Chỉ thị 28/2004/CT-UB thực hiện công tác đặc xá năm 2004 2005 An Giang đã được thay thế bởi Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 rà soát văn bản quy phạm pháp luật An Giang và được áp dụng kể từ ngày 15/04/2014.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 28/2004/CT-UB thực hiện công tác đặc xá năm 2004 2005 An Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2004/CT-UB | Long Xuyên, ngày 13 tháng 8 năm 2004 |
CHỈ THỊ
V/V THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ CÔNG TÁC ĐẶC XÁ NĂM 2004 - 2005
Trong thời gian qua, việc thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, các ngành tư pháp cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ quá trình lập hồ sơ, xét duyệt và tiếp nhận người được đặc xá về địa phương được thực hiện đúng theo trình tự quy định về công tác đặc xá. Những người được hưởng đặc xá về địa phương đến trình diện với chính quyền cơ sở và đăng ký lại hộ khẩu. Sau khi về có việc làm ổn định, chính quyền địa phương đã quản lý, giáo dục giúp đỡ họ yên tâm làm ăn, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, chấp hành tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền để mọi người thấy rõ chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; một số nơi chính quyền cấp xã quản lý còn lỏng lẻo, công tác giáo dục không thường xuyên. Một số đối tượng được hưởng đặc xá khi được tha tù về địa phương, họ phải tự kiếm việc làm, chưa được giúp đỡ để làm kinh tế ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Các Đoàn thể, tổ chức xã hội có nơi còn định kiến, chưa quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần; một số người chưa có việc làm, đời sống gặp khó khăn nên họ tái phạm tội trở lại.
Để thực hiện tốt Quyết định 478/2004/QĐ/CTN ngày 28/7/2004 của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương về công tác đặc xá năm 2004 - 2005. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, kết hợp với các sở, ban ngành Đoàn thể có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố trong tỉnh thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau:
1- Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định 478/2004/QĐ/CTN ngày 28/7/2004 của Chủ tịch nước và văn bản Hướng dẫn số 01/HĐĐX ngày 28/7/2004 của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương về đặc xá nhân các ngày lễ lớn năm 2004 - 2005 cho phạm nhân ở phân trại giam Trại tạm giam Công an tỉnh.
2- Quá trình lập hồ sơ, xét duyệt, đề nghị đặc xá phải được tiến hành công khai, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, chặt chẽ đúng đối tượng đủ các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định tại quyết định số 478/2004/QĐ/CTN ngày 28/7/2004 của Chủ tịch nước.
3- Sở Văn hóa thông tin phối hợp với Đài phát thanh truyền hình, Báo An Giang và các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền sâu rộng Quyết định của Chủ tịch nước về công tác đặc xá 2004 – 2005, làm cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng đắn chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, chính sách khoan hồng, truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội; tuyên truyền về những hy sinh to lớn của cán bộ chiến sỹ trại giam vì mục đích nhân đạo, nhằm cảm hóa giáo dục người phạm tội, giúp họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Đồng thời, tuyên truyền về sự phấn đấu hoàn lương của những phạm nhân được đặc xá những năm trước cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền, của xã hội đối với người được đặc xá.
4- Giám đốc sở Tư pháp chỉ đạo cho cơ quan Thi hành án Dân sự, tổng hợp kết quả thi hành hình phạt tiền và bồi thường dân sự của những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn được đặc xá trong năm 2004 - 2005. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để phạm nhân thi hành tốt hình phạt tiền và bồi thường thiệt hại dân sự.
5- Sở Y tế chỉ đạo cho cơ quan Y tế và các Bệnh viện trong tỉnh có trách nhiệm tổ chức giám định, cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến bệnh tật của phạm nhân, người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá trong các đợt.
6- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi xác nhận đơn của các phạm nhân và gia đình của họ phải nói rõ về nhân thân, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, thái độ chính trị, truyền thống gia đình để có cơ sở cho việc xét đặc xá.
7- Khi phạm nhân được đặc xá về địa phương, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chủ trì, Công an cơ sở làm nòng cốt hướng dẫn cho họ thực hiện các thủ tục trình diện, nhập khẩu, làm giấy chứng minh nhân dân. Phối hợp với Mặt trận và các Đoàn thể tiếp xúc, gặp gỡ, cùng gia đình động viên, giáo dục nhắc nhở họ về vai trò, trách nhiệm của công dân. Giúp họ xóa bỏ mặc cảm tự ti tiếp tục hoàn lương. Trong điều kiện và khả năng của từng địa phương, cố gắng bằng nhiều biện pháp giới thiệu việc làm, cho vay vốn chăn nuôi, sản xuất hoặc làm dịch vụ nhằm giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.
8- Công an tỉnh chỉ đạo cho Công an huyện, thị, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về nghiệp vụ để Công an xã, phường, thị trấn có biện pháp quản lý chặt chẽ số phạm nhân được đặc xá trên địa bàn mình phụ trách. Kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, Ủy ban nhân dân có biện pháp giáo dục giúp đỡ thích hợp từng đối tượng, phấn đấu không để trường hợp nào tái phạm.
9- Sau mỗi đợt đặc xá Hội đồng tư vấn đặc xá tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc theo quy định hiện hành. Phát hiện, ngăn chặn những thiếu sót, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có hành vi tiêu cực trong công tác đặc xá.
Đặc xá năm 2004 - 2005 có ý nghĩa sâu sắc về chính trị và xã hội. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đặc xá đúng tinh thần Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc báo cáo về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nơi nhận:
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |