Chỉ thị 191-TTg

Chỉ thị 191/TTg năm 1996 về đẩy mạnh việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Chỉ thị 191/TTg đẩy mạnh bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất tại đô thị


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 1996

 

CHỈ THỊ

MẠNH VIỆC BÁN NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC CHO NGƯỜI ĐANG THUÊ VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ

Để tăng cường công tác quản lý nhà ở, đất ở tại đô thị và đẩy mạnh việc phát triển nhà ở, ngày 5 tháng 7 năm 1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/CP về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị và Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung chi đạo việc triển khai thực hiện các Nghị định trên.

Đến nay, hầu hết các địa phương đều đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về chính sách nhà ở và đất ở, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai các Nghị định của Chính phủ và thu được kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, nhìn chung tiến độ triển khai chậm, kết quả còn bị hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và nguyện vọng của nhân dân, thậm chí một số địa phương chưa thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ đã ban hành.

Nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực nhà ở, đất ở vốn rất phức tạp lại bị buông lỏng quản lý trong nhiều năm nên việc xử lý các tồn tại rất khó khăn, nhưng nhiều địa phương chưa quán triệt đầy đủ chủ trương, yêu cầu của các chính sách đã được Chính phủ ban hành. Do đó, chưa có sự chỉ đạo tập trung sát sao và thường xuyên của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; chưa có sự phối hợp chặt chẽ và có hiểu quả của các Ban, ngành chức năng cũng như Uỷ ban nhân dân các cấp; chưa huy động đủ lực lượng cần thiết để triển khai thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về chính sách nhà ở và đất ở, bảo đảm nguyên tắc chỉ đạo tập trung thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các cấp. Đối với các tỉnh, thành phố lớn cần thành lập Ban chỉ đạo đến cấp quận (huyện) để chỉ đạo công tác đến tận phường (xã).

2- Các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo và tổ chức việc đăng ký nhà ở, đất ở theo quy định của Nghị định số 60/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994 để làm căn cứ quản lý và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị phải thực hiện theo đúng Nghị định số 60/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994. Những giấy chứng nhận đã cấp sau ngày 5 tháng 7 năm 1994 trái với Nghị định này, phải huỷ bỏ và cấp lại theo mẫu thống nhất.

3- Tại các tỉnh, thành phố có quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải khẩn trương xây dựng đề án bán nhà ở trình Hội đồng nhân dân thông qua, trong đó xác định các khu vực nhà ở thuộc diện được bán và công bố rộng rãi cho nhân dân biết.

Đối với những nhà ở thuộc diện không được bán thì phải lập dự án cải tạo, xây dựng lại để sử dụng có hiệu quả và thực hiện chỉnh trang đô thị.

Đối với nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở cấu trúc kiểu căn hộ không khép kín thì phải cải tạo, sửa chữa bảo đảm tiện nghi sử dụng thành căn hộ khép kín rồi mới tiến hành bán.

4- Các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện được bán phải khẩn trương phối hợp với các địa phương làm tốt các thủ tục cần thiết theo quy định, để đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở cho người đang thuê.

5- Để bảo đảm tiến độ bán nhà ở theo Nghị định số 61/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994 và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định số 60/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994, phục vụ yêu cầu quản lý xây dựng tại đô thị, phải đẩy mạnh việc xác lập hồ sơ địa chính theo các nguyên tắc sau:

- Ở những nơi đã có bản đồ địa chính thì căn cứ vào bản đồ đó để trích thửa.

- Ở những nơi chưa có bản đồ địa chính nhưng đã có bản đồ giải thửa cũ thì được căn cứ vào bản đồ đó để trích thửa sau khi đã kiểm tra lại.

- Ở những nơi đã có bản đồ quy hoạch chi tiết khi giao đất cho nhân dân làm nhà ở thì được căn cứ vào bản đồ đó để trích thửa sau khi đã kiểm tra thực tế.

- Đối với những trường hợp khác, ngành địa chính phải có giải pháp tạm thời, xác định vị trí, diện tích của khuôn viên đất ở (nếu có) một cách đơn giản để thực hiện việc bán nhà dễ dàng, thuận tiện; sau đó tiếp tục đo vẽ chính xác theo quy định của ngành địa chính để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức cho nhân dân.

Việc xác lập hồ sơ địa chính rất phức tạp, khối lượng lớn, vì vậy ngoài lực lượng đo vẽ bản đồ của ngành địa chính, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có biện pháp huy động nhiều lực lượng đo vẽ bản đồ của các ngành: Xây dựng, Giao thông, Nông nghiệp, Địa chất, Quốc phòng... trên địa bàn, có sự quản lý Nhà nước thống nhất của ngành Địa chính. Nhất thiết không để vấn đề lập hồ sơ địa chính trở thành trở ngại làm kéo dài việc tổ chức thực hiện Nghị định số 60/CP và số 61/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994.

6- Tiền bán nhà ở phải được sử dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương xây dựng các dự án cải tạo, sửa chữa và phát triển nhà ở để sử dụng tiền bán nhà ở có hiệu quả.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này. Nếu có gì khó khăn vướng mắc phải kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 191-TTg

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu191-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành03/04/1996
Ngày hiệu lực18/04/1996
Ngày công báo31/07/1996
Số công báoSố 14
Lĩnh vựcBất động sản
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Chỉ thị 191/TTg đẩy mạnh bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất tại đô thị


Văn bản bị đính chính

    Văn bản được hướng dẫn

      Văn bản đính chính

        Văn bản bị thay thế

          Văn bản hiện thời

          Chỉ thị 191/TTg đẩy mạnh bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất tại đô thị
          Loại văn bảnChỉ thị
          Số hiệu191-TTg
          Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
          Người kýTrần Đức Lương
          Ngày ban hành03/04/1996
          Ngày hiệu lực18/04/1996
          Ngày công báo31/07/1996
          Số công báoSố 14
          Lĩnh vựcBất động sản
          Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
          Cập nhật17 năm trước

          Văn bản thay thế

            Văn bản được căn cứ

              Văn bản hợp nhất

                Văn bản gốc Chỉ thị 191/TTg đẩy mạnh bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất tại đô thị

                Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 191/TTg đẩy mạnh bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất tại đô thị

                • 03/04/1996

                  Văn bản được ban hành

                  Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                • 31/07/1996

                  Văn bản được đăng công báo

                  Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                • 18/04/1996

                  Văn bản có hiệu lực

                  Trạng thái: Có hiệu lực