Nội dung toàn văn Chỉ thị 322-CT công tác phòng tránh bão, bảo vệ an toàn ngư dân, tàu thuyền ngành kinh tế khác trên biển
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 322-CT | Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 1984 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG TRÁNH BÃO, BẢO VỆ AN TOÀN CHO NGƯ DÂN, TÀU THUYỀN VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ KHÁC TRÊN BIỂN.
Vùng biển nước ta dài, rộng, thường xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, lốc xoáy gây nhiều thiệt hại về người và của. Việc chỉ đạo phòng tránh những thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh ngoài khơi nhằm bảo vệ an toàn cho ngư dân, tàu thuyền đánh cá và khai thác kinh tế biển của các cấp, các ngành trong những năm qua tuy có cố gắng, tiến bộ nhưng chưa được chặt chẽ. Việc phối hợp giữa các ngành với địa phương ven biển trong việc này chưa đầy đủ.
Để khắc phục tình hình trên, nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu có biển có trách nhiệm:
- Thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy chống lụt chống bão các tỉnh, thành phố, đặc khu do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban để điều hành và chỉ huy, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão ở địa phương, đặc bịêt chú ý bảo vệ an toàn cho ngư dân và tàu thuyền đánh cá vùng biển và hải đảo.
- Giao trách nhiệm và chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban ngành hữu quan thuộc địa phương làm tốt những nhiệm vụ theo chức năng của từng ngành đối với công tác phòng tránh bão lụt nói chung và bảo vệ ngư dân, tàu thuyền đánh cá nói riêng.
- Hướng dẫn cho Uỷ ban nhân dân và Ban chỉ huy chống lụt bão các cấp huyện, quận, thị xã, xã, phường, thị trấn ven biển tích cực triển khai các mặt công tác trong lĩnh vực này. Phải quy định cụ thể các việc mà các cấp phải làm để mỗi cấp có thể chủ động đối phó kịp thời với các tình huống đột xuất xảy đến.
- Khi cần thiết cho phép huy động, sử dụng hợp lý các phương tiện của các cơ quan, xí nghiệp địa phương và Trung ương ở trên lãnh thổ, kể cả lực lượng vũ trang để khắc phục cho công tác phòng, tránh bão, bảo vệ ngư dân và tàu thuyền. Phải quan tâm đầy đủ hơn công tác khắc phục hậu quả sau bão, nhất là việc truyền tin, tìm kiếm và tổ chức cứu nạn sau bão.
- Nếu thấy tình huống thiên tai có nguy cơ đe doạ khẩn cấp đối với địa phương mình, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có quyền phát lệnh báo động hoặc báo động ở mức cao hơn lệnh báo động của Ban chỉ huy chống bão lụt, chống bão Trung ương, không phải đợi lệnh hoặc giới hạn ở mức lệnh của cấp trên.
2. Bộ Thuỷ sản phải củng cố các trạm thông tin ven bờ, hải đảo và chấn chỉnh công tác thông tin, truyền tin báo bão cho tàu, thuyền đánh cá. Có kế hoạch từng bước tăng cường các trang bị hiện đại phục vụ công tác phòng chống bão và áp thấp nhiệt đới cho ngư dân, tàu thuyền đánh cá, bến cá, cảng cá. Tổ chức tốt việc hợp đồng cấp cứu trong các tình huống khẩn trương nhất để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại.
Chỉ đạo các sở và trạm thuỷ sản phối hợp với các ngành hữu quan ở tỉnh, huyện phát huy cao trách nhiệm của ngành trong công tác phòng chống bão ở địa phương.
3.- Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường biển) phải phối hợp với các ngành có kế hoạch chỉ đạo công tác phòng tránh bão bảo vệ an toàn cho giao thông vận tải đường biển, kể cả tàu viễn dương và tàu cận duyên. Xây dựng và quản lý các hệ thống phao và đèn biển tại các cửa biển để phục vụ cho việc vận tải biển và đánh bắt cá (theo Công văn của Thủ tướng Chính phủ số 3145-CN ngày 9 tháng 11 năm 1964).
4. Tổng cục Dầu khí có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng tránh bão, bảo vệ an toàn cho ngành dầu khí, bảo vệ các dàn khoan ngoài khơi, các lực lượng, phương tiện, cơ sở, xí nghiệp, kho, cảng ven biển của ngành và của các nước hợp tác liên doanh với ta.
5.- Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phải chỉ đạo, hướng dẫn các đài khí tượng thuỷ văn địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ, liên tục tình hình thời tiết, phát tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trong địa phương mình để cung cấp cho Uỷ ban nhân dân, ban chỉ huy chống lụt chống bão và các ngành hữu quan trong tỉnh. Đặc biệt chú ý bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ để các đài địa phương có thể xem xét bổ sung và cụ thể hoá các bản tin của Tổng cục và đài khu vực.
6.- Tổng cục Bưu điện phải củng cố thông tin liên lạc, bảo đảm thông tin luôn luôn thông suất, kể cả trong trường hợp có mưa bão lớn. Phải chú ý chỉ đạo bưu điện các tỉnh, thành phố và đặc khu bằng các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến ưu tiên chuyển nhanh và chính xác, các điện báo số liệu của các đài, trạm khí tượng thuỷ văn về Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, chuyển nhanh và chính xác các bản tin dự báo của tổng cục, của đài khí tượng thuỷ văn khu vực gửi đến các tỉnh các mệnh lệnh, chỉ thị của Ban chỉ huy chống lụt chống bão các cấp.
7. Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam chỉ đạo các đài phát thanh và truyền hình địa phương khu vực phát lại các bản tin dự báo, tin bão hoặc áp thấp nhiệt đới của đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và đài truyền hình Trung ương theo số lần quy định; phát tin bão hoặc tin áp thấp nhiệt đới của đài khí tượng thuỷ văn tỉnh, thành phố; phát huy ưu tiên (nhiều lần theo quy định) những chỉ thị, mệnh lệnh của Ban chỉ huy chống lụt, chống bão các cấp.
8. Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, đặc khu khi có tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão khẩn cấp phải báo tin ngay cho các lực lượng vũ trang trong khu vực. Các lực lượng hải quân, không quân, biên phòng trú đóng trên địa bàn phối hợp cùng địa phương triển khai phương án phòng chống lụt, bão kịp thời.
Các đơn vị hải quân và bộ đội biên phòng phải tổ chức treo bản tín hiệu ở các trạm thông tin tín hiệu, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo lệnh của Uỷ ban nhân dân và Ban chỉ huy chống lụt, chống bão địa phương. Không quân khi có lệnh của Ban chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương phải khẩn thiết cho máy bay gọi tàu thuyền và ngư dân trở về đất liền, bay trinh sát trên biển và tìm kiếm cứu nạn cho ngư dân. Khi cần thiết bộ đội phải tổ chức lực lượng ứng cứu trên biển và khắc phục hậu quả sau bão.
9. Bộ Nội vụ phải chỉ đạo các Sở công an có kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội trước; trong và sau khi bão; phối hợp với lực lượng bộ đội tổ chức đội ứng cứu khi cần, góp phần khắc phục hậu quả nhanh chóng.
10. Các Bộ Thuỷ lợi, Nông nghiệp, Điện lực, Mỏ và than, Vật tư, Lương thực, Y tế, Xây dựng, Lâm nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, Ngoại thương, Nội thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hàng không... tuỳ theo chức năng của mỗi ngành phối hợp với nhau và với địa phương ven biển làm tốt những việc có liên quan đến mỗi ngành.
11. Ban chỉ huy chống lụt chống bão Trung ương hướng dẫn và chỉ đạo Ban chỉ huy chống lụt chống bão các tỉnh, thành phố và đặc khu ven biển, các ngành chủ quản như Bộ Thuỷ sản, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Dầu khí... các ngành thành viên Ban chỉ huy chống lụt chống bão như Bộ quốc phòng, Bộ Nội vụ, Tổng cục khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Bưu điện... triển khai thực hiện tốt chỉ thị này.
Nhận được chỉ thị này, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu phải có kế hoạch cụ thể thực hiện ngay những việc được giao nhằm đáp ứng kịp thời phòng tránh bão năm 1984 và các năm sau.
Ban chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương cùng với Bộ thuỷ sản phối hợp tổ chức truyền đạt chỉ thị này, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
| Vũ Đình Liệu (Đã ký)
|