Nội dung toàn văn Chỉ thị 2783/CT-BNN-TY đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2783/CT-BNN-TY | Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2011 |
CHỈ THỊ
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM DỊP CUỐI NĂM
Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm đã được các địa phương thực hiện rất tốt. Các dịch nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc (LMLM), lợn tai xanh đến nay cơ bản đã được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn, phát triển chăn nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc có 21 tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm, 35 tỉnh có ổ dịch LMLM và 9 tỉnh có ổ dịch lợn tai xanh. Số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 120 ngàn con, số gia súc mắc bệnh là hơn 155 ngàn con trong đó số tiêu hủy là hơn 53 ngàn con. Hiện nay, cả nước vẫn còn 5 ổ dịch cúm gia cầm ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thái Bình; 04 ổ dịch LMLM ở Nghệ An và 01 ổ dịch tai xanh trên lợn tại tỉnh Long An. Dự báo trong những tháng cuối năm 2011, nguy cơ một số dịch nguy hiểm ở động vật tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do vi rút cúm gia cầm đã biến đổi và chưa có vắc xin phòng bệnh thích hợp; vi rút LMLM và tai xanh vẫn lưu hành rộng rãi trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng; việc nhập khẩu gia súc, gia cầm qua các tuyến biên giới diễn biến phức tạp; việc chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết bắt đầu gia tăng; thời tiết lạnh cuối năm thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại và phát triển lây lan, …
Từ thực tế trên, để chủ động ngăn chặn dịch tái phát tạo đà cho phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm dịp cuối năm, góp phần bình ổn giá tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 365/CT-TTg ngày 14/3/2011 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời khi có ổ dịch xảy ra. Tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Kinh phí phòng chống dịch thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg.
2. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban ngành đoàn thể ở địa phương tổ chức giám sát dịch trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh ổ dịch và tổ chức xử lý kịp thời không để lây lan. Các biện pháp kỹ thuật xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y và quy định hiện hành của pháp luật.
Tổ chức việc tiêm phòng vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y và quy định của pháp luật.
3. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng chống dịch, chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm, chủ động khai báo khi có dịch, giảm thiểu các hành vi có nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch.
4. Thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao phát dịch.
5. Đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm; các tỉnh biên giới cần huy động các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an, thú y, y tế, giao thông công chính phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn và chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các cửa khẩu, dọc tuyến biên giới để chống buôn lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới.
Vận động nhân dân không tham gia vận chuyển gia súc, gia cầm lậu, chủ động đấu tranh, phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
6. Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tùy theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan liên quan trong hệ thống chủ động phối hợp với chính quyền các cấp và ngành thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả.
Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung trong Chỉ thị này và báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |