Nội dung toàn văn Công điện 14/CĐ-UBND 2013 tăng cường phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CĐ-UBND | Quảng Bình, ngày 01 tháng 11 năm 2013 |
CÔNG ĐIỆN KHẨN
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Điện: | - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương; |
Trong thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, trong đó hai tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh tiếp giáp với Quảng Bình đã xuất hiện dịch vi rút lở mồm long móng (type A) trên diện rộng; trên địa bàn tỉnh, tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch đã xuất hiện dịch lở mồm long móng.
Thực hiện Công điện số 15/CĐ-BNN-TY ngày 24/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc; để chủ động phòng tránh có hiệu quả dịch lở mồm long móng gia súc phát sinh và lây lan vào tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tăng cường lực lượng tại hai Trạm Kiểm dịch động vật Bắc, Nam Quảng Bình, duy trì hoạt động của Đội kiểm dịch động vật liên ngành tỉnh để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch theo quy định.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng tại các địa phương; chấn chỉnh kịp thời các hành vi làm lây lan dịch bệnh.
- Khi có dịch xảy ra, chỉ đạo, tổ chức lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xác định type vi rút gây bệnh, lựa chọn vacxin phù hợp theo khuyến cáo của Cục Thú y; phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp dập dịch; thành lập các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời liên ngành để kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật từ ngoài vào, trong ra trên địa bàn có dịch.
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về sự nguy hại của dịch lở mồm long móng, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống; nguy cơ phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng gia súc để người dân biết, chủ động phòng, chống.
2. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để chủ động phòng, chống dịch lở mồm long móng kịp thời.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; chủ động phát hiện và báo cáo sớm ổ dịch, kịp thời xử lý, có biện pháp bao vây, khống chế và ngăn chặn dập tắt khi đang ở diện hẹp, đồng thời chủ động áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch xảy ra và lây lan ra diện rộng.
- Rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để vacxin lở mồm long móng đợt 2/2013 theo Kế hoạch số 1136/36/KH-SNN-TY ngày 13/8/2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vùng nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, vùng có mật độ chăn nuôi gia súc lớn...
- Thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi... theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Khi dịch bệnh xảy ra, tập trung mọi lực lượng để nhanh chóng dập tắt ổ dịch; cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh để kiểm sát; tổ chức tiêm phòng vacxin bao vây các ổ dịch và cho đàn gia súc ở vùng có nguy cơ cao; nhốt gia súc tại chuồng trại; thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng; đồng thời thực hiện theo Phương án số 334/PA-SNN-TY ngày 14/3/2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc năm 2013.
3. UBND huyện Bố Trạch chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khống chế, bao vây dập tắt ngay ổ dịch lở mồm long móng tại xã Hưng Trạch, tránh lây lan, phát sinh ra các địa bàn khác.
4. Sở Công thương, Công an tỉnh: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để phối hợp, hỗ trợ lực lượng thú y trong việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ không rõ nguồn gốc, không có hồ sơ kiểm dịch vận chuyển.
Yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |