Nội dung toàn văn Chỉ thị 10/CT-UBND phát triển trung tâm học tập cộng đồng xã phường thị trấn Quảng Bình 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Quảng Bình, ngày 17 tháng 06 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH VÀ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là cơ sở giáo dục thường xuyên, được thành lập tại xã, phường, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện việc phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật đến với mọi người dân để phát triển nguồn nhân lực, cải thiện đời sống và phát triển cộng đồng, góp phần thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.
Trong những năm qua, hệ thống TTHTCĐ trong toàn tỉnh đã từng bước được kiện toàn và hoạt động khá hiệu quả. Hàng năm, các TTHTCĐ đã tổ chức được hàng trăm chuyên đề khác nhau về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội với hàng chục ngàn lượt người tham gia, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại các địa phương và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, bộ máy quản lý và tổ chức hoạt động của TTHTCĐ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động, giáo viên và báo cáo viên còn thiếu; một số TTHTCĐ hoạt động mang tính hình thức hoặc không có điều kiện tổ chức hoạt động; tài liệu học tập chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân; nguồn thu chưa được khai thác để tổ chức hoạt động; cơ sở vật chất thiếu, chưa tận dụng triệt để cơ sở vật chất sẵn có của địa phương; việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và tranh thủ các dự án để tổ chức các chuyên đề chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cộng đồng ở địa phương hiệu quả chưa cao; các chuyên đề gắn với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện tốt các công việc cụ thể sau:
1. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội về sự cần thiết phải phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ban hành hệ thống văn bản quản lý chỉ đạo, tiếp tục thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ.
- Nghiên cứu mô hình “Câu lạc bộ học tập cộng đồng” thôn, bản, tổ dân phố đã có hiện nay để tham mưu cho UBND tỉnh về định hướng và cơ chế chính sách nhằm nhân rộng và phát triển mô hình này;
- Phối hợp với Hội khuyến học đẩy mạnh Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở xây dựng “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”;
- Phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng điểm mô hình TTHTCĐ kết hợp với Trung tâm Văn hóa - thể thao cấp xã và tổ chức hoạt động có hiệu quả. Tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng những mô hình hoạt động có hiệu quả.
3. UBND và Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị, thành phố
- UBND cấp huyện chỉ đạo ngành tài chính và UBND cấp xã theo phân cấp ngân sách hàng năm, bố trí đủ kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ theo Thông tư 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính;
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng mạng lưới giáo viên, báo cáo viên để thực hiện nhiệm vụ tại các TTHTCĐ theo Quyết định hợp nhất số 10/VBHN-BGDĐT ngày 14/3/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ tại xã, phường, thị trấn;
- Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND cấp huyện căn cứ nhu cầu thực tế và nguồn lực giáo viên của địa phương để bố trí giáo viên trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở làm việc tại TTHTCĐ theo quy định tại Điểm 3, Điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ tại xã, phường, thị trấn được ban hành theo Quyết định hợp nhất số 10/VBHN-BGDĐT ngày 14/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các TTHTCĐ trong và ngoài địa bàn nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ;
- Giao cho TTGD-DN các huyện, thị, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học tập, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các TTHTCĐ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, công nghệ, dạy nghề… từ nguồn kinh phí các chương trình, dự án.
4. Các cơ quan, ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội căn cứ chức năng quản lý của ngành và trách nhiệm được phân công trong Kế hoạch thực hiện “Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để có các biện pháp hỗ trợ TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
5. Các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời đưa tin, bài về những tổ chức, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp trong phát triển TTHTCĐ và những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong cộng đồng.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |