Nội dung toàn văn Chỉ thị 181-TTg tăng cường kiểm soát ra vào vùng mới giải phóng
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 181-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1975 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT SỰ RA VÀO CÁC VÙNG MỚI GIẢI PHÓNG
Hiện nay do yêu cầu chi viện cho miềm Nam ngày càng lớn nên việc ra vào các vùng giải phóng ngày càng phát triển. Đảng và Chính phủ đã có những quy định ban đầu cho việc đưa cán bộ vào vùng giải phóng, nhưng việc thực hiện của các ngành, các cấp chưa nghiêm. Nhiều nơi đã thiếu thận trọng trong việc đưa cán bộ vào vùng giải phóng, không xem xét và lựa chọn đúng tiêu chuẩn đã quy định, không thông qua cấp có thẩm quyền quyết định, không tổ chức giáo dục các chính sách và các điều kỷ luật.
Vì vậy, đã có một số cán bộ, nhân viên, lái xe, công nhân, chiến sĩ sai phạm, lấy cắp tài sản Nhà nước, lấy cắp chiến lợi phẩm, xoay xở của dân, mua vét hàng, buôn án, đầu cơ…
Một số lưu manh, buôn lậu đã lợi dụng, móc ngoặc với một số cán bộ, chiến sĩ, lái xe, thủy thủ, để được che chở, cho đi nhờ xe , nhờ tàu, lọt vào vùng giải phóng mua hàng hóa, vật tư, thiết bị, chiến lợi phẩm… đưa ra bán tại miền Bắc, gây rối thị trường. Một số phần tử xấu trong miền Nam, trước đây có tội ác với nhân dân, đã nhân cơ hội tìm cách móc ngoặc trốn ra miền Bắc nhằm tránh sự đấu tranh của nhân dân miền Nam và tránh sự phát hiện của chính quyền cách mạng.
Các mặt phức tạp nó trên đã gây ảnh hưởng xấu đối với an ninh cả hai miền, gây khó khăn cho việc ổn định trật tự xã hội và ổn định đời sống nhân dân vùng mới giải phóng; đồng thời làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vùng giải phóng đối với cán bộ, và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc.
Để kịp thời ngăn ngừa và chấm dứt những hiện tượng xấu nói trên, góp phần ổn định trật tự an ninh ở cả hai miền, phát hiện và trừng trị kịp thời và nghiêm ngặt những hành vi phạp pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉnh các việc sau đây:
1. Việc đưa cán bộ, công nhân, chiến sĩ vào công tác vùng giải phóng (kể cả cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang) phải theo đúng thủ tục quy định. Thủ trưởng các ngành phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn cán bộ đi công tác vùng giải phóng, giáo dục cán bộ, chiến sĩ về các chính sách ở vùng giải phóng, và các điều quy định về kỷ luật ở nơi này. Khi qua các trạm kiểm soát, các đơn vị tập thể hoặc cá nhân phải chịu sự kiểm soát của các trạm kiểm soát ở dọc đường và các bến cảng.
2. Đối với những trường hợp không phải là đi công tác nhưng có lý do đặc biệt cần cho đi lại giữa hai miền phải qua các thủ tục do Bộ Công an quy định.
3. Hàng hóa, vật tư, thiết bị, lương thực đưa vào miền Nam phải làm đúng các thủ tục hiện hành, phải có đủ vận đơn, hóa đơn và phải chịu sự kiểm soát của các trạm kiểm soát nói trên.
4. Nghiêm cấm việc mang trái phép vàng, ngoại tệ, tiền ngân hàng vào các vùng giải phóng miền Nam. Cán bộ, công nhân, chiến sĩ đi công tác vào miền Nam được cấp tiền Sài Gòn bằng séc định mức đích danh; trường hợp đặc biệt cần dùng tiền ngân hàng phải do Ngân hàng Nhà nước xét định. Khi qua nơi kiểm soát giữa hai miền, người có mang tiền, vàng bạc, ngoại tệ phải khai báo và chịu sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền (Hải quan, Công an).
5. Nghiêm cấm việc tự tiện đưa ra miền Bắc các loại vật tư, thiết bị, phụ tùng, vũ khí và quân trang quân bị của địch, tài liệu sách báo phản động, văn hóa phẩm đồi trụy.
Đối với những thứ cần thiết cho Quân đội thì phải làm đúng các điều quy định trong điều 4 chỉ thị số 153 ngày 15 tháng 4 năm 1975 của Bộ Quốc phòng. Đối với những thứ khác, nếu cần thu thập để nghiên cứu hay sử dụng trong công tác, thì phải có giấy ủy quyền của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính Phủ và được Ủy ban nhân dân cách mạng hay Ủy ban quân nhân thành, tỉnh chứng nhận cho phép đem ra.
6. Nghiêm cấm mọi hoạt động buôn bán trái phép, đầu cơ buôn lậu giữa hai miền.
Cán bộ, công nhân, chiến sĩ, nhân dân được phép qua lại giữa hai miền đựơc phép mang theo hành lý cần thiết của cá nhân như quần áo, chăn màn, đồng hồ, đài bán dẫn, kính, bút máy…; nghiêm cấm lợi dụng mang theo hàng hóa trái phép.
7. Mọi người khi qua các trạm kiểm soát đều phải làm thủ tục đăng ký, nộp bản kê khai.
Tất cả những người vi phạm các điều quy định nói trên (kể cả các cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang) đều bị xử lý nghiêm khắc.
Cơ quan có trách nhiệm có quyền lập biên bản, giữ tang vật, xử lý theo chế độ Nhà nước hoặc báo cáo lên cấp trên.
8. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại thương phải phối hợp chặt chẽ, do Bộ Công an chủ trì, tổ chức các trạm kiểm soát ở các sân bay, cảng và giới tuyến qua lại giữa hai miền.
Nhiệm vụ chính của các trạm kiểm soát nói trên là kiểm soát sự qua lại của người, xe cộ, tàu thuyền, hàng từ miền Bắc vào vùng giải phóng miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Mỗi trạm kiểm soát phải có đủ thành phần Công an, Quân pháp, Hải quan.
9. Các Bộ chức năng nói trên sẽ trao đổi, ra thông tư Liên Bộ quy định cụ thể về tổ chức, phân công, phân nhiệm và thể thức thi hành chỉ thị này.
10. Ngoài các trạm kiểm soát nói trên, Ủy ban hành chính tỉnh có bờ biển, trước hết là Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh phải tổ chức cho lực lượng quân dân và công an xã thực hiện việc kiểm soát ở dọc bờ sông Bến Hải, bờ biển, các cửa sông nhằm thi hành chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức các ngành, các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang được biết.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |