Nội dung toàn văn Chỉ thị 12/2003/CT-BNN-PC tăng cường công tác Pháp chế
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÁP CHẾ
Công tác pháp chế trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu: xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành từ năm 1976 đến năm 1996, huỷ bỏ các văn bản hết hiệu lực thi hành; thẩm định và tham gia thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; góp ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành và theo yêu cầu của văn phòng Chính phủ.
Để phát huy những kết quả đã đạt được nhằm tăng cường công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật của Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt và thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ sau đây:
I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHUNG
1. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong Bộ về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác pháp luật trong việc thực hiện quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác pháp luật đối với lĩnh vực được phân công.
2. Thực hiện đầy đủ các nội dung chủ yếu của công tác pháp chế: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành. Đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng thời gian, tiến độ quy định.
4. Củng cố và tăng cường hệ thống pháp chế của ngành, bao gồm: pháp chế Bộ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG NĂM 2004
1. Vụ Pháp chế:
Chủ trì triển khai Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 ban hành kèm theo Quyết định số 5899/QĐ-BNN-PC ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2004.
Chủ trì xây dựng và trình Bộ Quy chế soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và trình Bộ kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2004; kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2004.
Nghiên cứu và đề xuất việc thành lập Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ.
2. Vụ Tổ chức cán bộ:
Xây dựng và trình Bộ phương án kiện toàn và tăng cường cán bộ pháp chế cho Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ.
Phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng, trình Bộ kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ pháp chế trong toàn ngành - kể cả đào tạo trong nước và ngoài nước.
3. Văn phòng Bộ:
Theo dõi đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc; kiểm tra thủ tục, thể thức ban hành các văn bản của Bộ theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin và văn bản; soạn thảo, góp ý kiến, thẩm tra, thẩm định, trình ký, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 58/2003/QĐ-BNN ngày 5 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Vụ Tài chính:
Hướng dẫn các đơn vị lập dự toán kinh phí cho công tác pháp chế của Bộ và các đơn vị theo Quyết định số 69/2000/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 15/2001/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 36/TT-BNN-TCKT ngày 4 tháng 4 năm 2001 của Bộ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2000/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Vụ Hợp tác quốc tế:
Có kế hoạch thu hút các dự án hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ pháp chế ở nước ngoài.
6. Các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành cụ thể hoá các nhiệm vụ về công tác pháp luật trong phạm vi trách nhiệm được phân công: bảo đảm nội dung, tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao, triển khai công tác rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; tăng cường công tác pháp chế về tổ chức, cán bộ; bố trí kinh phí cho hoạt động pháp chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành.
7. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành; thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở.
8. Các doanh nghiệp củng cố và tăng cường công tác pháp chế của doanh nghiệp cả về tổ chức bộ máy và cán bộ. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ công nhân viên chức. Tham gia các hoạt động pháp chế của Bộ khi có yêu cầu.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung của Chỉ thị.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện Chỉ thị.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆPVÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
|