Nội dung toàn văn Chỉ thị 17/CT-UBND 2015 Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác dân vận cơ quan nhà nước Hà Tĩnh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND | Hà Tĩnh, ngày 14 tháng 8 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÁC CẤP TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thời gian qua, công tác dân vận của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng; góp phần từng bước hoàn thiện phương pháp điều hành, quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chấn chỉnh lề lối, tác phong, ý thức, thái độ làm việc của đội ngũ công chức, viên chức theo hướng công khai, dân chủ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính quyền nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, vì dân.
Tuy vậy, công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu như: Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả cải cách hành chính chưa cao; việc lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nơi còn hình thức; công tác tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả, hiệu lực giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa cao; tình trạng khiếu kiện vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
2. Tham mưu cho cấp ủy Đảng cùng cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xây dựng quy chế giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính và cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị. Bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
3. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì nhân dân phục vụ; thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc; chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
4. Thực hiện tốt Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện dân chủ cấp xã, phường, thị trấn; chú trọng nội dung: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh tiêu cực.
5. Tiếp tục đẩy manh cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, quản trị cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm việc rút ngắn 1/2 thời gian và giảm 1/3 thành phần hồ sơ trong giải quyết các thủ tục hành chính.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, không để tình trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
7. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận - Tỉnh ủy chỉ đạo Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận của các cơ quan nhà nước gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị và của Tỉnh trong từng thời kỳ; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác dân vận chính quyền.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, gắn với phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện những nội dung nêu trên; định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ). Giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |