Nội dung toàn văn Chỉ thị 374-CT sản xuất, lưu thông tiêu dùng pháo
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 374-CT | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC SẢN XUẤT, LƯU THÔNG VÀ TIÊU DÙNG PHÁO
Hàng năm, việc sản xuất, lưu thông và tiêu dùng các loại pháo ở nước ta rất lớn, nhất là trong các dịp lễ, Tết gây lãng phí hết sức nghiêm trọng của cải xã hội và những tai nạn đáng tiếc về người và của trong quá trình sản xuất và tiêu dùng.
Để hạn chế, tiến tới xoá bỏ dần những tập quán tốn kém này trong khi toàn dân ta đang thực hiện chính sách triệt để tiết kiệm về mọi mặt mà Quốc hội đã đề ra, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1- Tổ chức đăng ký lại các cơ sở sản xuất và lưu thông pháo trên cả nước theo hướng dẹp bớt, chỉ cần để một số cơ sở. Tư nhân không được sản xuất pháo. Chỉ những cơ sở có hai điều kiện sau đây mới được sản xuất pháo:
a) Cơ sở có đủ biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối.
b) Cơ sở đã có truyền thống, kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất pháo, bảo đảm chất lượng pháo.
2- Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm chủ trì cùng bàn với Bộ Thương nghiệp chỉ đạo việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất: quy định cỡ loại pháo (cấm sản xuất loại pháo dùng cỡ lớn), cân đối nhu cầu với sản xuất ở từng vùng, cân đối giữa nhu cầu và các vật tư làm pháo, nghiêm cấm dùng các loại thuốc nổ vào sản xuất pháo, triệt để tiết kiệm thuốc pháo, v.v... Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các loại thuốc nổ dùng cho quân sự, Bộ Công nghiệp nặng quản lý chặt thuốc nổ dùng cho Công nghiệp khai thác không được để lọt ra ngoài dùng cho sản xuất pháo.
Trước 15 tháng 11 năm 1990, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải sắp xếp lại sản xuất pháo, báo cáo danh sách các cơ sở sản xuất pháo cũng như số lượng, loại pháo sản xuất của mỗi cơ sở với Bộ Công nghiệp nhẹ. Các nhà máy Quốc phòng không được sản xuất pháo. Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm bàn với Bộ Thương nghiệp soát xét và chỉ đạo các Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố cấp giấy phép. Những cơ sở đang sản xuất pháo mà không được cấp giấy phép phải bán lại các vật tư nguyên liệu cho các cơ sở được phép sản xuất.
Từ sau ngày 15 tháng 11 năm 1990, những tổ chức, cá nhân nào còn tiếp tục sản xuất và lưu thông pháo mà không có đăng ký đã được cấp lại đều coi là bất hợp pháp và phải xử lý theo pháp luật hiện hành.
3- Chỉ có những đơn vị thương nghiệp quốc doanh và đại lý cho thương nghiệp quốc doanh có đăng ký hợp pháp mới được tổ chức lưu thông pháo trên thị trường. Việc vận chuyển phải có giấy phép của Sở Công an tỉnh, thành phố và phải có các biện pháp chống nổ. Mọi trường hợp buôn bán, vận chuyển lưu thông pháo các loại không có giấy phép hợp lệ đều coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, xử lý như buôn lậu.
4- Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân nhập khẩu pháo thành phẩm các loại từ nước ngoài vào Việt Nam dưới mọi hình thức, kể cả mậu dịch, phi mậu dịch. Nếu phát hiện, hải quan, các lực lượng kiểm soát và các tổ chức chống buôn lậu tịch thu, người nhập bị phạt như người buôn lậu và xử lý tuỳ theo mức độ, kể cả truy tố trước pháp luật.
5- Nghiêm cấm các cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh tế quốc doanh, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, đoàn thể đốt pháo trong mọi trường hợp.
6- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kêu gọi nhân dân cả nước hãy triệt để tiết kiệm, hạn chế đốt pháo trong các ngày lễ, tết và ném pháo ở nơi công cộng, gây nguy hiểm cho người đi lại.
Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị, đoàn thể và Hội quần chúng giải thích, giáo dục cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân hiểu rỗ cùng tham gia chấp hành Chỉ thị này.
7- Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị này và quán triệt đến mọi cán bộ công nhân, viên chức đến từng người dân và báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kết quả thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|