Nội dung toàn văn Chỉ thị 1405/CT-TTg tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông cơ giới ba bánh thô sơ ba bốn bánh quy định Nghị quyết 32/2007/NQ-CP 05/2008/NQ-CP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1405/CT-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG, XE CƠ GIỚI BA BÁNH, XE THÔ SƠ BA, BỐN BÁNH THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 32/2007/NQ-CP NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 2007 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2008/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 02 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ
Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các giải pháp, chính sách phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế để cụ thể hóa Nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ. Những nỗ lực đó đã góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc phát sinh cần được tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, cụ thể trong việc: xác định loại phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông; quy định phạm vi, thời gian hoạt động đối với xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký, gắn biển số, xe thô sơ ba, bốn bánh trên địa bàn; ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông.
Nhằm phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tháo gỡ những vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số công việc sau:
a) Tăng cường tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và nhân dân tại địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh tham gia giao thông.
b) Ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi phương tiện cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là người khuyết tật.
c) Thực hiện nghiêm việc đình chỉ tham gia giao thông đối với các phương tiện sau:
- Xe công nông được lắp ráp từ các động cơ diezen một xi lanh và tận dụng các tổng thành ôtô, còn được gọi là xe đầu ngang, xe độ chế;
- Xe cơ giới ba bánh không có đăng ký và biển số theo quy định;
- Xe cơ giới hai bánh kéo theo thùng để chở người, hàng hóa, còn được gọi là xe lôi máy nhưng không có đăng ký và biển số theo quy định.
d) Đối với loại xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp có tính năng đa dụng như làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển;
- Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký, cấp biển số cho phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển theo quy định hiện hành;
- Căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, quy định cụ thể phạm vi và thời gian hoạt động đối với loại xe này.
đ) Đối với xe cơ giới ba bánh đã được cấp đăng ký và gắn biển số đang hoạt động (trừ xe cơ giới ba bánh dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật): căn cứ vào điều kiện thực tế và yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của địa phương, quy định cụ thể phạm vi, thời gian, lộ trình hạn chế tiến tới đình chỉ tham gia giao thông trên các quốc lộ có mật độ giao thông cao, trong khu vực nội thành, nội thị.
e) Đối với xe cơ giới ba bánh do người khuyết tật điều khiển tham gia giao thông mà chưa có đăng ký và biển số:
- Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, thống kê số lượng xe thuộc diện này, hướng dẫn việc kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký, cấp, biển số cho phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển theo quy định hiện hành;
- Căn cứ vào điều kiện thực tế và chính sách hỗ trợ của địa phương quy định thời hạn đình chỉ lưu hành và thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký và gắn biển số. Trong thời gian thục hiện thủ tục này cho phép các xe chưa kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký và gắn biển số do người khuyết tật điều khiển được tạm thời tham gia giao thông. Người khuyết tật có xe phải chủ động thực hiện các thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký và gắn biển số để được tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
g) Đối với xe lôi máy đã được cấp đăng ký và gắn biển số đang hoạt động: quy định thời hạn tạm thời được phép tham gia giao thông, nhưng không quá ngày 30 tháng 6 năm 2009.
h) Đối với các loại xe thô sơ ba, bốn bánh, rà soát, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về điều kiện an toàn phương tiện, phạm vi và thời gian hoạt động.
i) Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt đối với các hành vi điều khiển loại xe quy định tại điểm c khoản này tham gia giao thông.
2. Bộ Giao thông vận tải:
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện các quy định, quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới ba bánh dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tham gia giao thông.
b) Tổ chức, hướng dẫn việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe cơ giới ba bánh, xe máy kéo nhỏ tham gia giao thông.
c) Phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Công an:
a) Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông đường bộ và người điều khiển theo quy định hiện hành.
b) Tổ chức, hướng dẫn đăng ký, cấp biển số cho xe cơ giới ba bánh dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật, xe máy kéo nhỏ bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Y tế:
a) Khẩn trương xây dựng Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người khuyết tật được phép điều khiển xe cơ giới ba bánh dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật tham gia giao thông để ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm 2008.
b) Tổ chức khám sức khỏe cho người khuyết tật có nhu cầu được điều khiển xe cơ giới ba bánh dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật tham gia giao thông.
5. Bộ Tài chính: khẩn trương xây dựng, ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm 2008 chính sách chung về việc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là người khuyết tật.
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Chính phủ về quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh để tạo được sự đồng thuận trong dư luận.
8. Bộ Công thương: quy định điều kiện và tổ chức cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất có đủ điều kiện được sản xuất, lắp ráp xe cơ giới dùng cho người khuyết tật.
9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người tàn tật Việt Nam phối hợp hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và nhân dân địa phương thực hiện nghiêm chủ trương quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh của Chính phủ./.
| KT. THỦ TƯỚNG |