Nội dung toàn văn Chỉ thị 298-CT triển khai tiếp việc xử lý kết quả kiểm kê đợt 1 tháng 10/1987
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 298-CT | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI TIẾP VIỆC XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM KÊ ĐỢT 1 THÁNG 10 NĂM 1987
Công tác kiểm kê đợt 1-10-1987 đang được tiến hành khẩn trương ở tất cả các Bộ, các ngành, các địa phương. Phần lớn các đơn vị cơ sở đã triển khai kiểm kê tại thời điểm 1 tháng 10 năm 1987. Hiện nay việc kiểm kê các quỹ bằng tiền đã làm xong bước đầu, việc kiểm kê vật tư hàng hoá đang tiến hành và sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 10 năm 1987.
Để đợt kiểm kê 1-10-1987 bảo đảm thực hiện đúng tiến độ quy định và có đầy đủ số liệu cần thiết cho việc tổng hợp trong phạm vi từng Bộ, từng ngành, từng địa phương, trên cơ sở đó giúp Nhà nước nắm được đầy đủ tình hình vật tư, hàng hoá và tiền vốn (kể cả vật tư, hàng hóa, quỹ bằng tiền đã phản ánh đầy đủ trong sổ sách và ngoài sổ sách), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, các ngành, các địa phương cần quán triệt những vấn đề sau đây, để tiến hành đợt kiểm kê này đạt kết quả tốt.
1. Ngoài những đối tượng đã nêu trong chỉ thị số 269-CT ngày 22-9-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư liên Bộ số 45-TT/LB của Bộ Tài chính - Tổng cục Thống kê, các Bộ, các ngành, các địa phương cần xác định cụ thể thêm một số đối tượng sau: vật tư hàng hoá ứ đọng chậm luân chuyển, số sản phẩm dở dang đang nằm trên dây chuyền sản xuất (kể cả sản phẩm dở dang trong xây dựng cơ bản) và các quỹ bằng tiền nằm ngoài sổ sách. Những đối tượng kể trên cũng phải được tiến hành kiểm kê một cách nghiêm túc, trung thực và báo cáo đầy đủ cho Ban chỉ đạo kiểm kê trung ương.
2. Về xác định giá vật tư, hàng hoá:
- Đối với vật tư, hàng hóa được điều chỉnh sau ngày 1 tháng 10 năm 1987 các đơn vị cơ sở chấp hành theo các quyết định giá của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các ngành và các địa phương theo chế độ phân cấp quản lý giá hiện hành.
- Đối với một số loại vật tư, hàng hoá điều chỉnh trước ngày 1-10-1987 theo kết luận của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 3 mà phù hợp với mặt bằng giá Nhà nước điều chỉnh sau ngày 1-10-1987 thì đơn vị cơ sở căn cứ vào giá từng loại vật tư, hàng hoá đã được cấp có thẩm quyền quyết định theo chế độ phân cấp quản lý giá ở thời điểm gần nhất làm giá hiện hành.
- Đối với vật tư, hàng hoá do các đơn vị cơ sở tiến hành liên doanh, liên kết, trao đổi dưới hình thức hiện vật thì đơn vị căn cứ vào giá sản phẩm tương tự đã được Nhà nước công bố giá (trước và sau) ngày 1-10-1987 để xác định giá hiện hành cho các loại vật tư, hàng hoá đó cho hợp lý, sau khi đã tham khảo ý kiến của cơ quan vật giá.
- Đối với vật tư, hàng hoá do đơn vị tiến hành trao đổi, mua bán, vừa bằng ngoại tệ, vừa bằng tiền Việt Nam thì đơn vị cơ sở cùng phản ánh đầy đủ cả 2 loại giá để cơ quan quản lý cấp trên xem xét giải quyết mức giá hợp lý, và để chấn chỉnh công tác quản lý vào nền nếp.
- Đối với giá của sản phẩm dở dang trong xây dựng cơ bản, các đơn vị căn cứ vào Quyết định số 150-CT, công văn số 1049-V4 ngày 30-9-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và công văn số 704-TC/ĐT ngày 9-10-1987 của Bộ Tài chính về cấp phát, cho vay vốn thanh toán sản phẩm xây dựng cơ bản hoàn thành năm 1987 và các văn bản của Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước hướng dẫn xác định đơn giá thanh toán trong xây dựng cơ bản để tính giá của sản phẩm xây dựng cơ bản.
3. Về vốn lưu động:
Để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở được bình thường khi Nhà nước điều chỉnh giá, các đơn vị cần phải xác định lại định mức vốn lưu động theo mặt bằng giá mới do đại diện có thẩm quyền của cơ quan chủ quản xí nghiệp và các cơ quan tài chính, ngân hàng đồng cấp xét duyệt. Khoản chênh lệch giá phát sinh trong quá trình Nhà nước tiến hành điều chỉnh giá qua các đợt (1-7-1987, 1-10-1987) được xử lý theo quy định tại Thông tư số 40-TT/LB ngày 30-9-1987 của liên bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đối với các trường hợp phát sinh thừa hoặc thiếu vốn lưu động định mức được duyệt, thì cơ quan chủ quản cấp trên thống nhất với cơ quan tài chính và ngân hàng đồng cấp để giải quyết. Việc giải quyết vốn này gắn liền và làm kịp thời với việc xử lý kiểm kê của đơn vị cơ sở. Đơn vị nào có kế hoạch tổng hợp và xử lý kiểm kê được duyệt trước thì giải quyết trước, không chờ đợi tổng hợp của Bộ, của địa phương.
4. Thời hạn xử lý kết quả kiểm kê:
Các Bộ, các ngành, các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị trực thuộc hoàn thành tốt việc kiểm kê trước ngày 20 tháng 10 năm 1987. Các Bộ, các địa phương cần tổng hợp đầy đủ, chính xác, trung thực báo cáo kết quả kiểm kê để báo cáo Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương vào cuối tháng 10 năm 1987. Giữa tháng 11 năm 1987 Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương hoàn chỉnh các báo cáo để trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng.
Các Bộ, các ngành, các địa phương phải duy trì Ban chỉ đạo kiểm kê đến hết năm 1987 nhằm xử lý có hiệu quả kết quả kiểm kê về mặt hiện vật, đưa vào cân đối chung phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 1988.
Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Thống kê, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện chỉ thị này.
Các Bộ, các ngành, các địa phương cần xử lý nghiêm chỉnh việc kiểm kê và xử lý kết quả kiểm kê đợt 1 năm 1987. Kiên quyết khắc phục tình trạng lập các quỹ trái phép để ngoài sổ sách, ngoài hệ thống hạch toán kế toán và báo biểu kế toán, kiểm kê bỏ sót nhiều vật tư, tài sản, tiền vốn. Những đơn vị, cá nhân, ngành, địa phương báo cáo sai sự thật, che giấu số liệu, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vật tư, hàng hoá, tham ô, móc ngoặc, tẩu tán hàng hoá sẽ bị xử lý về mặt hành chính hoặc truy tố trước pháp luật, nơi nào làm tốt sẽ dược khen thưởng.
| Đoàn Duy Thành (Đã ký)
|