Chỉ thị 316-TTg

Chỉ thị 316-TTg năm 1979 về đẩy mạnh việc giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Chỉ thị 316-TTg đẩy mạnh giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng đã được thay thế bởi Quyết định 207-HĐBT huỷ bỏ các văn bản pháp luật và được áp dụng kể từ ngày 04/07/1991.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 316-TTg đẩy mạnh giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 316-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH VIỆC GIẢI QUYẾT VẬT TƯ, THIẾT BỊ TỒN KHO Ứ ĐỌNG

Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản và chỉ đạo thực hiện một số biện pháp nhằm giải quyết tình trạng vật tư ứ đọng trong các đơn vị sản xuất và cơ quan cung ứng vật tư. Một phần vật tư, thiết bị ứ đọng trước đây đã được huy động vào sản xuất và xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, khối lượng vật tư thiết bị ứ đọng còn rất lớn; mới tính trong 15 Bộ, Tổng cục đã tới hơn một tỷ đồng. Ở một số ngành, số vật tư ứ đọng lại có chiều hướng tăng lên. Trong khi đó, việc bảo đảm vật tư cho sản xuất và xây dựng đang hết sức khó khăn; nhiều xí nghiệp, công trường không đủ vật tư để thực hiện kế hoạch; có lúc, có nơi đã phải tạm ngừng sản xuất.

Để tiếp tục huy động vào sử dụng nhanh chóng số vật tư, thiết bị hiện đang ứ đọng ở các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan cung ứng vật tư, các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng như đơn vị quân đội, Thủ tướng chính phủ bổ sung một số quy định và biện pháp dưới đây.

I. NHỮNG QUY ĐỊNH BỔ SUNG ĐỂ GIẢI QUYẾT SỐ VẬT TƯ, THIẾT BỊ Ứ ĐỌNG

1. Vật tư, thiết bị ứ đọng thuộc đối tượng giải quyết của chỉ thị này bao gồm tất cả các loại nguyên liệu, vật liệu dụng cụ, phụ tùng, máy móc thuộc tài sản lưu động hoặc tài sản cố định và các nguồn vốn khác (hành chính, sự nghiệp, quốc phòng…),còn nguyên vẹn hoặc đã sử dụng dở dang, phẩm chất còn tốt hoặc đã kém phẩm chất, mất phẩm chất mà các cơ sở sản xuất, các tổ chức cung ứng vật tư, các đơn vị trong quân đội và các cơ quan hành chính, sự nghiệp….không có kế hoạch sử dụng và cung ứng trong năm kế hoạch, hoặc không nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho năm sau.

Riêng đối với một số loại vật tư chuyên dùng, hàng năm chỉ sử dụng ít, mỗi lần nhập khẩu và cung ứng cho xí nghiệp thường bảo đảm nhu cầu sản xuất trong mấy năm, thì số dự trữ những loại vật tư đó tại xí nghiệp vượt quá định mức sử dụng hàng năm không coi là vật tư ứ đọng. Danh mục các loại vật tư này do các bộ cung ứng vật tư và các bộ quản lý xí nghiệp sử dụng vật tư xác định và thông báo cho các ngành, các địa phương, các xí nghiệp .

2. Đối với những loại vật tư, thiết bị thuộc danh mục Nhà nước thống nhất quản lý đang ứ đọng tại các xí nghiệp sử dụng thì xí nghiệp phải báo cáo đầy đủ, trung thực lên cơ quan chủ quản cấp trên để giải quyết (xí nghiệp trung ương báo cáo lên Bộ, Tổng cục; xí nghiệp địa phương báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố), đồng thời gửi cho cơ quan phụ trách cung ứng loại vật tư đó. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày xí nghiệp gửi báo cáo, Bộ, Tổng cục hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có quyết định điều phối những thiết bị, vật tư đó và trả lời cho xí nghiệp. Khi có lệnh điều động của cơ quan chủ quản cấp trên thì xí nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành, không được giữ lại những thiết bị, vật tư ứ đọng. Quá thời gian 60 ngày mà cấp trên không giải quyết thì xí nghiệp có quyền bán cho các xí nghiệp quốc doanh khác, cho các cơ quan Nhà nước, hoặc bán cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Các công ty kinh doanh phế liệu, phế phẩm của ngành vật tư hay thương nghiệp có thể mua những vật tư ứ đọng ấy để sửa chữa, chế biến lại, bán cho các ngành sản xuất thủ công hoặc bán cho nhân dân sử dụng; đối với những thứ bằng sắt thép không dùng trong sản xuất được thì giao cho ngành luyện kim để nấu thép.

Sau khi bán, xí nghiệp phải gửi báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản cấp trên biết.

Đối với các loại thiết bị, cấu kiện thuộc thiết bị toàn bộ các công trình bị thất lạc từ nơi này sang nơi khác nếu hiện còn để ở ngành hoặc đơn vị nào thì ngành hoặc đơn vị đó phải báo cho cơ quan chủ quản hoặc Công ty thiết bị toàn bộ của ngoại thương đến lấy đi, không được đem ra sử dụng hoặc đem bán.

3. Các Công ty cung ứng thiết bị, vật tư có thiết bị, phụ tùng vật tư ứ đọng phải báo cáo lên cơ quan phụ trách cung ứng ngành hàng cấp trên về loại thiết bị, phụ tùng vật tư đó. Trong thời gian tối đa là 90 ngày, cơ quan cung ứng ngành hàng cấp trên phải trả lời về việc điều động số thiết bị, phụ tùng, vật tư ứ đọng đó. Quá thời hạn đó mà cơ quan cung ứng ngành hàng cấp trên không giải quyết thì công ty đang giữ số thiết bị, phụ tùng, vật tư này được quyền bán cho các xí nghiệp kinh tế quốc doanh, các cơ quan Nhà nước, hoặc cho các tổ chức kinh tế tập thể như quy định ở điểm 2, phần I của chỉ thị này.

4. Đối với những loại vật tư, thiết bị ứ đọng không thuộc danh mục Nhà nước thống nhất quản lý thì các đơn vị quản lý số vật tư, thiết bị đó được quyền bán cho các xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước và đơn vị kinh tế tập thể.

5. Những máy móc, thiết bị khấu hao cơ bản chưa hết, nay do công nghệ sản xuất thay đổi mà xí nghiệp không dùng nữa, sau khi đã báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên, nếu quá 60 ngày mà cấp trên không điều đi, thì xí nghiệp được phép bán cho các xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế tập thể.

6. Những thiết bị, vật tư ứ đọng kém phẩm chất, không đồng bộ do mất mát, hư hỏng bộ phận nào đó nên chưa đem dùng hay chưa bán ngay được thì các đơn vị quản lý những thiết bị, vật tư đó tìm biện pháp sửa chữa, phục hồi lại để đem ra sử dụng hoặc tiêu thụ.

7. Về giá cả nhượng, bán các loại vật tư thiết bị và phụ tùng thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý cũng như vật tư, thiết bị và phụ tùng ngoài diện đó đều theo nguyên tắc thỏa thuận, căn cứ vào giá bán chỉ đạo hiện hành của Nhà nước, có tham khảo giá bán trên thị trường, trừ phần hao hụt kém phẩm chất, mất phẩm chất, nếu có. Đối với những mặt hàng chưa có giá chỉ đạo của Nhà nước, xí nghiệp được so sánh với mặt hàng đã có giá, có cùng tính năng, tác dụng như nhau mà xác định giá tương tự như trên. Trường hợp phải bán dưới giá nói trên, thì phải do một hội đồng xem xét.

Thành phần hội đồng gồm có giám đốc xí nghiệp hoặc công ty, trưởng phòng kỹ thuật, kế toán trưởng, phụ trách vật tư. Biên bản của hội đồng phải ghi rõ tình trạng vật tư, thiết bị kém, mất phẩm chất, giá trị sử dụng còn lại, đề nghị giá bán loại vật tư, thiết bị đó.

Giám đốc xí nghiệp được quyền quyết định giảm giá theo kiến nghị của hội đồng. Riêng trường hợp bán cho các đơn vị kinh tế tập thể với mức giảm giá trên 20% (so với nguyên giá trừ đi phần mất phẩm chất hoặc đã khấu hao cơ bản, nếu có) thì phải được cơ quan quản lý cấp trên (Bộ, Tổng cục hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) cho phép.

8. Những vật tư thiết bị ứ đọng nói trên, sau khi bán và thu tiền, cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm nộp ngay vào ngân sách Nhà nước hoặc trả nợ ngân hàng tùy theo nguồn vốn mua thiết bị là do ngân sách cấp hoặc ngân hàng cho vay. (Nộp ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương là tùy theo cơ quan, xí nghiệp do trung ương quản lý, hay do địa phương quản lý). Đối với những vật tư, thiết bị có hai nguồn vốn: ngân sách Nhà nước cấp phát một phần, ngân hàng cho vay vốn một phần thì số tiền thu được sau khi bán phải nộp vào ngân sách Nhà nước và trả nợ ngân hàng theo tỷ lệ tương ứng với từng nguồn vốn.

II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH VIỆC HUY ĐỘNG VẬT TƯ, THIẾT BỊ Ứ ĐỌNG VÀO SỬ DỤNG.

1. Qua các cuộc kiểm kê định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất, các đơn vị sử dụng và đơn vị cung ứng vật tư phải xác định rõ số vật tư, thiết bị ứ đọng ở đơn vị mình. Các cơ quan chủ quản cấp trên phải kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập báo cáo chính xác và rõ ràng về các vật tư, thiết bị ứ đọng (ghi rõ các đặc điểm kinh tế kỹ thuật cần thiết), để có cơ sở giải quyết một cách hợp lý và kịp thời, và để giới thiệu rộng rãi bằng mọi hình thức thích hợp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành khác, địa phương khác, bao gồm cả việc thông báo trên báo chí xuất bản ở các địa phương và tổ chức triển lãm. Bộ Vật tư phối hợp với đoàn kiểm tra vật tư, thiết bị ứ đọng của Chính phủ cùng các ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tổ chức triển lãm thiết bị, vật tư ứ đọng, nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; nhằm đưa nhanh vật tư, thiết bị tồn kho vào sản xuất và phục vụ đời sống.

2. Các Bộ, Tổng cục đã được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý và cung ứng loại vật tư, thiết bị nào, thì phải hướng dẫn và kiểm tra việc giải quyết loại vật tư, thiết bị đó đang bị ứ đọng ở tất cả các đơn vị thuộc các ngành và các địa phương. Các Bộ, Tổng cục cung ứng vật tư và các Bộ, Tổng cục, các địa phương có vật tư ứ đọng phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức tiêu thụ (tổ chức triển lãm, soạn các bản danh mục chào hàng..) Bộ Vật tư cùng đoàn kiểm tra vật tư, thiết bị ứ đọng của Chính phủ và Tổng cục Thống kê có trách nhiệm tổng hợp chung số thiết bị, vật tư ứ đọng, tồn kho lâu ngày trong cả nước. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các Bộ, Tổng cục có vật tư ứ đọng, có trách nhiệm giúp đỡ các xí nghiệp, công ty giải quyết kịp thời những vướng mắc về tài chính – giá cả trong việc tiêu thụ vật tư, thiết bị ứ đọng này.

- Bộ Vật tư và các Bộ cung ứng ngành hàng phải thông báo cho các ngành, các địa phương, các công ty và xí nghiệp rõ những danh mục vật tư do Nhà nước thống nhất quản lý để các đơn vị kinh tế cơ sở có căn cứ phân loại, xử lý.

- Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thông qua công tác tín dụng và kiểm tra vật tư bảo đảm, để phát hiện kịp thời tình hình vật tư ứ đọng và thúc đẩy giải quyết.

- Cơ quan tài chính có trách nhiệm cùng với cơ quan vật tư hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan, xí nghiệp tìm các biện pháp tiêu thụ vật tư ứ đọng theo quy định trong chỉ thị này, thu hồi ngay số tiền bán vật tư, thiết bị ứ đọng do ngân sách Nhà nước cấp, đồng thời tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những sơ hở, những trường hợp lợi dụng tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước.

3. Các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có kế hoạch triển khai việc giải quyết số vật tư thiết bị ứ đọng trong ngành mình, địa phương mình. Những ngành, địa phương có nhiều vật tư, thiết bị ứ đọng phải bố trí một số cán bộ chuyên trách giúp bộ trưởng, tổng cục trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo dõi, chỉ đạo việc giải quyết vật tư, thiết bị ứ đọng. Hàng tháng kể từ tháng 10 năm 1979 các bộ, tổng cục và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải làm báo cáo riêng về việc giải quyết vật tư, thiết bị ứ đọng, gửi lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng, đồng gửi cho Bộ Vật tư, Bộ Tài Chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để theo dõi.

Bộ Vật tư có nhiệm vụ theo dõi và đôn đốc thường xuyên, hàng quý tổng hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ kết quả việc giải quyết số vật tư, thiết bị ứ đọng của từng Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, tổng cục trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chặt chẽ các liên hiệp xí nghiệp, công ty, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và cơ quan thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, giải quyết tốt số thiết bị, vật tư ứ đọng hiện nay, để phục vụ ngay cho kế hoạch Nhà nước năm 1979 – 1980.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 316-TTg

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu316-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành19/09/1979
Ngày hiệu lực04/10/1979
Ngày công báo30/09/1979
Số công báoSố 18
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 04/07/1991
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Chỉ thị 316-TTg đẩy mạnh giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Chỉ thị 316-TTg đẩy mạnh giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng
              Loại văn bảnChỉ thị
              Số hiệu316-TTg
              Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
              Người kýLê Thanh Nghị
              Ngày ban hành19/09/1979
              Ngày hiệu lực04/10/1979
              Ngày công báo30/09/1979
              Số công báoSố 18
              Lĩnh vựcLĩnh vực khác
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 04/07/1991
              Cập nhật7 năm trước

              Văn bản được dẫn chiếu

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản được căn cứ

                      Văn bản hợp nhất

                        Văn bản gốc Chỉ thị 316-TTg đẩy mạnh giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng

                        Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 316-TTg đẩy mạnh giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng