Chỉ thị 100-CT/TW

Chỉ thị 100-CT/TW năm 1981 về Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp" do Ban Bí thư ban hành

Nội dung toàn văn Chỉ thị 100-CT/TW 1981 Cải tiến công tác khoán mở rộng sản phẩm đến nhóm lao động hợp tác xã nông nghiệp


BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 100-CT/TW

Ngày 13 Tháng 1 Năm 1981

 

CHỈ THỊ

"CẢI TIẾN CÔNG TÁC KHOÁN, MỞ RỘNG “KHOÁN SẢN PHẨM ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG” TRONG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP",

Do yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống và nâng cao hiệu quả kinh tế, gần đây, nhiều hợp tác xã (kể cả hợp tác xã tiên tiến và khá) đã dùng hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” đối với nhiều loại cây trồng (kể cả cây lúa), đối với chăn nuôi và đối với các ngành nghề khác. Hình thức khoán mới này đã bước đầu phát huy tác dụng tích cực. Nhưng vì chưa có sự chỉ đạo và hướng dẫn thống nhất, một số hợp tác xã có những sai sót, lệch lạc khi thực hiện.

Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12-1980) đã quyết định “mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Để thực hiện chủ trương đó và kịp thời phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục các nhược điểm, uốn nắn những sai sót, lệch lạc trong công tác khoán, Ban bí thư yêu cầu các cấp, các ngành thống nhất nhận thức và hành động, chấp hành tốt những quy định dưới đây :

I - NẮM VỮNG MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CẢI TIẾN CÔNG TÁC KHOÁN :

a) Công tác khoán cũng như các mặt khác trong công tác quản lý của hợp tác xã nông nghiệp phải đạt được mục đích : bảo đảm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng suất lao động, sử dụng tốt đất đai và các cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất; củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của xã viên, tăng tích lũy của hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ và không ngừng tăng khối lượng nông sản cung ứng cho Nhà nước.

b) Nhằm mục đích đó, phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây :

1- Hợp tác xã nông nghiệp phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, trước hết là ruộng đất, sức kéo, phân bón, các công cụ và các cơ sở vật chất- kỹ thuật của tập thể.

2- Hợp tác xã phải tổ chức tốt việc quản lý và điều hành lao động, phát huy tính hơn hẳn của sự hiệp tác có phân công, đồng thời kích thích được tính tích cực lao động của tập thể xã viên và của từng người lao động trên cơ sở làm cho mọi người quan tâm và gắn bó với kết quả cuối cùng của sản xuất.

3- Hợp tác xã phải có quy hoạch và kế hoạch phù hợp với quy vùng sản xuất và kế hoạch sản xuất của huyện, có quy trình sản xuất và có định mức kinh tế - kỹ thuật ngày càng tiến bộ; các đơn vị nhận khoán phải làm đúng những quy định ấy của hợp tác xã.

4- Hợp tác xã phải nắm được sản phẩm để bảo đảm việc phân phối sản phẩm kết hợp được đúng đắn và hài hoà ba lợi ích (lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của người lao động) và thực hiện tốt việc phân phối theo lao động cho xã viên.

5- Phát huy quyền tự chủ của hợp tác xã và quyền làm chủ tập thể của xã viên, khắc phục tệ mạnh lệnh, gò ép, trái với nguyên tắc “tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ”.

c) Để thực hiện mục đích, nguyên tắc nêu trên phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, phương hướng chủ yếu để cải tiến công tác khoán trong hợp tác xã nông nghiệp là : khuyến khích hơn nữa lợi ích chính đáng của người lao động và làm cho mọi người tham gia các khâu trong quá trình sản xuất và quản lý của hợp tác xã đều thực sự gắn bó với sản phẩm cuối cùng, do đó mà đưa hết nhiệt tình và khả năng ra lao động sản xuất và xây dựng, củng cố hợp tác xã.

II- CẢI TIẾN CÁC HÌNH THỨC KHOÁN, MỞ RỘNG “KHOÁN SẢN PHẨM”.

Căn cứ vào mục đích, nguyên tắc và phương hướng nêu trên, cần hoàn chỉnh hơn nữa chế độ “ba khoán” có thưởng, phạt công minh của hợp tác xã đối với đội sản xuất (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản phẩm). Đồng thời, phải cải tiến mạnh mẽ các hình thức khoán của đội sản xuất đối với xã viên:

1- Đội sản xuất khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động (gọi tắt là khoán sản phẩm) là một hình thức quản lý sản xuất và trả công lao động có gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động với sản phẩm cuối cùng một cách trực tiếp. Nó phát huy được mạnh mẽ tính tích cực, tự giác của xã viên, lôi cuốn mọi người tăng thêm công sức (kể cả lao động phụ ), chủ động tận dụng đất đai, phân bón, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận thu mùa màng, đưa đến tăng năng suất, sản lượng thu hoạch và nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của xã viên, tăng tích luỹ của hợp tác xã và làm cho hợp tác xã thực hiện tốt hơn nghĩa vụ nông sản đối với Nhà nước.

Việc thực hiện đúng đắn hình thức “khoán sản phẩm” còn có tác dụng tích cực củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, củng cố chế độ làm chủ tập thể, tinh giản bộ máy quản lý hợp tác xã, đồng thời thúc đẩy việc tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp.

Tuy nhiên, hình thức “khoán sản phẩm” này mới phát triển, kinh nghiệm chưa nhiều và chưa được tổng kết đầy đủ, nên còn có những điểm chưa hoàn thiện. Mặt khác, nếu không chỉ đạo chặt chẽ, thì cũng dễ phạm các khuyết điểm, như : “khoán trắng”, giao ruộng đất cho xã viên sử dụng một cách manh mún, tập thể buông lỏng quản lý lao động, sức kéo, phân bón và khó nắm chắc được sản phẩm, v.v…

Qua bước đầu tổng kết tình hình thực tế, cần mạnh dạn mở rộng việc thực hiện hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong các hợp tác xã nông nghiệp (kể cả hợp tác xã tiên tiến), đối với các cây trồng (kể cả cây lúa), chăn nuôi và ngành nghề khác của hợp tác xã, đồng thời phải chỉ đạo chặt chẽ để làm tốt và không ngừng hoàn thiện hình thức khoán này; chấm dứt các hiện tượng “cấp trên ngăn cấm, cấp dưới làm chui”, buông trôi lãnh đạo, ngăn ngừa tình trạng làm ồ ạt, thiếu chuẩn bị; kiên quyết xoá bỏ và ngăn chặn tình trạng “khoán trắng”.

Đối với các hợp tác xã ở miền núi, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở miền nam, Bộ Nông nghiệp cùng với các tỉnh nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các hình thức khoán cho sát hợp; riêng về hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, thì cần làm thử, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng.

Để thực hiện đúng đắn việc khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động, trước hết cần tổ chức tốt sự hiệp tác và phân công lao động trong hợp tác xã và trong từng đội sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, quy trình sản xuất và các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được xác định, hợp tác xã và đội phải trực tiếp tổ chức chu đáo lao động trong các đội, tổ chuyên khâu để làm những khâu công việc quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gắn với việc sử dụng các cơ sở vật chất – kỹ thuật chung mà nếu giao cho từng người lao động tự đảm nhiệm, thì hiệu quả thấp hơn hoặc gây thêm phức tạp cho công tác quản lý (như : làm đất, thủy nông, giống mạ, quản lý và phân phối phân bón, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng). Trong những khâu này, hợp tác xã và đội phải tổ chức khoán việc cho từng người lao động trong đội, tổ chuyên khâu để nâng cao trách nhiệm, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Đối với những khâu công việc dựa vào cách làm thủ công mà lao động của từng người có thể làm tốt (như cây trồng, chăm sóc, thu hoạch), thì đội giao cho nhóm lao động hoặc người lao động đảm nhiệm.
Cần hoàn chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý của hợp tác xã, của đội sản xuất và việc xác định mức khoán hợp lý. Để định mức khoán hợp lý của hợp tác xã cho đội và của đội cho nhóm lao động hay người lao động, phải căn cứ vào diện tích, độ phì nhiêu và năng suất bình quân của từng loại ruộng đất, điều kiện lao động và yêu cầu về chi phí sản xuất trên từng diện tích, đồng thời phải được xã viên thảo luận dân chủ. Mức khoán hợp lý phải vừa bảo đảm được lợi ích của hợp tác xã và của đội sản xuất, vừa đảm bảo được lợi ích của người lao động, nâng cao thu nhập của xã viên bằng cách tăng sản lượng và tăng giá trị ngày công là chủ yếu, đồng thời có thu nhập bổ sung bằng thưởng vượt mức khoán.

Đi đôi với việc cải tiến tổ chức lao động, cần cải tiến chế độ phân phối thu nhập, làm cho mọi người tham gia các khâu trong quá trình sản xuất và công tác quản lý gắn bó chặt chẽ với kết quả sản xuất cuối cùng. Muốn vậy, ngoài việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức khoán cho đúng, hợp tác xã và đội sản xuất phải dân chủ bàn bạc với xã viên để quyết định chế độ thưởng, phạt công bằng đối với mọi người, trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất.

Phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất của tập thể, không được phân tán ruộng đất, phân tán cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã và làm suy yếu kinh tế tập thể.

Phải kiên quyết ngăn ngừa và khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho xã viên. Không được giao ruộng đất cho xã viên tự ý sử dụng; không giao cho từng cá nhân xã viên tự đảm nhiệm toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.

Phải có kế hoạch sử dụng tốt cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã, không được vì “khoán sản phẩm” cho xã viên mà để lãng phí, hư hỏng.

Tổ chức tốt việc giao diện tích ruộng đất cho đội sản xuất, cho nhóm và cho người lao động sử dụng để thực hiện sản lượng khoán, tránh để đồng ruộng bị chia cắt manh mún, gây trở ngại cho việc sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Khi diện tích giao khoán cho người lao động được phân bố hợp lý, thì có thể ổn định trong vài ba năm để xã viên yên tâm thâm canh trên diện tích đó. Về mức sản lượng giao khoán, cần xem xét hàng năm cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.

Phải có biện pháp tổ chức thật tốt khâu thu hoạch để tập thể nắm chắc được sản phẩm, bảo đảm được yêu cầu phân phối theo đúng nguyên tác đã quy định.

Hợp tác xã phải xây dựng nội quy tiến hành “khoán sản phẩm cho nhóm lao động và người lao động”, định rõ trách nhiệm của tập thể đối với người lao động, trách nhiệm của người lao động đối với tập thể và có biện pháp tổ chức thực hiện tốt nội quy đó để bảo đảm việc áp dụng hình thức “khoán sản phẩm” theo đúng mục đích và nguyên tắc đã nêu.

2- Hình thức đội sản xuất khoán việc cho nhóm lao động và người lao động, (gọi tắt là khoán việc) ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của xã viên đối với từng việc được giao khoán và gián tiếp gắn với sản phẩm cuối cùng. Một số hợp tác xã đã xây dựng được nền nếp quản lý theo cách khoán này, không ngừng nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, ý thức tập thể của xã viên, và đã đạt được thành tích, tiến bộ trong việc phát triển sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ở hợp tác xã nào, đối với quy trình sản xuất nào mà cán bộ và xã viên thực sự tán thành cách khoán này, thì cần tổ chức thực hiện cho tốt hơn, đúc kết kinh nghiệm, nhằm phát huy mặt tích cực và khắc phục các nhược điểm của nó, như : xã viên chưa thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình gắn bó trực tiếp với sản phẩm cuối cùng nên dễ chạy theo công điểm, ít quan tâm đến chất lượng công việc; việc kiểm tra, nghiệm thu công việc khó bảo đảm được yêu cầu về chất lượng; bộ máy quản lý nặng nề, v.v…

3- Phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc trong việc chỉ đạo công tác khoán và để cho hợp tác xã vận dụng linh hoạt các hình thức khoán. Tuỳ theo đặc điểm sản xuất của từng cây, con, ngành nghề và tuỳ theo điều kiện của từng nơi, các hợp tác xã có thể vận dụng hình thức này, hình thức khác hoặc vận dụng đồng thời cả hai hình thức khoán để bổ sung cho nhau. Các cấp bộ Đảng và chính quyền phải tôn trọng quyền tự chủ của hợp tác xã trong việc lựa chọn hình thức khoán trên cơ sở tổ chức thảo luận dân chủ trong xã viên và trong đại hội đại biểu xã viên.

III – TĂNG CƯỜNG SỰ CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

- Phổ biến sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân chủ trương của Trung ương Đảng đối với công tác khoán, để mọi cán bộ, đảng viên và nông dân xã viên hiểu thấu đáo và làm đúng. Đối với hình thức mới về “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, cấp trên phải tạo điều kiện và hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị cơ sở và quần chúng thực hiện tốt.

Căn cứ vào chỉ thị này, Bộ Nông nghiệp phải ban hành sớm văn bản hướng dẫn cụ thể. Phải đặc biệt chú trọng hướng dẫn chu đáo những biện pháp về bảo vệ và sự dụng tốt ruộng đất và cơ sở vật chất – kỹ thuật chung của hợp tác xã, về cách giao ruộng đất cho xã viên sử dụng để thực hiện sản lượng khoán, tránh tình trạng chia cắt manh mún đồng ruộng, v.v… Qua từng bước sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, cần kịp thời bổ sung, hướng dẫn các hình thức “khoán sản phẩm” ngày càng hoàn chỉnh thêm.

- Các cấp tỉnh, huyện phải chú trọng phát huy quyền làm chủ tập thể của các hợp tác xã và xã viên, mở rộng quyền chủ động trong sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về quản lý của hợp tác xã, hướng dẫn hợp tác xã xây dựng những quy định cụ thể của hợp tác xã, của đội sản xuất trong công tác khoán; đồng thời phải kiểm tra chặt chẽ để kịp thời phát huy các mặt tích cực, uốn nắn các lệch lạc, kiên quyết ngăn ngừa và khắc phục mọi hiện tượng “khoán trắng” ở đơn vị cơ sở.

Đặc biệt quan tâm củng cố các hợp tác xã yếu kém, tạo những điều kiện cần thiết cho các hợp tác xã đó làm tốt việc cải tiến công tác khoán.

- Để củng cố hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng huyện nói chung, cũng như để cho cấp huyện chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện tốt công tác khoán nói riêng, tỉnh ủy, thành ủy phải đặc biệt chú trọng kiện toàn cấp huyện, nhất là các huyện thuộc các vùng trọng điểm sản xuất lương thực, sản xuất các nông sản hàng hoá; củng cố kịp thời bộ máy của các huyện yếu, kém. Các ngành ở tỉnh, ở Trung ương có liên quan tới việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp (như các ngành : nông nghiệp, thủy lợi, công nghiệp thực phẩm, điện, vật tư, thu mua, v.v…) phải cải tiến công tác của ngành mình để phục vụ tốt các hợp tác xã.

- Bộ Nông nghiệp phải nghiên cứu sửa đổi tổ chức, bộ máy quản lý hợp tác xã cho phù hợp với việc cải tiến công tác khoán, đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của cán bộ hợp tác xã. Cấp tỉnh và huyện phải kịp thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là đội trưởng, về cách quản lý, về các hình thức khoán, nhất là cách “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”.

- Phải thường xuyên chăm lo công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa của cán bộ, đảng viên và nông dân xã viên; tổ chức phong trào thi đua với khí thế cách mạng sôi nổi, nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

- Các hoạt động tuyên truyền đối với công tác khoán, đặc biệt là hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, cần được tiến hành đúng mức; chú ý giới thiệu những kinh nghiệm cụ thể nhằm phát huy mặt tích cực, kịp thời khắc phục những thiếu sót và lệch lạc.

Từ nay, trong văn bản cũng như trong công tác tuyên truyền, cần thống nhất tên gọi các hình thức khoán như trong chỉ thị này.

Chỉ thị này cần được thảo luận rộng rãi để quán triệt trong các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn và các hợp tác xã nông nghiệp. Các tỉnh ủy, thành ủy phải có kế hoạch phổ biến và chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị này cho sát với tình hình địa phương. Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Ban bí thư

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Thanh Nghị

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 100-CT/TW

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu100-CT/TW
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/01/1981
Ngày hiệu lực13/01/1981
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 100-CT/TW

Lược đồ Chỉ thị 100-CT/TW 1981 Cải tiến công tác khoán mở rộng sản phẩm đến nhóm lao động hợp tác xã nông nghiệp


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 100-CT/TW 1981 Cải tiến công tác khoán mở rộng sản phẩm đến nhóm lao động hợp tác xã nông nghiệp
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu100-CT/TW
                Cơ quan ban hànhBan Bí thư
                Người kýLê Thanh Nghị
                Ngày ban hành13/01/1981
                Ngày hiệu lực13/01/1981
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Chỉ thị 100-CT/TW 1981 Cải tiến công tác khoán mở rộng sản phẩm đến nhóm lao động hợp tác xã nông nghiệp

                            Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 100-CT/TW 1981 Cải tiến công tác khoán mở rộng sản phẩm đến nhóm lao động hợp tác xã nông nghiệp

                            • 13/01/1981

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 13/01/1981

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực