Nội dung toàn văn Chỉ thị 11/CT-UBND 2018 thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới Hải Phòng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 08 tháng 05 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2018-2020 THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố (Chương trình) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố chung sức, đồng lòng, tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện. Chương trình đã trở thành phong trào rộng lớn khắp toàn thành phố, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện. Đến nay, toàn thành phố đã có 74 xã/139 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 53%), trong đó có 70 xã được công nhận đạt chuẩn, huyện Cát Hải cơ bản hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới; bình quân các xã trên địa bàn thành phố đạt 16,45 tiêu chí. Chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn với cách làm mới đã hoàn thành 3.139 km đường giao thông các loại. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo hướng đồng bộ. Cơ cấu kinh tế-nông thôn chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn được tăng cường, củng cố, dân chủ được phát huy, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh, an ninh, an toàn xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế: Các Đề án, quy hoạch nông thôn mới chậm điều chỉnh, bổ sung, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, thiếu biện pháp khả thi khắc phục, xử lý; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn chưa hiện đại, bền vững; đời sống người dân nông thôn tuy đã được cải thiện, nhưng còn khó khăn; nếp sống văn minh, văn hóa mới trong nông thôn chuyển biến còn chậm; nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới còn lớn, chậm xử lý.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến trước năm 2020 có 100% số xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đến hết năm 2020 có 100% số huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, trong đó năm 2018 có thêm 15 xã và năm 2019 có thêm 50 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các huyện trong năm 2018
1.1. Nhiệm vụ chung
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các văn bản chỉ đạo Trung ương và Thành phố, các ngành có trách nhiệm cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện (qua Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thành phố để tổng hợp, theo dõi). Thời gian hoàn thành trước 30/5/2018.
1.2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai xây dựng Thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao; chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
- Chủ trì tham mưu đề xuất triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất giai đoạn, hàng năm, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các khu, vùng sản xuất hàng hóa nông sản có gắn nhãn truy xuất nguồn gốc, có liên kết tiêu thụ, gắn với xây dựng Thôn nông thôn mới kiểu mẫu, với mục tiêu hàng năm mỗi huyện có từ 1 - 2 khu và 2 - 3 vùng.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng nông thôn mới theo quy định.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai thủ tục đầu tư các dự án xây dựng nông thôn mới theo quy định; thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.
- Chủ trì, cùng Sở Tài chính tham mưu đề xuất nguồn vốn đầu tư công hàng năm cho Chương trình để thực hiện hoàn thành 100% số xã và 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
- Chủ trì tham mưu, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, điều hành để giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
c) Sở Tài chính:
Căn cứ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện Chương trình giai đoạn, hàng năm theo quy định.
d) Sở Xây dựng:
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, tham mưu triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.
- Chủ trì, cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn của xã mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Chủ trì tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lập quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định.
- Chủ trì đề xuất phương án xây dựng các khu xử lý rác thải nông thôn tập trung.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng nông thôn mới theo quy định.
e) Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì ban hành Kế hoạch và hướng dẫn triển khai mỗi xã hoặc cụm xã có ít nhất 01 tuyến đường kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp, ưu tiên kết nối với các thôn xây dựng Thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông khu vực nông thôn đảm bảo đồng bộ, hiện đại, bền vững.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng nông thôn mới theo quy định.
f) Sở Văn hóa và Thể thao:
Chủ trì xây dựng và hướng dẫn Kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm văn hóa - thể thao xã, Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, phấn đấu xây dựng mỗi xã có Trung tâm văn hóa - thể thao xã và 01 nhà văn hóa - khu thể thao thôn hoạt động hiệu quả, chất lượng, tiêu biểu.
g) Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố:
- Tổng hợp, lập sổ nhật ký theo dõi tiến độ thực hiện các hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, có biện pháp đôn đốc, quản lý tiến độ đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2018; định kỳ hàng tháng, báo cáo Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân thành phố.
- Rà soát, tổng hợp, xây dựng Bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện Chương trình trên địa bàn thành phố.
- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, các kỹ năng về thực hiện xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cấp huyện, xã, thôn. Tổ chức công tác thông tin truyền thông về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì giao ban hàng tháng với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới cấp huyện.
- Định kỳ hàng tháng (tuần cuối của tháng), chuẩn bị nội dung, đề xuất tham mưu họp Ban Chỉ đạo thành phố.
h) Ủy ban nhân dân các huyện:
- Tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu năm 2018, thành phố có thêm tối thiểu 15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đến hết năm 2019, 100% số xã cơ bản hoàn thành xã nông thôn mới.
- Căn cứ các nội dung tại Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 04/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2020 khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, các cơ quan liên quan rà soát thực trạng đạt được của các tiêu chí và thường xuyên cập nhật kết quả tiêu chí theo Bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giai đoạn và hàng năm trên địa bàn, trong đó có nội dung củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của các xã đã đạt chuẩn (đặc biệt là các xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2011 - 2015).
- Quản lý sử dụng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai Chương trình đảm bảo đúng quy định, tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải gây lãng phí, thất thoát nguồn lực; xây dựng phương án bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các xã xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới, các công trình thuộc tiêu chí huyện nông thôn mới.
- Tập trung triển khai xây dựng mỗi huyện có từ 5 đến 10 thôn đạt Thôn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2018.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng nông thôn mới thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra công tác nghiệm thu công trình đúng quy định, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 07/11/2016 và Văn bản số 701/VP-NN ngày 06/02/2018; đảm bảo khối lượng hoàn thành theo kế hoạch vốn được giao.
- Tích cực, chủ động phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố để triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan để hoàn thành, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới đảm bảo hiệu quả, bền vững.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy định tại Chỉ thị này. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình và kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi gửi Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (vào ngày 25 hàng tháng với báo cáo kết quả thực hiện Chương trình; vào ngày 20/6 và ngày 20/12 với kết quả theo Bộ chỉ số).
- Chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện định kỳ vào thứ 5 hàng tuần có báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gửi Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn thể thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Mô hình thu nhập cao, hộ kinh doanh giỏi” ...; chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là giám sát bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình về phát triển sản xuất tăng thu nhập; xây dựng cảnh quan môi trường; đảm bảo an ninh trật tự xã hội; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
3. Đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện
Tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Yêu cầu các Sở, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về kết quả thực hiện Chương trình gửi Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
Giao Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành và các địa phương thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tổng hợp) để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |