Chỉ thị 27/2014/CT-UBND

Chỉ thị 27/2014/CT-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Nội dung toàn văn Chỉ thị 27/2014/CT-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở Ninh Thuận


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2014/CT-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 30 tháng 10 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp tỉnh) và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền  sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (viết tắt là giấy chứng nhận) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thực hiện một cách cụ thể. Các huyện, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về công tác cấp giấy chứng nhận; kết quả đối với đất nông nghiệp đã cấp 51.800,17/53.878,55 ha, đạt 96,11%; đất phi nông nghiệp đã cấp 3.310,46 ha/3.570,87 ha, đạt 92,71%, hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận và Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII.

Trong 09 (chín) tháng đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch cấp giấy chứng nhận, quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho cấp xã; đồng thời tổ chức hội nghị chuyên đề triển khai công tác cấp giấy chứng nhận năm 2014. Định kỳ họp giao ban để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng xã; chỉ đạo các Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức phụ trách địa bàn từng xã để hướng dẫn và hỗ trợ cán bộ địa chính các xã triển khai cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch. Tuy nhiên việc chỉ đạo này chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến Ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Do đó tỷ lệ cấp giấy 09 tháng đầu năm đạt thấp so với chỉ tiêu được giao (cả tỉnh đối với đất nông nghiệp chỉ đạt 32,54%; đất ở đạt 30,95%).

Nguyên nhân của việc cấp giấy 09 tháng đầu năm đạt thấp so với chỉ tiêu được giao đó là cán bộ, công chức tại cấp xã (đặc biệt là các xã miền núi thuộc huyện Ninh Sơn, Bác Ái) nghiệp vụ chuyên môn chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao mặc dù đã được tổ chức tập huấn nhiều lần, hướng dẫn trực tiếp, cụ thể. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Ban Chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cấp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tổ chức để làm chuyển biến tình hình nhưng qua kiểm tra tại cơ sở vẫn không thực hiện, đặc biệt là việc lập bản đồ theo dõi tiến độ cấp giấy chứng nhận. Công tác chỉ đạo điều hành tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là cấp xã, dẫn đến tình trạng số lượng thửa đất chưa đăng ký, kê khai, chưa được cấp giấy chứng nhận còn rất nhiều. Công tác giải quyết tranh chấp đất đai, hoà giải tại cơ sở đối với những thửa đất đang có tranh chấp chưa được coi trọng.

Một số xã vẫn chưa lập được danh sách các hộ đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận để có những giải pháp xử lý cụ thể; chưa lập hồ sơ phân loại sau khi đã đăng ký để tập trung cấp giấy chứng nhận lần đầu. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số xã không nắm được tổng số thửa đất, diện tích cần cấp giấy chứng nhận, chủ sử dụng đất tại địa phương, số chủ sử dụng đất chưa kê khai đăng ký; chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận, chủ yếu giao cho cán bộ địa chính thực hiện mà chưa kiểm tra nhắc nhở. Công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật đất đai nâng cao nhận thức của người dân trong việc đăng ký cấy giấy chứng nhận chưa được quan tâm. Do vậy người dân chưa nhận thức được việc đăng ký quyền sử dụng đất là bắt buộc, dẫn đến vẫn còn rất nhiều hộ chưa đăng ký kê khai; nhiều xã chưa tổ chức khâu xét duyệt thường xuyên làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Xuất phát từ tình hình trên, để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận và Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII. Đặc biệt là việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:

1. Nhiệm vụ:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận theo chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2014 về điều chỉnh chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Các cấp, các ngành phải xem công tác cấp giấy chứng nhận là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài; đồng thời phải xác định đây trách nhiệm phải hoàn thành trong năm 2014 và là chỉ tiêu thi đua trong năm 2014; phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính nhằm quản lý, khai thác việc sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận một cách có hiệu quả.

2. Giải pháp thực hiện:

a) Đối với diện tích đất nông nghiệp do lấn, chiếm, tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận: Ủy ban nhân dân các huyện thành lập đoàn kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất tại các khu vực này, kết luận việc kiểm tra, phân loại hồ sơ; trường hợp nào đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì tổ chức cấp ngay, trường hợp nào chưa đủ điều kiện (còn tranh chấp, lấn chiếm) thì tập trung giải quyết việc tranh chấp lấn, chiếm theo thẩm quyền, sau khi đã giải quyết thì tổ chức kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận;

b) Đối với diện tích đất nông nghiệp (khoảng 1.900 ha) do các Ban quản lý ngành nông nghiệp, Chi cục Hợp tác xã nông nghiệp làm chủ đầu tư đã tổ chức khai hoang giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Chương trình 134, 135 và các dự án tái định canh khi thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy lợi:

Sau khi bàn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thì các Ban quản lý và Chi cục đã không bàn giao hồ sơ hoàn công cho Ủy ban nhân dân các huyện để tổ chức cấp giấy chứng nhận theo quy định (các dự án này tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Bác Ái, huyện Ninh Sơn, ...).

- Giao Ủy ban nhân dân các huyện trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để yêu cầu báo cáo và cung cấp toàn bộ hồ sơ để tổ chức kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ đầu tư do mình quản lý, trực tiếp bàn giao hồ sơ cho các huyện để tổ chức cấp giấy chứng nhận;

c) Đối với diện tích đất xâm canh (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) chưa được kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013:

Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Phước Trung làm việc với các địa phương nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân có đất xâm canh để hướng dẫn, thông báo và cho tổ chức kê khai đăng ký. Các trường hợp đã đăng ký, Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Phước Trung tổ chức họp xét duyệt để hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận;

d) Đối với các trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định.

3. Trách nhiệm của các ngành, địa phương:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận tại cơ sở theo quy chế phối hợp đã ký kết. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; thanh tra công vụ để phát hiện, xử lý nghiêm những tiêu cực của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn sớm hoàn chỉnh hồ sơ của các dự án tái định cư, tái định canh, các dự án khai hoang theo Chương trình 134, 135 trên địa bàn các huyện để chuyển cho các Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc giao đất và cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát diện tích đất nông nghiệp nằm trong đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định để đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xử lý đúng trình tự pháp luật;

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí đủ kinh phí theo quy định từ ngân sách địa phương chi cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí kinh phí hằng năm cho việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính;

d) Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến để người sử dụng đất thực hiện đúng trách nhiệm đăng ký đất đai; phản ánh đầy đủ, kịp thời tình hình cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh;

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo quyết liệt Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập ngay bản đồ theo dõi tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; tiếp tục rà soát, phân loại, thống kê diện tích, tổng số thửa đất đang sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, chưa đăng ký để vận động, thuyết phục hộ gia đình, cá nhân đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp đang sử dụng đất mà không kê khai đăng ký theo quy định của pháp luật; xây dựng lịch xét duyệt hồ sơ cấp giấy theo tuần. Xã nào không tổ chức xét duyệt, không tổ chức kê khai đăng ký theo lịch thì phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và phải xử lý nghiêm.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã thiết lập, hoàn thiện ngay hệ thống hồ sơ địa chính để phục vụ quản lý; thường xuyên chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tăng cường xuống làm việc trực tiếp với các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn, tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phân loại hồ sơ theo nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, thửa đất không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, thửa đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để giải quyết theo từng loại để xác định diện tích đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện cấp giấy.

- Việc xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận của cấp huyện phải được thực hiện lồng ghép đồng thời với quá trình thẩm tra, xét duyệt của cấp xã; không tách việc thẩm định hồ sơ theo từng cấp, từng bộ phận làm kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất: thửa đất nào đủ điều kiện thực hiện ngay việc cấp giấy chứng nhận, thửa đất nào chưa đủ điều kiện hoặc cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tiếp tục giải quyết và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện theo quy định.

- Đối với các xã, phường, thị trấn đang thực hiện dự án đo đạc, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cần ưu tiên thực hiện theo quy trình lồng ghép việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu; đo đạc đến đâu cho tổ chức kê khai đăng ký cấp giấy đến đó;

e) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai; xây dựng kế hoạch, công khai dân chủ về nội dung, kế hoạch cấp giấy chứng nhận; hướng dẫn cho người dân kê khai, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận, thực hiện xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất kê khai đăng ký theo quy định của Luật Đất đai 2013, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp đang sử dụng đất mà không kê khai đăng ký.

- Xây dựng lịch tổ chức đăng ký, lịch tổ chức xét duyệt hàng tuần và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.

- Rà soát nắm chắc số liệu, diện tích, đối tượng đang sử dụng đất, số thửa đã cấp giấy, chưa cấp giấy, đã đăng ký, chưa đăng ký trên địa bàn xã, phường để quản lý;

g) Người sử dụng đất: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện kê khai, đăng ký tất cả các thửa đất đang quản lý, sử dụng, cung cấp các giấy tờ liên quan đến thửa đất và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về nhà ở, công trình xây dựng.

4. Tổ chức thực hiện:

Chỉ thị có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt và nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện tại các địa phương, đơn vị và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Nghị

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 27/2014/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu27/2014/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/10/2014
Ngày hiệu lực09/11/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBất động sản
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 27/2014/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 27/2014/CT-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở Ninh Thuận


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 27/2014/CT-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở Ninh Thuận
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu27/2014/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Ninh Thuận
                Người kýĐỗ Hữu Nghị
                Ngày ban hành30/10/2014
                Ngày hiệu lực09/11/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBất động sản
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật9 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Chỉ thị 27/2014/CT-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở Ninh Thuận

                      Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 27/2014/CT-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở Ninh Thuận

                      • 30/10/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 09/11/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực