Nội dung toàn văn Chỉ thị 408-TTg phát triển mạnh mẽ sản xuất dâu tằm tơ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 408-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ SẢN XUẤT DÂU TẰM TƠ
Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) đã đặt nhiệm vụ giải quyết nhu cầu mặc cho nhân dân thành một trong những nhiệm vụ cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu mặc của nhân dân, một mặt phải tích cực trồng bông, mặt khác phải phát triển mạnh mẽ sản xuất dâu tằm tơ để xuất khẩu lấy ngoại tệ nhập thêm bông sợi.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1.Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất bông, Bộ Nông nghiệp cần có quy hoạch và kế hoạch phát triển mạnh mẽ, vượt bậc sản xuất dâu tằm tơ để tăng nguồn hàng xuất khẩu, nhập thêm bông sợi. Từ nay đến năm 1980 phải đưa diện tích trồng dâu từ 7000 hécta hiện nay lên khoảng 28000 hécta, trong đó có 20000 hécta dâu bãi, 8000 hécta dâu đồi và phải thâm canh để có 700 tấn tơ/năm 1980; tới năm 1985 đưa diện tích trồng dâu lên khoảng 60000 hécta với sản lượng tơ đạt khoảng 3000 tấn/năm. Bên cạnh lực lượng sản xuất dâu tằm tơ của nông trường quốc doanh và hợp tác xã, cần khuyến khích nhân dân tận dụng đất đai và lao động của gia đình phát triển trồng dâu nuôi tằm.
Đi đôi với tằm dâu, phát triển mạnh mẽ việc nuôi tằm bằng lá thầu dầu và lá sắn, bảo đảm có từ 500 đến 600 tấn vỏ kén năm.
Bộ Nông nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ điều kiện cụ thể của các tỉnh, bàn với Ủy ban nhân dân các tỉnh làm quy hoạch và giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể và cân đối cho từng địa phương, bảo đảm thực hiện cho được các mục tiêu đã đề ra.
2. Để đảm bảo thực hiện vững chắc các mục đích nói trên, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
a) Về quy hoạch đất trồng dâu, cần dành các loại đất bãi bồi ven sông, ven biển đang trồng các loại cây khác nhưng năng suất thấp ở các tỉnh Hà Bắc, Thái Bình, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình, An Giang để trồng dâu thành vùng tập trung chuyên canh, thâm canh. Đưa nhanh lao động vào Lâm Đồng để đẩy mạnh tốc độ khai hoang xây dựng vùng dâu đồi tập trung với diện tích 7000 hécta năm 1980 và mở rộng thêm trong những năm sau.
b) Tập trung sức giải quyết nhanh nhu cầu giống, nhất là giống tằm. Các tỉnh đã có diện tích trồng dâu khá phải có kế hoạch giữ giống, nhân giống để cung ứng đủ hom dâu cho tỉnh mình trồng hết diện tích và cung ứng cho các tỉnh mới phát triển. Bộ Nông nghiệp và Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức điều hòa, vận chuyển hom dâu cho các tỉnh mới phát triển ở miền Nam. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể quyết định cung ứng than hoặc củi cho hợp tác xã làm chất đốt để đổi lấy hom dâu làm giống cho những nơi thiếu. Tiền mua và vận chuyển hom dâu cho những vùng mới phát triển do Nhà nước chịu, hợp tác xã và nhân dân không phải trả tiền.
Về giống tằm, Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo sản xuất đủ trứng giống tằm cung ứng cho hợp tác xã và nhân dân nuôi; đồng thời phải có đề án xây dựng một hệ thống giống tằm và bắt tay xây dựng ngay hệ thống này từ đầu năm 1979 cho kịp phục vụ sản xuất. Trước mắt, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm nhập đủ, đồng bộ và kịp thời trang thiết bị cho các trạm tằm giống hiện có để bảo đảm sản xuất đủ trứng giống có chất lượng tốt.
c) Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ, công nhân kỹ thuật cho các cơ sở nuôi tằm và chế biến tơ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải tính toán kỹ nhu cầu về nguyên liệu, vật liệu để xây dựng cơ sở nuôi tằm, làm dụng cụ nuôi tằm, sản xuất máy ươm tơ… và có kế hoạch tự giải quyết vững chắc các nhu cầu này cho địa phương. Bộ Nông nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có kế hoạch cân đối các loại vật tư mà địa phương không lo đủ, như sắt, thép, than đá, thuốc trừ bệnh, ẩm kế, nhiệt kế, dụng cụ đo tơ, máy ươm tơ, v.v…
Bộ Nông nghiệp phải quy hoạch lại mạng lưới cơ sở chế biến tơ để báo cáo Chính phủ trong quý IV năm 1978 và bắt tay xây dựng ngay mạng lưới này từ đầu năm 1979, kịp phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Công nghiệp nhẹ có kế hoạch chế tạo các thiết bị ươm tơ và phụ tùng thay thế cho các nhà máy ươm tơ hiện có. Đối với những thứ cần nhập khẩu thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Ngoại thương phải giải quyết kịp thời.
Bộ Nông nghiệp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp có kế hoạch đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật cho ngành dâu tằm tơ kịp với yêu cầu và tốc độ phát triển sản xuất đã đề ra.
d) Về thu mua và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp nghiên cứu chấn chỉnh lại mạng lưới thu mua tơ kén, trang bị cho các cơ sở thu mua có đủ phương tiện vận chuyển, sấy khô, bảo quản, v.v… Bộ Ngoại thương nghiên cứu xác định những thị trường tiêu thụ tơ tằm ổn định ở nước ngoài và hướng dẫn cơ quan sản xuất tơ tằm trong nước trực tiếp ký kết hợp đồng tiêu thụ tơ tằm với khách hàng theo chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước.
3. Về chính sách, Bộ Nông nghiệp cùng các ngành có liên quan soát lại các chính sách đối với sản xuất dâu tơ tằm và có đề nghị bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất mạnh mẽ trong thời gian tới. Trước mắt, các ngành có trách nhiệm phải bảo đảm thi hành tốt các chính sách về cung cấp lương thực, về thu mua, giá cả, về khuyến khích làm hàng xuất khẩu v.v… đã ban hành đối với hợp tác xã và nhân dân sản xuất dâu tằm tơ.
4. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện: Vì kế hoạch phát triển dâu tằm tơ đề ra trong chỉ thị này rất lớn và rất gấp, nên Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố một mặt phải tập trung sức chỉ đạo chặt chẽ từng khâu, từng việc theo một lịch rất sít sao, cụ thể; mặt khác phải kiện toàn gấp tổ chức kinh doanh sản xuất dâu tằm tơ của Bộ và của địa phương để sớm hình thành ngành kinh tế - kỹ thuật đủ sức tổ chức thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan phải đề cao trách nhiệm, phối hợp với Bộ Nông nghiệp chủ động giải quyết tốt nhất những việc mình phụ trách, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất dâu, tằm, tơ phát triển mạnh mẽ.
Công tác trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ rất quan trọng và thích hợp với lao động của phụ nữ, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, giáo dục, vận động, tổ chức hướng dẫn phụ nữ tích cực tham gia việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất của Nhà nước.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |