Nội dung toàn văn Chỉ thị 15/CT-UBND tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi Hải Phòng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 28 tháng 08 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG.
Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn toàn quốc, tình hình dịch bệnh thủy sản nuôi diễn biến phức tạp, đặc biệt ở tôm nuôi; trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 21.000 ha, gây tổn thất lớn về kinh tế cho người nuôi tôm và ngân sách nhà nước. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, trị bệnh gây tồn dư kháng sinh vượt giới hạn cho phép ở tôm nuôi, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Nguyên nhân do: cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức, khó kiểm soát dịch bệnh; chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh; nhiều cơ sở sản xuất tôm giống dương tính với các loại mầm bệnh; chưa bố trí đủ nhân lực làm công tác thú y thủy sản từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; công tác quan trắc môi trường, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm còn chưa đạt yêu cầu; quản lý kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nuôi thủy sản chưa chặt chẽ; công tác thanh kiểm tra chuyên ngành chưa được thường xuyên việc xử lý vi phạm chưa triệt để...
Trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 20/7/2015, tổng diện tích thủy sản bị nhiễm bệnh là 31,92 ha (cá 4,77ha, tôm 27,15 ha); trong đó, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn và xã Tiên Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng; tổng diện tích bị bệnh 27,15 ha, diện tích nuôi tôm nguy cơ nhiễm bệnh 69,65 ha, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi và tiềm ẩn nguy cơ dịch tiếp tục lây lan gây tác hại.
Thực hiện Chỉ thị số 6621/CT-BNN-TY ngày 14/8/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ; để chủ động khống chế, ngăn chặn không để dịch bệnh tôm nuôi lây lan, gây tác hại trên diện rộng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn, các Sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố tập trung thực hiện các biện pháp sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản cụ thể như sau:
- Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống thủy sản; cơ sở kinh doanh thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh dùng trong thủy sản tại địa phương; phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; đình chỉ những cơ sở không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y thủy sản; đảm bảo quy trình ương nuôi thủy sản sạch, không sử dụng thuốc, kháng sinh, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng trong quá trình sản xuất, cung cấp con giống.
- Giám sát dịch bệnh tới tận cơ sở, vùng nuôi thủy sản nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các cơ sở nuôi nhiễm bệnh.
- Đối với các địa phương có diện tích thủy sản nuôi bị nhiễm bệnh: khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống, cơ sở nuôi thủy sản trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp nhằm phát hiện các trường hợp thủy sản bị bệnh và thực hiện biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý thủy sản bị bệnh, tuyệt đối không xả thải nước chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ ao, đầm này sang ao, đầm khác; xử lý xác thủy sản chết bằng vôi bột, chôn hủy theo quy định. Tiến hành cải tạo, xử lý môi trường nuôi theo đúng quy trình trước khi thả giống mới. Việc khử trùng tiêu độc các cơ sở có thủy sản nhiễm bệnh phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Chi cục Thú y, có sự giám sát của cán bộ thú y địa phương; thực hiện thả giống mới theo khung lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp cùng các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch động vật thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn đang có dịch; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, xử lý ổ dịch theo quy định.
- Hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh; tổ chức thanh tra kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư trong nuôi thủy sản (con giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học...), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Phối hợp cùng Sở Nội vụ rà soát, đề xuất tăng cường biên chế thực hiện nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y để đảm bảo hoạt động công tác thủy sản trên địa bàn thành phố.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y:
+ Dự trù, cung ứng đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất để dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
+ Tăng cường công tác giám sát dịch, phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch các huyện, quận, đôn đốc, hướng dẫn các hộ nuôi tôm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
+ Tiếp tự triển khai các thủ tục theo quy định của pháp luật để xây dựng Trạm Kiểm dịch và Kiểm tra chất lượng hàng thủy sản; trang bị hệ thống chẩn đoán, xét nghiệm đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2016 trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
3. Sở Công thương, Công an thành phố chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường tăng cường lực lượng liên ngành tại các trạm kiểm dịch động vật cố định: Đường 5 - An Dương, Cầu Đá Bạc - Thủy Nguyên, Cầu Nghìn - Vĩnh Bảo; thường trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông vận chuyển tôm giống vào thành phố; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm giống không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
4. Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu, đề xuất kinh phí phòng, chống dịch thủy sản đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch.
5. Sở Nội vụ nghiên cứu, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung biên chế làm công tác thú y thủy sản trên địa bàn thành phố.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, áp dụng kỹ thuật nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh; tuân thủ lịch thời vụ; tuyệt đối không sử dụng các thuốc, hóa chất diệt tạp và xử lý môi trường có nguồn gốc thuốc trừ sâu, thuốc cấm sử dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với các ban ngành chức năng và cơ quan thú y trong công tác phòng, chống dịch.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các Sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trên; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc và thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |