Nội dung toàn văn Chỉ thị 15/CT-UBND 2014 tăng cường quản lý bảo đảm an toàn hồ chứa nước Phú Yên
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Phú Yên, ngày 02 tháng 7 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO ĐẢM AN TOÀN HỒ CHỨA NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến mưa lũ bất thường, thời tiết cực đoan và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn hồ chứa nước. Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước và Chỉ thị số 910/CT-BNN-TCTL ngày 14/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2014, UBND Tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Phân công rõ trách nhiệm của các phòng ban chức năng và chính quyền xã trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn công trình thủy lợi. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức quản lý hồ đập, tổ chức dùng nước trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về quản lý an toàn hồ đập. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh, Trung ương quản lý đảm bảo an toàn các hồ chứa trên địa bàn.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn hồ đập; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hồ chứa. Phối hợp chỉ đạo quản lý chặt chẽ các hồ chứa nước trên địa bàn do Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam trực tiếp quản lý.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn định kỳ tổ chức kiểm tra, kiểm định đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn theo quy định. Trên cơ sở đó, lập danh mục các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du. Tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ, nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời. Quyết định việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý. Các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn phải xây dựng phương án tích nước hợp lý. Tuyệt đối không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn.
- Chủ động xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt, đảm bảo an toàn dân cư vùng hạ du trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập; tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
2. Các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa nước:
- Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý an toàn hồ chứa nước; thường xuyên tổ chức kiểm tra hồ đập nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
- Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ đập; quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.
- Cập nhập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước; quyết định việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa do đơn vị quản lý.
- Triển khai công tác kiểm tra, kiểm định an toàn đập theo định kỳ nhất là các hồ thủy lợi chưa thực hiện kiểm định an toàn đập trong quá trình vận hành.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức trực ban nhằm phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; chủ động trang bị các loại thiết bị, vật tư, nhân lực dự phòng nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
- Tổ chức xây dựng bản đồ ngập lụt, phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án phòng lũ, lụt, đảm bảo an toàn dân cư vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo quy định, đặc biệt là đối với các hồ có dung tích lớn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp báo cáo UBND Tỉnh; Phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách địa phương và xin hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn, hiệu quả.
- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo quy định, cập nhập, điều chỉnh quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế.
- Củng cố lực lượng quản lý hồ chứa có đủ năng lực, chuyên môn; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra an toàn hồ đập, nhất là trước, trong và sau mùa mưa lũ.
- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa kiểm tra, rà soát lại các loại vật tư, nhân lực dự phòng nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, tổ chức trực ban thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cử cán bộ chuyên môn thường trực tại công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
- Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, quyết định việc tích nước đối với các hồ chứa do Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý.
- Phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương và các chủ hồ chứa thủy điện, công trình thủy điện vận hành điều tiết, xả nước có kế hoạch linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho vùng hạ du.
4. Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa thủy điện; tham mưu cho UBND Tỉnh việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa thủy điện.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đập thủy điện xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo đúng quy định; kiểm tra, giám sát việc lắp đặt trang thiết bị giám sát tự động, hệ thống cảnh báo lũ hạ du cho các hồ chứa thủy điện và thực hiện kế hoạch điều tiết nước, xả nước, nhất là vào mùa khô hạn và mùa mưa lũ.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng xây dựng và quản lý an toàn đập thủy điện.
5. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa nước, đặc biệt chú trọng quản lý công tác tư vấn; quy định cụ thể điều kiện năng lực và kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, thiết kế, giám sát công trình hồ chứa; nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra hồ sơ dự án.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa trên địa bàn Tỉnh.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
- Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Tỉnh, Trung ương và các nguồn vốn khác để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, nhất là các công trình đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nghiên cứu, đề xuất nguồn kinh phí ổn định hàng năm cho công tác bảo trì, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi và thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn đập.
- Tham mưu với UBND Tỉnh lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi.
UBND Tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa nước nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |