Nội dung toàn văn Chỉ thị 54/2003/CT-BGDĐT tăng cường công tác phòng chống tai nạn, thương tích cơ sở giáo dục
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2003/CT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
Tai nạn, thương tích ở nước ta đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Hiện nay, do tai nạn thương tích mỗi ngày có trên 30 người chết và trên 70 người bị thương gây tàn tật suốt đời. Hàng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên bị tai nạn thương tích ở trường học chiếm khoảng 4% tổng số học sinh, sinh viên. Tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhóm tuổi từ 0-18 tuổi chủ yếu là do chết đuối, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã và điện giật. Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trong các cơ sở giáo dục không chỉ có tác động tới sức khỏe và tính mạng của trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, học sinh, sinh viên mà còn là yếu tố đảm bảo phát triển giáo dục toàn diện.
Nhằm góp phần hạn chế tai nạn, thương tích, đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ ở cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên và cán bộ công chức ngành giáo dục và đào tạo; để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả “Chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích giai đoạn 2002-2010” (được ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 197/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục các cấp và tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở các cơ sở giáo dục; phấn đấu tới năm 2010 tai nạn, thương tích trong các cơ sở giáo dục giảm 40% so với hiện nay.
2. Thực hiện các biện pháp kiên quyết, kịp thời để việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường được đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các cơ sở giáo dục.
3. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nội dung, chương trình giáo dục nội khóa và ngoại khóa về phòng, chống tai nạn, thương tích tại các cơ sở giáo dục cho phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi và tình hình thực tế ở địa phương. Tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu về cứu hộ, cứu nạn, an toàn giao thông và phòng chống thảm họa, thiên tai.
4. Thực hiện nghiêm túc và có chất lượng về nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn, thương tích đã được Bộ quy định tại chương trình các môn học. Cần chú trọng việc trang bị kiến thức và hình thành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, thảm họa, thiên tai cho học sinh, sinh viên.
5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phòng, chống tai nạn, thương tích; củng cố và phát triển trạm y tế, các phòng sức khỏe và hoạt động của chi hội chữ thập đỏ để đáp ứng được nhiệm vụ phòng, chống tai nạn, thương tích; phát hiện và xử lý kịp thời khi có tai nạn, thương tích xảy ra ở các cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để triển khai có kết quả các biện pháp trên, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |