Nội dung toàn văn Chỉ thị 139-TTg chế biến khoai sắn
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 0139-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 1961 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẾ BIẾN KHOAI, SẮN
Năm nay chủ trương của Đảng và Chính phủ là đẩy mạnh sản xuất hoa màu lương thực, giồng thêm nhiều loại khoai để bổ sung vào nguồn lương thực chính. Chủ trương đó đã biến thành quyết tâm của quần chúng, nên so với mọi năm, năm nay diện tích giồng khoai, sắn tăng hơn nhiều, theo tài liệu bước đầu thì trong năm 1961 ước thu hoạch được trên 1.000.000 tấn khoai tươi và hơn 600.000 tấn sắn tươi. Với sản lượng khoai, sắn lớn như vậy, việc tiêu thụ tại chỗ và ăn tươi sẽ không hết và không kịp. Mặt khác vấn đề bảo quản khoai, sắn tươi nhất là khoai tươi rất khó khăn, vì hay bị hà, thối và mọc mầm. Riêng đối với khoai lang, nếu thu hoạch đúng với số ước lượng trên, trừ số nhân dân ăn tươi và chăn nuôi gia súc thì còn khoảng 300.000 tấn cần được chế biến, phơi khô và bảo quản cho tốt để nhân dân tự dùng và bán phần còn lại cho Chính phủ.
Nhưng vấn đề này các địa phương và nhân dân chưa chú ý nghiên cứu giải quyết.
Để bảo quản khoai, sắn được lâu, tránh hư hỏng và sử dụng khỏi lãng phí trong mùa thu họach, gây đà phấn khởi cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất hơn nữa hoa màu lương thực, Thủ tướng Chính phủ đề ra một số biện pháp để các Bộ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh thi hành:
1. Hiện nay sắn đã sắp hết vụ, và mùa tới sẽ thu hoạch vào cuối năm 1961 đầu 1962; riêng về khoai thì đã có khoai sớm và sẽ thu hoạch rộ vào tháng 05, tháng 06 năm 1961. Do đó việc chế biến, bảo quản khoai, sắn hết sức khẩn trương và quan trọng. Ngay từ bây giờ Ủy ban hành chính các tỉnh phải coi trọng việc lãnh đạo và đặt kế hoạch chế biến bảo quản đồng thời giao nhiệm vụ cho Ủy ban hành chính các huyện, xã lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp và nhân dân thực hiện. Mặt khác phải phổ biến cho nhân dân nhận rõ sự cần thiết phải chế biến, bảo quản khoai, sắn để tự mình dùng. Mặt khác bán phần còn thừa cho Chính phủ để cung cấp thêm lương thực cho công nhân và nhân dân ở các thành phố. Đồng thời cũng phải giải thích cho nhân dân là việc mua khoai, sắn thừa là dựa trên tinh thần tự nguyện của quần chúng mà không định tỷ lệ.
Về chế biến thì tổ chức chế biến tại chỗ, và dựa vào nhân dân, vào các hợp tác xã nông nghiệp là chính, phơi nắng là chính để sử dụng được thì giờ rảnh của nhân dân, giải quyết được sân phơi và tranh thủ phơi kịp nắng.
Trong việc chế biến khoai, sắn thì hướng dẫn nhân dân thái lát phơi khô đễ dễ bảo quản và có thể làm thành bột, bánh, miến v.v… Đối với miền núi để mua hết được số sắn thừa và tránh khó khăn cho quần chúng thì hướng dẫn nhân dân phơi cả củ, gác trên bếp hoặc ngâm nước làm bột thô báu cho ngành Lương thực.
2. Tổng cục Lương thực phối hợp với Bộ Công nghiệp nhẹ tổ chức một số cơ sở chế biến ở các địa phương để rút kinh nghiệm phổ biến cho các hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân.
Ngay từ bây giờ Tổng cục Lương thực cùng với địa phương phải chuẩn bị kế hoạch thu mua, chế biến và bảo quản khoai sắn. Cần mở rộng mặt hàng thu mua để có thể mua hết được số khoai, sắn thừa như khoai, sắn tươi, lát khô, sắn cả củ phơi khô, các loại bột, bánh đa, miến, mì v .v…
Trong việc mua khoai sắn của nông dân phải bảo đảm đúng tinh thần của chính sách là: không định tỷ lệ, không ép buộc, mà phải dựa trên cơ sở giải thích, giáo dục để quần chúng tự nguyện bán phần khoai, sắn thừa cho Nhà nước với giá phải chăng.
Cần chuẩn bị kho tàng, phương tiện vận tải để bảo quản và chuyển vận kịp thờ đến chỗ tiêu thụ để tránh hư hỏng.
3. Bộ Công nghiệp nhẹ lãnh đạo các Sở, Ty Công nghiệp địa phương đặt kế hoạch cho các xí nghiệp quốc doanh địa phương, các hợp tác xã thủ công nghiệp sản xuất các dụng cụ thái, mài khoai, sắn đơn giản, rẻ tiền, hiệu suất cao để cung cấp cho các hợp tác xã nông nghiệp và các cơ sở chế biến của các ngành lương thực.
Các xí nghiệp trung ương nằm ở địa phương nào có thể sử dụng lực lượng cơ khí của mình để chế tạo máy thái, mài và lò sấy nhỏ cung cấp cho địa phương ấy.
Các Sở, Ty Công nghiệp địa phương phối hợp với Công ty Lương thực tổ chức trưng bày giới thiệu mẫu các công cụ thái, mài, lò sấy đơn giản, cải tiến và hướng dẫn kỹ thuật chế biến xuống đến huyện, xã để đẩy mạnh việc chế biến khoai, sắn trong nhân dân.
4. Bộ Nông trường quốc doanh cần lãnh đạo và giao trách nhiệm cho các nông trường quốc doanh tích cực chế biến khoai sắn để tự tiêu dùng và bán cho Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp giúp đỡ và hướng dẫn kỹ thuật giồng khoai chú ý giồng các loại khoai ngắn ngày, năng suất cao và đẩy mạnh tăng vụ, đồng thời phổ biến kinh nghiệm chọn giống để chuẩn bị cho vụ tới.
5. Tổng cục Lương thực phối hợp với Ủy ban Khoa học Nhà nước nghiên cứu biện pháp chế biến, bảo quản khoai, sắn và thường xuyên phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm chế biến bảo quản cho nhân dân.
6. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cho các xí nghiệp quốc doanh địa phương, các hợp tác xã thủ công nghiệp vay vốn tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ chế biến khoai sắn.
Yêu cầu các Bộ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh đặt kế hoạch thi hành chỉ thị này một cách khẩn trương và thường xuyên báo cáo kết quả lên Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |