Nội dung toàn văn Chỉ thị 383-TTg lãnh đạo công tác kho tàng
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 383-TTg | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1959 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC KHO TÀNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: | - Các Bộ |
Qua báo cáo của Ban Thanh tra trung ương và của Bộ Tài chính thì trong công tác kho tàng, bên cạnh những thành tích, những cố gắng, chúng ta còn mắc những thiếu sót, biểu hiện ở các mặt sau đây:
- Kho tàng bị thiếu, bố trí và sử dụng có chỗ không hợp lý; đồng thời vẫn có hiện tượng sử dụng kho lãng phí.
- Tồn kho nắm không chắc.
- Bảo quản hàng hóa kém, ảnh hưởng đến phẩm chất hàng.
- Việc phòng gian, phòng hỏa, phòng bão, v.v… còn nhiều thiếu sót.
- Các nguyên tắc tài chính bị vi phạm, có nơi nghiêm trọng.
v.v…
Những thiếu sót trên đây đã gây nhiều tổn thất cho Nhà nước; đồng thời là những chỗ sơ hở để những phần tử xấu có thể lợi dụng, tham ô.
Hoàn cảnh khách quan tuy có nhiều khó khăn, nhưng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cán bộ phụ trách các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo vệ kho tàng, bảo quản hành hóa, chưa quan tâm lãnh đạo đúng mức. Hiện tượng tương đối phổ biến là cán bộ phụ trách không chăm lo đến công tác này, thường khoán trắng cho một số cán bộ nghiệp vụ; các khó khăn về thiếu kho, về địa điểm làm kho, về nguyên vật liệu làm kho không được giải quyết một cách tích cực; trình độ tư tưởng, nghiệp vụ, văn hóa của cán bộ, nhân viên ngành kho tàng còn thấp so với yêu cầu công tác chưa được khắc phục v.v… Thái độ của lãnh đạo như trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tư tưởng, thái độ công tác của càn bộ, nhân viên ngành kho tàng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, trong phạm vi trách nhiệm vụ của mình, kiểm điểm tình hình công tác kho tàng, bảo quản hàng hóa trong thời gian qua, đánh giá đúng những khó khăn khách quan và thấy hết những khuyết điểm chủ quan. Trên cơ sở ấy, tăng cường lãnh đạo, khắc phục khó khăn bằng mọi biện pháp để bảo vệ phẩm chất hàng hóa, tiết kiệm sức người, sức của; phân công cán bộ phụ trách; bổ sung cán bộ tốt, có năng lực cho ngành kho tàng.
Dưới đây là mấy điểm cần chú ý:
1. Cần có đủ kho.
Muốn vậy, một mặt tận dụng khả năng kho hiện có, sắp xếp hàng hóa cho hợp lý để tiết kiệm kho; có kế hoạch xây dựng kho thích hợp với tính chất của từng loại hàng ở những nơi cần thiết. Mặt khác, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch vật tư và kế hoạch kho, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Bộ, tránh để xẩy ra tình trạng thiếu kho vì không kế hoạch dự trù trước.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước ta, tình trạng thiếu kho vì hàng hóa về dồn dập còn xẩy ra. Ủy ban Hành chính các địa phương, đặt biệt là Hà Nội và Hải Phòng, cần nhận rõ trách nhiệm của mình và có trách nhiệm giúp đỡ các ngành ở trung ương và địa phương giải quyết vấn đề kho trong những trường hợp này.
2. Cần có kế hoạch, có chuẩn bị phòng và chống bão lụt, hỏa hoạn, trộm cắp, v.v…
Phải đặt rất cao vấn đề này, vì một sơ suất nhỏ có thể gây thiệt hại lớn.
Trong trường hợp để xảy ra những thiệt hại đáng lẽ có thể tránh được thì phải có kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ có trách nhiệm để giáo dục chung, đồng thời để đề cao kỷ luật của Nhà nước.
3. Cần bổ sung, chỉnh lý và ban hành chính thức các chế độ công tác như chế độ bảo quản hàng hóa, chế độ thanh tra đăng ký hàng hóa, chế độ xuất nhập kho, chế độ báo cáo, v.v…
Để các chế độ đã ban hành được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, cơ quan lãnh đạo các ngành cần hướng dẫn thi hành chu đáo, có kiểm tra, đôn đốc; các đơn vị kho tàng cần tiến hành kiểm điểm thường xuyên, biểu dương những người có thành tích, phê phán nghiêm khắc những hành vi tự do vô kỷ luật.
4. Cần nắm chắc tồn kho.
Đây là một vấn đề rất quan trọng để Nhà nước có cơ sở điều hòa, phân phối, sử dụng, bổ sung lực lượng vật tư, hàng hóa được chính xác, kịp thời.
Muốn vậy, cần hoàn thành tốt công tác kiểm kê tài sản; chỉnh đốn và điều chỉnh các sổ sách kế toán trên cơ sở số lượng kiểm kê; nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ về quản lý tài sản, quản lý tài chính, các chế độ về kế toán, đặt biệt là chế độ báo cáo tồn kho.
Ngoài ra, các ngành cần chú ý thêm đến việc giải quyết, sử dụng tài sản ứ đọng một cách khẩn trương hơn.
Muốn thực hiện tốt các điểm trên đây, vấn đề mấu chốt là cán bộ, nhân viên ngành kho tàng và trước hết là các ủy và Ủy ban Hành chính các cấp, cán bộ lãnh đạo các Bộ, các ngành, các xí nghiệp, công trường phải nhận thức cho đúng tính chất ngày càng quan trọng của công tác kho tàng.
Kinh tế càng phát triển, thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa càng lớn mạnh, số lượng hàng hóa, vật tư tập trung trong tay Nhà nước càng nhiều; nếu kho tàng không đủ, không tốt, không thích hợp, phẩm chất hàng hóa sẽ bị giảm sút nhiều, gây tổn thất lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng không tốt về kinh tế, tài chính, cả về chính trị nữa. Mặt khác, trong điều kiện khí hậu nước ta ẩm thấp, trình độ kế hoạch hóa của ta còn thấp, trình độ tư tưởng, nghiệm vụ, văn hóa của cán bộ, nhân viên ngành kho tàng chưa theo kịp yêu cầu của công tác ngày càng nặng nề và phức tạp, việc bảo quản hàng hóa có nhiều khóa khăn.
Tình hình đó đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp cần thấy rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm khắc phục gấp những khuyết điểm đã mắc phải trong công tác kho tàng, bảo quản hàng hóa.
Đối với cán bộ, nhân viên ngành kho tàng, cần thông qua cuộc chỉnh huấn đang tiến hành mà nâng cao nhận thức và trên cơ sở đó đề cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết những tư tưởng không đúng như không yên tâm công tác, v.v…
Đi đôi với việc giải quyết vấn đề nhận thức, cần nâng cao trình độ tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa của cán bộ, nhân viên ngành kho tàng:
Một mặt cán bộ, nhân viên ngành kho tàng phải tự rèn luyện về đạo đức, phải cố gắng đi sâu vào nghiệp vụ và học văn hóa thêm.
Một mặt, các cấp lãnh đạo cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kho tàng về cả ba mặt tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa để dần dần trở thành người có chuyên môn, có văn hóa, có thái độ phục vụ tốt; cần động viên về mặt tinh thần và chiếu cố thích đáng về mặt vật chất đối với cán bộ, nhân viên ngành kho tàng vì công tác nói chung vất vả, điều kiện làm việc nói chung còn gặp khó khăn. Trước mắt, cần làm cho toàn thể cán bộ, nhân viên ngành kho tàng yên tâm và phấn khởi công tác.
Thiếu sót trong công tác kho tàng cần được khắc phục nhanh. Vì vậy, nhận được chỉ thị này, các ngành, các cấp cần nghiên cứu kỹ và đặt kế hoạch thi hành ngay.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |