Nội dung toàn văn Chỉ thị 21/2007/CT-UBND quản lý hôn nhân yếu tố nước ngoài Long An
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2007/CT-UBND | Tân An, ngày 18 tháng 10 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
Trong những năm qua, các cấp các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2006/NĐ-CP; Chỉ thị 03/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế những quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không lành mạnh, bảo vệ được quyền và lợi ích của phụ nữ trong tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây việc kết hôn giữa phụ nữ trong tỉnh với người nước ngoài, nhất là Hàn Quốc tăng đột biến và phức tạp. Hoạt động môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi của một số tổ chức, cá nhân diễn biến dưới nhiều hình thức trá hình, tinh vi, gây mất trật tự xã hội. Nhiều trường hợp môi giới kết hôn đã vi phạm nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, làm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng thuần phong, mỹ tục của dân tộc…,hiện nay một số đối tượng môi giới tăng cường hoạt động ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đòi hỏi các ngành các cấp phải đề cao cảnh giác.
Nguyên nhân chủ yếu tình hình nêu trên do công tác giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn về hôn nhân và gia đình chưa được quan tâm, các cơ quan chức năng có liên quan chưa làm tốt việc phối hợp trong việc phòng ngừa, phát hiện xử lý những vấn đề phát sinh tiêu cực, các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa được thực hiện tốt. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh chỉ thị như sau:
1. Các sở, ban ngành tỉnh, UBND các cấp cần nhận thức sâu sắc về quan hệ hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, đây là vấn đề có liên quan đến nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự xã hội, đối ngoại và nhân phẩm con người; cần phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Chỉ thị số 16/2007/CT-TTg ngày 27/6/2007 về tăng cường thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán, phụ nữ, trẻ em và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về tình hình kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông các nước Hàn quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore.
2. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các ngành chức năng và UBND các cấp đánh giá rút kinh nghiệm và tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 23/TB-VPCP ngày 26/01/2006 của Văn phòng Chính phủ về tình hình kết hôn của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, văn bản số 3745/VPCP-VX ngày 14/7/2006, văn bản số 1057/VPCP-VX ngày 06/12/2006 của Văn phòng Chính phủ về về tình hình kết hôn của phụ nữ Việt Nam với người Hàn quốc và văn bản số 565/VPCP-VX ngày 02/7/2007 về tình hình phụ nữ Việt Nam sang Malaysia và Singapore lấy chồng.
Không ngừng kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức hộ tịch để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đăng ký quản lý về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đúng trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành, thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hiện tượng tiêu cực trong thi hành công vụ. Cần tăng cường biện pháp xác minh, phỏng vấn các bên để làm rõ tính xác thực, tính tự nguyện trước khi ra quyết định ghi chú kết hôn hoặc trình UBND quyết định đăng ký kết hôn, đảm bảo theo hướng không cấm, song không khuyến khích, cần làm lành mạnh hóa các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài gắn với công tác phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em thông qua con đường kết hôn và xuất khẩu lao động.
3. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện, thị xã chỉ đạo Công an các cấp tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, điều tra, triệt phá các đường dây môi giới kết hôn bất hợp pháp và các hình thức trá hình khác nhằm mục đích buôn bán phụ nữ ra nước ngoài.
Chỉ đạo, kiểm tra Công an các cấp nhất là cơ sở trong việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Cư trú; việc đăng ký hộ khẩu thường trú phải đúng đối tượng và điều kiện theo quy định; thường xuyên quản lý chặt chẽ di biến động nhân khẩu. Phối hợp Sở Tư pháp thông qua các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện làm rõ, triệt phá, xử lý những đường dây làm giấy tờ giả và người sử dụng giấy tờ giả để đăng ký kết hôn giữa phụ nữ trong tỉnh với người nước ngoài.
4. Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Long An phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch tăng cường các hình thức, biện pháp tuyên truyền phổ biến sâu rộng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hiện tượng kết hôn không lành mạnh, không đúng pháp luật góp phần tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
5. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tăng cường chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em; xây dựng phong trào gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở cụm dân cư.
6. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính khẩn trương thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đồng thời xây dựng quy chế quản lý và hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ kết hôn.
7. UBND các huyện, thị xã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đến từng ấp, khu phố và từng người dân để họ nhận thức đầy đủ điều kiện kết hôn, nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và vấn đề quan hệ quốc tế, nhằm hạn chế việc kết hôn có yếu tố nước ngoài không lành mạnh, tích cực tố giác bọn môi giới kết hôn bất hợp pháp.
Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc các quy định về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tích cực tham gia phối hợp thực hiện, tuyên truyền giáo dục đoàn viên, hội viên thông suốt quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, góp phần hạn chế tình trạng kết hôn không lành mạnh hiện nay, bảo vệ nhân phẩm, lợi ích của đoàn viên, hội viên.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện thị xã tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
Giao Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này và báo cáo kết quả UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |