Nội dung toàn văn Chỉ thị 2274-NN-TTg tiếp tế hạt giống cho dân
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 2274-NN-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 1956 |
CHỈ THỊ
VỀ VẤN ĐỀ TIẾP TẾ HẠT GIỐNG CHO DÂN
Gửi: U.B.H.C các khu, tỉnh, thành phố
Theo tập quán canh tác, nông dân tự gây giống, chọn giống, giữ giống những loại cây mà họ quen trồng. Những giống của nông dân tự tạo thường là những giống tốt, thích hợp với đất đai và khí hậu địa phương hơn những giống của Chính phủ. Một mặt khác, dân có đủ khả năng mua giống hoặc tương trợ giống giữa nhau. Chỉ trong trường hợp thiếu đói cả vùng hoặc trường hợp tạo những giống mới không có trong địa phương thì dân mới cần có thêm sự giúp đỡ của Chính phủ.
Trong thời gian qua, chủ trương giải quyết giống cho dân nặng về sự giúp đỡ của Chính phủ. Cho nên thường gây tâm lý ỷ lại, tham ô, lãng phí một số tài sản quốc gia. Việc phân công, phân nhiệm giữa các ngành cũng chưa được hợp lý, làm trở ngại cho công tác của ngành, và giống tiếp tế cho dân thường là giống xấu.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng Phủ, sau khi đã hội ý với các Bộ, quyết định như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
1. Nông dân phải tự mình tạo giống để sản xuất. Nếu có xảy ra trường hợp thiếu giống thì phải lấy việc vận động đổi chác, tương trợ giữa nông dân với nhau làm chính.
2. Chính phủ chỉ giúp dân trong 3 trường hợp:
- Bán hoặc đổi giống khi dân thiếu giống nhưng còn khả năng mua hoặc tương trợ lẫn nhau mua giống.
- Cho vay giống trong trường hợp thiên tai, thiếu đói cả một vùng, dân hết khả năng tự tạo giống và tương trợ giống lẫn nhau.
- Cho vay hoặc cho không một số giống mà dân chưa quen trồng để tuyên truyền giống mới.
3. Để đảm bảo giống tốt, Bộ Nông lâm phải phụ trách việc tiếp tế giống cho dân trong những trường hợp trên. Nhưng trong lúc Bộ Nông lâm chưa có đầy đủ điều kiện thì thi hành nhiệm vụ, thì các ngành Mậu dịch tạm thời có trách nhiệm tiếp tế một số giống cho dân với sự cộng tác của Bộ Nông lâm.
II. Chủ trương cụ thể đối với từng loại giống
1. Thóc giống và giống ngũ cốc: thóc tốt lấy trong thóc thuế nông nghiệp tạm dùng làm giống để bán hoặc đổi cho dân. Đặc biệt đối với một vài vùng mất mùa, thiếu đói, Chính phủ có thể cho dân vay giống.
Chính phủ có thể đưa cho dân trồng thử một vài thứ giống lúa hoặc ngũ cốc mới lạ mà dân chưa quen trồng. Số này sẽ thu lại nếu dân trồng có kết quả.
2. Giống các cây công nghệ: thầu dầu, lạc, các giống rau; Chính phủ bán, khoán cho vay hoặc đổi.
3. Nhân dân tự mình giải quyết những nhu cầu nhỏ nhặt khác về giống (khai, rau muống, v.v…).
III. Phân công giữa các ngành
1. Bộ Nông lâm chịu trách nhiệm:
- Làm dự kiến số giống mỗi loại cần chuẩn bị cho mỗi tỉnh hoặc mỗi vùng.
- Hướng dẫn các cơ quan Mậu dịch về cách phân biệt giống, chọn giống tốt, bảo quản giống, định thời gian và nơi phân phối; nghiên cứu giá cả.
- Hướng dẫn nông dân cách trồng và theo dõi kết quả.
- Trực tiếp phụ trách tạo, bảo quản và phân phối giống ngô và các thứ giống cây công nghiệp, trừ thầu dầu, lạc, bông, rau.
2. Bộ thương nghiệp:
- Tổng công ty Lương thực chịu trách nhiệm về việc mua, chuyển vận, bảo quản, bán hoặc đổi giống thóc và các loại ngũ cốc (trừ ngô do Bộ Nông lâm chịu trách nhiệm) theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
- Tổng công ty Lâm thổ sản phụ trách các giống thầu dầu, lạc.
- Tổng công ty Bách hóa phụ trách giống bông và giống các loại rau, khoai tây.
3. Ngân hàng không cho vay mua giống lẻ tẻ. Trong trường hợp nông dân vay tiền mua trâu, mua nông cụ và đồng thời mua giống thì Ngân hàng có thể cho vay.
4. Bộ Tài chính:
- Cùng với Bộ Nông lâm và Bộ Thương nghiệp nghiên cứu số vốn cần thiết để tạo các hạt giống, tiêu chuẩn phụ cấp cho các cơ quan Mậu dịch về việc vận tải, bảo quản, bù trừ hao hụt giống, và đề nghị lên Thủ tướng Phủ.
- Xuất quỹ mua giống cho dân vay theo yêu cầu của Thủ tướng Phủ.
5. Ủy ban hành chính các cấp:
- Ủy ban hành chính xã và nông hội xã có trách nhiệm giới thiệu người đi mua hoặc đổi giống của Chính phủ.
- Ủy ban hành chính khu và tỉnh nghiên cứu và đề nghị về Bộ Nông lâm tổng số giống cần cho địa phương, và đề nghị lên Thủ tướng Phủ số giống cần cho vay nếu có trường hợp cần cho vay.
- Ủy ban hành chính các cấp theo dõi việc sử dụng giống cho hợp lý và thu hồi số giống cho vay.
IV. Giá cả các loại giống do Chính phủ bán. Phụ cấp cho các cơ quan Mậu dịch trong công tác giống
- Giá thóc giống bán mỗi mùa sẽ do Bộ Thương nghiệp định căn cứ vào giá chỉ đạo.
- Các giống khác Bộ Thương nghiệp định thỏa thuận với Bộ Nông lâm căn cứ vào giá thị trường và yêu cầu của kế hoạch sản xuất.
- Các Công ty Lương thực và Lâm thổ sản không kinh doanh lấy lãi về các loại giống nên sẽ được hoàn lại chi phí vận chuyển, bảo quản, bù trừ hao hụt theo tỷ lệ nhất định do Bộ Tài chính thỏa thuận với Bộ Thương nghiệp và Bộ Nông lâm.
- Tổng công ty Bách hóa kinh doanh về giống rau có lãi nên không cần được phụ cấp.
V. Các công việc cần làm
Nhận được chỉ thị này, đề nghị Ủy ban khu, tỉnh:
- Phổ biến chủ trương trong cán bộ và nhân dân, chấn chỉnh lại những sự phân công không hợp lý.
- Hoàn thành việc tiếp tế giống cho vụ mùa, chuẩn bị giống cho vụ chiêm và các cây công nghệ cho năm tới, Bộ Nông lâm sẽ có những tài liệu hướng dẫn cần thiết cho địa phương.
- Kiểm điểm số giống đã cho dân vay (thóc, ngũ cốc, cây công nghệ) trong năm 1955 và năm 1956, và chuẩn bị thu lại trong vụ thuế nông nghiệp vụ đóng sắp đến. Phần thóc cho vay cứu đói sẽ có chỉ thị riêng.
| TL. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG KINH TẾ TÀI CHÍNH
Ngô Tấn Nhân |