Nội dung toàn văn Chương trình phối hợp hoạt động 7468/CTPH-BCT-HHDNNVV đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ vừa ngành công thương 2008-2012
BỘ CÔNG THƯƠNG – | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7468/CTPH-BCT-HHDNNVV | Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2008 |
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2008 – 2012” GIỮA BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM
Thực hiện Chỉ thị số 40/2005/CT-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Bộ Công thương và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;
Hai bên thống nhất Chương trình phối hợp hoạt động “Đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công thương giai đoạn 2008 – 2012” với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại, phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Công thương và các hoạt động triển khai của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Phối hợp hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp, các chương trình hỗ trợ, tư vấn và khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại tiếp tục củng cố, phát triển.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
1. Phối hợp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại
- Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Nghiên cứu, rà soát đánh giá các cơ chế, chính sách cụ thể có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
- Phối hợp xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại, phát triển sản phẩm xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện và bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.
2. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phối hợp trong việc cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo cơ quan ngôn luận của hai bên phổ biến, tuyên truyền Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan.
- Phối hợp trong việc cung cấp thông tin về thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu, về môi trường đầu tư trong và ngoài nước, về chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
- Phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tổng kết kinh nghiệm quản lý, tuyên truyền các điển hình tiên tiến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại.
3. Phối hợp nghiên cứu, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Phối hợp điều tra, khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức bộ máy, phương thức quản lý, nghiên cứu xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù của các địa phương và với định hướng phát triển của ngành công thương.
- Phối hợp nghiên cứu, tổ chức học tập kinh nghiệm của nước ngoài trong việc phát triển doanh nghiệp.
4. Phối hợp bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ doanh nhân, công nhân lành nghề, thợ thủ công ngành nghề truyền thống, xác định rõ nhu cầu đào tạo để có định hướng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bộ Công Thương tạo điều kiện để Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong công tác xây dựng kế hoạch, biên soạn giáo trình, tài liệu và thực hiện các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và lao động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia nhiều hơn vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý, nâng cao tay nghề trong sản xuất và nghiệp vụ thương mại, xuất nhập khẩu nhằm thực hiện hiệu quả hai chương trình về Xúc tiến thương mại và Khuyến công quốc gia.
5. Phối hợp trong việc xây dựng chương trình, dự án có liên quan đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bộ Công Thương tạo điều kiện để Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chương trình, dự án phát triển doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến chương trình xúc tiến thương mại và chương trình khuyến công quốc gia.
- Bộ Công Thương chỉ đạo hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất, kinh doanh; giúp doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triễn lãm giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Hai bên phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các đề án bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm năng lượng, chuyển giao công nghệ, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật, cải tiến phương thức quản lý doanh nghiệp, phát triển cụm, điểm công nghiệp địa phương ….
6. Phối hợp mạnh hoạt động hợp tác quốc tế.
- Hai bên phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, đề án nhằm tranh thủ nguồn lực hợp tác quốc tế, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài nhằm mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại.
- Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia các chương trình của Bộ tổ chức để khảo sát, học tập kinh nghiệm của nước ngoài về quản lý, phát triển doanh nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hai bên thống nhất giao cho 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Công Thương và 1 đồng chí Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp chỉ đạo; giao Cục Công nghiệp địa phương (thuộc Bộ Công Thương) và Trung tâm Hợp tác đầu tư và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa) là đơn vị đầu mối để giúp lãnh đạo hai bên chỉ đạo thực hiện Chương trình này.
2. Căn cứ nội dung Chương trình này, các đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể hàng năm báo cáo lãnh đạo hai bên chỉ đạo để triển khai thực hiện; hướng dẫn các Sở Công thương, các tổ chức ngành dọc của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp tại địa phương.
3. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình này căn cứ vào khả năng của mỗi bên và kết quả vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ để triển khai thực hiện.
4. Định kỳ hàng năm lãnh đạo hai bên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp, rút kinh nghiệm và xác định nội dung phối hợp cho thời gian tiếp theo.
BỘ TRƯỞNG | CHỦ TỊCH |
Nơi nhận: |
|