Nội dung toàn văn Chỉ thị 127-TTg chuyển chế độ nhà ăn hình thức phúc lợi tập thể
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 127-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 1961 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHUYỂN CHẾ ĐỘ NHÀ ĂN THEO HÌNH THỨC PHÚC LỢI TẬP THỂ
Kính gửi | - Các bộ, các cơ quan và đoàn thể trung ương, |
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, theo đà khôi phục và phát triển kinh tế, các nhà ăn tập thể ngày càng phát triển, đã đảm bảo được việc ăn uống cho phần lớn công nhân, viên chức và do đó đã góp phần đẩy mạnh sản xuất và công tác.
Nhưng so với yêu cầu củng cố và phát triển các sự nghiệp phúc lợi tập thể của công nhân, viên chức thì các nhà ăn hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ. Do tổ chức nhà ăn còn phân tán, nên gây ra nhiều lãng phí, nhất là do thiếu sự lãnh đạo và quản lý thống nhất của một ngành chuyên trách, nên về mặt nghiệp vụ quản lý, cũng như về mặt kỹ thuật nấu ăn của các nhà ăn, nói chung còn kém, chất lượng chưa tốt. Mặt khác, vì hiện nay các nhà ăn còn theo hình thức cung cấp nên khả năng bị hạn chế, chưa bảo đảm được việc phục vụ cho tất cả công nhân, viên chức cần được ăn ở nhà ăn tập thể.
Những nhược điểm trên đã hạn chế tác dụng của nhà ăn tập thể trong việc phục vụ đời sống hàng ngày và góp phần tăng cường sức khỏe của công nhân, viên chức. Do đó từ khi cải tiến chế độ tiền lương năm 1958, Chính phủ đề ra chủ trương chuyển chế độ nhà ăn từ hình thức cung cấp sang chế độ phúc lợi tập thể và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960 cũng đã quyết định giao cho ngành quốc doanh ăn uống chuyên lo việc tổ chức ăn uống cho công nhân, viên chức.
Căn cứ các chủ trương trên đây, Thủ tướng Chính phủ quy định những phương hướng và nguyên tắc cải tiến chế độ nhà ăn như sau:
I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA
Việc chuyển chế độ nhà ăn theo hình thức cung cấp sang chế độ nhà ăn theo hình thức phúc lợi tập thể là nhằm mở rộng cho đông đảo công nhân, viên chức ở các xí nghiệp, cơ quan được ăn uống tại các nhà ăn do xí nghiệp, cơ quan tổ chức và nhằm hợp lý hóa tổ chức, tạo điều kiện tốt cho việc cải thiện đời sống hàng ngày của công nhân, viên chức, giúp cho anh chị em có nơi ăn uống thuận tiện bảo đảm cho việc ăn uống được vệ sinh và chất lượng thức ăn càng ngày càng tốt hơn. Những sự cải tiến trên đây sẽ có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe, năng suất lao động và hiệu suất công tác của đông đảo công nhân viên chức.
II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Nhà ăn phục vụ cho toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế và không kể ở trong hay ngoài khu nhà tập thể của công nhân, viên chức. Đối với gia đình của công nhân, viên chức thì ngoài việc bảo đảm cho số gia đình hiện nay đang được ăn tại nhà ăn tập thể, các nhà ăn tập thể sẽ tùy khả năng thực tế của mình mà mở rộng dần việc phục vụ.
2. Nhà ăn phúc lợi tập thể do Bộ Nội thương tổ chức và quản lý, Công đoàn chịu trách nhiệm giám đốc. Về chi phí trực tiếp cho nhà ăn, Nhà nước đài thọ một phần, công nhân, viên chức đóng góp một phần.
3. Nhà ăn phục vụ cho công nhân, viên chức theo nguyên tắc kinh doanh không lấy lãi.
III. CHI PHÍ VỀ NHÀ ĂN
1. Hàng năm Nhà nước sẽ trợ cấp cho Bộ Nội thương (ngành Quốc doanh ăn uống) tiền chi phí về lương, phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ, nhân viên phục vụ của nhà ăn và các khoản mua sắm thêm dụng cụ của các nhà ăn. Khoản trợ cấp này sẽ tính theo số lượng người ăn.
2. Các xí nghiệp, cơ quan trong lúc chưa chuyển nhà ăn sang cho Bộ Nội thương quản lý thì sẽ được Nhà nước trợ cấp khoản tiền chi phí nói trên, cũng tính theo số lượng người ăn.
3. Phần đóng góp của công nhân viên chức ăn ở nhà ăn trích trong số tiền ăn họ đóng cho nhà ăn và không được quá 5% số tiền ăn đó.
4. Về nhà cửa và các phương tiện khác cho nhà ăn, tinh thần chung là phải hết sức tận dụng các phương tiện hiện có, trên cơ sở các nhà ăn hiện có mà chuyển lại thành nhà ăn theo hình thức phúc lợi tập thể, phải chú trọng bảo đảm vệ sinh và thuận tiện cho người ăn. Khi cần một nhà ăn lớn hơn các nhà ăn hiện có thì các xí nghiệp, cơ quan liên quan cùng với Ủy ban hành chính địa phương và Bộ Nội thương tìm biện pháp giải quyết với tinh thần sẵn sàng dành những nhà thích hợp để làm nhà ăn. Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm tích cực giúp đỡ và tạo các điều khiển thuận lợi để giải quyết vấn đề này.
Trong trường hợp thật sự không còn khả năng giải quyết nữa, Nhà nước sẽ bỏ vốn xây dựng, sửa chữa và trang bị nhà ăn. Tiền xây dựng này nằm trong vốn kiến thiết cơ bản về xây dựng. Ngoài ra, ở các xí nghiệp, nên trích quỹ phúc lợi để xây dựng thêm và trang bị thêm cho nhà ăn.
IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC NGÀNH
Bộ Lao động: có nhiệm vụ quy định cụ thể chế độ nhà ăn cho công nhân, viên chức cả hai khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp và hướng dẫn kiểm tra việc thi hành.
Bộ Nội thương: có nhiệm vụ tổ chức và quản lý các nhà ăn tập thể cho công nhân, viên chức theo hình thức phúc lợi tập thể và tổ chức cung cấp thực phẩm cho các nhà ăn tập thể theo hợp đồng.
Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, Bộ Nội thương phải tăng cường ngành quốc doanh ăn uống và tổ chức bộ máy quản lý các nhà ăn phúc lợi tập thể. Bộ có trách nhiệm bảo đảm cho các nhà ăn sau khi chuyển sang cho Bộ quản lý thì ngày càng được cải tiến về mọi mặt để qua một thời gian tương đối ngắn đạt được mục tiêu của nhà ăn phúc lợi tập thể. Tuy trong mỗi khoản tiền ăn có trích một phần để góp vào việc chi phí cho nhà ăn, nhưng phải bảo đảm mức ăn của anh em ngay từ bước đầu không bị giảm sút và ngày càng đủ no, ngon và có nhiều chất bổ hơn.
Bộ Nội thương phải cùng với các cơ quan có trách nhiệm xúc tiến gấp việc chế biến ngô khoai sắn để bảo đảm cho anh em ăn đủ no.
Các xí nghiệp, cơ quan, trong khi chuyển giao nhà ăn cho Bộ Nội thương quản lý thì phải chuyển cả số cán bộ quản lý, các cơ sở, phương tiện hiện có và phải đánh giá tài sản, thanh toán sổ sách và chuyển số kinh phí còn lại cho Bộ Nội thương. Về mặt giáo dục tư tưởng, các xí nghiệp, cơ quan vẫn có trách nhiệm như trước, trường hợp mấy xí nghiệp, cơ quan cùng chung một nhà ăn thì cần có sự phối hợp giữa các xí nghiệp, cơ quan đó trong công tác giáo dục tư tưởng.
Loại nhà ăn tập thể đã chuyển cho Bộ Nội thương thì do Bộ Nội thương phụ trách quản lý về hành chính và nghiệp vụ. Loại nhà ăn vì lý do gì đó vẫn chưa chuyển cho Bộ Nội thương thì do cơ quan, xí nghiệp có nhà ăn phải phụ trách, Bộ Nội thương chỉ chịu trách nhiệm về cung cấp thực phẩm.
Bộ Y tế: có nhiệm vụ kiểm tra hướng dẫn về mặt vệ sinh nhà ăn và các thực phẩm, phối hợp với quốc doanh ăn uống nghiên cứu thực đơn ăn uống cho công nhân, viên chức và tổ chức bồi dưỡng kiến thức vệ sinh cho công nhân, cán bộ công tác ở nhà ăn.
Bộ Tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước: có nhiệm vụ nghiên cứu quy định việc cấp kinh phí cho Bộ Nội thương (ngành quốc doanh ăn uống) hay xí nghiệp cơ quan (nếu chưa chuyển nhà ăn cho Bộ Nội thương quản lý) và chuyển các tài khoản của nhà ăn tập thể sang cho ngành quốc doanh ăn uống.
Ủy ban hành chính các địa phương: chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc các ngành liên quan tiến hành chủ trương chuyển các nhà ăn hiện nay thành nhà ăn phúc lợi tập thể cho địa phương mình và trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương này cho các ngành do Ủy ban địa phương quản lý.
Đề nghị Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn giám đốc và tham gia lãnh đạo tổ chức nhà ăn, kiểm tra đôn đốc việc thi hành các chế độ trong các nhà ăn (kể cả nhà ăn của ngành quốc doanh ăn uống); đồng thời tăng cường giáo dục tư tưởng cho công nhân, cán bộ phục vụ các nhà ăn nhằm ra sức thi đua xây dựng nhà ăn ngày càng tốt hơn lên.
* *
*
Chủ trương chuyển tổ chức nhà ăn từ hình thức cung cấp sang hình thức phúc lợi tập thể là một chủ trương rất phù hợp với yêu cầu củng cố và phát triển các sự nghiệp phúc lợi tập thể của công nhân viên chức hiện nay, tuy nhiên trong việc thi hành, bước đầu không khỏi gặp một số khó khăn, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các ngành, các cấp cố gắng làm đầy đủ các nhiệm vụ đã nêu trên, để thiết thực góp phần cải thiện đời sống công nhân viên chức. Mặt khác phải chú ý giáo dục tư tưởng làm cho công nhân, viên chức thấy rõ mục đích, ý nghĩa của chủ truơng này, để anh chị em càng phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, công tác và cùng góp sức với Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển dần các sự nghiệp phúc lợi tập thể để phục vụ đời sống của toàn thể công nhân, viên chức ngày càng tốt hơn.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |