Nội dung toàn văn Chỉ thị 4544/CT-BNN-BVTV 2015 tổ chức công tác bảo vệ thực vật để sản xuất rau chè an toàn
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4544/CT-BNN-BVTV | Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÔNG TÁC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐỂ SẢN XUẤT RAU, CHÈ AN TOÀN
Trong những năm qua, các địa phương trong cả nước đã có nhiều cố gắng, tạo được một số chuyển biến tích cực trong sản xuất nông sản an toàn, trong đó có rau và chè. Mặc dù vậy, rau và chè hiện vẫn là những nông sản có nguy cơ cao không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chính là do lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV).
Vấn đề này đang gây bức xúc và lo ngại đối với người tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam xuất khẩu. Nhiều lô hàng xuất khẩu đã bị các nước nhập khẩu phát hiện, cảnh báo, thậm chí bị trả lại hoặc bị buộc tiêu hủy.
Để quản lý có hiệu quả việc sử dụng thuốc BVTV nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm rau, chè nước ta trên thị trường quốc tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trồng rau, chè:
a) Tăng cường chỉ đạo tổ chức lại công tác BVTV trong sản xuất rau, chè an toàn theo hướng liên kết các nông hộ thành hợp tác xã, tổ hợp tác; hình thành, phát triển hoạt động dịch vụ BVTV trong các hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện công tác BVTV một cách tập trung nhằm quản lý việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả hơn.
b) Chỉ đạo quyết liệt để phát triển và nâng cao hiệu quả liên kết doanh nghiệp với nông dân và bao tiêu sản phẩm rau, chè thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác; tổ chức áp dụng các quy trình sản xuất rau, chè an toàn (VietGAP), đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.
c) Chỉ đạo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã quy định tại Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012; chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 và các chính sách hiện có khác để khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, đặc biệt đối với rau và chè.
d) Chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã tăng cường quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc BVTV; tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất rau, chè.
đ) Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sản xuất, tiêu thụ rau, chè an toàn và tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
- Hướng dẫn các địa phương thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất rau, chè; các cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ chức liên kết nông dân với doanh nghiệp; thực hiện các chính sách theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện tổ chức lại công tác BVTV trong sản xuất rau, chè.
b) Cục Bảo vệ thực vật
- Hướng dẫn các địa phương thành lập, phát triển tổ dịch vụ BVTV; hướng dẫn nội dung, chương trình đào tạo, tập huấn để cơ quan chuyên ngành về BVTV ở địa phương chủ động tập huấn cho các tổ dịch vụ BVTV.
- Xây dựng Sổ tay sử dụng thuốc BVTV trên rau, chè căn cứ theo Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia in ấn, phát hành; cảnh báo các thuốc BVTV không được sử dụng trên rau, chè; hướng dẫn danh mục thuốc BVTV khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau, chè khi cần thiết để nông dân biết và thực hiện.
c) Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản
- Chỉ đạo các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm rau, chè; thông tin, cảnh báo cho các doanh nghiệp và địa phương kịp thời truy suất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục đối với các cơ sở sản xuất vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
- Nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian, đảm bảo chất lượng kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu trong nước, các nước nhập khẩu, đặc biệt là dư lượng thuốc BVTV trên rau, chè xuất khẩu.
d) Cục Trồng trọt: Hướng dẫn các địa phương áp dụng các quy trình sản xuất rau, chè an toàn (VietGAP) và thực hiện các chính sách theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện các dự án khuyến nông về sản xuất rau, chè an toàn.
3. Các Hiệp hội:
Hiệp hội rau quả Việt Nam, Hiệp hội chè Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt, áp dụng quy trình sản xuất, chế biến rau, chè đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trồng rau, chè và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ thực hiện tốt các nội dung trên; thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện cũng như khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chỉ thị này để phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |