Nội dung toàn văn Chỉ thị 50-TTg tổ chức năm quốc tế người tàn tật
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC NĂM QUỐC TẾ NHỮNG NGƯỜI TÀN TẬT
Hưởng ứng Năm quốc tế những người tàn tật do Liên hợp quốc đề xướng, Uỷ ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam đã được thành lập,
Uỷ ban đã thông qua chương trình hoạt động của nước ta về Năm quốc tế những người tàn tật, đã hướng dẫn và phối hợp hoạt động của các ngành, các đoàn thể ở Trung ương và các địa phương thực hiện chương trình đó.
Một số ngành, đoàn thể ở Trung ương đã có chỉ thị hướng dẫn công tác cho ngành, đoàn thể mình ở địa phương và bắt đầu thực hiện một số công việc cần thiết. Nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập Uỷ ban Năm quốc tế những người tàn tật, một số nơi đã có chương trình hoạt động và triển khai công việc này xuống cấp huyện, quận. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình hoạt động còn chậm: một số tỉnh, thành phố vẫn chưa lập xong tổ chức, chưa đề ra chương trình hoạt động cụ thể; công việc mới bắt đầu triển khai xuống huyện, chưa xuống tới cơ sở, tới nhân dân và đồng bào tàn tật. Nhiều việc thuộc trách nhiệm của một số ngành ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương chưa được thực hiện đúng thời gian quy định hoặc chưa được tiến hành.
Để khắc phục những thiếu sót nói trên, đảm bảo cho việc tổ chức Năm quốc tế những người tàn tật ở nước ta đạt yêu cầu mong muốn, xứng đáng với truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau rất tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện đúng tinh thần hiến pháp mới của nước ta, và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào tàn tật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các đoàn thể ở trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh những hoạt động về năm quốc tế những người tàn tật theo chương trình đã đề ra và chú ý tập trung làm tốt những việc cấp bách dưới đây:
1. Các địa phương cần thành lập xong trong quý I năm 1981 Uỷ ban năm quốc tế những người tàn tật ở các tỉnh, thành phố và cấp huyện, quận, thị xã theo hướng gọn nhẹ; nhanh chóng đưa hoạt động xuống tới phường, xã. Cần phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, xây dựng và củng cố tổ chức của người mù ở Trung ương và địa phương; xây dựng và phát triển phong trào quần chúng thường xuyên chăm sóc, trợ giúp đồng bào tàn tật.
2. Trong quý I năm 1981, các ngành, đoàn thể ở Trung ương nhất là các ngành thành viện của Uỷ ban Năm quốc tế những người tàn tật và các cấp chính quyền địa phương phải xây dựng xong chương trình hoạt động của ngành, đoàn thể và địa phương mình về năm quốc tế những người tàn tật. Các ngành, các đoàn thể phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cấp dưới, nhất là ở cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động để đưa lại kết quả thiết thực.
3. Các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình, văn hoá văn nghệ và các tổ chức đoàn thể xã hội cần có kế hoạch tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa và chương trình hoạt động của nước ta về Năm quốc tế những người tàn tật, động viên mọi người nhận thức đúng đắn và thông cảm sâu sắc với những khó khăn của đồng bào tàn tật; ra sức chăm sóc, giúp đỡ thương binh và đồng bào tàn tật ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để những người tàn tật tham gia thích hợp vào các mặt hoạt động xã hội có ích, chú ý động viên anh chị em thương binh và đồng bào tàn tật nêu cao ý thức tự lực cánh sinh, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên tổ chức tốt cuộc sống bản thân và làm tròn nghĩa vụ công dân.
4. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thương binh và xã hội và Tổng cục Thống kê hướng dẫn ngay các địa phương tổ chức trong quý I năm 1981 cuộc điều tra cơ bản về tình hình người tàn tật ở nước ta để có số liệu đầy đủ và đáng tin cậy làm cơ sở cho việc nghiên cứu các phương án, kế hoạch, chính sách và biện pháp cụ thể để xây dựng và phát triển các sự nghiệp phục vụ thương binh, bệnh binh và đồng bào tàn tật.
Bộ y tế cùng Bộ Thương binh và xã hội sớm có kế hoạch về các mặt hoạt động sau đây:
- Xem xét và từng bước phát triển hệ thống tổ chức chỉnh hình và phục hồi chức năng ở các cấp trong cả nước.
- Khắc phục di chứng vết thương chiến tranh cho thương binh và di chứng bệnh tật cho trẻ em.
- Mở rộng công tác phục hồi chức năng ở các bệnh viện.
- Xúc tiến xây dựng các cơ sở đã được duyệt trong kế hoạch Nhà nước, xét duyệt và hướng dẫn cho các địa phương thực hiện các đề án xây dựng mới.
5. Bộ giáo dục cùng với Bộ Thương binh và xã hội và Bộ y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng các đề án mở các loại trường, lớp chăm sóc, giáo dục trẻ có tật (mù, điếc, câm, chậm phát triển trí tuệ và các loại tật khác); thống nhất quy định về trách nhiệm quản lý các trường, lớp này trong cả nước. Trước mắt Bộ Giáo dục cần ban hành sớm chương trình giáo dục cho trẻ em điếc, câm và trẻ mù, đồng thời tiếp tục nghiên cứu nội dung chương trình giáo dục cho trẻ em có tật khác; cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác quản lý, giảng dạy và phục vụ trẻ em có tật. Giúp đỡ các địa phương giải quyết vấn đề trang thiết bị cho các trường, lớp dạy trẻ có tật. Trong học kỳ II năm học 1980-1981 cần mở cuộc vận động trong các trường học về chăm sóc, giúp đỡ, giáo dục người có tật.
Bộ Giáo dục cùng Bộ Thương binh và xã hội, Bộ Y tế, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban thiếu niên nhi đồng nghiên cứu công tác chăm lo giáo dục cho trẻ em có tật ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và thiếu niên.
6. Bộ lao động nghiên cứu để cuối năm 1981 có thể trình Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề dành riêng cho người tàn tật, chính sách, chế độ đối với lao động tàn tật, phối hợp các viện khoa học kỹ thuật, các cơ sở sản xuất, nghiên cứu chế tạo các trang bị, phương tiện, công cụ dùng cho người tàn tật lao động để họ lao động được thuận lợi và có năng suất; cùng với Bộ y tế phối hợp với các ngành chức năng của Nhà nước hướng dẫn, thanh tra, đôn đốc các biện pháp bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động.
7. Tổng cục dạy nghề cùng Bộ Lao động nghiên cứu mở rộng việc dạy nghề, nâng cao tay nghề, hướng dẫn nghề nghiệp và sử dụng người tàn tật còn khả năng lao động; trước mắt hướng dẫn cho các địa phương tận dụng năng lực ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp để dạy nghề, truyền nghề và sắp xếp việc làm cho người tàn tật.
8. Bộ Thương binh và xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan để trong quý II hoặc quý III hoàn thành dự thảo pháp lệnh về bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người tàn tật theo tinh thần hiến pháp mới; hướng dẫn việc thực hiện chính sách đối với các cơ sở sản xuất tập trung của người tàn tật và nghiên cứu tổ chức một loại quỹ xã hội dành riêng cho việc phát triển các cơ sở sự nghiệp chăm sóc và trợ giúp người tàn tật, dựa vào sự giúp đỡ ủng hộ của nhân dân, sự đóng góp của hợp tác xã và sự bảo trợ của ngân sách Nhà nước.
Nhân Năm quốc tế những người tàn tật, tuỳ điều kiện cụ thể, các địa phương có thể tổ chức các hình thức hoạt động, lao động lấy tiền giúp thương binh và những người tàn tật. Bộ thương binh và xã hội cùng Bộ y tế và các ngành liên quan xây dựng trong quý I năm 1981 một chương trình tranh thủ viện trợ cho người tàn tật và đề nghị lên Hội đồng Chính phủ cách tiếp nhận, quản lý và sử dụng số viện trợ đó; sớm nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ một hình thức tổ chức thích hợp để tiếp tục hoạt động đối với người tàn tật sau khi Uỷ ban Năm quốc tế những người tàn tật các cấp kết thúc năm hoạt động.
Song song với tất cả các việc nói trên, các cấp, các ngành và các đơn vị lao động sản xuất cần chỉ đạo và thực hiện nghiêm ngặt những nội quy và kỷ luật về an toàn lao động, an toàn giao thông, tăng cường giáo dục cho mọi người về ý thức phòng tránh tai nạn để hạn chế tới mức thấp nhất sự tàn tật nảy sinh gây bất hạnh cho con người.
Tổ chức tốt Năm quốc tế những người tàn tật có nhiều ý nghĩa quan trọng. Mọi ngành, mọi cấp, mọi tổ chức xã hội cần phát huy đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn và khả năng của mình, bảo đảm cho chương trình hoạt động của nước ta về vấn đề này đạt nhiều kết quả thiết thực.
Uỷ ban năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam giúp Chính phủ hướng dẫn, phối hợp và theo dõi, đôn đốc các ngành, các đoàn thể, các địa phương thực hiện tốt chỉ thị này và đề nghị với Chính phủ xem xét những vấn đề cần thiết; đề nghị khen thưởng những ngành, địa phương và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công việc đầy tình nghĩa này.
| Tố Hữu (Đã ký) |