Văn bản khác 1229/CTr-SCT

Chương trình 1229/CTr-SCT năm 2013 hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn (2013-2020)

Nội dung toàn văn Chương trình 1229/CTr-SCT năm 2013 hỗ trợ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp Bến Tre


UBND TỈNH BẾN TRE
SỞ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1229/CTr-SCT

Bến Tre, ngày 24 tháng 09 năm 2013

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ NÂNG CAO NĂNG LỰC SẢN XUẤT KINH DOANH CÁC LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN (2013-2020)

I. THỰC TRẠNG CÁC LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP (TTCN) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2006-2012

1. Tình hình sản xuất kinh doanh của các làng nghề:

Trong những năm qua do nhu cầu phát triển, các sản phẩm sản xuất thuộc ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng rất đa dạng và phong phú, đời sống người dân trong làng nghề không ngừng được nâng lên; đã huy động được nguồn vốn khoảng 55 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Giai đoạn (2006 - 2012) ngành Công Thương đã phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương tiến hành thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận 18 làng nghề đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 673/QĐ-UB ngày 08 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh và Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">116/2006/TT-BNN ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Làng nghề dệt chiếu An Hiệp, dệt chiếu Nhơn Thạnh, dệt chiếu Thành Thới B, làng nghề TTCN An Thạnh, Khánh Thạnh Tân, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, làng nghề kìm kéo Mỹ Thạnh, làng nghề cá khô Bình Thắng, cá khô An Thuỷ, làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề đan đát - rượu nếp Phú Lễ, làng nghề đúc lu Hoà Lợi, Làng nghề kẹo dừa Phường 7, làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long, Hưng Phong, làng nghề bó chổi ấp An Hoà, Mỹ An. Với tổng số hộ 2.206 hộ, giải quyết việc làm cho khoảng 8.697 lao động, thu nhập bình quân từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/người/ tháng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất làng nghề: Giá trị sản xuất công nghiệp (CĐ 94) năm 2005 đạt 186.701 triệu đồng, năm 2010 đạt 331.665 triệu đồng, năm 2012 đạt 472.297 triệu đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 12,18%/năm, chiếm 9,94% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Sự phát triển của các làng nghề trong thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động ở nông thôn. Các làng nghề đã đi vào sản xuất ổn định và đang trên đà phát triển (từ năm 2006 đến nay) như: Làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh - Khánh Thạnh Tân, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề dệt chiếu An Hiệp (có Công ty TNHH Thanh Bình với doanh thu năm 2011 là 73 tỷ, làm đầu tàu để thúc đẩy các làng nghề khác phát triển), làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long, làng nghề sản xuất kìm kéo Mỹ Thạnh, làng nghề đan đát

- SX rượu Phú Lễ (có Công ty CP rượu Phú Lễ Ba Tri ), làng nghề đan đát Phước Tuy.…

Ngoài ra, việc phát triển các làng nghề đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển, điển hình là một số doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, hợp tác xã (HTX) như: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu tỉnh Bến Tre, Công ty Cổ phần thương mại Trúc Giang, Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty TNHH Sáu Nhu, Công ty TNHH Chí Công, HTX sản xuất TCMN Phú Lộc, HTX TTCN Bến Tre,… đã tự đầu tư vốn, thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tổ chức nhiều vệ tinh, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

2. Khoa học, công nghệ:

Ở các làng nghề mức độ đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất còn thấp, kỹ thuật sản xuất chủ yếu là thủ công, sử dụng kỹ năng khéo léo của đôi tay là chính. Nhưng bước đầu một số cơ sở đã có sự nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, do đó một số sản phẩm của làng nghề đã được tinh xảo, hiện đại hơn, năng suất lao động từng bước được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề thủ công truyền thống thì công đoạn sản xuất chính vẫn phải làm bằng tay, không thể áp dụng máy móc cơ giới toàn bộ cho quy trình sản xuất, vì vậy sản phẩm làng nghề vẫn giữ được nét độc đáo riêng có. Song do phần lớn máy móc thiết bị phần lớn tự chế tạo nên năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, còn rất nhiều hạn chế trong quá trình sử dụng.

3. Môi trường làng nghề:

Phần lớn các cơ sở sản xuất với quy mô hộ gia đình, đặt tại nhà ở và nằm rải rác trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải của làng nghề rất khó khăn và còn hạn chế. Đại đa số các làng nghề chưa được đầu tư hệ thống xử lý tập trung để giảm thiểu các chất thải: Rắn, lỏng, khí, do đó mức độ ô nhiễm môi trường trong các làng nghề thường cao hơn mức cho phép. Công tác quản lý và kiểm tra việc thực hiện những giải pháp bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các đơn vị sản xuất tại làng nghề chưa cao. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất người lao động chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ mình cũng như chưa có trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nên cũng dễ xảy ra tai nạn lao động.

Với những lý do trên cho thấy môi trường tại một số làng nghề ít nhiều đã bị ô nhiễm về nguồn nước, không khí, tiếng ồn... ngoài ra, các chất thải rắn trong sản xuất và sinh hoạt cũng chưa được quản lý, thu gom triệt để để xử lý, do đó đây cũng là một trong những nguyên nhân chính vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm xấu cảnh quan làng nghề.

Trong những năm gần đây, thông qua một số cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương và được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng cũng đã có triển khai hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục phần nào ô nhiễm ở các làng nghề như: Hệ thống xử lý nước thải quy mô hộ gia đình; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn cho làng nghề như: Tiết kiệm nguyên vật liệu xăng dầu, tra dầu cho máy móc để giảm tiếng ồn, đổi mới công nghệ thiết bị, lắp đặt lò gas theo chương trình tiết kiệm năng lượng,... Tuy nhiên việc đầu tư hỗ trợ cho làng nghề khắc phục ô nhiễm cũng còn nhiều mặt hạn chế, ít và chưa đồng bộ, chưa thường xuyên nên việc khắc phục ô nhiễm chưa đảm bảo đúng theo quy định của Nhà nước.

4. Cơ sở hạ tầng của làng nghề:

Hệ thống giao thông nội bộ của một số làng nghề vẫn chưa được quan tâm đầu tư, do đó trong quá trình vận chuyển nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và thành phẩm chưa thuận tiện nên không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Các làng nghề hầu hết đều có hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng cúp điện, cúp nước không báo trước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trong làng nghề. Ngoài ra, toàn bộ các làng nghề đang hoạt động đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung chung cho toàn làng nghề. Phần lớn nước thải sản xuất và sinh hoạt được thải ra sông, kênh, mương gần làng nghề. Nếu tình trạng này kéo dài không được xử lý triệt để sẽ gây ra ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất tại các cơ sở và dân cư xung quanh khu vực làng nghề.

5. Công tác quản lý nhà nước về làng nghề:

- Công tác thẩm định công nhận làng nghề: Hiện nay, tỉnh giao cho Sở Công Thương làm đầu mối tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề CN - TTCN. Thành phần của Hội đồng thẩm định gồm các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã…. Tiêu chuẩn, tiêu chí áp dụng hiện tại thực hiện theo Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">116/2006/TT-BNN ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay đã xét công nhận được 18 làng nghề. Các làng nghề hiện nay chưa có quy định cụ thể về hình thức tổ chức đại diện cho tập thể các cơ sở của làng nghề trong các quan hệ đối nội và đối ngoại, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, phát triển củng như việc xem xét hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho làng nghề.

- Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, đầu tư hạ tầng,..: Qua nhiều năm hoạt động chương trình khuyến công, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xoá đói giảm nghèo, ngành Công Thương và UBND các huyện, thành phố đã tập trung đầu tư gần 3 tỷ đồng hỗ trợ cho các làng nghề TTCN phát triển sản xuất, thông qua việc tổ chức hơn 100 lớp truyền nghề, đào tạo nghề, tập huấn về kỹ năng quản lý, kiến thức về hội nhập, kỹ thuật an toàn thiết bị điện, an toàn vệ sinh thực phẩm,… cho 4.750 người; bằng nguồn kinh phí chương trình khuyến công tỉnh, huyện đã đầu tư trên 300 triệu đồng để tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về phát triển các ngành nghề TTCN, sản xuất than thiêu kết, sản xuất kẹo dừa, sản xuất chỉ xơ dừa, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, tham gia hội chợ triển lãm hàng năm ở trong và ngoài tỉnh… Hỗ trợ 2,18 tỷ đồng kinh phí khuyến công cho các cơ sở, các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ KHKT, đổi mới công nghệ sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá… đồng thời để cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh đã đầu tư 4,664 tỷ đồng để gia cố nâng cấp, làm mới đường giao thông, xây dựng cống thoát nước cho các làng nghề An Thạnh (Mỏ Cày Nam), Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc), An hiệp (Châu Thành), Hưng Nhượng (Giồng Trôm).

6. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của các làng nghề:

6.1. Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa: Chỉ xơ dừa (An Thạnh - Mỏ Cày Nam, Khánh Thạnh Tân - Mỏ Cày Bắc), đan giỏ cọng dừa (Phước Long, Hưng Phong - Giồng Trôm), bó chổi cọng dừa ấp An Hoà (Mỹ An - Thạnh Phú), sản xuất kẹo dừa, thạch dừa (Phường 7 - Thành phố Bến Tre):

* Điểm mạnh:

- Sử dụng triệt để nguyên liệu từ cây dừa, tận dụng nguyên liệu tại chỗ dồi dào, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm từ cây dừa;

- Giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho nông hộ. Trong lao động sản xuất cũng có nhiều sáng tạo nhằm làm cho sản phẩm ngày càng có tính thẩm mỹ cao và năng suất lao động cũng tăng lên.

* Điểm yếu:

- Làng nghề còn tổ chức sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm một cách bền vững và cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng của làng nghề;

- Giá nguyên liệu không ổn định. Thiếu vốn mua trữ nguyên liệu để đảm bảo cho người lao động có việc làm thường xuyên và liên tục;

- Ô nhiễm môi trường không khí do bụi trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa, mụn dừa, thảm dừa chưa được giải quyết triệt để;

- Hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ (đường giao thông) gây khó khăn trong vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm;

- Riêng đối với làng nghề sản xuất kẹo dừa, thạch dừa thì thực hiện theo Đề án xử lý, di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội ô thành phố nên hiện tại phần lớn cơ sở sản xuất đã di dời khỏi địa bàn làng nghề, không còn đáp ứng tiêu chí làng nghề theo quy định.

6.2. Làng nghề dệt chiếu (Thành Thới B - Mỏ Cày Nam, Nhơn Thạnh - Thành phố Bến Tre, An Hiệp - Châu Thành), đan đát (Phước Tuy, Phú Lễ - Ba Tri):

* Điểm mạnh:

- Đây là nghề truyền thống ra đời từ thời xa xưa, những sản phẩm thân thiện với môi trường nên rất thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh. Gắn kết hiệu quả với các tuyến du lịch sinh thái miệt vườn;

- Tận dụng số lượng lớn lao động ngoài độ tuổi và lao động nữ, cải thiện rõ nét thu nhập cho nông hộ; Làng nghề An Hiệp đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị xuất khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển.

* Điểm yếu:

- Phần lớn các công đoạn sản xuất sử dụng phương tiện thủ công. Sản phẩm chiếu hiện tại là mẫu chiếu truyền thống do đó sức cạnh tranh thị trường không cao, không ký hợp đồng trực tiếp được mà phải qua khâu trung gian nên bị ép giá, hàng bị tồn đọng. Chưa xây dựng được thương hiệu chiếu;

- Nguyên liệu tại chỗ (lát, tre, trúc) không đáp ứng đủ cho sản xuất, phải đi mua ngoài tỉnh (Trà Vinh, Cà Mau), cự ly vận chuyển xa, đồng thời giá nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sản xuất;

- Kết cấu hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng tốt, đặc biệt là điện và giao thông nông thôn;

- Do nhu cầu phát triển nên phần lớn lao động trẻ ít quan tâm đến nghề vì đòi hỏi công phu, cần mẫn và khéo léo, do đó lao động của làng nghề có nguy cơ giảm.

- Làng nghề Nhơn Thạnh, Thành Thới B, đan đát Phú Lễ, Phú Tuy thiếu năng động trong nghiên cứu đầu tư sản xuất sản phẩm mới, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Làng nghề Nhơn Thạnh phần lớn đã bỏ nghề, số hộ còn lại không đáp ứng tiêu chí của một làng nghề.

6.3. Làng nghề sản xuất rượu (Phú Lễ - Ba Tri):

* Điểm mạnh:

- Nghề nấu rượu thủ công truyền thống với thương hiệu nổi tiếng “Rượu Phú Lễ” Ba Tri;

- Sử dụng hiệu quả lao động nữ và lao động ngoài độ tuổi ở nông thôn;

- Sử dụng loại hồ men truyền thống chưng cất ra loại rượu có hương vị đặc trưng, thơm ngon.

* Điểm yếu:

- Việc sản xuất còn nhỏ lẻ ở từng hộ gia đình nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, có một số cơ sở chạy theo lợi nhuận, sử dụng men ủ không rõ nguồn gốc tạo ra sản phẩm rượu tuy có năng suất cao, nhưng chất lượng rượu không đảm bảo;

- Vốn phục vụ cho phát triển làng nghề còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu.

6.4. Làng nghề chế biến cá khô (Tiệm Tôm - Ba Tri, Bình Thắng - Bình Đại):

* Điểm mạnh:

- Có nguồn nguyên liệu tại chỗ đảm bảo được nhu cầu sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển;

- Sản xuất ổn định, nổi tiếng với sản phẩm thuỷ sản khô đã có từ lâu đời, sản xuất theo phương pháp truyền thống nên chất lượng nguyên chất đậm đà, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước;

- Có nguồn lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm;

- Giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình;

- Mô hình tổ chức sản xuất: Hội thuỷ sản, hợp tác xã đang được các cấp chính quyền quan tâm nhân rộng trong thời gian tới.

* Điểm yếu:

- Đầu ra của sản phẩm và giá cả không ổn định;

- Điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, do chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sản xuất và hệ thống cống thoát nước mưa của làng nghề nên vào mùa mưa tình trạng ô nhiễm môi trường thường vượt mức cho phép;

- Sản phẩm của làng nghề tuy được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh nhưng sản phẩm chưa có bao bì nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường;

- Diện tích sản xuất còn hạn chế chưa được mở rộng để tăng sản lượng.

6.5. Làng nghề sản xuất kìm kéo (Mỹ Thạnh - Giồng Trôm):

* Điểm mạnh:

- Nghề truyền thống lâu đời, gia công các sản phẩm mang tính thẩm mỹ;

- Tận dụng số lượng lớn lao động ngoài độ tuổi và lao động nữ, cải thiện rõ nét thu nhập cho nông hộ;

- Thị trường xuất khẩu luôn ổn định và có xu hướng ngày càng tăng. Giá trị xuất khẩu khá (thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Úc,…);

- Tận dụng thép phế liệu, góp phần tăng giá trị sản phẩm thép phế liệu.

* Điểm yếu:

- Môi trường lao động chưa thật tốt (nóng nực và tiếng ồn do rèn phôi, mài phôi) dễ có nguy cơ bệnh nghề nghiệp;

- Ô nhiễm môi trường do phôi sắt thải ra trong quá trình mài và hoá chất do xi mạ sản phẩm;

- Chủ yếu là gia công nên không chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh tế chưa cao.

6.6. Làng nghề bánh phồng, bánh tráng (Sơn Đốc, Mỹ Lồng - Giồng Trôm, Phú Ngãi - Ba Tri):

* Điểm mạnh:

- Nghề truyền thống sản xuất ra sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực đặc trưng của người dân Bến Tre với thương hiệu “Bánh tráng Mỹ Lồng”, “Bánh phồng Sơn Đốc”. Sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại;

- Giải quyết được việc làm cơ bản cho người dân trong làng nghề và tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình;

- Sử dụng máy móc dần thay thế phần lớn các công đoạn nặng nhọc của phương pháp sản xuất thủ công truyền thống, góp phần tăng năng suất.

* Điểm yếu:

- Sản xuất theo hộ gia đình nên sân và giàng phơi bánh chưa được đầu tư đúng mức, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Thiếu lao động sản xuất khi vào mùa sản xuất rộ (Tết âm lịch truyền thống).

- Ô nhiễm môi trường nước do phần lớn các hộ chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải sản xuất.

6.7. Làng nghề sản xuất lu chứa nước (Hoà Lợi - Thạnh Phú):

* Điểm mạnh:

- Sản phẩm của làng nghề trong những năm qua sản xuất tương đối ổn định, người dân tham gia luôn tích cực cải tiến kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị trường;

- Giải quyết được việc làm cơ bản cho người dân trong làng nghề và tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình.

* Điểm yếu:

- Chưa có thương hiệu trên thị trường, sản xuất thủ công là chủ yếu nên sản phẩm còn đơn điệu, một số hộ trong làng nghề đã chuyển sang sản xuất bàn ghế xi măng;

- Hệ thống giao thông nông thôn chưa được đầu tư, một số đoạn đường trong làng nghề vẫn còn lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn trong vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TTCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2013-2020

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển làng nghề trên cơ sở phát triển các làng nghề hiện có, phát huy nghề truyền thống, kết hợp với du lịch để mở rộng thị trường, khai thác tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực và các lợi thế của mỗi địa phương, trong đó chú trọng địa bàn nông thôn;

- Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển các làng nghề trọng điểm thuộc thế mạnh của tỉnh; phát triển hạ tầng phục vụ cho làng nghề đi đôi với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho làng nghề, thành lập các hợp tác xã có quy mô gọn, nhẹ, năng động trong các làng nghề để làm đầu mối tổ chức quản lý làng nghề;

- Tăng thu nhập, giải quyết nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở các vùng nông thôn; góp phần phân công lại lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới;

- Đổi mới công nghệ, cơ khí hoá, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Hỗ trợ cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu chung:

Khôi phục, phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chú trọng phát triển các sản phẩm thủ công tiêu biểu thế mạnh của Bến Tre, có lợi thế cạnh tranh, ngành nghề ưu tiên của tỉnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hoá, lễ hội truyền thống, bảo đảm làng nghề phát triển một cách bền vững, sử dụng nhiều lao động tại chỗ, nguồn nguyên vật liệu trong nước và không gây ô nhiễm môi trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp của làng nghề tăng bình quân

15%/năm, phát triển thêm khoảng 2-3 làng nghề mới, tạo việc làm ổn định cho khoảng 10.000 đến 12.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn từ 2-3 triệu đồng/người/tháng lên 3-4 triệu đồng/người/tháng; mỗi huyện có khoảng 2-3 loại sản phẩm làng nghề tiêu biểu để xây dựng nhãn hiệu và có ít nhất 50% số làng nghề được xây dựng mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả; hỗ trợ và hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

3. Định hướng phát triển các làng nghề:

3.1. Đối với những ngành nghề truyền thống đã hình thành lâu đời như: Dệt chiếu, đan đát, sản xuất bánh tráng, sản xuất bánh phồng, chế biến kẹo, chế biến thuỷ sản,… tiếp tục duy trì và phát triển. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung phát triển các làng nghề trên cơ sở đã có như: Làng nghề dệt chiếu An Hiệp, làng nghề TTCN Phú Lễ, làng nghề sản xuất bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề sản xuất kìm kéo Mỹ Thạnh, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, An Thuỷ, làng nghề đúc lu Hoà Lợi. Đối với các làng nghề này cần tập trung hỗ trợ vốn để duy trì, phát triển nguồn nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ làng nghề, đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Cụ thể:

- Làng nghề dệt chiếu - thảm (An Hiệp - Châu Thành; Nhơn Thạnh - thành phố Bến Tre, Thành Thới B - Mỏ Cày Nam):

Tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, đầu tư máy dệt chiếu thay cho dệt thủ công đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như hệ thống xử lý nguyên liệu, chống ẩm mốc, biến màu ổn định độ bền, độ sáng; mở các lớp đào tạo nghề để phát triển thêm mẫu mã, kiểu dáng mới, tạo các sản phẩm đặc trưng của làng nghề; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường đồng thời nghiên cứu hỗ trợ phát triển nghề mới. Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của Công ty TNHH Thanh Bình để hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề An Hiệp hoạt động có hiệu quả. Làm thủ tục giải thể HTX TTCN Thành Thới B, có kế hoạch vận động thành lập lại THT để làm đầu mối hỗ trợ làng nghề hoạt động. Làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh đến nay chỉ còn 10 hộ không đáp ứng theo tiêu chí quy định, tiến hành làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi quyết định công nhận làng nghề.

- Làng nghề sản xuất mây tre đan (Phước Tuy, Phú Lễ - Ba Tri):

Đầu tư khôi phục vùng nguyên liệu, cải tiến công cụ lao động, cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất như: Xử lý nguyên liệu, chống ẩm mốc, biến màu. Khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, hàng trang trí nội thất từ nguyên liệu mây tre, hỗ trợ xúc tiến thương mại giới thiệu tiêu thụ sản phẩm thông qua hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Mặt khác, Nhà nước hỗ trợ làng nghề cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo tay nghề, truyền nghề, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, gắn với du lịch văn hoá về nguồn, thăm khu tưởng niệm nổi tiếng tại Ba Tri như: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản. Các khu di tích lịch sử, Căn cứ kháng chiến Lạc Địa, rừng sinh thái sân Chim Vàm Hồ. Có kế hoạch thành lập THT hoặc HTX để làm đầu mối quản lý làng nghề.

- Làng nghề (TTCN) nấu rượu (Phú Lễ - Ba Tri):

Đầu tư nghiên cứu quy trình sản xuất chuẩn, giữ vững hồ men gia truyền nhằm duy trì và nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cải tiến bao bì, đăng ký nhãn hiệu, vận động, tập hợp những người sản xuất rượu trên địa bàn xã để xây dựng và phát triển thương hiệu rượu truyền thống Phú Lễ. Hình thành tổ hợp tác và phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Hỗ trợ đầu tư cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề và gắn với khu bảo tồn thuỷ sản nước ngọt Lạc Địa, khu di tích đình Phú Lễ, hình thành điểm du lịch sinh thái ẩm thực. Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Rượu Phú Lễ để hỗ trợ các hộ trong làng nghề hoạt động.

- Làng nghề chế biến cá khô (Bình Thắng - Bình Đại; An Thuỷ - Ba Tri):

Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhà xưởng, hệ thống sấy, hút chân không, đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hoá sản phẩm, tổ chức truyền nghề và kêu gọi đầu tư phát triển doanh nghiệp đầu mối để cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề. Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp có quy mô lớn trong làng nghề để làm nòng cốt hỗ trợ làng nghề hoạt động, thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ sản xuất liên kết sản xuất theo hình thức THT hoặc HTX gọn nhẹ để làm đầu mối hỗ trợ làng nghề cũng như tiếp nhận các nguồn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho làng nghề.

- Làng nghề sản xuất kìm kéo (Mỹ Thạnh - Giồng Trôm):

Mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, khép kín quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, có kế hoạch xây dựng mô hình kinh tế hợp tác phù hợp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ chức các lớp truyền nghề, đào tạo nghề, nâng cao trình độ quản lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

- Làng nghề sản xuất bánh phồng, bánh tráng (Sơn Đốc, Mỹ Lồng - Giồng Trôm, Phú Ngãi - Ba Tri):

Nghiên cứu thiết kế xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở đầu tư thiết bị xay, quậy, cán, quết, hệ thống sấy, xây dựng hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn như: Nước thải sản xuất, sinh hoạt, hệ thống thoát nước mưa, thu gom rác thải... có giải pháp để hỗ trợ làng nghề phát triển vùng trồng nếp cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Thực hiện an toàn vệ sinh và nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, cải tiến bao bì mẫu mã, phát triển mạnh thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX bánh phồng Sơn Đốc, bánh tráng Mỹ Lồng, Đa Phước Hội và vận động thành lập HTX Phú Ngãi khi có đủ điều kiện. Nhân rộng mô hình tăng cường năng lực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng sang các làng nghề sản xuất khác.

- Làng nghề sản xuất lu chứa nước- bàn ghế bằng xi măng (Hoà Lợi - Thạnh Phú):

Đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất hàng hoá cũng như vận chuyển sản phẩm của làng nghề. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình thuộc làng nghề vay vốn để phát triển sản xuất; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động trong làng nghề, hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cơ giới hoá vào một số công đoạn để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu. Hiện tại, các hộ trong làng nghề đã chuyển sang sản xuất bàn ghế xi măng, chỉ còn một số hộ sản xuất lu chứa nước. Trong thời gian tới làng nghề sẽ được đổi tên thành làng nghề sản xuất bàn ghế - lu chứa nước để phát triển theo đúng hướng và được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển thêm các sản phẩm mới. Có kế hoạch tổ chức vận động thành lập mô hình kinh tế hợp tác thích hợp để hỗ trợ làng nghề hoạt động.

3.2. Đối với các làng nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa thì Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, chiếm 38,8% tổng diện tích dừa của cả nước. Giá trị các sản phẩm từ dừa chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chiếm khoảng 30-40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre. Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre hiện đã xuất qua 65 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, cần tập trung phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa để trở thành thế mạnh của tỉnh: Làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa, làng nghề đan giỏ cọng dừa, làng nghề sản xuất kẹo dừa, thạch dừa, làng nghề bó chổi cọng dừa. Đồng thời, vấn đề ô nhiễm môi trường từ làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa, thạch dừa rất lớn, do đó phát triển làng nghề phải đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể:

- Làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa (An Thạnh - Mỏ Cày Nam, Khánh Thạnh Tân - Mỏ Cày Bắc):

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến chỉ xơ dừa, áp dụng các thiết kế máy tước chỉ xơ dừa, máy dệt thảm xơ dừa; tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, đổi mới quy trình, thiết bị công nghệ sản xuất chỉ xơ dừa theo hướng sử dụng mô tơ điện thay cho máy dầu, phát triển thêm một số sản phẩm như: lưới xơ dừa, thảm xơ dừa, băng chỉ xơ dừa ép keo, nệm ép keo… để cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước, thông qua việc hỗ trợ vốn từ chương trình khuyến công, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, vốn sự nghiệp môi trường và vốn doanh nghiệp. Tăng cường củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lớn trong làng nghề để làm đầu mối hỗ trợ thúc đẩy các hộ sản xuất trong làng nghề phát triển.

- Làng nghề đan giỏ cọng dừa (Phước Long, Hưng Phong - Giồng Trôm):

Mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công cụ, thiết bị chuyên dùng, nghiên cứu chuyển giao phần mềm thiết kế và khuyến khích các nghệ nhân thiết kế, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, chất lượng cao đáp ứng thị trường thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tổ chức truyền nghề và đào tạo thợ giỏi, nâng cao trình độ quản lý và kiến thức hội nhập của các doanh nghiệp và cơ sở. Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động HTX TTCN Phước Long, tuyên truyền vận động khi đủ điều kiện thành lập HTX TTCN Hưng Phong để làm đầu mối hỗ trợ làng nghề hoạt động.

- Làng nghề sản xuất kẹo dừa, thạch dừa (Phường 7, thành phố Bến Tre):

Do quá trình đô thị hoá và thực hiện Đề án xử lý, di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành thành phố Bến Tre nên phần lớn các cơ sở sản xuất thạch dừa đã ngưng hoạt động và di dời khỏi địa bàn làng nghề, không còn đáp ứng theo tiêu chí làng nghề theo quy định, kiến nghị địa phương làm thủ tục thu hồi quyết định công nhận làng nghề. Cần chuyển sang một hình thức sản xuất khác (THT) để ổn định phát triển sản xuất.

- Làng nghề bó chổi (Mỹ An - Thạnh Phú):

Mở rộng quy mô sản xuất hiện có để thu hút lao động, giải quyết việc làm cho địa phương; đầu tư máy móc, thiết bị, chuyển giao khoa học, công nghệ như: Máy tuốt cọng dừa, máy cắt cán chổi cọng dừa, máy tề đọt,… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; mở các lớp đào tạo nghề mới để đa dạng mẫu mã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá để sản phẩm được nhiều người biết đến. Đồng thời, huy động từ nhiều nguồn vốn để đầu tư đường giao thông phục vụ việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm của làng nghề. Tăng cường hỗ trợ đầu tư các cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề để làm đầu mối nòng cốt hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, khi có đủ điều kiện vận động thành lập THT, HTX để làm đầu mối hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ của làng nghề.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2013-2020, dự kiến phát triển thêm khoảng 03 làng nghề mới: Làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương, làng nghề may gia công banh da xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động tại địa phương và làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ dừa xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 320 lao động tại địa phương.

4. Đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề trong giai đoạn 2013-2020:

4.1. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề giới thiệu sản phẩm trong các hội chợ triển lãm:

- Nội dung thực hiện: Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại và các huyện, thành phố hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng cho các làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của làng nghề, cung cấp thông tin trên trang web, tổ chức toạ đàm kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối...

Dự kiến kinh phí: 80 triệu/năm x 07 năm = 560 triệu đồng. Trong đó:

+ Nguồn kinh phí: Kinh phí khuyến công của tỉnh, của huyện, thành phố: Dự kiến 30 triệu đồng/năm x 07 = 210 triệu đồng

+ Nguồn kinh phí: Kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh, huyện, thành phố: Dự kiến kinh phí: 50 triệu/năm x 07 năm = 350 triệu đồng.

4.2. Hỗ trợ các làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh:

- Nội dung thực hiện: Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, các huyện, thành phố tổ chức cho các làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và quản lý tại các tỉnh có làng nghề phát triển tốt nhằm nâng cao kinh nghiệm trong việc quản lý làng nghề, phát triển thêm ngành nghề, mẫu mã, kiểu dáng mới.

- Dự kiến kinh phí: 50 triệu đồng/năm x 07 năm = 350 triệu đồng.

- Nguồn kinh phí: Kinh phí khuyến công của tỉnh, huyện, thành phố.

4.3. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh:

a) Cơ giới hoá một số công đoạn trong SX bánh phồng nếp ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm) và bánh phồng Phú Ngãi (Ba Tri): 500 triệu đồng;

b) Cải tiến công đoạn xi, mạ trong sản xuất kìm cắt da, móng ở làng nghề sản xuất kìm kéo xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm): 200 triệu đồng;

c) Thay đổi thiết bị mới trong sản xuất chỉ xơ dừa để tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm ở làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh (Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc): 500 triệu đồng;

d) Đầu tư máy móc thiết bị để phục vụ các công đoạn như: Tuốt cọng dừa, cắt cán chổi, tề đọt,… trong làng nghề bó chổi ấp An Hoà (Thạnh Phú): 200 triệu đồng.

4.4. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong làng nghề đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm:

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ các doanh nghiệp 02 làng nghề: Chế biến cá khô Bình Thắng (Bình Đại) và An Thuỷ (Ba Tri) ứng dụng công nghệ đốt lò hơi bằng năng lượng tái tạo trong quá trình sấy hải sản nhằm góp phần bảo vệ môi trường mà còn có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu đốt lò.

- Dự kiến kinh phí: 500 triệu đồng/lần x 03 doanh nghiệp x 02 làng nghề = 3.000 triệu đồng

- Nguồn kinh phí: Từ nguồn vốn khoa học công nghệ của tỉnh.

4.5. Hỗ trợ chi phí cho làng nghề xây dựng, xác lập quyền và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận:

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ 02 làng nghề: Chế biến cá khô Bình Thắng (Bình Đại) và An Thuỷ (Ba Tri) xây dựng nhãn hiệu tập thể.

- Dự kiến kinh phí: 200 triệu đồng/lần x 2 làng nghề = 400 triệu đồng

- Nguồn kinh phí: Từ nguồn vốn khoa học công nghệ của tỉnh.

4.6. Hỗ trợ một phần vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông nông thôn: Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm của làng nghề sản xuất lu chứa nước Hoà Lợi (Thạnh Phú) và làng nghề bó chổi ấp An Hoà (Thạnh Phú).

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 2.000 triệu đồng

4.7. Hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường xung quanh 02 làng nghề: Chế biến cá khô Bình Thắng (Bình Đại) và An Thuỷ (Ba Tri).

Nguồn vốn sự nghiệp môi trường: 1.000 triệu đồng.

4.8. Hỗ trợ vốn để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại 02 làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh (Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc).

Nguồn vốn sự nghiệp môi trường: 1.000 triệu đồng.

4.9. Hỗ trợ vốn để xử lý môi trường cho các làng nghề còn lại:

Nguồn vốn sự nghiệp môi trường: 3.000 triệu đồng.

5. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ phát triển làng nghề:

- Vốn khuyến công: 1.960 triệu đồng;

- Vốn xúc tiến thương mại: 350 triệu đồng;

- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 2.000 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp môi trường: 5.000 triệu đồng;

- Vốn khoa học công nghệ: 3.400 triệu đồng.

Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ phát triển làng nghề giai đoạn 2013-2020: 12.710 triệu đồng. Trong đó:

* Giai đoạn 2013-2015:

Tổng vốn hỗ trợ: 5.350 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn khuyến công: 700 triệu đồng;

- Vốn xúc tiến thương mại: 150 triệu đồng;

- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.000 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp môi trường: 2.000 triệu đồng;

- Vốn khoa học công nghệ: 1.500 triệu đồng.

* Giai đoạn 2016-2020:

Tổng vốn hỗ trợ: 7.360 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn khuyến công: 1.260 triệu đồng;

- Vốn xúc tiến thương mại: 200 triệu đồng;

- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.000 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp môi trường: 3.000 triệu đồng;

- Vốn khoa học công nghệ: 1.900 triệu đồng.

Ngoài ra, vận dụng linh hoạt từ nhiều nguồn thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về làng nghề để tiếp tục bổ sung hỗ trợ vốn cho các làng nghề trong tỉnh phát triển.

6. Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề:

Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề được thực hiện theo:

Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội cung Nghị định số 66/2006/NĐ-CP;

Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">113/2006/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP;

Thông tư liên tịch số 125/TTLT-BTC-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công;

Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;

Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;

Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Những chính sách này đã quy định cụ thể về hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, về đào tạo nghề cho lao động,... Tỉnh không ban hành chính sách riêng mà áp dụng chính sách hiện hành của Trung ương, trong quá trình thực hiện sẽ kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn.

III. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp đổi mới tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh làng nghề:

- Tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, xây dựng mô hình quản lý làng nghề hoạt động có hiệu quả, mở rộng các hình thức dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

- Các cơ sở sản xuất ở làng nghề phải liên kết lại với nhau để hình thành những cơ sở, những doanh nghiệp mạnh ở ngay trong làng. Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu và bám sát nhu cầu của thị trường để tìm hướng ra cho sản phẩm;

- Thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động mang tính chuyên nghiệp để thực hiện các mẫu mã mới, phát triển sản phẩm nhằm tạo thị trường ổn định và có việc làm thường xuyên;

- Chủ động tổ chức các điểm trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề tại các Trung tâm thương mại, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn,..

2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:

- Tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề;

- Xây dựng cơ chế khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo, chú trọng đến các nghề truyền thống, cổ truyền;

- Khuyến khích và hỗ trợ cho các làng nghề tự tổ chức truyền dạy nghề;

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề. Tổ chức cho các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, tham quan học tập kinh nghiệm phát triển làng nghề trong nước;

- Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu các kinh nghiệm quản lý, sản xuất kinh doanh, khoa học công nghệ mới và các lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề.

3. Giải pháp về xúc tiến thương mại:

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề tiếp cận thị trường trong và ngoài nước bằng cách ưu tiên về quảng cáo, triển lãm. Triển khai thực hiện chương trình xúc tiến thương mại cung cấp các thông tin về thị trường, tổ chức hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, thông qua các tham tán thương mại,… cho quyền được đăng ký để kinh doanh xuất khẩu trực tiếp nếu có nhu cầu hoặc có những biện pháp hạn chế sự lũng đoạn của các đơn vị trung gian xuất nhập khẩu;

- Tổ chức mạng lưới tiêu thụ, nhất là phối hợp với các điểm du lịch, mở các đại lý, văn phòng đại diện ở các thành phố lớn với phương thức tiếp thị đa dạng và kết hợp với các ngành kinh tế khác để quảng bá sản phẩm.

4. Giải pháp về huy động vốn:

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình khuyến công quốc gia, hỗ trợ dạy nghề, vốn chương trình mục tiêu quốc gia;

- Ngân sách tỉnh cấp thông qua các chương trình khuyến công địa phương hàng năm và từng giai đoạn; vay vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề hàng năm; vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ đăng ký nghiên cứu, ứng dụng triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học;

- UBND các huyện, thành phố chủ động cân đối, bố trí vốn đối ứng, vốn hỗ trợ cho các chương trình, dự án đầu tư khôi phục phát triển làng nghề từ các nguồn vận động tài trợ, đóng góp của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các cơ sở SX trong các làng nghề;

- Bố trí một phần thích hợp từ nguồn thu theo phân cấp ngân sách trên địa bàn để tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục và phát triển làng nghề theo quy định.

5. Giải pháp về hỗ trợ xử lý môi trường, đầu tư hạ tầng:

- Các làng nghề hiện có cần sắp xếp lại mặt bằng sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân trong làng nghề. Ngoài ra, các làng nghề cũng cần tiếp cận với những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm phòng ngừa phát sinh chất thải và các biện pháp xử lý chất thải phù hợp. UBND tỉnh cần bố trí một phần kinh phí để hỗ trợ khắc phục môi trường làng nghề (đặc biệt là các làng nghề CN - TTCN An Thạnh và Khánh Thạnh Tân). Có như vậy, các làng nghề mới thật sự phát triển hiệu quả và bền vững.

- Xây dựng tốt và đồng bộ kết cấu hạ tầng để các khu sản xuất tập trung phát triển có hiệu quả. Xây dựng đường giao thông, nối liền từ khu sản xuất tập trung của làng nghề tới các xã, thị trấn, huyện, tỉnh,… tạo sự giao lưu thông suốt trong việc vận chuyển và trao đổi hàng hoá. Hoàn chỉnh hệ thống điện, cấp thoát nước, các hệ thống dịch vụ như tài chính, tín dụng, bưu chính, viễn thông,… tạo cho các khu sản xuất tập trung của làng nghề gần với cơ sở dịch vụ và không cách xa khu dân cư.

6. Giải pháp về hỗ trợ ứng dụng KHCN, xây dựng thương hiệu:

- Thông qua chương trình khoa học công nghệ để hỗ trợ đổi mới, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ phù hợp đến từng cơ sở, từng hộ gia đình để nâng cao năng suất, hạ giá thành, đa dạng hoá sản phẩm, đồng thời với việc xử lý chất thải, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.

- Khuyến khích nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ trên cơ sở có những cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ nguồn vốn đầu tư và ưu đãi tín dụng cho những ngành nghề và cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

7. Giải pháp về nguyên liệu:

Nguyên liệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển các làng nghề, tạo sự ổn định, bền vững cho sản xuất. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, cần phải có giải pháp để các làng nghề phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh như: Lát, tre, trúc,… khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển sản xuất lâu dài. Tăng cường liên kết với các địa phương khác, trong việc khai thác và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đề đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho phát triển.

8. Đề xuất giải pháp mô hình quản lý nhà nước về làng nghề:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý nhà nước về làng nghề theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Sở Công Thương quản lý chuyên ngành, hỗ trợ hình thành Ban quản lý các làng nghề;

- Thường xuyên rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến làng nghề để điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, hỗ trợ phát triển các nghề và làng nghề Bến Tre trong thời gian tới. Chú trọng các thông tin hai chiều giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề để phát hiện những tồn tại nhằm đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp có hiệu quả.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với cấp tỉnh:

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước chung về làng nghề trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong các làng nghề;

- Lồng ghép các chủ trương chính sách hỗ trợ, các đề án, dự án về việc phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai để hỗ trợ cho việc phát triển làng nghề;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bến Tre, xây dựng mô hình tổ chức quản lý làng nghề chuẩn để triển khai thực hiện.

1.2. Sở Công Thương:

- Thông qua Chương trình khuyến công địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề. Chủ trì phối hợp với các các cơ quan chức năng có liên quan và địa phương để xét duyệt đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định;

- Tăng cường tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình mục tiêu để thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển nghề, làng nghề. Tích cực hỗ trợ các làng nghề giới thiệu, trưng bày, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

1.3. Sở Khoa học và Công nghệ:

Lập kế hoạch và hướng dẫn trình tự, thủ tục việc hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đối với các mô hình, dự án về phát triển nghề, làng nghề và hỗ trợ việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ (gồm hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích,…) cho các sản phẩm nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

1.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Bố trí vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách hàng năm cho các dự án được hưởng chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

- Tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án phát triển nghề, làng nghề.

1.5. Sở Tài chính:

Cân đối ngân sách hàng năm phân bổ kinh phí để hỗ trợ phát triển làng nghề theo Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">113/2006/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2006 hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; kiểm tra thanh quyết toán và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

1.6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Có kế hoạch trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí từ Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ cho các dự án ở làng nghề có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề theo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh”.

1.7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các đối tượng theo Quy định này thực hiện dự án đầu tư và hướng dẫn các thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật, tìm các giải pháp đồng bộ, khả thi để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các làng nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong làng nghề theo quy định.

1.8. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với địa phương xây dựng các tuyến du lịch gắn với làng nghề, hình thành các nhà trưng bày tổ chức sản xuất, giới thiệu sản phẩm làng nghề.

1.9. Sở Giao thông vận tải:

Tham mưu giúp UBND tỉnh nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật từng cấp đường trong việc cải tạo, xây dựng các tuyến giao thông khu vực làng nghề tập trung.

1.10. Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

Tiến hành củng cố, nâng cao hiệu quả và phát triển loại hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề.

2. Đối với các huyện, thành phố:

Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc chỉ đạo và triển khai xây dựng, thực hiện các dự án phát triển làng nghề thuộc địa bàn quản lý. Có kế hoạch củng cố, nâng chất lượng hoạt động của làng nghề, tiến hành rà soát lại các tiêu chí công nhận làng nghề, những làng nghề không đạt các tiêu chí quy định tại Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">116/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì làm thủ tục đề nghị thu hồi Quyết định công nhận làng nghề; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đề xuất, tổ chức mô hình quản lý cụ thể của làng nghề; bố trí kinh phí hàng năm đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề theo chính sách quy định.

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã (phường), thị trấn vận động các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất khôi phục và phát triển làng nghề trên địa bàn, xây dựng kế hoạch củng cố, phát triển làng nghề, đề xuất mức hỗ trợ đầu tư xây dựng phát triển làng nghề; phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, theo dõi công tác phát triển làng nghề./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Trương Minh Nhựt

 

DANH SÁCH

CÁC LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN

STT

Huyện/thành phố

Tên Làng nghề

Quyết định công nhận

Ghi chú

1

Thành phố Bến Tre

LN kẹo dừa và thạch dừa P.7

Số 876/QĐ-UBND ngày 02/8/2006

 

2

LN dệt chiếu Nhơn Thạnh

Số 1769/QĐ-UBND ngày 02/8/2006

 

3

Ba Tri

LN chế biến cá khô Tiệm Tôm

Số 1547/QĐ-UBND ngày 02/9/2007

 

4

LN TTCN Phú Lễ

Số 1670/QĐ-UBND ngày 21/7/2006

LN truyền thống

5

LN SX đan đát Phước Tuy

Số 132/QĐ-UBND ngày 26/01/2007

LN truyền thống

6

LN bánh phồng Phú Ngãi

Số 1765/QĐ-UBND ngày 02/8/2006

LN truyền thống

7

Châu Thành

LN dệt chiếu An Hiệp

Số 1767/QĐ-UBND ngày 02/8/2006

LN truyền thống

8

Bình Đại

LN chế biến cá khô Bình Thắng

Số 881/QĐ-UBND ngày 05/6/2007

LN truyền thống

9

Thạnh Phú

LN SX lu chứa nước xã Hoà Lợi

Số 442/QĐ-UBND ngày 10/3/2008

LN truyền thống

10

LN bó chổi ấp An Hoà

Số 80/QĐ-UBND ngày 10/01/2011

 

11

Mỏ Cày Nam

LN CN - TTCN An Thạnh

Số 1671/QĐ-UBND ngày 21/7/2006

 

12

LN dệt chiếu xã Thành Thới B

Số 29/QĐ-UBND ngày 07/01/2008

 

13

Mỏ Cày Bắc

LN CN - TTCN Khánh Thạnh Tân

Số 1768/QĐ-UBND ngày 02/8/2006

 

14

Giồng Trôm

LN đan giỏ cọng dừa Phước Long

Số 930/QĐ-UBND ngày 14/6/2007

 

15

LN bánh phồng Sơn Đốc

Số 1766/QĐ-UBND ngày 02/8/2006

LN truyền thống

16

LN đan giỏ cọng dừa Hưng Phong

Số 674/QĐ-UBND ngày 08/4/2009

 

17

LN sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng

Số 131/QĐ-UBND ngày 26/01/2007

LN truyền thống

18

LN sản xuất kìm kéo xã Mỹ Thạnh

Số 602/QĐ-UBND ngày 01/4/2008

LN truyền thống

 

BẢNG SẢN LƯỢNG, GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CÁC LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

STT

Huyện

Tên LN

SP chính

ĐVT

Sản lượng

GTSXCN (CĐ 94) (triệu đồng)

2006

2010

2011

2012

2006

2010

2011

2012

1

Ba Tri

LN chế biến cá khô Tiệm Tôm

Tôm khô

Tấn

130

250

300

420

1117.820

3010.350

4427.000

7933.740

Cá khô

Tấn

400

705

850

955

2

LN TTCN Phú Lễ

Rượu nếp truyền thống

Lít

10,000

150,000

750,000

1,000,000

26,500

72,000

75,000

81,000

Đan đát

SP

5,000

11,500

12,000

12,500

3

LN SX đan đát Phước Tuy

Thúng

Chiếc

86,400

143,000

140,000

145,000

337.960

636.100

795.080

950.400

Rổ, vừng, sàn

Chiếc

72,000

60,000

62,000

65,000

4

LN bánh phồng Phú Ngãi

Bánh phồng nếp

1000 cái

2,209

3,672

4,590

6,885

884.712

1,477.56

1,846.95

2,770.29

Bánh phồng mì

1000 cái

1,089

1,836

2,295

3,442

5

Châu Thành

LN dệt chiếu An Hiệp

Mụn dừa, xơ rối

Tấn

155.2

4,509.9

1,307.2

1,200

12,930.050

41,645.350

37,088.110

40,000.000

Thảm các loại

Tấm

75,315

374,437

530,571

400,000

Hàng lưới, băng, dây dừa

Tấn

1,430.4

2,281.5

1,620.3

1,600

Lục bình, cói đan các loại

Cái

322,567

365,581

794,835

500,000

6

Bình Đại

LN chế biến cá khô Bình Thắng

Cá khô

Tấn

1,250

854

1,056

1,400

7,536.15

5,148.70

6,366.54

8,440.49

7

Thạnh Phú

LN SX lu chứa nước xã Hoà Lợi

Lu xi măng

Cái

300,000

150,000

60,000

12,000

3,506.980

5,260.470

8,722.490

10,545.220

Bàn + Đôn

Bộ

 

12,000

24,000

28,200

8

LN bó chổi ấp An Hoà

Chổi

1000 cây

3,432

5,220

6,120

7,326

8,004.282

12,174.345

14,273.370

17,086.064

9

Mỏ Cày Nam

LN CN - TTCN An Thạnh

Chỉ xơ dừa

Tấn

12,138

21,070

24,708

26,600

26,222.900

136,208.000

205,920.000

238,271.000

Chỉ xơ dừa ép kiện

Tấn

 

17,578

20,500

22,000

10

LN dệt chiếu xã Thành Thới B

Mụn dừa

Tấn

3,641

6,321

7,412

7,980

 

 

 

 

Than thiêu kết

Tấn

110

320

350

400

Chiếu

Chiếc

76,320

100,600

108,800

111,600

1,291.330

1,702.150

1,840.900

1,888.270

11

Mỏ Cày Bắc

LN CN - TTCN Khánh Thạnh Tân

Chỉ xơ dừa

Tấn

17,150

22,050

19,110

25,480

18,180.900

28,050.600

20,258.717

32,414.027

Mụn dừa

Tấn

51,450

66,150

57,330

76,440

12

TP. Bến Tre

LN dệt chiếu Nhơn Thạnh

Chiếu lát

Chiếc

84,000

43,200

43,200

43,200

1,421.280

730.940

730.940

730.940

13

Giồng Trôm

LN đan giỏ cọng dừa

Phước Long

Giỏ cọng dừa

1000 cái

6,383

12,766

14,184

16,312

6,220.870

12,441.740

13,823.730

15,897.680

14

LN bánh phồng Sơn Đốc

Bánh phồng

1000 cái

15,120

20,412

22,680

24,192

4,056.05

5,475.66

6,084.07

6,489.67

15

LN đan giỏ cọng dừa

Hưng Phong

Đan giỏ cọng dừa

1000 cái

660

1,100

1,320

930

643.236

1,072.060

1,286.472

906.378

16

LN sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng

Bánh tráng béo

1000 cái

40,000

47,000

50,000

55,000

2,585.740

2,908.960

3,663.140

5,609.570

Báng tráng sữa

1000 cái

40,000

48,000

52,000

55,000

Bánh tráng cuốn

1000 cái

5,000

5,500

6,200

7,000

17

LN sản xuất kìm kéo xã Mỹ Thạnh

Kìm

Triệu cây

8.76

7.2

6.5

5.7

2,095.84

1,722.61

1,555.13

1,363.73

Tổng cộng

 

 

 

 

123,536.099

331,665.595

403,682.642

472,297.475

GTSXCN (triệu đồng)

2,295,901

3,336,345

4,399,176

5,199,465

Tỷ trọng so với CN tỉnh (%)

5.38

9.94

9.18

9.08

 

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

STT

Nguồn vốn

Tổng nguồn vốn (triệu đồng)

Phân kỳ

2013-2015

2016-2020

1

Vốn khuyến công

1,960

700

1,260

2

Vốn xúc tiến thương mại

350

150

200

3

Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia

2,000

1,000

1,000

4

Vốn sự nghiệp môi trường

5,000

2,000

3,000

5

Vốn khoa học công nghệ

3,400

1,500

1,900

TỔNG:

12,710

5,350

7,360

 

ĐỀ XUẤT CÁC DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2013-2020

STT

Tên dự án

Kinh phí
(triệu đồng)

Nguồn kinh phí

1

Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề giới thiệu sản phẩm trong các hội chợ triển lãm

560

Nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại

2

Hỗ trợ các làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh

350

Nguồn vốn khuyến công

3

Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị

1,400

Nguồn vốn khuyến công

4

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong làng nghề đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm

3,000

Nguồn vốn khoa học công nghệ

5

Hỗ trợ chi phí cho làng nghề xây dựng, xác lập quyền và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận

400

Nguồn vốn khoa học công nghệ

6

Hỗ trợ một phần vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông nông thôn

2,000

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia

7

Hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải

1,000

Nguồn vốn sự nghiệp môi trường

8

Hỗ trợ vốn để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường

4,000

Nguồn vốn sự nghiệp môi trường

TỔNG

12,710

 

 

BẢNG SỐ LƯỢNG LAO ĐỘNG CỦA CÁC LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

STT

Huyện

Tên LN

SP chính

Số hộ

Lao động (người)

Thu nhập bình quân (người/tháng)

2006

2010

2011

2012

2006

2010

2011

2012

1

Ba Tri

LN chế biến cá khô Tiệm Tôm

Tôm khô

47

56

60

65

235

280

300

325

1,800,000

Cá khô

2

LN TTCN Phú Lễ

Rượu nếp truyền thống

 

 

134

 

 

 

567

573

1,200,000

Đan đát

3

LN SX đan đát Phước Tuy

Thúng

51

95

95

 

95

151

162

171

1,200,000

Rổ, vừng, sàn

4

LN bánh phồng Phú Ngãi

Bánh phồng nếp

51

51

51

51

255

255

255

255

1,600,000

Bánh phồng mì

5

Châu Thành

LN dệt chiếu An Hiệp

Mụn dừa, xơ rối

65

43

35

 

1.500

800

500

550

2,500,000

Thảm các loại

Hàng lưới, băng, dây dừa

Lục bình, cói đan các loại

6

Bình Đại

LN chế biến cá khô Bình Thắng

Cá khô

31

80

15

20

150

387

120

170

1,600,000

7

Thạnh Phú

LN SX lu chứa nước xã Hoà Lợi

Lu xi măng

68

98

98

98

150

250

250

250

4,000,000

Bàn + Đôn

8

LN bó chổi ấp An Hoà

Chổi

18

29

30

33

238

385

425

465

1.800.000

9

Mỏ Cày Nam

LN CN - TTCN An Thạnh

Chỉ xơ dừa

170

23

21

23

1,240

1,056

1,094

1,122

2,500,000

Chỉ xơ dừa ép kiện

Mụn dừa

Than thiêu kết

10

LN Dệt chiếu xã Thành Thới B

Chiếu

106

140

150

155

220

294

316

328

1,800,000

11

Mỏ Cày Bắc

LN CN - TTCN Khánh Thạnh Tân

Chỉ xơ dừa

35

30

26

26

700

600

468

468

2,500,000

Mụn dừa

12

TP. Bến Tre

LN dệt chiếu Nhơn Thạnh

Chiếu lát

61

30

30

30

122

60

60

60

1,350,000

13

Giồng Trôm

LN đan giỏ cọng dừa Phước Long

Giỏ cọng dừa

360

410

750

815

431

511

615

1,020

2,000,000

14

LN bánh phồng Sơn Đốc

Bánh phồng

19

31

34

34

114

126

189

210

2,100,000

15

LN đan giỏ cọng dừa Hưng Phong

Đan giỏ cọng dừa

300

450

500

620

400

700

1,000

1,500

2,200,000

16

LN sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng

Bánh tráng béo

147

160

180

186

441

452

490

500

2,700,000

Báng tráng sữa

Bánh tráng cuốn

17

LN sản xuất kìm kéo xã Mỹ Thạnh

Kìm

76

57

55

50

560

850

800

730

2,100,000

Tổng cộng

1,605

1,783

2,264

2,206

6,851

7,157

7,611

8,697

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1229/CTr-SCT

Loại văn bản Văn bản khác
Số hiệu 1229/CTr-SCT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 24/09/2013
Ngày hiệu lực 24/09/2013
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước, Thương mại
Tình trạng hiệu lực Không xác định
Cập nhật 11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1229/CTr-SCT

Lược đồ Chương trình 1229/CTr-SCT năm 2013 hỗ trợ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp Bến Tre


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Chương trình 1229/CTr-SCT năm 2013 hỗ trợ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp Bến Tre
Loại văn bản Văn bản khác
Số hiệu 1229/CTr-SCT
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trương Minh Nhựt
Ngày ban hành 24/09/2013
Ngày hiệu lực 24/09/2013
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước, Thương mại
Tình trạng hiệu lực Không xác định
Cập nhật 11 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Chương trình 1229/CTr-SCT năm 2013 hỗ trợ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp Bến Tre

Lịch sử hiệu lực Chương trình 1229/CTr-SCT năm 2013 hỗ trợ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp Bến Tre

  • 24/09/2013

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 24/09/2013

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực