Nội dung toàn văn Công văn 0511/TM-XNK trình một số chính sách, biện pháp khuyến khích xuất khẩu 2002
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0511/TM-XNK | Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2002 |
TỜ TRÌNH
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU NĂM 2002
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1311/VPCP-KTTH ngày 18/03/2002 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thương mại đã chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Tổ công tác bao gồm cán bộ của một số Bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ để nghiên cứu chính sách, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện kế hoạch năm 2002. Trên cơ sở ý kiến các thành viên Tổ công tác, Bộ Thương mại xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
A. TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU NĂM 2002 VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUÝ I/2002:
I. Bối cảnh năm 2002:
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X, đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2002 là 10-13%. Việc thực hiện chỉ tiêu này diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi mới đi đôi với những khó khăn mới.
Thuận lợi cơ bả là kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo nhiều sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; nhiều cơ chế chính sách mới đã được ban hành và đang đi vào thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; vị thế quốc tế của ta tiếp tục được nâng cao; thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đã có thêm 07 hiệp định thương mại với nước ngoài, kể cả Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực từ ngày 10/12/2001.
Khó khăn cơ bản là tình hình kinh tế và thương mại thế giới năm 2002 chưa có sự cải thiện đáng kể; còn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường; sức mua giảm sút, giá cả nhiều mặt hàng chưa thể phục hồi ở mức độ lớn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ở nước ta, quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trước mắt có thể hạn chế khả năng xuất khẩu một số mặt hàng như gạo và cà phê; thời tiết diễn biến khá phức tạp, có thể ảnh hưởng xấu đến sản lượng một số mặt hàng; một số cơ chế chính sách đã ban hành chậm đi vào cuộc sống.
Nhìn chung, bối cảnh năm 2002 phần nào khả quan hơn so với những tháng cuối năm 2001 nhưng cũng còn chứa đựng nhiều thách thức và yếu tố khó lường.
II. Tình hình xuất khẩu quý I năm 2002:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 năm 2002 ước đạt 1,26 tỷ USD, tuy giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã tăng tới 45,7% so với tháng 2. Kim ngạch quý I ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ và đạt 19,4% kế hoạch năm. Các mặt hàng có kim ngạch tăng là dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, than đá, chè, cao su; các mặt hàng có kim ngạch giảm là dầu thô, thuỷ sản, gạo, cà phê, linh kiện máy tính và hàng điện tử, rau quả, hạt tiêu, hạt điều, lạc.
Kim ngạch xuất khẩu quý I giảm chủ yếu là do kinh tế thế giới chưa được cải thiện đáng kể, giá nhiều sản phẩm xuất khẩu vẫn thấp, lượng và giá xuất khẩu dầu thô giảm trong 2 tháng đầu năm cũng đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu, tháng 2 nghỉ Tết kéo dài cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
B. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU NĂM 2002:
I. Về cơ chế chung để khuyến khích xuất khẩu:
1. Cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu năm 2001:
Các ngành đều cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã dành mối quan tâm lớn đối với hoạt động xuất khẩu thông qua việc đề ra hàng loạt cơ chế chính sách rất thông thoáng và hỗ trợ mạnh mẽ. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện một số giải pháp còn chậm, thủ tục còn rườm rà; hiệu quả của chính sách, vì vậy, có phần bị hạn chế.
Do vậy, các ngành chỉ xin đề xuất một số biện pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn các cơ chế chính sách đã có.
2. Đề xuất một số chính sách, biện pháp khuyến khích xuất khẩu trong năm 2002:
Ngày 13/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg về các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2002. Để triển khai Chỉ thị này và căn cứ tình hình và nhiệm vụ mới đối với công tác xuất khẩu, Bộ Thương mại xin kiến nghị:
2.1- Tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và nâng cao thu nhập cho nông dân:
a- Thưởng theo kim ngạch xuất khẩu:
Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg cho phép mở rộng đối tượng được thưởng năm 2002 lên 15 nhóm hàng, thực hiện từ 01/01/2002. Nay đề nghị bổ sung thêm 3 mặt hàng là: thủ công mỹ nghệ, đồ nhựa và dụng cụ cơ khí. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm. Bộ Thương mại đề nghị Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để nhanh chóng có hướng dẫn thực hiện.
Để phát huy tác dụng của biện pháp này, Bộ Thương mại kiến nghị nên giữ mức thưởng bình quân tương đương năm 2001 đối với những mặt hàng đã được thưởng năm 2001, đồng thời xây dựng mức thưởng cho những mặt hàng mới theo hướng ưu tiên những mặt hàng có giá trị gia tăng cao và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Việc quy định thủ tục xét thưởng và việc xem xét hồ sơ cũng cần được đơn giản hóa để thuận lợi cho doanh nghiệp.
b- Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân:
Ngày 14/01/2002 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 1003/BNN/TT gửi Thủ tướng Chính phủ về chính sách và chế tài hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành hữu quan đã có văn bản góp ý Tờ trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT gửi Văn phòng Chính phủ. Đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Trước mắt đề nghị áp dụng các biện pháp khuyến khích sau:
Các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất nếu có hợp đồng tiêu thụ nông sản từ đầu vụ sẽ được vay vốn để sản xuất, chế biến, tiêu thụ; được ưu tiên tham gia các hợp đồng thương mại của Chính phủ; được nhà nước hỗ trợ một phần trong trường hợp xuất khẩu bị lỗ.
Theo Bộ Thương mại, chính sách về hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa cần cụ thể hóa được các ưu đãi mà các chủ thể tham gia hợp đồng này (doanh nghiệp và nông dân) được hưởng, đi đôi với các nghĩa vụ và các biện pháp chế tài. Do tính đặc thù của hình thức hợp đồng này, bên cạnh sự khuyến khích từ phía Trung ương, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đặc biệt là UBND các tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc và giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp và nông dân.
c- Tăng cường hỗ trợ đầu vào cho nông dân để giảm giá thành sản xuất và nâng cao thu nhập:
- Đầu tư mạnh cho công tác giống. Chuyển giao nhanh công nghệ sản xuất giống cho các địa phương và nhập khẩu một số công nghệ mới, tiến tới chủ động về giống với chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
- Đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, chú trọng thuỷ lợi cho cây công nghiệp, cây màu, cây ăn quả và nuôi trồng thuỷ sản. Tiếp tục dành vốn cho các địa phương trong việc xây dựng và kiên cố hóa kênh mương.
- Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và nhanh chóng hình thành mạng lưới khuyến nông-lâm-ngư từ tỉnh đến cơ sở, giúp bà con nông dân tiếp cận công nghệ sản xuất mới và chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
- Những ngành sản xuất đầu vào cho nông nghiệp như sản xuất phân bón, sản xuất thuốc trừ sâu..., Nhà nước chỉ nên bảo hộ với mức thuế nhập khẩu tối đa là 5%, với điều kiện là ngành sản xuất phải đáp ứng được trên 50% nhu cầu thị trường.
2.2- Tiếp tục có các biện pháp để hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu:
a- Nhanh chóng áp dụng các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vệ tinh:
Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 26/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp vệ tinh (sản xuất đầu vào cho hàng xuất khẩu) được hưởng các ưu đãi về thuế như đối với sản xuất hàng xuất khẩu.
Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn thi hành Quyết định này để giúp các doanh nghiệp hạ giá thành.
b- Tăng cường kiểm soát và giảm tới mức hợp lý các chi phí và giá cả của các nhà cung ứng dịch vụ độc quyền để giảm chi phí đầu vào cho hàng xuất khẩu như giá lưu kho lưu bãi, phí bốc xếp container, phí cầu đường...
c- Điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp:
Bên cạnh đầu tư nước ngoài, vị thế của đầu tư trong nước ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 32% trong khi doanh nghiệp FDI chỉ chịu tối đa là 25%.
Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét vấn đề này và đề xuất hướng xử lý.
2.3- Tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại:
a- Tăng cường tổ chức các đoàn doanh nghiệp dưới sự bảo trợ của Nhà nước để tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường, trước mắt là tổ chức tốt 5 đoàn công tác thị trường nước ngoài (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Châu Phi) theo Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, ngành là thành viên của đoàn có nhiệm vụ phát hiện các rào cản từ phía bạn để chủ động đề nghị bạn tháo gỡ, sau chuyến công tác cần có các đề xuất về chính sách để đạt mục tiêu thâm nhập thị trường đã đặt ra.
Các Hiệp hội tham gia đoàn có nhiệm vụ nghiên cứu thị trường một cách tổng quát và thiết lập quan hệ hợp tác làm ăn ở cấp ngành hàng. Đối với các doanh nghiệp, nhiệm vụ chủ yếu sẽ là nghiên cứu thị trường cụ thể, tranh thủ quảng cáo, chào hàng, tiếp thị và nếu có điều kiện thì ký kết hợp đồng hoặc thiết lập quan hệ để tiến tới ký kết hợp đồng.
b- Cải tiến việc chi hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại
Quy định hiện nay cho phép doanh nghiệp được hỗ trợ 0,2% kim ngạch xuất khẩu đã thực hiện. Trường hợp mở chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch tại nước ngoài thì có thể xem xét hỗ trợ thêm 0,1%.
Cơ chế này có một số bất cập: thứ nhất là tình trạng “nước chảy chỗ trũng”. Nhiều ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, hệ thống bạn hàng tương đối ổn định, nói chung là không gặp vướng mắc gì về thị trường thì lại được thưởng nhiều, điển hình là cà phê, nhân điều và hạt tiêu. Những ngành hàng mới, kim ngạch còn nhỏ, rất cần sự trợ giúp của Nhà nước để khuyếch trương thương hiệu, tìm kiếm thị trường, thí dụ như sản phẩm cơ khí, sản phẩm nhựa, thực phẩm chế biến... thì lại được thưởng ít; thứ hai là tính hiệu quả không cao. Với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 30 triệu USD, nếu rải đều cho hàng nghìn doanh nghiệp như hiện nay thì mỗi doanh nghiệp cũng không được bao nhiêu (xuất khẩu 1 triệu USD mới được thưởng 2.000 USD). Nếu tập trung chi cho các chương trình trọng điểm theo ngành hàng hoặc thị trường của Nhà nước thì khoản tiền trên rất có ý nghĩa.
Vì vậy, Bộ Thương mại kiến nghị xem xét lại theo hướng dành toàn bộ khoản này cho các chương trình trọng điểm của Nhà nước, nhất là những chương trình khuyếch trương mặt hàng xuất khẩu mới hoặc thâm nhập thị trường mới, không dàn trải kém hiệu quả. Nếu vẫn giữ nguyên chế độ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như hiện nay thì cần dành ra một tỷ lệ thích đáng (thí dụ như 1/3) để phục vụ cho các chương trình trọng điểm.
2.4- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các rào cản bất hợp lý đang cản trở hoạt động xuất khẩu:
a- Tiếp tục mở rộng chế độ miễn kiểm tra đối với hàng xuất khẩu:
Tiếp tục hoàn thiện, đơn giản hóa quy trình làm thủ tục hải quan, tăng thêm diện hàng hóa xuất khẩu được miễn kiểm tra hải quan, trong đó chú trọng những mặt hàng được coi là “đầu tầu tăng trưởng” của năm 2002 như điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, thực phẩm chế biến... Cải tiến quy trình nghiệp vụ đối với hàng xuất khẩu theo hướng doanh nghiệp có thể kiểm hóa hàng xuất khẩu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu có đăng ký trước.
b- Tăng cường sự ổn định của biểu thuế:
Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, trên cơ sở chiến lược phát triển của các ngành, kết hợp với các cam kết của ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nghiên cứu ban hành một biểu thuế tương đối ổn định cho thời kỳ 2002-2005. Ngoài ra, cần nhanh chóng ban hành các chú giải biểu thuế để tránh tranh chấp trong việc áp mã tính thuế.
c- Cải tiên phương thức thu thuế GTGT đầu vào của phân bón và thuốc trừ sâu nhập khẩu:
Ngày 04/02/2002 Bộ Tài chính có văn bản số 1188 TC/TCT về việc hướng dẫn hoàn thuế GTGT đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu trong đó cho phép cơ sở kinh doanh, nếu phát sinh số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra, thì được xét hoàn thuế GTGT theo tháng (thay vì phải chờ luỹ kế 3 tháng như trước) đối với số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ.
Quy định này đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, do mặt hàng này thường được nhập với khối lượng và giá trị lớn, Bộ Thương mại kiến nghị Bộ Tài chính xem xét việc thu thuế GTGT tại khâu bán để doanh nghiệp không phải ứng trước tiền thuế. Nếu áp dụng phương thức này, hàng nhập khẩu vẫn phải chịu thuế GTGT trước khi đưa vào lưu thông nhưng doanh nghiệp sẽ không phải chịu lãi suất ngân hàng trên số tiền thuế phải nộp.
d- Cải tiến cơ chế cung cấp số liệu, thông tin hải quan giữa TCHQ và các Bộ, ngành hữu quan, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu phân tích hoạt động xuất nhập khẩu.
II. Biện pháp đối với một số mặt hàng xuất khẩu chính:
1. Dầu thô:
xuất khẩu quý I ước đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch 605 triệu USD, giảm 1,5% về lượng và 27% về trị giá so với cùng kỳ. Ước cả năm 2002 có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 16,5 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD.
Giá dầu thô đã tăng khá trong tháng 3 và nhiều khả năng sẽ giữ ở mức như hiện nay do kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ, đang có dấu hiệu phục hồi. OPEC đã quyết định không gia tăng sản lượng cho đến khi họp lại vào cuối tháng 6/2002. Với mức giá như hiện nay, việc xuất khẩu là có hiệu quả. Vì vậy xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khả năng tăng sản lượng dầu thô để tăng kim ngạch xuất khẩu.
2. Gạo:
Xuất khẩu quý I ước đạt 400 nghìn tấn, kim ngạch khoảng 65 triệu USD, thực hiện 11,4% về lượng và 10,1% về trị giá của kế hoạch năm 2002.
Do mức giá các hợp đồng Chính phủ đạt khá, giá bình quân so với cùng kỳ năm trước đã tăng 14 USD/tấn. Tuy nhiên, trị giá so với quý I/2001 lại giảm trên 41%, chủ yếu do lượng lúa gạo hàng hóa 2 tháng đầu năm nay không nhiều. Sản lượng giảm sút nhưng các doanh nghiệp vẫn phải mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký, tình hình thời tiết lại đang diễn biến phức tạp nên giá lúa hiện nay phổ biến ở mức 1.550 đến 1.600 đồng/kg.
Theo kế hoạch, năm nay ta sẽ xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu nhìn chung được đảm bảo nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp nên để hoàn thành được chỉ tiêu này phải có những nỗ lực rất lớn.
Theo phản ảnh của các doanh nghiệp, tham gia thực hiện hợp đồng Chính phủ là có hiệu quả nhưng quyết toán cuối cùng nhiều khi vẫn lỗ do thời hạn thanh toán bị kéo dài, thường từ 3 tháng trở lên. Bộ Thương mại kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp khắc phục tình trạng này.
3. Cà phê:
Ước tính Quý I/2002 xuất khẩu được 210.000 tấn, kim ngạch đạt 79 triệu USD, giảm 27,5% về lượng và 42% về trị giá. Ước tính cả năm sẽ xuất khẩu 800 nghìn tấn với kim ngạch khoảng 320 triệu USD. Xuất khẩu giảm là so sản lượng vụ 2001/2002 giảm.
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu cà phê, cần tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ; đầu tư thiết bị để nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu, tăng hàm lượng cà phê sạch, cà phê chế biến ướt để nâng cao giá trị gia tăng. Trong thời gian trước mắt, do thị trường còn diễn biến phức tạp, đề nghị các doanh nghiệp không tham gia các hoạt động đầu cơ giá lên hoặc đầu cơ giá xuống để tránh thua lỗ. Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam phối hợp với các Chi hội đánh giá chính xác sản lượng vụ tới, có lưu ý đến tình hình hạn hán hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để định hướng kinh doanh phù hợp. Các doanh nghiệp cần đoàn kết giữ vững mức chênh lệch hợp lý giữa giá London và giá FOB Việt Nam.
4. Dệt may:
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm 2002 đạt trên 260 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó riêng thị trường EU đạt khoảng 100,8 triệu USD (tăng 73%), thị trường Hoa Kỳ 22 triệu USD (tăng 350%). Dự kiến quý I/2002 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 460 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ và thực hiện được 19,2% kế hoạch năm. Nhiều khả năng năm 2002 ta sẽ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may năm 2002 có những thuận lợi là cơ chế cấp hạn ngạch chuyển từ đầu thầu sang cấp E/L tự động, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã giảm xuống do Hiệp định Thương mại đã có hiệu lực, nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng các trung tâm dệt may lớn. Tuy nhiên, việc Trung Quốc và Đài Loan trở thành thành viên chính thức của WTO cũng đang tạo nên sức ép đối với Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, cần chú trọng một số biện pháp sau:
Đối với doanh nghiệp:
Từng bước áp dụng các tiêu chuẩn ISO9001, ISO14000 và SA8000 để nâng cao uy tín, chất lượng hàng hóa. Coi trọng yếu tố vệ sinh công nghiệp và môi trường.
- Thực hiện liên kết các doanh nghiệp trên cùng địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất, tạo khả năng thực hiện những đơn hàng lớn (đặc biệt có ý nghĩa với thị trường Mỹ - đơn hàng lớn, thời gian giao hàng ngắn).
- Mở rộng quy mô đào tạo tại chỗ để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cũng như nâng cao tay nghề cho công dân.
Đối với nhà nước:
- Đàm phán mở rộng thị trường. Đối với thị trường EU, cần xem xét có những nhượng bộ cần thiết để phía EU đồng ý tăng hạn ngạch ngay trong năm 2002. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo để Đoàn đàm phán dệt may với EU có cơ sở đàm phán mở rộng hạn ngạch, tạo cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường EU trước khi lịch trình bãi bỏ hạn ngạch của các nước thành viên WTO được triển khai.
- Sớm triển khai quy chế thưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cho năm 2001 và năm 2002.
5. Giày dép:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu đạt 289 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến quý I/2002 xuất khẩu đạt 440 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ và thực hiện được 23% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng mặt hàng giày dép trong những tháng đầu năm là tương đối khả quan. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường Tây Âu đạt mức tăng khá, thị trường Hoa Kỳ cũng đã được mở ra.
Để phát triển xuất khẩu, cần:
- Đẩy mạnh khai thác thị trường mới, đặc biệt là thị trường Mỹ, khôi phục các thị trường truyền thống như Liên bang Nga, Đông Âu, giữ gìn và nâng cao chất lượng giày dép Việt Nam đối với thị trường EU.
- Thu hút đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm các chi phí đầu vào như đã trình bày tại đề án phát triển xuất khẩu ngành da giày, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, chuyển từ hình thức gia công sang mua đứt bán đoạn.
- Hình thành các trung tâm đào tạo cung cấp nhân lực cho ngành da giày.
6. Thủy sản:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu đạt 187 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2001. Ước tính quý I/2002 xuất khẩu đạt 232 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2001 và thực hiện được 15,4% kế hoạch năm. Nguyên nhân giảm sút kim ngạch là do giá bán trong thời gian qua giảm nhẹ, nguồn hàng thiếu ổn định, nhiều mặt hàng có thời gian bị giãn tiến độ xuất khẩu do tranh chấp thương hiệu (tại thị trường Mỹ) và kiểm tra chặt chẽ (tại thị trường EU). Trong những tháng tới, việc xuất khẩu thủy sản vào EU sẽ gặp nhiều khó khăn do EU đã quyết định kiểm tra 100% các lô thủy sản của Việt Nam đối với hai chất chloramphenicol và nitrofurals.
Để thực hiện thành công kế hoạch xuất khẩu, cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhất là các tỉnh phía Tây. Đây là thị trường mà ta có ưu thế về vận tải, hơn nữa yêu cầu về chất lượng cũng không quá khắt khe. Đối với thị trường EU, cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan (Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan, ...) để có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn các khâu nuôi trồng, đánh bắt, bảo quản và chế biến thủy sản; nghiêm khắc hơn với những doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ uy tín của hàng thủy sản Việt Nam.
7. Thủ công mỹ nghệ:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu đạt 41,4 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính quý I kim ngạch đạt 68 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước như ưu đãi về vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại và thưởng xuất khẩu theo các điều kiện đặc biệt.
Để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, theo Bộ Thương mại cần thực hiện các giải pháp sau:
- Tiếp tục triển khai Quyết định 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn” tới các đơn vị cơ sở.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (như đường sá, điện, nước, xử lý ô nhiễm môi trường), hỗ trợ chính sách về đào tạo lao động và có chính sách ưu đãi thỏa đáng với các nghệ nhân để góp phần phát triển làng nghề.
8. Hạt điều:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu đạt 5912 tấn, kim ngạch 17,7 triệu USD, giảm 4,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2001, ước tính quý I/2002 xuất khẩu 7612 tấn, đạt kim ngạch 22,8 triệu USD, giảm 21% về trị giá so với cùng kỳ và thực hiện được 18,1% (về lượng) và giảm 15,%% (về trị giá) kế hoạch năm 2002.
Xuất khẩu hạt điều gặp khó khăn hơn so với năm trước do giá cả thế giới chưa phục hồi. Hạn hán tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể làm sản lượng thu hoạch năm nay giảm. Nhiều khả năng sản lượng chỉ đạt khoảng 150.000 tấn, thấp hơn nhiều so với công suất chế biến (từ 220.000 - 250.000 tấn).
Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu là hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông dân để cải tạo vườn điều, thay giống điều mới chịu được hạn, năng suất cao (3 - 4 tấn/ha) nhằm tăng sản lượng điều thô; hỗ trợ tín dụng cho tạm nhập nguyên liệu để chế biến xuất khẩu; tăng cường chất lượng chế biến, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm cao cấp như bánh kẹo... để tăng giá trị hàng xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào hạt điều nhân bán thành phẩm.
9. Rau quả:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu đạt 35 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2001. Ước tính quý I xuất khẩu đạt 60 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu so một số vướng mắc đang phát sinh trong thương mại biên giới Việt - Trung. Một số chủng loại rau quả cũng chưa vào vụ nên kim ngạch chưa thể tăng nhanh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, cần hết sức chú trọng thị trường Trung Quốc, coi đây là thị trường chiến lược, ổn định lâu dài đối với ngành rau quả Việt Nam. Đề nghị các Bộ, ngành phối hợp giải quyết triệt để những vướng mắc trong buôn bán biên mậu như vấn đề cửa khẩu, phương thức thanh toán, vấn đề hoàn thuế VAT... . Đề nghị nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhập khẩu công nghệ mới phục vụ cho chế biến, nhập khẩu các loại giống cây trồng như măng Bát Độ, dứa Cayen... để giao lại cho bà con nông dân và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho họ.
10. Cao su:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu 44,8 nghìn tấn, đạt kim ngạch 22,1 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và 10,1% về kim ngạch. Dự kiến quý I/2002 xuất khẩu 75 nghìn tấn, đạt kim ngạch khoảng 36 triệu USD, tăng 25% về sản lượng và tăng 5,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2001. Tuy giá xuất khẩu bình quân quý I giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá tháng 3 đã tăng khá so với giá tháng 2. Nguyên nhân chủ yếu là do Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang thực hiện cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của ta vẫn gặp một số khó khăn, chủ yếu là do Trung Quốc, thị trường chính của cao su Việt Nam, chưa phân bổ quota nhập khẩu cao su cho các tỉnh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, cần tăng cường đàm phán ở cấp Chính phủ với Trung Quốc để tranh thủ hạn ngạch, chú trọng đến hợp đồng trực tiếp với các tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Trung ương của Trung Quốc. Bộ Thương mại sẽ triển khai việc này khi tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc từ 15 đến 30/4/2002. Ngoài ra, cần đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng chế biến để có thể sản xuất được các loại cao su chất lượng cao, tích cực đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
11. Hạt tiêu:
Hai tháng đầu năm 2002 xuất khẩu được 4837 tấn, đạt kim ngạch 6 triệu USD, giảm 48,6% về lượng và 66,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2001. Ước tính quý I/2002 xuất khẩu được 9000 tấn, đạt kim ngạch khoảng 12,2 triệu USD, giảm 60% về lượng và 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2001. Việc giảm kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do lượng xuất khẩu giảm.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho khâu cơ chế sau thu hoạch, bảo đảm độ đồng đều và chất lượng của sản phẩm qua đó nâng cao giá trị gia tăng. Việc đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch sẽ góp phần giảm bớt lượng hạt tiêu Việt Nam phải qua thị trường trung gian để tái chế lại (hiện đã có một công ty của Hà Lan đầu tư vào Việt Nam để chế biến hạt tiên xuất khẩu).
III. Biện pháp đối với một số thị trường chính:
1. Thị trường Hoa Kỳ:
Mặc dầu kinh tế Mỹ gặp suy thoái trong năm 2001, đặc biệt là sau sự kiện 11/09, nhưng xuất khẩu của ta sang Mỹ năm 2001 vẫn đạt 1,065 tỷ USD, tăng 45,5% so với năm 2000, nâng tỷ trọng của thị trường này trong tổng KNXK lên 7%.
Bước sang năm 2002, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có thuận lợi có bản là Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đi vào thực thi, kinh tế Mỹ có biểu hiện hồi phục sớm hơn dự kiến. Trong bối cảnh đó cần đặt ra mục tiêu tăng trường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2002 từ 50 - 70%. Các mặt hàng chủ lực là thủy sản, giày dép, dệt may, TCMN, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa và rau quả bởi đây là những mặt hàng có mức thuế nhập khẩu giảm nhiều.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu nêu trên, cần:
- Tiếp tục triển khai rộng việc phổ biến Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Bên cạnh việc truyền đạt trực tiếp, cần chú trọng hình thức phát hành tài liệu hỏi - đáp bởi lượng doanh nghiệp của ta rất đông.
- Khẩn trương nghiên cứu các quy định về quản lý nhập khẩu của Hoa Kỳ, đặc biệt là các quy định về kỹ thuật. Do phạm vi rất rộng, nên giao cho từng Bộ (thí dụ, Bộ Thuỷ sản phụ trách nghiên cứu hàng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu quy định cho nông sản...). Bộ Thương mại phụ trách những quy định chung, thí dụ như các quy định về anti-dumping, về chống trợ cấp, về phòng vệ khẩn cấp... . Cuối cùng sẽ tổng hợp lại để phổ biến cho các doanh nghiệp.
Đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành lập một đơn vị chuyên tư vấn và giúp các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký thương hiệu cho hàng hóa và bảo vệ thương hiệu đó trên thị trường Hoa Kỳ.
- Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, nhất là những doanh nghiệp mà kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ nhưng có tiềm năng phát triển.
- Bổ sung nhân sự cho cơ quan đại diện thương mại tại Hoa Kỳ để đưa về các bang có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như California, New York...
2. Thị trường Nhật Bản:
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2001, do kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi suy thoái nên xuất khẩu sang Nhật chỉ đạt 22,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2000.
Dự kiến kinh tế Nhật Bản sẽ chưa thể phục hồi nhanh trong năm 2002, đồng Yên vẫn ở thế bất lợi. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của ta vào thị trường này năm 2002 là 5-10%. Mặt hàng chủ yếu là dệt may, thủy sản, dầu thô, dây cáp điện, sản phẩm gỗ, giày dép, linh kiện vi tính, TCMN, sản phẩm nhựa...
Để giữ vững và đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trên thị trường Nhật, cần tận dụng đến mức tối đa quan hệ với các tổ chức xúc tiến của Nhật, đặc biệt là JETRO. Thay vì chờ đợi khách Nhật đến giao dịch, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận họ bằng cách tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại Nhật để giới thiệu hàng hóa và tìm kiếm khách hàng. Một số mặt hàng gặp khó khăn đặc biệt do đồng Yên mất giá có thể xem xét đề nghị nhà nước có biện pháp hỗ trợ tạm thời.
3. Thị trường Trung Quốc:
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách biên mậu theo hướng quản chặt hơn, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2001 chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 7,5% so với năm 2000.
Kinh tế Trung Quốc năm 2002 dự báo tiếp tục tăng trưởng khá, nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông sản nguyên liệu thô tăng lên, đồng thời thuế nhập khẩu và hàng rào phi thuế đối với một số mặt hàng bắt đầu được nới lỏng. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển thuận lợi. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2002 khoảng 20%, đạt 1,75 tỷ USD với các mặt hàng chủ lực là dầu thô, thủy sản, rau quả, cao su, hạt điều...
Giải pháp chủ yếu đối với thị trường này là giải quyết dứt điểm các vướng mắc đang tồn tại trong mậu dịch biên giới, trong đó có những vấn đề nổi cộm như chủ thể lợi nhuận xuất nhập khẩu, thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu, cửa khẩu và hoàn thuế VAT. Bên cạnh đó, cần có định hướng phát triển sâu vào nội địa thông qua hợp tác với các tỉnh phía Tây Nam và Tây Trung Quốc. Bộ Thương mại dự kiến sẽ tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại vào giữa tháng 4 để thực hiện công việc này. Nếu cần, có thể bố trí một số đại diện thương mại tại các tỉnh này để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
4. Thị trường EU:
Năm 2001, kim ngạch XK vào EU đạt 2,93% tỷ USD, tăng khoảng 5,4% so với năm 2000. Kinh tế EU đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu vào EU năm 2002 là 10%, đạt 3,25 tỷ USD. Mặt hàng chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, TCMN, sản phẩm gỗ...
Xuất khẩu sang EU hiện đang gặp hai vấn đề cơ bản là hạn ngạch dệt may và kiểm tra thủy sản. Về vấn đề thứ nhất, sau các cuộc trao đổi sơ bộ phía EU đã nhất trí xem xét khả năng tăng hạn ngạch ngay trong năm 2002 với điều kiện ta cũng có một số nhượng bộ về tiếp cận thị trường đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU. Không phải tất cả các điều kiện của EU đều chấp nhận được nhưng cũng có thể chấp nhận một số để đổi lấy việc gia tăng hạn ngạch trong năm nay. Vấn đề này Bộ Thương mại sẽ có đề án cụ thể để xin ý kiến các Bộ, ngành trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về thủy sản, ta nên tỏ thái độ hợp tác với EU thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các công đoạn nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Các loại kháng sinh mà EU cấm sử dụng thì ta cũng cấm sử dụng. Chế độ kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu (kiểm tra xác suất) nên được tăng cường để vừa bảo vệ uy tín cho thuỷ sản Việt Nam, vừa tránh được tổn thất do hàng đã đi mà không vào được EU.
5. Thị trường Nga và Đông Âu:
Thị trường Nga và các nước Đông Âu còn nhiều tiềm năng do nhu cầu phong phú, yêu cầu chất lượng không quá cao, một số kênh tiêu thụ đã được tạo dựng (chủ yếu qua các công ty của việt kiều của ta ở các nước này). Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Liên bang Nga phát triển thuận lợi. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu vào Nga đạt 194,5 triệu USD (tăng 59%), Ba Lan 79,5 triệu USD (tăng 2,9%), Séc 39 triệu USD, Hungari 17 triệu USD.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này năm 2002 là 20 - 25%, trong đó cần chú trọng các mặt hàng như dệt may, gạo, cà phê, chè, rau quả, thực phẩm chế biến (dầu ăn, mì gói...), thịt lợn.
Bên cạnh các giải pháp đang có hiệu lực như thưởng kim ngạch xuất khẩu, chi hỗ trợ xúc tiến thương mại..., cần thực hiện thêm một số biện pháp sau:
- Đẩy mạnh đàm phán để ký kết các Hiệp định tiến tới thương mại tự do với Liên bang Nga và Ucraina. Các hiệp định loại này được WTO thừa nhận nên sẽ không ngại vướng cho đàm phán gia nhập WTO cũng như phản ứng từ các nước bạn hàng khác.
- Duy trì các cuộc tiếp xúc định kỳ với Việt kiều tại Nga và Đông Âu để lấy ý kiến đóng góp của họ cho công tác phát triển xuất khẩu, khuyến khích họ tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định chính sách phát triển thị trường của ta.
- Xem xét khả năng cung cấp tín dụng xuất khẩu do các nhà nhập khẩu Nga và Đông Âu để họ có thể mở L/C nhập hàng của ta. Lãi suất tín dụng cần ở mức vừa phải để không đẩy giá thành lên quá cao. Nếu cần, nhà nước có thể xem xét bù cho ngân hàng ngoại thương để ngân hàng này có thể cung cấp tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp.
6. Thị trường Trung Đông:
Xuất khẩu sang Irắc năm 2001 đạt 405,5 triệu USD, tăng 27% so với năm 2000. Các mặt hàng chủ lực là gạo, dầu ăn, sữa, chè. Trung Đông là khu vực nhạy cảm nên nhìn chung xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào tình hình khu vực này trong thời gian tới. Nếu Mỹ phát động chiến tranh tại Irắc thì nhiều khả năng xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn. Ta cần tranh thủ ký hợp đồng và giao hàng nhanh, gọn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thâm nhập các thị trường khác trong khu vực này thông qua thiết lập trung tâm thương mại Việt Nam hoặc tham gia các hội chợ, triển lãm tổ chức định kỳ.
7. Thị trường Châu Phi:
Thương mại giữa Việt Nam và các nước Châu Phi hiện còn hạn chế. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi chủ yếu là gạo nhưng qua trung gian, nhập khẩu hạt điều thô và hợp tác về chuyên gia. Tuy nhiên, xét về tiềm năng, Việt Nam có thể xuất khẩu sang khu vực này gạo và nhiều loại nông sản khác, dệt may, thực phẩm chế biến và hàng bách hóa. Bộ Thương mại đã tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Châu Phi. Trên cơ sở kết quả của chuyến công tác này sẽ soạn thảo định hướng phát triển cho thời gian tới, chủ yếu là phát triển thương mại thông qua các hình thức hợp tác, đổi hàng và, nếu có thể, cung cấp tín dụng xuất khẩu.
Trên đây là báo cáo của Bộ Thương mại trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Tổ công tác các Bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ về các chính sách, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2002. Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |