Chỉ thị 124-TTg/CN

Chỉ thị 124-TTg/CN năm 1967 về việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng quần áo may sẵn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Chỉ thị 124-TTg/CN đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng quần áo may sẵn


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 124-TTG/CN

Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 1967 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG QUẦN ÁO MAY SẴN

Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng quần áo may sẵn là một biện pháp quan trọng nhằm góp phần giải quyết vấn đề mặc và cải thiện đời sống của cán bộ và nhân dân. Về sản xuất, do cắt hàng loạt quần áo may sẵn sẽ tiết kiệm được vải, tăng được năng suất lao động và do đó sẽ hạ được giá thành. Việc tiêu dùng quần áo may sẵn sẽ giảm được thì giờ đi lại mua sắm của nhân dân và khỏi phải lo thiếu, thừa vải như đo may từng chiếc. Ngoài ra, việc may sẵn quần áo còn có tác dụng chủ động hướng dẫn nhân dân ăn mặc hợp lý phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta.

Mấy năm qua, các ngành nội thương và công nghiệp nhẹ đã có cố gắng phát triển sản xuất và tiêu dùng quần áo may sẵn, đã tổ chức được một số cơ sở quốc doanh và màng lưới hợp tác xã may mặc, hàng năm đã sản xuất được 9 đến 10 triệu chiếc quần áo. Kỹ thuật may một số mặt hàng như áo bông, quần áo trẻ em ngày càng tiến bộ. Gần đây một số cửa hàng đã thực hiện may nhiều cỡ số và bán theo phương thức may đo (đo cỡ số rồi mới chọn quần áo) được khách hàng hoan nghênh.

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình may sẵn quần áo đang còn nhiều nhược điểm: tốc độ may sẵn tăng chậm và không ổn định, tỷ trọng quần áo may sẵn trong ngành may mặc nói chung còn nhỏ (năm 1966 mới khoảng 25%). Gần đây, do tình hình chiến tranh, yêu cầu của việc may sẵn quần áo càng tăng, lực lượng của ngành may mặc lại bị phân tán, nên quần áo may sẵn không đáp ứng được nhu cầu.

Có tình trạng trên, một mặt là do các cấp, các ngành có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức, mới đề ra phương hướng chung, chưa có chính sách biện pháp cụ thể; mặt khác là do việc tổ chức sản xuất và kinh doanh còn nhiều khuyết điểm như thiếu sự điều tra, nghiên cứu một cách có hệ thống và cơ bản các cỡ số thích hợp, thiếu cải tiến mặt hàng cho phù hợp với thời tiết, với sử dụng tiện lợi và phần nào phù hợp với sở thích của từng loại đối tượng; kỹ thuật may cắt còn kém, giá chưa rẻ, tổ chức bán hàng chưa tốt… nên chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, cần phải hết sức tiết kiệm sức người, sức của để phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, tích cực khắc phục tình trạng bất hợp lý và những nhược điểm nói trên. Trong thời gian tới, cần ra sức đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng hàng may sẵn theo những chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể sau đây

I. VỀ CHỦ TRƯƠNG

Do việc may sẵn quần áo có nhiều lợi ích nên trong phương hướng này may mặc sẽ tiến tới lấy việc may sẵn làm chính, việc may đo chỉ duy trì một tỷ lệ thích hợp, cụ thể là:

- Về tỷ trọng mặt hàng may sẵn, trong vài ba năm tới sẽ phấn đấu đưa lên khoảng 40 đến 50% để sau này tiến tới dần dần đưa lên khoảng 70 đến 80%.

- Về đối tượng may sẵn, sẽ tiến tới may cho tất cả mọi lớp người, nhưng trong từng thời gian cần tùy theo khả năng mà áp dụng cho từng đối tượng với mức độ khác nhau. Trước mắt cần tiếp tục đẩy mạnh việc may sẵn quần áo cho các đối tượng đã có tập quán tiêu dùng như thiếu nhi, học sinh, cán bộ, công nhân, nhân dân thành thị, đồng thời cần nghiên cứu phát triển rộng việc may sẵn cho nông dân vì đây là thị trường rộng lớn; có phát triển được mới nâng tỷ trọng hàng may sẵn lên nhanh. Riêng ở miền núi, vì lực lượng của ngành may mặc rất thiếu, nhân dân đi lại mua sắm khó khăn, nên việc may sẵn cần được tiến hành tích cực, nhưng phải chú ý nghiên cứu kiểu cách và mặt hàng cho phù hợp với tập quán ăn mặc của từng dân tộc ít người.

- Về mặt hàng may sẵn, sẽ may toàn bộ đối với các loại đồng phục và quần áo chuyên dùng; may với tỉ lệ cao đối với các loại quần áo đi làm và các kiểu quần áo đơn giản. Đối với các kiểu quần áo phức tạp như áo phụ nữ thì lúc đầu nên may với tỷ lệ thích hợp sau sẽ dần dần nâng số lượng lên.

- Về may đo, sau này chỉ duy trì khoảng 20%, và áp dụng cho một số mặt hàng cao cấp như len, dạ… cho các kiểu quần áo phức tạp, áo dài phụ nữ, … và cho một số đối tượng cần thiết như người có cỡ số đặc biệt.

II. VỀ BIỆN PHÁP, CHÍNH SÁCH

Để thực hiện chủ trương trên, cần có nhiều chính sách, biện pháp cụ thể. Sau đây là một số vấn đề chủ yếu:

1. Muốn đẩy mạnh may sẵn, điều cốt yếu nhất là cải tiến sản xuất, phải sản xuất nhiều mặt hàng, thay đổi kiểu cách cho phù hợp với yêu cầu và sở thích của từng lớp người tiêu dùng, tổ chức nhiều cơ sở may mặc với kỹ thuật đẹp, bền, rẻ, thích ứng với nhu cầu. Vấn đề này rất quan trọng nếu làm không tốt thì hàng sản xuất không hợp với yêu cầu, sẽ bị ứ đọng. Muốn vậy cần phải:

- Tiến hành điều tra nhu cầu, nghiên cứu cỡ số để đặt kế hoạch sản xuất cho sát, đồng thời phải tổ chức sản xuất theo thời vụ để đáp ứng được nhu cầu. Cần tiến tới ghi chỉ tiêu sản xuất quần áo may sẵn vào kế hoạch Nhà nước.

- Nghiên cứu kiểu cách và xây dựng tiêu chuẩn các loại quần áo. Về kiểu cách, cần nghiên cứu cải tiến các kiểu quần áo hiện có, đồng thời thiết kế thêm các kiểu quần áo mới theo phương châm “ tiện, bền, rẻ, đẹp”, thích hợp từng đối tượng. Cần nghiên cứu thực hiện tiêu chuẩn hóa từng bước theo đúng điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp của Chính phủ.

- Tổ chức lại màng lưới may mặc theo hướng: ở xã hoặc hợp tác xã có tổ may mặc, ở huyện có các hợp tác xã may mặc, và ở tỉnh có cả hợp tác xã và cơ sở quốc doanh may mặc quy mô thích hợp. Đồng thời cần tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến tổ chức và kỹ thuật sản xuất, nhằm tận dụng tốt lực lượng này phát triển hàng may sẵn. Ở trung ương, đi đôi với việc củng cố, trang bị thêm kỹ thuật cho các xí nghiệp hiện có để phục vụ nhu cầu chung, cần nghiên cứu xây dựng sớm các cơ sở sản xuất chỉ khâu, phụ tùng máy khâu và chuẩn bị điều kiện để sau này sản xuất cả máy khâu phục vụ cho việc công nghiệp hóa ngành may mặc.

- Có kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, Trước mắt cần nghiên cứu những hình thức thích hợp để bổ túc kỹ thuật cho cán bộ, công nhân trong nghề và đào tạo thêm cán bộ, công nhân mới.

2. Đi đôi với sản xuất, cần phải cải tiến kinh doanh và hạ giá bán quần áo may sẵn một cách hợp lý để khuyến khích tiêu dùng hàng may sẵn. Cụ thể là:

- Cần tổ chức một số cửa hàng may đo kết hợp với may sẵn và nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn riêng, trang bị đầy đủ, trình bày mỹ thuật và bán theo phương thức may đo. Cần chú ý giáo dục nhân viên bán hàng về tinh thần trách nhiệm, về nghiệp vụ bán hàng  và những hiểu biết tối thiểu về kỹ thuật may mặc để họ có điều kiện phục vụ tốt khách hàng.

- Cần làm tốt công tác quản lý sản xuất và lưu thông để hạ giá thành hàng may sẵn, trên cơ sở đó hạ giá bán một cách thích hợp làm cho giá may sẵn rẻ tiền hơn may đo. Ngoài ra cần có chính sách giá chiếu cố đối với quần áo học sinh, nhất là các gia đình có đông con đi học, hoặc đối với các kiểu quần áo mới lúc đầu cần khuyến khích tiêu dùng.

3. May sẵn lợi hơn may đo nhưng chưa phải hiện nay mọi người đã nhận thức được như vậy. Hơn nữa, vừa qua việc may sẵn quần áo có một số nhược điểm, thiếu sót, làm cho người tiêu dùng có ấn tượng chưa tốt đối với mặt hàng may sẵn. Cho nên, muốn đẩy mạnh việc may sẵn, ngoài những biện pháp kinh tế, kỹ thuật nói trên cần phải coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi người hiểu rõ những lợi ích của việc may sẵn và khả năng khắc phục những nhược điểm của việc may sẵn.

III. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ngành may mặc là một ngành sản xuất công nghiệp, đòi hỏi một trình độ và cơ sở khoa học, kỹ thuật nhất định, đòi hỏi việc tổ chức quản lý theo công nghiệp; nhưng trong tình hình cả nước có chiến tranh hiện nay, muốn thực hiện được tốt những chủ trương, chính sách trên đây, các cấp, các ngành có liên quan cần làm tốt một số việc cụ thể sau đây:

1. Bộ Nội thương cần tiến hành điều tra nhu cầu, nghiên cứu cỡ số, thiết kế kiểu cách và xây dựng tiêu chuẩn các loại quần áo với sự cộng tác của Bộ Công nghiệp nhẹ và dưới sự hướng dẫn chung của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Đồng thời cần kiện toàn cơ quan phụ trách vải sợi may mặc từ trung ương đến địa phương, trước hết là kiện toàn phòng nghiên cứu may măc để làm tốt nhiệm vụ này.

2. Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Nội thương cần giúp đỡ các tỉnh, thành xây dựng sớm các cơ sở may mặc quốc doanh địa phương, điều hòa, phân bổ và tổ chức lại màng lưới may mặc và tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành may mặc (trừ những máy của gia đình và những máy chuyên dùng để vá quần áo, không đưa vào hợp tác xã).

3. Ủy ban Vật giá Nhà nước chịu trách nhiệm nghiên cứu toàn bộ vấn đề giá cả may mặc với sự phối hợp của Bộ Nội thương và Bộ Công nghiệp nhẹ, làm thành đề án trình Thủ tướng Chính phủ duyệt.

4. Tổng cục Thông tin, các cơ quan tuyên truyền, báo chí và các đoàn thể quần chúng cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chủ trương đẩy mạnh sản xuất quần áo may sẵn và vận động quần chúng ra sức tiêu dùng.

5. Các Ủy ban hành chính địa phương cần tăng cường lãnh đạo và quản lý ngành may mặc về các tư tưởng, chính sách, tổ chức, kỹ thuật. Trước mắt cần chú trọng củng cố lực lượng sẵn có, hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành may mặc và giúp đỡ các cơ quan phụ trách may mặc địa phương giải quyết kịp thời các khó khăn, đẩy mạnh may sẵn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

Việc may sẵn quần áo về cơ bản có nhiều ưu điểm, rất phù hợp với yêu cầu hiện nay, nhưng cũng có những khó khăn, nếu làm không tốt sẽ gây ra lãng phí. Cho nên cần tiến hành một cách khẩn trương, tích cực nhưng phải vững chắc, nhằm đạt được hiệu quả thiết thực. Muốn vậy cần phải hết sức coi trọng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật đồng thời phải chú ý đúng mức công tác tư tưởng. Trên đây chỉ mới nêu ra mấy vấn đề chung có tính chất phương hướng, các cấp, các ngành cần nghiên cứu và có biện pháp cụ thể để thực hiện tốt chỉ thị này.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 
Lê Thanh Nghị

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 124-TTg/CN

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu124-TTg/CN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/07/1967
Ngày hiệu lực28/07/1967
Ngày công báo31/07/1967
Số công báoSố 9
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 124-TTg/CN

Lược đồ Chỉ thị 124-TTg/CN đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng quần áo may sẵn


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 124-TTg/CN đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng quần áo may sẵn
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu124-TTg/CN
                Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
                Người kýLê Thanh Nghị
                Ngày ban hành13/07/1967
                Ngày hiệu lực28/07/1967
                Ngày công báo31/07/1967
                Số công báoSố 9
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Chỉ thị 124-TTg/CN đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng quần áo may sẵn

                            Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 124-TTg/CN đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng quần áo may sẵn

                            • 13/07/1967

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 31/07/1967

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 28/07/1967

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực