Nội dung toàn văn Công văn 0557-TM/TCHQ hướng dẫn đổi hàng và thanh toán nợ với Lào năm 1999
BỘ THƯƠNG MẠI - TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0557-TM/TCHQ | Hà Nội, ngày 05 tháng 2 năm 1999 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 0557 TM/TCHQ NGÀY 05 THÁNG 02 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC ĐỔI HÀNG VÀ THANH TOÁN NỢ VỚI LÀO NĂM 1999
Kính gửi:
| - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Ngày 19.1.1999 Chính phủ ban hành văn bản số 61/CP-KTTH quy định việc đổi hàng và thanh toán nợ với Lào năm 1999;
Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn thực hiện như sau:
A/ VỀ XUẤT KHẨU ĐỔI HÀNG VÀ THANH TOÁN NỢ NĂM 1998:
Đối với các trường hợp đã thực xuất khẩu để đổi hàng, các khoản nợ hàng xuất khẩu, tiền công dịch vụ khai thác vận chuyển gỗ với Lào phát sinh đến ngày 31.12.1998 được giải quyết như sau:
1. Hồ sơ đã được Bộ Thương mại xem xét và đã cấp giấy phép nhập khẩu xe hai bánh gắn máy dạng CKD và các mặt hàng khác trong năm 1998 (cấp trước 31/12/1998) nhưng chưa nhập khẩu hoặc chưa nhập khẩu hết được tiếp tục thực hiện theo quy định tại công văn số 0367 TM/XNK ngày 21.1.1999 của Bộ Thương mại và quy định hiện hành, nhưng thời hạn hàng về cửa khẩu Việt nam chậm nhất đến ngày 30.6.1999.
2. Hồ sơ chưa được Bộ Thương mại xem xét giải quyết thì gửi về Bộ Thương mại trước ngày 31/3/1999 để giải quyết tiếp theo quy định tại các văn bản số 1379/CP-KTTH ngày 23.11.1998 và 1446/CP-KTTH ngày 9.12.1998 của Chính phủ, thời hạn hàng về cửa khẩu Việt nam chậm nhất đến ngày 30.6.1999.
B/ VỀ VIỆC XUẤT ĐỔI HÀNG VỚI LÀO TRONG NĂM 1999:
I. HÀNG HOÁ DO VIỆT NAM SẢN XUẤT KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU ĐỔI HÀNG VỚI LÀO:
1. Danh mục hàng hoá:
- Hàng cơ khí, kim khí (thiết bị sản phẩm công nghiệp và dụng cụ cơ khí,
kim loại);
- Hàng thủ công mỹ nghệ;
- Muối;
- Sản phẩm chăn nuôi;
- Hàng thuỷ sản;
- Hàng nông sản (trừ gạo sản xuất ở các tỉnh phía Nam và cà phê; Gạo sản xuất ở các tỉnh phía Bắc phải được Bộ Thương mại cấp giấy phép);
- Dược liệu, dược phẩm;
- Sản phẩm cao su;
- Hàng điện, điện tử gia dụng có tỷ lệ nội địa hoá trên 60%;
- Hàng tiêu dùng các loại;
- Hàng dệt, may, tơ tằm.
2. Hàng hoá xuất khẩu đổi hàng với Lào doanh nghiệp Việt Nam có thể giao qua cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, đường biển hoặc qua nước thứ 3 theo hợp đồng xuất khẩu đổi với Lào.
3. Hồ sơ làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá, ngoài bộ hồ sơ theo qui định chung của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp nộp thêm bản hợp đồng xuất khẩu đổi hàng với Lào. Riêng hàng điện, điện tử phải có xác nhận của Trung tâm đo lường chất lượng xác nhận tỷ lệ nội địa hoá lớn hơn 60%.
II. HÀNG HOÁ ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU THEO HỢP ĐỒNG ĐỔI HÀNG VỚI LÀO:
1. Danh mục hàng hoá được phép nhập khẩu:
Hàng hoá do Lào sản xuất, kể cả hàng thuộc danh mục nhập khẩu có điều kiện quy định tại phụ lục số II kèm theo Quyết định số 254/1998/QĐ-TTg ngày 30.12.1998 của Thủ tướng Chính phủ, trừ ô tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống và xe 3 bánh gắn máy, kể cả linh kiện lắp ráp đồng bộ.
Hàng hoá nhập khẩu do Lào sản xuất phải được phía Lào giao qua cửa khẩu đường bộ được Chính phủ Việt Nam cho phép mở trên biên giới Việt - Lào hoặc đường hàng không (bay thẳng từ Lào về Việt Nam) .
Riêng hàng hoá là linh kiện xe hai bánh gắn máy dạng CKD, doanh nghiệp được phép nhập khẩu do phía Lào thanh toán trên cơ sở trị giá của những lô hàng xuất khẩu đã xuất thẳng sang Lào. Cụ thể: Doanh nghiệp Việt nam chỉ được nhận thanh toán xe hai bánh gắn máy dạng CKD khi hàng xuất khẩu Việt nam giao cho Lào qua các cửa khẩu đường bộ được Chính phủ cho phép trên biên giới Việt - Lào hoặc đường hàng không (bay thẳng từ Việt nam sang Lào). Việc nhập xe hai bánh gắn máy dạng CKD do Lào thanh toán theo hợp đồng xuất nhập khẩu đổi hàng với Lào được thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế, quốc gia đã được Chính phủ Việt Nam cho phép mở. Các trường hợp hàng xuất khẩu được giao thẳng từ cửa khẩu Việt Nam đến nước thứ ba theo mọi phương thức đều không được thanh toán lại bằng xe hai bánh gắn máy dạng CKD.
2. Việc xuất nhập khẩu đổi hàng với Lào thực hiện hợp đồng mẫu kèm theo văn bản này.
3. Sau khi bàn giao hàng xuất khẩu cho Lào, doanh nghiệp làm thủ tục với Hải quan cửa khẩu để nhập hàng do Lào sản xuất theo đúng hợp đồng đổi hàng đã ký. Trường hợp nhập khẩu các mặt hàng có điều kiện và xe hai bánh gắn máy dạng CKD quy định tại điểm 1/II nêu trên thì phải có giấy phép của Bộ Thương mại. Hồ sơ gửi về Bộ Thương mại xin phép nhập khẩu gồm:
- Văn bản đề nghị của doanh nghiệp nêu rõ số, ngày của hợp đồng đổi hàng, tên hàng, số lượng, trị giá hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu. Số lượng trị giá hàng xuất khẩu đã thực giao cho Lào theo hợp đồng và đề nghị được nhập khẩu số lượng hàng hoá, trị giá hàng.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng xuất khẩu đổi hàng với Lào.
- Tờ khai xuất khẩu hàng hoá có xác nhận của hải quan cửa khẩu Việt Nam đã thực xuất sang Lào (bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để Bộ Thương mại đối chiếu và trả lại bản chính cho doanh nghiệp).
- Giấy xác nhận của Hải quan cửa khẩu Lào hàng đã thực nhập vào Lào (bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để Bộ Thương mại đối chiếu và trả lại bản chính cho doanh nghiệp).
- Giấy xác nhận của Ngân hàng phía Việt nam nơi doanh nghiệp đăng ký mở tài khoản ngoại tệ về việc chưa thu nhận tiền thanh toán hàng xuất khẩu phía Lào phải trả cho doanh nghiệp Việt nam (bản chính).
- Giấy xác nhận của Ngân hàng phía Lào về khoản nợ tiền hàng nhập khẩu doanh nghiệp Lào chưa thanh toán cho doanh nghiệp Việt nam (bản chính).
4. Hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu tại Hải quan cửa khẩu:
Ngoài bộ hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu theo qui định của Tổng cục Hải quan, bổ sung bản sao hợp đồng hợp lệ xuất nhập khẩu đổi hàng với Lào.
Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hàng hoá sản xuất tại Lào do cơ quan có thẩm quyền phía Lào cấp (cơ quan được phía Lào thông báo cho Việt Nam). Riêng giấy chứng nhận xuất xứ xe hai bánh gắn máy dạng CKD được giải quyết theo qui định hiện hành.
5. Các đơn vị vừa qua đã vi phạm các quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi hàng với Lào không được phép tiếp tục thực hiện trong năm 1999. (Danh sách các đơn vị vi phạm sẽ thông báo sau).
III. VIỆC NHẬP KHẨU HÀNG VÀ THANH TOÁN TIỀN CÔNG DỊCH VỤ KHAI THÁC VẬN CHUYỂN GỖ:
1. Các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại mục IV.B văn bản 61/CP-KTTH của Chính phủ đã thực hiện các dịch vụ khai thác, vận chuyển gỗ cho Lào, nay có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng có điều kiện và xe hai bánh gắn máy dạng CKD quy định tại điểm 1.II nêu trên để thanh toán tiền công, gửi hồ sơ về Bộ Thương mại gồm:
- Văn bản đề nghị của doanh nghiệp, nêu rõ số , ngày, nội dung, hợp đồng, trị giá tiền công đã thực hiện phía Lào phải thanh toán, yêu cầu tên hàng, số lượng, trị giá cần nhập khẩu.
- Giấy phép của Bộ (hoặc cơ quan được Bộ uỷ quyền), Uỷ ban nhân dân nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (phía Việt nam) cho phép thực hiện dịch vụ khai thác, vận chuyển gỗ cho Lào.
- Giấy phép của Bộ (hoặc cơ quan được Bộ uỷ quyền), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (phía Lào) cho phép thực hiện dịch vụ khai thác, vận chuyển gỗ cho Lào.
- Bản chính hợp đồng lao động.
- Biên bản xác nhận nợ của hai bên (bản chính).
- Xác nhận nợ của Ngân hàng phía Lào về các dịch vụ chưa thanh toán.
Căn cứ vào hồ sơ xin nhập khẩu hàng hoá trên các doanh nghiệp, Bộ Thương mại sẽ xem xét cấp giấy phép nhập khẩu các mặt hàng có điều kiện và hoặc linh kiện xe máy cho các doanh nghiệp, Hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu các loại hàng hoá cho doanh nghiệp theo quy định tại điểm 1.II nêu trên.
2. Hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá có điều kiện hoặc xe hai bánh gắn máy dạng CKD tại Hải quan cửa khẩu như qui định tại điểm 4.II trên đây:
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng lao đồng.
- Văn bản của Bộ Thương mại cho phép nhập khẩu hàng hoá có điều kiện hoặc xe hai bánh gắn máy dạng CKD (bản chính để trừ lùi, nộp bản sao có công chứng).
- Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hàng do Lào sản xuất của cơ quan có thẩm quyền phía Lào. Riêng giấy chứng nhận xuất xứ xe hai bánh gắn máy dạng CKD được giải quyết theo quy định hiện hành.
- Các chứng từ liên quan đến lô hàng theo quy định hiện hành của Hải quan.
C/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Các doanh nghiệp được giao xuất nhập khẩu đổi hàng và thanh toán tiền công dịch vụ với Lào định kỳ 3 tháng 1 lần phải báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Thương mại (Vụ Xuất nhập khẩu), để Bộ Thương mại tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình làm thủ tục hải quan, nếu có gì phát sinh vướng mắc về thủ tục hải quan, Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan giải quyết, những trường hợp vượt thẩm quyền, Tổng cục Hải quan phối hợp Bộ Thương mại, báo cáo Chính phủ xin chỉ đạo giải quyết.
Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định nêu tại văn bản số 61/CP-KTTH ngày 19.1.1999 của Chính phủ và các quy định tại văn bản này, kịp thời phản ảnh về Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan những vướng mắc để xem xét giải quyết.
Văn bản này có hiệu lực đến 31.12.1999.
Nguyễn Đức Minh (Đã ký)
| Nguyễn Xuân Quang (Đã ký)
|
PHỤ LỤC
Kèm theo công văn số 0557 TM/TCHQ ngày 05/02/1999 của Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan
(Hợp đồng mẫu)
|
|
| / |
HỢP ĐỒNG TRAO ĐỔI HÀNG HOÁ
Số:
Ngày:
Bên A: Công ty Việt nam..... (dưới đây gọi tắt là bên A)
Địa chỉ:...........
Điện thoại:.............
Fax:
Tài khoản ngoại tệ số:Tại Ngân hàng:
Do ông/bà: Giám đốc /người được uỷ quyền theo giấy uỷ quyền số:làm đại diện.
Bên B: Công ty Lào... (dưới đây gọi tắt là bên B)
Địa chỉ:
Điện thoại:
Fax:
Tài khoản ngoại tệ số:Tại Ngân hàng:
Do ông/ Bà Giám đốc/người được giám đốc uỷ quyền theo giấy uỷ quyền số làm đại diện.
Hai bên A và B nhất trí ký hợp đồng trao đổi hàng hoá với các điều khoản sau:
Điều I.- Bên A giao cho bên B:
1. Tên hàng:
2. Quy cách:
3. Số lượng:
4. Đơn giá USD/đơn vị tính.
5. Tổng trị giá:
6. Bao bì, đóng gói (ký mã hiệu nếu cần)
7. Thời hạn giao hàng:
8. Điều kiện giao hàng:
9. Chứng từ thanh toán:
- Hoá đơn thương mại;
- Vận đơn hoặc các chứng từ có giá trị như vận đơn;
- Phiếu đóng gói
- Chứng nhận xuất xứ hoặc các chứng nhận số lượng, chất lượng (nếu cần).
Điều II.- Bên B giao cho bên A:
1. Tên hàng:
2. Quy cách:
3. Số lượng:
4. Đơn giá USD/đơn vị tính.
5. Tổng trị giá:
6. Bao bì, đóng gói (ký mã hiệu nếu cần)
7. Thời hạn giao hàng:
8. Điều kiện giao hàng:
9. Chứng từ thanh toán:
- Hoá đơn thương mại;
- Vận đơn hoặc các chứng từ có giá trị như vận đơn;
- Phiếu đóng gói
- Chứng nhận xuất xứ.
- Các chứng nhận số lượng, chất lượng (nếu cần)
Điều III.- Thanh toán:
Thanh toán theo phương thức bù trừ giữa hàng hoá của bên A giao cho bên B và hàng hoá của bên B giao cho bên A. Phần trị giá giao hàng chênh lệch (nếu có) giữa hai bên được thanh toán bằng ngoại tệ ngoại tệ chuyển đổi hoặc giao bù hàng hoá khác do hai bên thoả thuận phù hợp với quy định của 2 nước.
Lưu ý: Để tránh tình trạng rủi ro trong thanh toán do việc giao hàng xuất khẩu trước, nhập khẩu hàng sau, các doanh nghiệp Việt nam cần hết sức thận trọng trong việc tìm đối tác và có thể thoả thuận với khách hàng một số chế tài (thí dụ) đặt cọc một số ngoại tệ trước khi xuất khẩu, hoặc mở L/C đối ứng ...
Điều IV.- Các điều khoản khác:
Hai bên cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng. Các tranh chấp phát sinh sẽ được bàn bạc giải quyết trên tinh thần hợp tác, hiểu biết lẫn nhau trước khi tiến hành các thủ tục khiếu nại. Việc xét xử khiếu nại do Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam giải quyết.
Hợp đồng có giá trị đến 31.12.1999.
Làm tại thành bản bằng tiếng Việt/tiếng Lào/ tiếng Anh và có giá trị pháp lý như nhau. Nếu có sự hiểu khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Lào thì lấy bản tiếng Anh làm cơ sở.
ĐẠI DIỆN BÊN A ĐẠI DIỆN BÊN B
(Ký tên, đóng dấu) (Ký tên, đóng dấu)
Ghi chú: Để tránh tình trạng có thể có sự lợi dụng khai tăng giá trị hàng xuất khẩu, khai thấp giá trị hàng nhập khẩu để được nhập khẩu hàng hoá với số lượng hàng hoá lớn hơn thực tế được nhập khẩu, Bộ Thương mại sẽ căn cứ Hợp đồng đổi hàng để giải quyết. Nhưng nếu giá xuất khẩu ghi trong hợp đồng không thực tế cao hơn giá xuất khẩu quốc tế hàng hoá cùng loại cùng thời điểm thì sẽ lấy giá quốc tế để tính toán. Nếu giá nhập khẩu hàng hoá ghi trong hợp đồng thấp hơn giá tính thuế tối thiểu hàng hoá cùng loại (nếu có) thì sẽ lấy giá tối thiểu hoặc giá quốc tế để tính toán. Số ngoại tệ chênh lệch yêu cầu lấy hàng hoá khác hoặc ngoại tệ.
Trong những trường hợp khai khống quá lớn, không thực tế, Bộ Thương mại sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hồ sơ chứng từ về nguồn hàng và nếu không chứng minh được sự hợp lý thì Bộ Thương mại sẽ không cấp giấy phép cho nhập khẩu và đưa vào danh sách các doanh nghiệp không được đổi hàng.