Nội dung toàn văn Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT phát động phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực trường phổ thông giai đoạn 2008-2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2008/CT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2008-2013
Cùng với các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013 với mục tiêu, yêu cầu và nội dung như sau:
1. Mục tiêu
a. Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội.
b. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.
2. Yêu cầu
a. Tập trung các nguồn lực để giải quyết dứt điểm những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được an toàn, thân thiện, vui vẻ.
b. Tăng cường sự tham gia một cách hứng thú của học sinh trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường và tại cộng đồng, với thái độ tự giác, chủ động và ý thức sáng tạo.
c. Phát huy sự chủ động, sáng tạo của thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục trong điều kiện hội nhập quốc tế.
d. Huy động và tạo điều kiện để có sự tham gia hoạt động đa dạng và phong phú của các tổ chức, cá nhân trong việc giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh.
đ) Phong trào thi đua phải đảm bảo tính tự giác, không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường, sát với điều kiện ở cơ sở. Nội dung cụ thể của phong trào là do cơ sở tự chọn, phù hợp với điều kiện của nhà trường, làm cho chất lượng giáo dục được nâng lên và có dấu ấn của địa phương một cách mạnh mẽ.
3. Nội dung
a) Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn
- Bảo đảm trường an toàn, sạch sẽ, có cây xanh, thoáng mát và ngày càng đẹp hơn, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế hợp lứa tuổi học sinh.
- Tổ chức để học sinh trồng cây vào dịp đầu xuân và chăm sóc cây thường xuyên.
- Có đủ nhà vệ sinh được đặt ở vị trí phù hợp với cảnh quan trường học, được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
- Học sinh tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân.
b) Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập.
- Thầy, cô giáo tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh.
- Học sinh được khuyến khích đề xuất sáng kiến và cùng các thầy cô giáo thực hiện các giải pháp để việc dạy và học có hiệu quả ngày càng cao.
c) Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh
- Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm.
- Rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác.
- Rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội.
d) Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh
- Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao một cách thiết thực, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của học sinh.
- Tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động vui chơi giải trí tích cực khác phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
đ) Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương
- Mỗi trường đều nhận chăm sóc một di tích lịch sử, văn hóa hoặc di tích cách mạng ở địa phương, góp phần làm cho di tích ngày một sạch đẹp hơn, hấp dẫn hơn; tuyên truyền, giới thiệu các công trình, di tích của địa phương với bạn bè.
- Mỗi trường có kế hoạch và tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng một cách hiệu quả cho tất cả học sinh; phối hợp với chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng cho cuộc sống của cộng đồng ở địa phương và khách du lịch.
4. Tổ chức thực hiện
- Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai gắn với kế hoạch năm học của ngành và của từng trường; kết thúc mỗi năm học đều có đánh giá, khen thưởng, phổ biến điển hình; tổng kết phong trào thi đua vào cuối năm học 2012 - 2013.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các cấp học phổ thông trong tháng 7 năm 2008. Trên cơ sở đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Vụ Công tác học sinh, sinh viên là cơ quan thường trực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện.
- Các sở giáo dục và đào tạo báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thống nhất chỉ đạo thực hiện phong trào tại địa phương, thu hút sự tham gia, hỗ trợ tích cực của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, gia đình và cá nhân để tổ chức phong trào thi đua.
Chỉ thị này được phổ biến và thực hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |