Nội dung toàn văn Chỉ thị 163-CP phương hướng, nhiệm vụ công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật hai năm 1966 – 1967
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 163-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 1966 |
CHỈ THỊ
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT HAI NĂM 1966 – 1967
I
Năm 1965, nhờ chuyển hướng kịp thời phục vụ sản xuất và chiến đấu, công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đã tiến bộ rõ rệt và đạt một số kết quả.
Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật được đẩy mạnh, đã góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng và phục vụ đời sống của nhân dân. Việc tổng kết kinh nghiệm và nghiên cứu những biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất lúa nhằm đạt 5 tấn một hécta cả năm ở những ruộng cấy hai vụ; việc kết hợp khoa học tiên tiến với kinh nghiệm của quần chúng để giải quyết tốt nhiều vấn đề về kỹ thuật giao thông thời chiến (vượt sông bằng cầu phao, cầu treo, chống trơn lầy, lún, sụt mặt đường, kỹ thuật sửa chữa nhanh những cầu đường bị ném bom); việc nghiên cứu, vận dụng có sáng tạo nhiều thành tựu y học tiên tiến vào thực tế của nước ta, đồng thời phát huy những kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc đề phòng bệnh, chữa bệnh; chống chiến tranh vi trùng, hóa học và cấp cứu người bị tai nạn chiến tranh v.v… là những kết quả nổi bật, có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị và xã hội.
Công tác nghiên cứu và điều tra cơ bản về các mặt địa chất, địa lý, khí tượng, thủy văn, rừng, biển, thực vật, động vật, côn trùng… được tiếp tục tiến hành mạnh nhằm phục vụ yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho lâu dài. Với sự giúp đỡ của các ngành ở trung ương, một số địa phương đã bắt đầu điều tra điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ xây dựng kinh tế địa phương.
Công tác phổ biến và áp dụng khoa học, kỹ thuật bước đầu được chú trọng, đã góp phần tích cực vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học, kỹ thuật của nhân dân lao động và thúc đẩy phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học, kỹ thuật (như phong trào làm ruộng thí nghiệm thâm canh tăng năng suất lúa trong nông nghiệp, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đạt 3 điểm cao trong công nghiệp, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải).
Công tác đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật được đẩy mạnh, đặc biệt là việc đào tạo cán bộ trên trình độ đại học. Qua rèn luyện trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đã lớn lên khá nhanh về chính trị và chuyên môn. Lực lượng lao động có kỹ thuật ngày càng tăng thêm đông đảo.
Bên cạnh những thành tích nêu ở trên, công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm:
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật có nơi, có lúc còn phân tán, chưa tập trung vào những vấn đề mấu chốt; chưa bám sát những nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phục vụ chiến đấu và phục vụ đời sống;
- Việc nghiên cứu, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm sáng kiến tốt của quần chúng chưa đạt yêu cầu cần thiết. Việc nghiên cứu áp dụng có sáng tạo những thành tựu về khoa học và kỹ thuật tiên tiến của thế giới cũng chưa được chú ý đúng mức.
- Cấp lãnh đạo của các ngành, các địa phương tuy đã bắt đầu quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, nhưng nói chung chỉ đạo chưa sâu, chưa sát và thiếu chặt chẽ, tổ chức thực hiện còn chậm. Việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp công tác của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các ban khoa học kỹ thuật địa phương còn yếu;
- Chưa có quy hoạch dài hạn phát triển khoa học, kỹ thuật để làm cơ sở cho việc bố trí một cách chủ động, toàn diện, cân đối và tập trung mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật;
- Cơ sở vật chất để làm công tác nghiên cứu thí nghiệm khoa học, kỹ thuật còn thiếu, các cơ sở nghiên cứu (viện, trạm, trại nghiên cứu…) còn ít, phương tiện để nghiên cứu còn thiếu. Lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng;
- Bộ máy quản lý công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các Bộ, các Tổng cục còn rất yếu, cần được kiện toàn để làm tốt công tác này.
II
Trước yêu cầu hết sức to lớn và cấp bách của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trong cả nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phải tăng cường nghiên cứu công tác khoa học, kỹ thuật, phải làm cho công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạnh kỹ thuật, góp phần đắc lực vào việc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bằng con đường nhanh nhất, ít tốn kém nhất, thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước ta.
Công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong hai năm 1966-1967 phải quán triệt phương hướng, nhiệm vụ là bám sát các mục tiêu phấn đấu của kế hoạch Nhà nước hai năm 1966-1967 phục vụ đắc lực sản xuất, chiến đấu và đời sống trước mắt, đồng thời tích cực chuẩn bị cho công cuộc xây dựng kinh tế lâu dài. Trong công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phải lấy việc đáp ứng yêu cầu trước mắt là chủ yếu, đồng thời chú ý thích đáng việc chuẩn bị về lâu dài. Trong việc phục vụ yêu cầu trước mắt phải lấy việc ứng dụng những thành tựu sẵn có của thế giới về khoa học và kỹ thuật cho thích hợp với hoàn cảnh của nước ta nhằm phục vụ kịp thời và tốt là chủ yếu; phải tổng kết những kinh nghiệm rất phong phú của quần chúng và phổ biến những kinh nghiệm đã được tổng kết một cách nhanh chóng. Phải rất coi trọng vấn đề điều tra cơ bản.
Nhiệm vụ cụ thể của công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong hai năm 1966 – 1967 là:
1. Đẩy mạnh mọi hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, phổ biến và áp dụng khoa học và kỹ thuật, tập trung phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp địa phương, tăng cường năng lực sản xuất của công nghiệp trung ương, bảo đảm giao thông vận tải và thông tin liên lạc, tăng cường khả năng quốc phòng và cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần đắc lực vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.
2. Tích cực tiến hành một số công tác điều tra nghiên cứu cơ bản để vừa phục vụ cho yêu cầu trước mắt về xây dựng kinh tế địa phương, phát triển công nghiệp và nông nghiệp, vừa chuẩn bị cho bước phát triển mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh kết thúc.
3. Ra sức tranh thủ xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở trung ương và ở địa phương; đào tạo thêm nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, chú trọng cán bộ có trình độ trên bậc đại học.
4. Xúc tiến xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đồng thời nghiên cứu và ban hành một số chính sách, chế độ nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu và áp dụng khoa học, kỹ thuật.
5. Xúc tiến việc lập quy hoạch dài hạn (10-15 năm) về việc xây dựng và phát triển khoa học, kỹ thuật.
III
Để bảo đảm thực hiện những phương hướng, nhiệm vụ công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong hai năm 1966-1967, cần làm tốt một số việc cụ thể sau đây:
1. Cấp lãnh đạo các Bộ, các ngành ở trung ương phải tăng cường lãnh đạo chính trị và tư tưởng làm cho mọi người thấu suốt đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, về ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng kỹ thuật, quán triệt đường lối chủ trương đó vào mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của từng ngành, từng đơn vị. Về tư tưởng, cần bồi dưỡng và xây dựng cho cán bộ khoa học, kỹ thuật ý chí phấn đấu cách mạng, tinh thần tự lực cánh sinh cao độ, tinh thần sáng tạo; dám nghĩ dám làm, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, giải quyết bằng được những yêu cầu của sản xuất và chiến đấu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cần giáo dục và nêu cao tinh thần đoàn kết hợp tác xã hội chủ nghĩa; đức tính khiêm tốn, ý thức phục vụ vô điều kiện, tác phong khẩn trương, linh hoạt, đi sát quần chúng, đi sát thực tế.
2. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Kế hoạch đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phải hướng vào phục vụ những vấn đề mấu chốt về kinh tế, quốc phòng và đời sống. Phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung từng đề tài và có biện pháp cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt. Cần lập kế hoạch nghiên cứu khoa học, kỹ thuật song song và kết hợp chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân.
Về tổ chức thực hiện, cần tập trung lực lượng giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Cần có sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của cấp lãnh đạo và cơ quan quản lý, để kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của cơ sở. Các Bộ, các ngành quản lý công tác khoa học, kỹ thuật có trách nhiệm thực hiện việc nghiên cứu thí nghiệm những đề mục khoa học, kỹ thuật thuộc phần mình đã ghi trong kế hoạch, được Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước xét duyệt. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm quản lý thống nhất và theo dõi những đề mục trọng điểm, thực hiện điều hòa và phối hợp lực lượng của các ngành để giải quyết những vấn đề chung có liên quan đến nhiều ngành. Các ngành, các đơn vị nghiên cứu cũng phải tăng cường liên hệ phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề khoa học và kỹ thuật của mình. Cần làm cho công tác nghiên cứu, thí nghiệm và điều tra cơ bản của các đơn vị nghiên cứu kết hợp chặt chẽ với phong trào quần chúng cải tiến kỹ thuật và áp dụng khoa học, kỹ thuật. Cần động viên và thu hút lực lượng của đông đảo quần chúng công nhân, nông dân, sinh viên, học sinh tham gia vào các công tác nghiên cứu, thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và điều tra cơ bản.
3. Bảo đảm điều kiện vật chất cần thiết cho công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần kết hợp chặt chẽ với các ngành, làm tốt hơn nữa công tác thư viện và công tác thông tin khoa học, kỹ thuật. Phải hết sức cố gắng cung cấp sách báo, tài liệu cần thiết cho công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học, kỹ thuật. Phải cố gắng nắm được nhanh hơn, nhiều hơn những thành tựu khoa học, kỹ thuật của nước ngoài và tích cực thúc đẩy việc vận dụng có sáng tạo vào điều kiện nước ta. Cần cải tiến công tác xuất bản sách báo, tài liệu khoa học, kỹ thuật ở trong nước nhằm phục vụ thiết thực hơn nữa cho việc phổ biến khoa học và kỹ thuậttrong quần chúng và thúc đẩy sinh hoạt học thuật trong giới khoa học, kỹ thuật.
Cần sử dụng tốt những thiết bị và vật tư đã có, chú ý đến việc sửa chữa những thiết bị hư hỏng và tổ chức việc điều hòa, phối hợp sử dụng trong từng ngành. Cố gắng tự trang bị, chế tạo một số thiết bị, khí tài không yêu cầu chính xác lắm. Các cơ quan cung cấp và quản lý vật tư (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Vật tư, Bộ Ngoại thương…) cần tìm cách nhập các vật tư, khí tài thiết yếu cho công tác nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, kỹ thuật. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần xúc tiến xây dựng tổ chức quản lý, điều hòa khí tài, vật tư phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.
Cần quản lý, sử dụng thật tốt kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, thí nghiệm để đạt được hiệu quả lớn nhất, tránh mọi lãnh phí.
4. Coi trọng và tăng cường hơn nữa việc hợp tác khoa học, kỹ thuật với các nước anh em, triệt để sử dụng sự giúp đỡ của các nước anh em để đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở nghiên cứu, đào tạo cán bộ và làm tốt công tác thông tin khoa học, kỹ thuật.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước với sự phối hợp của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần tổng kết công tác hợp tác khoa học và kỹ thuật với các nước anh em để báo cáo lên Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ và đề ra những kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp đẩy mạnh công tác này.
Cần nghiên cứu phân công hợp lý giữa Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong công tác hợp tác quốc tế về khoa học, kỹ thuật.
5. Tăng cường, củng cố và xây dựng tổ chức nghiên cứu và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Các ngành quản lý công tác khoa học, kỹ thuật và Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phải đặc biệt chăm lo xây dựng, tăng cường các cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và củng cố bộ máy quản lý công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Cần bổ sung cán bộ có khả năng nghiên cứu vào các cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đồng thời sử dụng hợp lý cán bộ kỹ thuật đang làm công tác sản xuất vào công tác nghiên cứu. Trong điều kiện cán bộ vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay, phải tập trung lực lượng để giải quyết những yêu cầu và công việc một cách có trọng điểm, không dàn mỏng và phân tán lực lượng.
Cần tạo mọi điều kiện tốt giúp cho cán bộ khoa học, kỹ thuật đi sâu vào thực tế. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các Bộ, các ngành có liên quan phải chấp hành tốt chỉ thị số 74-TTg/VG ngày 28 tháng 7 năm 1964 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng bồi dưỡng chuyên môn, và tăng cường các phương tiện làm việc, phương tiện nghiên cứu đối với cán bộ khoa học, kỹ thuật.
Hội đồng Chính phủ yêu cầu các Bộ căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong chỉ thị này, kiểm điểm tình hình công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong phạm vi ngành mình phụ trách, đề ra những biện pháp cụ thể nhằm tổ chức thực hiện tốt các đề mục nghiên cứu kèm theo chỉ thị này cùng các đề tài, đề mục mà Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đã xét duyệt theo kế hoạch hàng năm, và góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước hai năm 1966 – 1967.
| T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |