ sở định mức lao động tổng hợp cho đơn vị sản phẩm hoặc số lao động theo định biên cho các công đoạn sản xuất, các bộ môn quản lý và các bộ phận phục vụ.
- Xác định mức lương tối thiểu: Kể từ ngày 1/1/1997 mức lương tối thiểu chung do Nhà nước công bố là 144.000 đồng/tháng. Tùy các điều kiện cụ thể đạt được theo quy định, các doanh nghiệp được tính hệ số điều chỉnh tăng thêm không qúa 1,5 lần mức lương tối thiểu chung; nói cách khác các doanh nghiệp có thể xác định mức lương tối thiểu từ 144.000 đồng đến 360.000 đồng/tháng.
- Xác định các thông số tiền lương theo chế độ hiện hành, gồm: hệ số lương cấp bậc công việc bình quân; hệ số các khoản phụ cấp lương bình quân được tính trong đơn giá tiền lương theo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện sản xuất, tổ chức quản lý và địa bàn hoạt động của đơn vị.
- Xác định qũy tiền lương của viên chức quản lý:
Qũy tiền lương này được xác định trên cơ sở số lao động định biên được cấp có thẩm quyền quy định; hệ số lương cấp bậc, chức vụ được xếp, các khoản phụ cấp theo chế độ và mức lương tối thiểu do doanh nghiệp đã lựa chọn.
Trên cơ sở các thông số nêu trên, doanh nghiệp xác định qũy tiền lương năm kế hoạch để xây dựng đơn giá tiền lương.
- Xây dựng đơn giá tiền lương:
Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng và kinh doanh, dịch vụ khác có thể trực tiếp áp dụng theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp xây lắp, khảo sát, tư vấn xây dựng, quản lý công trình đô thị sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của ngành xây dựng.
Việc tổ chức xây dựng và xét duyệt đơn giá tiền lương đối với các doanh nghiệp phải hoàn thành trong qúy III năm 1997.
4. Xác định đầy đủ, chính xác tổng qũy tiền lương năm kế hoạch của doanh nghiệp gồm: tổng qũy tiền lương để lập đơn giá tiền lương; các khoản phụ cấp lương và các chế độ khác (nếu có) chưa tính trong đơn giá tiền lương; qũy tiền lương bổ sung và qũy tiền lương làm thêm giờ (các loại qũy này đều tính cho năm kế hoạch và các chế độ theo quy định của Bộ Luật lao động).
5. Xây dựng quy chế phân phối tiền lương, thu nhập trình cấp trên xét duyệt và tổ chức thực hiện việc phân phối nội bộ theo quy chế đã được duyệt. Trong qúa trình xây dựng và tổ chức thực hiện, quy chế này phải có sự tham gia, thống nhất của Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp.
6. Lập sổ lương đối với cá nhân người lao động trên cơ sở sổ lương của doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 238/LĐTBXH - QĐ ngày 08/4/1997 và thông tư hướng dẫn số 15/LĐTBXH - TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công khai việc trả lương, thu nhập cho người lao động thông qua ký kết hợp đồng lao động đối với từng người, phù hợp với thỏa ước lao động tập thể đã đăng ký lại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương.
7. Nghiêm cấm việc sử dụng hình thức hợp đồng lao động bằng miệng đối với những người phải bố trí làm việc có thời hạn, làm việc ổn định gắn với công trình xây lắp hoặc công đoạn sản xuất sản phẩm, nhằm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động.
8. Tổ chức lại và củng cố bộ phận chuyên trách làm công tác lao động tiền lương của doanh nghiệp, bố trí và bồi dưỡng cán bộ có đủ trình độ nghiệp vụ, chuyên môn để thực hiện được nhiệm vụ theo yêu cầu quản lý mới.
Trước mắt, ở các Tổng Công ty và các doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc Bộ quản lý cần tổ chức bộ phận chuyên trách lao động tiền lương trong phòng Tổ chức lao động - tiền lương do đồng chí trưởng hoặc phó phòng trực tiếp phụ trách và một số cán bộ nghiệp vụ giúp việc. ở các doanh nghiệp còn lại, cần bố trí cán bộ chuyên trách có nghiệp vụ về lao động tiền lương để giúp thủ trưởng đơn vị quản lý công tác.
9. Giao cho Vụ Tổ chức lao động chủ trì có sự tham gia của Vụ Tài chính - Kế toán, Viện Kinh tế Xây dựng và phối hợp với Công đoàn Xây dựng Việt Nam hướng dẫn các doanh nghiệp trong Ngành thi hành tốt chỉ thị này; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra; thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành.
| BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |