Chỉ thị 39-CT-KH-TV

Chỉ thị 39-CT-KH-TV năm 1964 về phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục trong năm học 1964-1965 do Bộ Giáo dục ban hành

Nội dung toàn văn Chỉ thị 39-CT-KH-TV phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục năm học 1964-1965


BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39-CT-KH-TV

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 1964 

 

CHỈ THỊ

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRONG NĂM HỌC 1964-1965

Kính gửi

- Các ủy ban hành chính các khu tự trị, các thành phố, các tỉnh,
- Các sở, ty giáo dục

 

Năm học 1964-1965 là năm học thứ tư trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Nhưng nhiệm vụ và chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch của năm học, việc chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ và chỉ tiêu đó đều có ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành những nhiệm vụ chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm.

Hiện nay nhân dịp các thành phố và các tỉnh bắt đầu chuẩn bị thực hiện kế hoạch năm mới, Bộ xin nhắc lại một số chủ trương về phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục đã được thảo luận và kết luận tại hội nghị kế hoạch giáo dục tổ chức tại Hà-nội trong những ngày 25, 26, 27 tháng 5 vừa qua.

Nhiệm vụ chung của ngành giáo dục: mẫu giáo, vỡ lòng, phổ thông và bổ túc văn hóa trong năm học 1964-1965 là “Ra sức ổn định và củng cố phong trào, tích cực thực hiện mọi biện pháp để nâng cao thêm một bước chất lượng giảng dạy và học tập, làm cho nhà trường gắn liền hơn nữa và phục vụ đắc lực hơn nữa đường lối, chủ trương của Đảng, gắn liền hơn nữa và phục vụ đắc lực hơn nữa đời sống và sản xuất, nhà trường phải làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị cho học sinh học xong các cấp ra tham gia sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bổ túc văn hóa vẫn là công tác hàng đầu. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên là nhiệm vụ trọng yếu. Tiếp tục phát triển mạnh công tác mẫu giáo; đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục vỡ lòng và phổ cập giáo dục cấp I cho thiếu niên. Cố gắng phát triển cấp II bằng nhiều hình thức để đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân nhưng phải phù hợp với khả năng của Nhà nước và của nhân dân, phát triển cấp III có mức độ. Cố gắng giải quyết thêm một bước cơ sở vật chất, tích cực sửa chữa những trường đổ nát, xây dựng một số trường mới và tăng thêm đồ dùng giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục theo phương châm tự lực cánh sinh”.

Nhiệm vụ cụ thể của ngành bổ túc văn hóa là phải bảo đảm cho đa số lãnh đạo chủ chốt từ 40 tuổi trở xuống, những thanh niên tiên tiến ở xã và hợp tác xã (nông nghiệp, ngư nghiệp, làm muối…) những công nhân kỹ thuật và tổ trưởng sản xuất ở các xí nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp được học tập hết lớp 4, tạo điều kiện cho việc hoàn thành nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho những đối tượng nói trên học hết cấp I vào cuối năm 1965-1966 như kế hoạch 5 năm đã quy định. Những người đã có trình độ lớp 4 cần được tổ chức học tiếp lên cấp II. Đối với nhân dân lao động, xã viên hợp tác xã, công nhân thường, cần vận động học xong một lớp, đạt trình độ lớp 1 hoặc lớp 2. Đối với cán bộ cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, phải tổ chức học tập để thực hiện mục tiêu đã quy định trong chỉ thị số 61 ngày 27-3-2963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Nhiệm vụ cụ thể của công tác giáo dục nhi đồng và thiếu niên là:

- Phát triển mạnh các lớp mẫu giáo; hướng phát triển nhằm vào các xí nghiệp công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp.

- Đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục vỡ lòng và cấp I. Trong hai năm 1964-1965 và 1965-1966, phải huy động được 90% trẻ em 6 tuổi vào lớp vỡ lòng và 7 tuổi vào lớp 1 ở miền xuôi và vùng thấp miền núi nơi tập trung đông dân cư, kinh tế và văn hóa tương đối phát triển; 60% trẻ em 6 tuổi vào lớp vỡ lòng và 7 tuổi vào lớp 1 ở vùng cao. Đối với các em 7 tuổi trở lên chưa học vỡ lòng và lớp 1, cần vận động đưa dần các em vào học càng sớm càng tốt, đến đầu năm học 1967-1968 tất cả các em trong tuổi đi học đều được ngồi học ở trong trường và được tiếp tục học ít nhất hết cấp I. Những em từ 7 tuổi trở lên chưa học vỡ lòng, nếu có điều kiện (số lượng đông, đủ mở 1 lớp, có giáo viên đảm bảo dạy tốt) có thể tổ chức vào học lớp 1 đặc biệt học kỳ đầu học vỡ lòng và học kỳ hai học theo chương trình lớp 1. Nơi nào số em này có ít, không tiện mở lớp 1 đặc biệt, các lớp vỡ lòng vẫn có nhiệm vụ nhận vào học. Từ đầu năm học 1964-1965 trở đi, những học sinh vỡ lòng đủ 7 tuổi, học đủ một năm rồi, nói chung đều được lên lớp 1, không nên để các em phải học lại lớp vỡ lòng nữa, trừ trường hợp ốm đau, đi học vỡ lòng thất thường, hay học vỡ lòng chưa được một học kỳ. Đối với những học sinh bỏ dở học cấp I và còn đủ tuổi học cấp I cũng cần được huy động vào học càng nhiều càng tốt, đảm bảo từ nay cho đến đầu năm học 1967-1968 cho xong.

Việc phổ cập vỡ lòng và cấp I lấy xã và thị xã, khu phố ở thành phố, làm đơn vị có sở để thực hiện. Địa phương nào huy động được 90% số trẻ 6 tuổi vào lớp vỡ lòng được coi là phổ cập vỡ lòng và huy động được 90% số học sinh vỡ lòng lên cấp I được coi là bước đầu phổ cập cấp I (địa phương này cần tiếp tục huy động tất cả các em lớn tuổi chưa đi học hay bỏ dở việc học và còn đủ tuổi học vào cấp I).

Việc phổ cập vỡ lòng và phổ cập cấp I có một ý nghĩa chính trị to lớn cho nên Bộ đề nghị các Ủy ban, Sở, Ty cần quan tâm thực hiện cho tốt, có kế hoạch tuyên truyền, giải thích sâu rộng cho nhân dân hiểu rõ trách nhiệm cho con em đi học và chuẩn bị đầy đủ giáo viên và trường lớp để thu nhận các em.

Đối với cấp II, việc phát triển phải căn cứ vào tình hình kinh tế và yêu cầu học tập của học sinh từng địa phương. Chú ý nhận trước hết số học sinh tốt nghiệp lớp 4 ít tuổi và có trình độ học khá vào lớp 5. Đối với số học sinh còn lại, Bộ đề nghị các tỉnh nghiên cứu tổ chức các trường, lớp riêng học ít giờ hơn trong một tuần và theo một chương trình tinh giản hơn, do một số thanh niên có trình độ văn hóa lớp 10 giảng dạy, có sự giúp đỡ của giáo viên trường phổ thông. Các trường phổ thông nông nghiệp cần được duy trì, củng cố về các mặt tổ chức, nội dung, phương pháp và tiếp tục mở ở những nơi có điều kiện (có đông học sinh lớn tuổi, địa điểm trường thuận tiện cho việc đi lại của học sinh, nhất là có giáo viên kỹ thuật, có cơ sở thí nghiệm tương đối tốt).

Các trường phổ thông cấp III phát triển có mức độ, nghĩa là vẫn phát triển chứ không phải không phát triển nữa, cho nên cần đề phòng tư tưởng ngừng phát triển cấp III. Tỉnh nào dự định mở trường mới, nên bàn với Bộ trước khi phổ biến cho nhân dân và học sinh.

Đối với miền núi cần chú trọng đẩy mạnh công tác thanh toán nạn mù chữ ở vùng rẻo cao, và xóa xong nạn mù chữ cho những người từ 12 đến 40 tuổi ở vùng thấp còn lại. Phải đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa, chú ý phát triển lớp 1. Đa số cán bộ chủ chốt xã từ 40 tuổi trở xuống và một số thanh niên tiền tiến ở xã và hợp tác xã ở vùng thấp phải học hết lớp 3. Đối tượng chủ chốt và một số đối tượng chính ở vùng cao phải có trình độ lớp 2. Phải coi trọng việc mở các lớp bổ túc văn hóa tập trung ở huyện hay liên xã cho cán bộ miền núi. Phải ra sức củng cố và phát triển trường thanh niên dân tộc ở huyện và tỉnh cho thanh niên các dân tộc.

Mở rộng phong trào mẫu giáo ở nông thôn những nơi có điều kiện và tương đối tập trung. Đẩy mạnh việc phát triển và nâng cao chất lượng các lớp vỡ lòng; tích cực thực hiện phổ cập cấp 1 trong năm học 1965-1966.

Tiếp tục phát triển cấp II; cấp III phát triển theo yêu cầu và khả năng. Đặc biệt chú trọng phát triển cấp II ở vùng cao, tạo mọi điều kiện đưa con em các dân tộc ít người vào học cấp II và cấp III.

Tiếp tục nghiên cứu và sử dụng rộng rãi việc dạy chữ dân tộc trong các trường phổ thông cấp I, các lớp thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa, và trong đời sống hàng ngày.

Nghiên cứu chấp hành đúng tinh thần nghị quyết hội nghị giáo dục miền núi họp từ ngày 29-31 tháng 5-1964. Trong việc phát triển giáo dục phổ thông trong năm học 1964-1965, Bộ đề nghị các Ủy ban, Sở, Ty lưu ý đến mấy vấn đề dưới đây:

1. Vấn đề số lượng học sinh trong một lớp.

Trước đây, khi giáo dục chưa phát triển mạnh, Bộ đã quy định số học sinh bình quân mỗi lớp là 50 để làm cơ sở cho việc tổ chức lớp học và tính toán kế hoạch. Ngày nay quy định đó không thích hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Năm 1962-1963 số học sinh bình quân ở cấp I là 42, cấp II là 51, cấp III là 50; năm 1963-1964 ở cấp I là 40, cấp II là 48 và cấp III là 48. Tuy nhiên không phải các tỉnh đều có số học sinh bình quân ở mỗi lớp và mỗi cấp như nhau, có tỉnh cao hơn và có tỉnh thấp hơn. Vì vậy quy định một số nào đó chung cho các tỉnh không phù hợp với tình hình thực tế. Bộ đề nghị sửa lại số học sinh bình quân ở cấp I và 44, ở cấp II, cấp III là 48. (Ở miền núi cấp I là 25, cấp II là 32 và cấp III là 44). Một điểm cần lưu ý là: những con số quy định trên đây chỉ có tính chất hướng dẫn. Các tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện, khả năng cụ thể của địa phương mình về số lượng giáo viên hiện có, về tình hình đóng góp của học sinh và ngân sách Nhà nước mà định ra số học sinh bình quân cho từng lớp, từng cấp cho thích hợp. Song tối thiểu mỗi lớp cũng phải có 37 học sinh đối với cấp I, 40 học sinh đối với cấp II, III và tối đa mỗi lớp chỉ được có 55 học sinh ở các cấp (ở miền núi, số học sinh tối thiểu là 15 ở cấp I, II; 25 ở cấp III; số học sinh tối đa là 40 ở cấp I và 50 ở cấp II và III.

2. Vấn đề học sinh học hai buổi trong một ngày

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và để cho việc học của học sinh đạt kết quả tốt, Bộ chủ trương bắt đầu từ năm học 1964-1965 các trường cấp I ở thành phố, thị xã, thị trấn sẽ học hai buổi (sáng và chiều). Các trường cấp I ở nông thôn và các trường cấp II,III (ở nông thôn và thành phố) phải tích cực chuẩn bị mọi điều kiện (trường lớp, giờ học, tư tưởng học sinh, giáo viên và nhân dân…) để từ đầu năm học 1965-1966 sẽ dần dần thực hiện trên cơ sở thực tế.

Đây là một chủ trương mới, thay đổi bản nếp sinh hoạt của nhà trường và của học sinh từ trước đến nay, có ảnh hưởng đến nhiều mặt (tổ chức, cơ sở vật chất, tư tưởng sinh hoạt v .v… của cán bộ và nhân dân), cho nên khi thực hiện sẽ có nhiều khó khăn. Song vì lợi ích học tập của học sinh, Bộ đề nghị các Sở, Ty Giáo dục cố gắng thực hiện bằng được và đề nghị các Ủy ban hết sức giúp đỡ các Sở, Ty Giáo dục. Nơi nào quả thật có nhiều khó khăn thì cần tích cực chuẩn bị để chậm nhất là sang học kỳ II có thể thực hiện được.

3. Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên

Bộ đã quy định bốn tiêu chuẩn cơ bản của giáo viên; cho nên từ nay về sau việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên các cấp đều phải nhằm đạt được bốn tiêu chuẩn đó (xem lại văn bản của hội nghị đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tổ chức tại Hà-nội hồi tháng 7 năm 1964).

Về vấn đề đào tạo giáo viên, hiện nay Bộ đang nghiên cứu để cải tổ lại hệ thống sư phạm và sẽ áp dụng từ năm học 1964-1965 sắp tới.

Đối với các giáo viên đang dạy các Sở, Ty Giáo dục sẽ căn cứ vào bốn tiêu chuẩn của thầy giáo, để có chủ trương:

- Bồi dưỡng cho những người trình độ còn non yếu, nhưng vẫn có khả năng dạy được cấp đang dạy.

- Đưa những người trước đây đề bạt lên dạy cấp trên, nay xét không đủ khả năng dạy cấp đó nữa về dạy ở cấp dưới như trước.

- Chuyển những người xét không còn đủ tiêu chuẩn làm giáo viên nữa về lao động sản xuất hoặc nếu có điều kiện, chuyển sang ngành khách thích hợp với khả năng hơn. Vấn đề bồi dưỡng cho những người trình độ còn non yếu phải được đặc biện chú ý hơn cả. Trong việc bồi dưỡng phải chú ý cả về bốn mặt: tư tưởng chính trị, đạo đức, văn hóa nghiệp vụ, sức khỏe, song việc bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức lại cấp thiết nhất. Bộ yêu cầu các Ủy ban và các Sở, Ty cố gắng dành một lực lượng thích đáng về nhân lực, tài lực để làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên. Việc bồi dưỡng giáo viên tiến hành theo hai hình thức tập trung và tại chức. Các trường sư phạm hiện có cần được sử dụng trong công tác đào tạo hoặc bồi dưỡng giáo viên cho năm học 1964-1965 và cho những năm học sắp tới cho nên phải được duy trì. Tỉnh nào muốn bãi bỏ trường sư phạm (cấp I hay cấp II) phải thỉnh thị và chờ ý kiến quyết định của Bộ.

Việc đưa giáo viên trở về dạy cấp cũ hay đưa ra ngoài ngành giáo dục cần phải tiến hành một cách hết sức thận trọng, chú ý giải quyết tốt vấn đề tư tưởng và chính sách.

Gần đây, một số tỉnh báo cáo là thừa giáo viên vì học sinh phổ thông bỏ học nhiều, và đề nghị cho chuyển về sản xuất hay sang các ngành khác. Theo ý kiến của Bộ thì đối với ngành giáo dục phổ thông có thể có hiện tượng thừa giáo viên, nhưng cũng chỉ là tạm thời, trước mắt. Vì nhiệm vụ phổ cập vỡ lòng và phổ cập cấp I, công tác bổ túc văn hóa đang cần và sẽ còn cần rất nhiều giáo viên: công tác bồi dưỡng giáo viên một khi được các tỉnh quan tâm hơn nữa cũng sẽ yêu cầu tăng thêm giáo viên thay thế cho những người được cử đi học.

Cho nên, Bộ đề nghị các tỉnh nếu thấy giáo viên phổ thông không sử dụng hết thì nên giữ lại để làm công tác phổ cập giáo dục cấp I, công tác bổ túc văn hóa, thực hiện chủ trương bồi dưỡng giáo viên hoặc tạm thời đưa xuống dạy cấp dưới, không nên chuyển đi ngành khác, hoặc đưa và địa phương tham gia sản xuất.

4. Vấn đề xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị nhà trường.

Trong mấy năm qua, các tỉnh đã cố gắng nhiều trong việc xây dựng và thiết bị nhà trường, nhưng đến nay số trường lớp không đúng quy cách, thiếu bàn ghế và đồ dùng giảng dạy vẫn còn nhiều. Năm học tới, thực hiện chủ trương không ngừng nâng cao chất lượng giáo viên phổ thông, đẩy mạnh phổ cập vỡ lòng và phổ cập cấp I, vấn đề xây dựng và thiết bị trường sở lại trở thành cấp thiết. Bộ đề nghị các Ủy ban và các Sở, Ty có biện pháp vận động nhân dân, giáo viên, học sinh tích cực hơn nữa trong việc tu sửa lại các trường học, nhất là các lớp vỡ lòng, tu sửa các bàn ghế đã hư hỏng và xây dựng một số trường, lớp mới, cộng thêm một số bàn ghế mới bổ sung cho những lớp còn thiếu. Các Sở, Ty cần đôn đốc và theo dõi các trường trồng cây lấy gỗ làm trường cho những năm sau, giúp đỡ, kiểm tra các trường xây dựng các tủ dụng cụ giảng dạy, các phòng thí nghiệm, xưởng trường, vườn trường v .v…

Nhiệm vụ kế hoạch phát triển giáo dục trong năm học 1964-1965 rất nặng. Hiện thời, trong công tác giáo dục đang có một số khó khăn. Vì vậy, Bộ đề nghị các Ủy ban hết sức giúp đỡ các Sở, Ty Giáo dục thực hiện các chủ trương đề ra trong văn bản này, chú trọng trước hết đến công tác bổ túc văn hóa cho đối tượng chủ chốt, đến công tác phổ cập vỡ lòng và phổ cập cấp I và đến công tác bồi dưỡng giáo viên.

Các Sở, Ty Giáo dục khi chấp hành những nhiệm vụ trên, một mặt cần nâng cao tinh thần triệt để cách mạng, chống tư tưởng hữu khuynh dụt dè, tiêu cực, bảo thủ, ngại khó, cần đề cao ý thức tự lực cánh sinh, ý thức kỷ luật, vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, một mặt cần cải tiến phương pháp chỉ đạo, đi sâu nắm vững tình hình, nắm vững trọng tâm, trọng điểm, tăng cường công tác quản lý kế hoạch và công tác thống kê, thường xuyên đôn đốc theo dõi kiểm tra; mặt khác phải coi trọng công tác tư tưởng trong giáo viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải thích mục đích giáo dục phổ thông hơn nữa trong cán bộ và trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt” trong nhà trường, phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai” trong cơ quan giáo dục các cấp; sơ kết, tổng kết kinh nghiệm và phổ biến sâu rộng những kinh nghiệm tốt, những điển hình tốt; chú ý phát hiện những nhân tố mới trong phong trào và tích cực phát huy kịp thời những nhân tố mới, không ngừng bồi dưỡng và đẩy mạnh phong trào thi đua.

Trong khi chấp hành, nếu gặp khó khăn, trở ngại gì, đề nghị các Ủy ban Sở, Ty báo cáo cho Bộ biết để kịp thời giải quyết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG
 
 


Nguyễn Khánh Toàn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 39-CT-KH-TV

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu39-CT-KH-TV
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành12/08/1964
Ngày hiệu lực27/08/1964
Ngày công báo09/09/1964
Số công báoSố 29
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 39-CT-KH-TV

Lược đồ Chỉ thị 39-CT-KH-TV phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục năm học 1964-1965


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 39-CT-KH-TV phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục năm học 1964-1965
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu39-CT-KH-TV
                Cơ quan ban hànhBộ Giáo dục
                Người kýNguyễn Khánh Toàn
                Ngày ban hành12/08/1964
                Ngày hiệu lực27/08/1964
                Ngày công báo09/09/1964
                Số công báoSố 29
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Chỉ thị 39-CT-KH-TV phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục năm học 1964-1965

                            Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 39-CT-KH-TV phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục năm học 1964-1965

                            • 12/08/1964

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 09/09/1964

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 27/08/1964

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực