Nội dung toàn văn Chỉ thị 153-TTg/TN giải quyết phương tiện đi lại làm việc công nhân viên chức
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 153-TTG/TN | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1965 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI LÀM VIỆC CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC
Trước tình hình địch mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, các cơ quan, xí nghiệp phải sơ tán, di chuyển, nhu cầu đi công tác của công nhân, viên chức do đó tăng thêm. Mặt khác, giao thông liên lạc có khó khăn, phương tiện đi lại công cộng thiếu, ở nhiều địa phương và trên nhiều tuyến đường, xe đạp trở thành phương tiện đi lại chủ yếu; trong khi đó một số công nhân, viên chức mà công tác có tính chất lưu động lại chưa có xe đạp.
Trong tình hình hiện nay, biện pháp giải quyết phương tiện đi lại làm việc của công nhân, viên chức chủ yếu vẫn là:
- Công nhân, viên chức dùng phương tiện đi lại công cộng, Nhà nước thanh toán cước phí;
- Công nhân, viên chức dùng xe đạp và xe mô tô tư, Nhà nước trả phụ cấp hao mòn.
Chúng ta nhất thiết không trở lại chế độ xe đạp công (bao gồm cả xe mô tô) như đã thi hành từ năm 1960 trở về trước, vì thực tế đã chứng minh là chế độ này gây nhiều tốn kém cho Nhà nước, phương tiện mau hư hỏng, lại sinh ra tình trạng suy bì, tị nạnh trong nội bộ công nhân, viên chức.
Từ cách đặt vấn đề như trên, chủ trương của chúng ta là hướng dẫn công nhân, viên chức sử dụng các phương tiện đi lại công cộng, khuyến khích công nhân, viên chức dùng xe đạp tư (kể cả xe mô tô) để đi công tác, hạn chế việc sử dụng xe đạp công (kể cả xe mô tô) và ô tô công.
Nhằm thực hiện chủ trương trên đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương, các đơn vị thi hành các biện pháp sau đây:
I. CHỈ DUY TRÌ CHẾ ĐỘ XE ĐẠP VÀ XE MÔ TÔ CÔNG Ở MỨC ĐỘ THẬT CẦN THIẾT
Cụ thể là:
1. Bộ phận tiếp phẩm ở các nhà ăn tập thể lớn, bộ phận liên lạc được dùng xe đạp công.
2. Mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, mỗi Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh được mua một, hai xe môtô hoặc xe đạp máy để dùng cho cán bộ đi công tác trong trường hợp khẩn cấp và để đi công văn hỏa tốc.
3. Xe đạp, xe mô tô (hoặc xe đạp máy) dùng cho nghiệp vụ công tác của một số ngành đặc biệt như ngành bưu điện, do các ngành hữu quan bàn với Bộ Tài chính để quy định riêng.
Các cơ quan, xí nghiệp đã mua xe đạp, xe mô tô (hoặc xe đạp máy) không đúng các quy định trên đây, bất kể bằng nguồn vốn nào (vốn kiến thiết cơ bản, quỹ xí nghiệp, quỹ công đoàn, v.v…) phải bàn với cơ quan tài chính cùng cấp để giải quyết số xe đã mua thừa bằng một trong hai cách sau đây:
- Hoặc bán lại cho công nhân, viên chức theo các quy định nói ở điểm II dưới đây;
- Hoặc chuyển cho các cơ quan, xí nghiệp khác chưa có đủ.
Các cơ quan, xí nghiệp không được mua xe đạp, xe mô tô (hoặc xe đạp máy) ở thị trường tự do.
II. TIẾN HÀNH BÁN CHỊU XE ĐẠP CHO MỘT SỐ LOẠI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC
1. Công nhân, viên chức hiện nay chưa có xe đạp mà công tác lại có tính chất lưu động thì được mua chịu xe đạp.
Đối với số công nhân, viên chức công tác tĩnh thì nói chung không bán chịu xe đạp; trường hợp cá biệt, gia đình ở quá xa nơi làm việc, lại quá túng thiếu thì mới được xét, chiếu cố bán chịu.
2. Công nhân, viên chức phải trả ngay khi mua tối thiểu một phần ba tiền chiếc xe đạp; số tiền còn lại thì cơ quan, xí nghiệp trừ dần vào lương hàng tháng trong thời gian tối đa là 18 tháng.
3. Công nhân, viên chức được mua chịu xe đạp theo giá cung cấp nếu:
- Từ trước đến nay chưa có xe đạp;
- Hoặc đã có xe đạp nhưng đã bán cho thương nghiệp quốc doanh (hoặc đã bán trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp).
Những người đã có xe đạp nhưng đã bán ở thị trường tự do chứ không bán cho thương nghiệp quốc doanh hoặc không bán trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp thì đều phải mua theo giá bán tự do của thương nghiệp quốc doanh, dù mua chịu hoặc mua trả tiền ngay.
4. Do khả năng của Nhà nước có hạn mà yêu cầu thì lớn, cho nên hàng năm Nhà nước sẽ khống chế số xe đạp bán chịu, vì vậy, phải sắp xếp thứ tự ưu tiên và bán chịu trước cho những người mà công tác có tính chất lưu động thường xuyên, lại túng thiếu.
5. Bán chịu xe đạp là một hình thức ứng tiền trước của tài chính Nhà nước; danh sách những người được mua chịu xe đạp phải do cơ quan, xí nghiệp đề nghị, cơ quan tài chính thỏa thuận trước, và cần phải quy định thủ tục hành chính nghiêm ngặt.
Căn cứ các nguyên tắc trên đây, Bộ Tài chính và Bộ Nội thương bàn bạc để quy định thể thức bán chịu xe đạp bằng một văn bản của liên bộ.
Ngoài việc bán chịu xe đạp, để giảm bớt nhu cầu dùng ô tô công để đi công tác, cũng có thể bán chịu xe đạp máy cho một số loại công nhân, viên chức theo giá cung cấp không cao hơn giá xe đạp nhiều. Bộ Tài chính bàn với Bộ Ngoại thương có kế hoạch nhập các loại xe đạp máy thích hợp với điều kiện của nước ta để có điều kiện tiến hành bán chịu.
III. ĐỐI VỚI Ô TÔ CÔNG
Trong thời gian qua, các cơ quan, xí nghiệp ở trung ương và ở địa phương đều sử dụng ô tô công để đi công tác một cách bừa bãi. Tình hình đang đòi hỏi chúng ta phải nêu cao khẩu hiệu "Yêu xe như con, quý xăng như máu". Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng phối hợp với Bộ Giao thông và Bộ Tài chính tổ chức nắm lại tình hình quản lý việc phân phối và quản lý việc sử dụng ô tô công (bao gồm cả ô tô con và ô tô vận tải) trong thời gian qua, để trên cơ sở ấy, nghiên cứu đề ra những biện pháp chấn chỉnh cần thiết nhằm đưa việc phân phối, sử dụng ô tô công vào nguyên tắc, chế độ, kỷ luật chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Trong tình hình hiện nay, giải quyết phương tiện đi lại làm việc của công nhân, viên chức theo các quy định trên đây là hợp lý nhất, đáp ứng yêu cầu công tác, phù hợp với nguyện vọng của công nhân, viên chức, tiết kiệm chi tiêu cho Nhà nước.
Các ngành, các cấp, các đơn vị phải thi hành nghiêm chỉnh các quy định trên đây.
Các quy định trên đây áp dụng đối với tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp và các xí nghiệp quốc doanh.
Đối với các lực lượng vũ trang thì Bộ Quốc phòng và Bộ Công an bàn với Bộ Tài chính để vận dụng thi hành cho thích hợp.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |