Nội dung toàn văn Chỉ thị 146-CT tập trung sức phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện vượt mức kế hoạch sản xuất nông nghiệp lâm nghiệp thuỷ sản năm 1984
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146-CT | Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 1984 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG SỨC PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI TOÀN DIỆN, VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, KỂ CẢ LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN NĂM 1984
Việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đầu năm nay tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các tỉnh miền Bắc, nhưng do sự cố gắng lớn của các ngành, các địa phương và cơ sở nên đã thu được kết quả bước đầu, diện tích lúa đông xuân cả nước đã cấy đạt xấp xỉ kế hoạch và tăng hơn vụ trước. Nhìn chung, lúa phát triển khá, riêng các tỉnh miền Nam, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lúa tốt đều. Trồng rừng và khai gỗ có chuyển biến. Khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ, hải sản đạt kết quả khá... Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa toàn diện và vững chắc. Đáng chú ý nhất là mầu giảm sút nhiều, việc thâm canh mầu chưa được chú ý. Cây công nghiệp tăng chậm và đạt kế hoạch thấp. Chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở một số vùng bị bão lụt năm trước gặp khó khăn vì thức ăn đang giảm sút. Do rét, diện tích rừng mới trồng phát triển kém. Việc cung ứng vật tư cho khai thác gỗ và việc vận chuyển gỗ đường dài chưa bảo đảm... Để bảo đảm thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức kế hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tập trung sức chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ và công tác sau đây:
1- Đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ và tổ chức thu hoạch tốt lúa đông xuân. ở miền Bắc, do cơ cấu giống bị đảo lộn, và có một bộ phận diện tích cấy muộn, do đó phải đẩy mạnh việc chăm bón, bảo vệ tốt lúa để tranh thủ đạt được năng suất cao nhất. Phải huy động hết số phân đạm và lân đã đưa về địa phương ứng trước cho xã viên chăm bón, không chờ đổi thóc. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu để bơm tát nước dưỡng lúa làm cỏ sục bùn, nhất thiết không để xẩy ra hạn. Tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời sâu bệnh và có biện pháp phòng, trừ tốt.
Ở miền Nam, phải bố trí đủ lực lượng lao động, phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn, tốt lúa đông xuân để giải phóng đất làm vụ hè thu kịp thời vụ. Đi đôi với thu hoạch, phải đẩy mạnh công tác huy động lương thực, bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch huy động lương thực vụ mùa và vụ đông xuân đã giao.
Đồng thời khẩn trương gieo trồng các loại hoa mầu và cây công nghiệp còn thời vụ và phải thâm canh để đạt năng suất cao.
2- Triển khai tốt sản xuất vụ hè thu và vụ mùa năm 1984.
Vụ hè thu và vụ mùa chiếm khoảng 2/3 sản lượng lương thực cả năm, nên có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm cân đối lương thực đối với cả nước. Vì vậy, với tinh thần vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí tự lực tự cường, tập trung sức của nông dân và Nhà nước; của địa phương, cơ sở và Trung ương phấn đấu đạt và vượt mức cả diện tích, năng suất, sản lượng, cả lúa, hoa mầu và cây công nghiệp để bảo đảm giành thắng lợi lớn trong vụ hè thu và mùa tới. Phải huy động tốt lao động, sức kéo trâu bò, máy kéo để làm đất kịp thời vụ. Kiểm tra lại số lượng, chất lượng, chủng loại giống và tổ chức điều hoà từ nơi thừa đến nơi thiếu để bảo đảm đủ giống, giống tốt và cơ cấu hợp lý. Đẩy mạnh làm phân xanh, phân chuồng, vôi, và các nguồn phân hữu cơ khác, đồng thời phải nhập gấp 150.000 tấn phân urê (hoặc DAP, NPK) theo Quyết định số 138-CT ngày 17-4-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đưa về kịp thời số py-rít nhập khẩu cho nhà máy phân lân Lâm Thao và vận chuyển kịp thời serventin cho các nhà máy phân lân nung chảy để sản xuất phân lân; đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng phân lân phốt-pho-rít địa phương. Ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương phải triển khai nhanh việc bảo hiểm thực vật đối với cây trồng. Phải thực hiện biện pháp phòng trừ chủ động, tổng hợp trong việc phòng trừ sâu bệnh, từ việc chọn giống, bố trí thời vụ, kỹ thuật canh tác đến việc sử dụng hợp lý thuốc hoá học, trong đó vấn đề chọn giống và phòng ngừa trước sâu bệnh là vô cùng quan trọng. Phát động nhân dân làm thuỷ lợi, tạo mặt bằng đồng ruộng. Phải tích cực phòng chống hạn đầu vụ, chống úng cuối vụ và phòng chống lụt bão. Ngành Điện, Vật tư, Thuỷ lợi, Nông nghiệp phải phối hợp với nhau chặt chẽ để bảo đảm điện, xăng dầu cho phòng chống hạn, úng. Bộ Nông nghiệp phải cùng với các tỉnh nghiên cứu xác định các giống lúa chịu úng, nhất là lúa mùa đối với các vùng thường bị ngập úng ở đồng bằng Bắc bộ.
3- Đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò sinh sản trong vụ xuân; tổ chức tốt việc điều hoà trâu bò giữa các vùng để tăng thêm sức kéo cho vùng đồng bằng, và phát triển chăn nuôi trâu bò. Tìm mọi cách giải quyết thức ăn để giữ đàn lợn, nhất là đàn lợn giống. Ngành Thương nghiệp cố gắng tổ chức thu mua hết số lợn đã đến tuổi xuất chuồng và số lợn dân đang bán chạy vì thiếu ăn. Bộ Nông nghiệp và Bộ Lương thực cùng nhau giải quyết tốt việc thu hồi tấm cám trong xay xát gạo cho chăn nuôi và việc thu mua màu để chế biến thức ăn gia súc theo tinh thần số nào cần huy động để làm lương thực thì ngành lương thực phụ trách, còn lại thì ngành nông nghiệp (công ty thức ăn gia súc) thu mua để chế biến thức ăn gia súc. Tổ chức tốt việc phòng trừ dịch bệnh gia súc. Ngành nông nghiệp cần triển khai sớm việc bảo hiểm dịch bệnh trong chăn nuôi. (Bộ Nông nghiệp cần chuẩn bị hội nghị chuyên đề về chăn nuôi).
4- Phát triển việc nuôi cá, nuôi tôm nước ngọt, nước lợ, nhất là nuôi tôm xuất khẩu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển, và nuôi cá nước ngọt để giải quyết nhu cầu thực phẩm ở tất cả các vùng, trên các loại mặt nước. Bộ Thuỷ sản phải giúp các tỉnh phát triển nhanh việc nuôi tôm xuất khẩu, sớm trình Hội đồng Bộ trưởng để ban hành chính sách khuyến khích nuôi tôm xuất khẩu, trước mắt là cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các địa phương quản lý tốt giá cả thu mua tôm xuất khẩu. Triển khai việc chuẩn bị khai thác vụ cá nam, và đẩy mạnh việc thu mua nắm nguồn hàng thuỷ sản, hải sản để xuất khẩu và phục vụ nhu cầu thực phẩm của nhân dân, nhất là đối với các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung và quân đội.
5- Đẩy mạnh việc trồng rừng, tái sinh rừng, trồng cây để phủ xanh đất trống, đồi trọc ở vùng núi, trung du, và vùng đất cát ven biển, và việc trồng cây phân tán ở các tỉnh đồng bằng để giải quyết gỗ, củi cho nhân dân. Phát triển rộng phong trào xây dựng đồi rừng, vườn rừng theo kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phú và trồng cây lấy gỗ, lấy củi, kết hợp bảo vệ sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng theo kinh nghiệm của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh. Phải kết hợp tốt sản xuất lâm nghiệp với sản xuất nông nghiệp bao gồm trồng cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, nuôi cá, nuôi ong, các cây đặc sản, cây dược liệu... trên từng địa bàn lâm nghiệp cụ thể nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và bảo vệ môi trường tốt nhất. Làm tốt việc vận xuất, vận chuyển gỗ từ bãi 1 ra bãi 2 và cung ứng tốt gỗ cho huy động lương thực, nguyên liệu giấy sợi, gỗ trụ mỏ và xây dựng cơ bản.
6- Phải hết sức chú ý giải quyết tình hình thiếu đói ở các tỉnh miền Bắc để bảo đảm sản xuất, nhất là chăm sóc vụ đông xuân, chủ yếu là từng tỉnh, từng huyện, từng hợp tác xã và cơ sở phải tổ chức tốt việc tự cứu bằng việc vận động giúp đỡ nhau trong nội bộ nhân dân ở từng cơ sở, từng địa phương. Tích cực vận động cho nhau vay mượn hoặc tập thể đứng ra vay những người còn khả năng lương thực để điều hoà cho người thiếu nhằm ngăn chặn việc cho vay nặng lãi. Đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất rau màu ngắn ngày để tự giải quyết. Kiên quyết không để xảy ra việc thiếu đói đột xuất và phải cảnh giác với kẻ xấu, bọn địch lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay để phá ta. Phải cố gắng thu mua lương thực ở các tỉnh miền Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và vận tải gạo ra miền Bắc bảo đảm kế hoạch, và phải hết sức tiết kiệm trong việc chi dùng lương thực.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp năm 1984, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các Bộ và ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các vấn đề trên đây.
| Vũ Đình Liệu (Đã ký)
|