Nội dung toàn văn Công văn 10399/SGTVT-KT 2021 hướng dẫn tổ chức giao thông Hồ Chí Minh từ 01 tháng 10
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10399/SGTVT-KT | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: | - Các Sở ngành Thành phố Hồ Chí Minh; |
Căn cứ Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải về Ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố và một số trường hợp cần thiết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 cho đến khi có hướng dẫn mới như sau:
I. Yên cầu chung:
1. Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng ứng dụng VNEID và mã QR cò thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ sau: (1) Là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng; (2) Đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 (ít nhất 01 mũi đối với loại vac xin tiêm 02 mũi và 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
2. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ được lưu thông liên tỉnh (ra/vào Thành phố) trong một số trường hợp cụ thể theo hướng dẫn tại Mục III Công văn này.
3. Đối với hoạt động vận tải phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 3324/QĐ-BCĐ ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh.
II. Tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
1. Hoạt động vận tải hàng hóa:
a. Xe tải chở hàng hóa hoạt động tuân thủ theo Quyết định số 23/2018/QĐ- UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về hạn chế và cấp phép xe ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
b. Các loại xe tải chở hàng hóa khi lưu thông lưu thông trong khung giờ cấm xe tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phải có giấy phép do Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp (Giấy nhận diện có mã QR).
c. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy, bến phà Bình Khánh, bến phà Cát Lái: hoạt động bình thường.
2. Hoạt động vận tải hành khách
2.1 Phương thức vận tải đường bộ:
a. Vận tải hành khách bằng xe buýt:
Từ ngày 05 tháng 10 năm 2021, sẽ tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tuỳ theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực, theo quyết định công bố của Sở Giao thông vận tải.
b. Vận tải hành khách bằng xe taxi:
Mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý (theo số liệu phù hiệu đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh).
c. Vận chuyển hành khách bằng xe du lịch:
Mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý (theo số liệu biển hiệu đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh).
d. Vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng:
- Vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 09 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách: được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý (theo số liệu phù hiệu đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh).
- Cho phép các phương tiện không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách hoạt động: (1) Hoạt động phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức; (2) theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế; (3) Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.
e. Các phương tiện đăng ký hoạt động (theo đề xuất của các đơn vị) sẽ được Sở Giao thông vận tải cấp phép thông qua giấy nhận diện (có mã QR) theo hướng dẫn tại Phụ lục 1. Trong quá trình hoạt động và căn cứ vào nhu cầu đi lại và tình hình kiểm soát dịch COVID-19, Sở Giao thông vận tải tiếp tục điều chỉnh số lượng phương tiện hoạt động phù hợp.
f. Dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, xe máy: không được phép hoạt động.
2.2. Vận chuyển hành khách bằng đường thuỷ:
a. Bến phà Bình Khánh, Cát Lái: tiếp tục hoạt động.
b. Các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách sau đây được phép hoạt động:
- Huyện Cần Giờ: Bến Tắc Suất, Biên Phòng, Thiềng Liềng, xã Thạnh An phục vụ vận tải hành khách tuyến Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng. Các bến phục vụ du lịch: Bến Du thuyền Rừng Sác, bến Du lịch Đầm Dơi, bến Du lịch Vàm Sát, bến Tắc Suất, bến Trạm văn phòng Phân khu 1, bến Trạm văn phòng Phân khu 2, Khu di tích rạch Giồng Chùa.
- Khu bến du lịch Cảng công viên Bạch Đằng (quận 1); bến phục vụ du lịch Bến Đình, Bến Dược (huyện Củ Chi); bến Hiệp Phước - Doi Lầu, Hiệp Phước - An Thới Đông (Huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ); bến Bình Quới (Quận Bình Thạnh); Chùa Hội Sơn (thành phố Thủ Đức); bến Bến Đá (Quận 8) và các bến thủy nội địa phục vụ tổ chức, cá nhân không kinh doanh.
c. Tần suất khai thác tối đa không quá 50% (so với tần suất trước thời điểm Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg) và không chở quá 50% sức chở cho phép của phương tiện.
III. Tổ chức giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh
1. Hoạt động vận tải hàng hoá:
a. Các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông đến và lưu thông ngang qua thành phố Hồ Chí Minh phải có giấy nhận diện (có mã QR) được cấp tại địa chỉ: vantai.drvn.gov.vn hoặc địa chỉ: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID).
b. Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua thành phố Hồ Chí Minh: Không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện,…).
c. Xe ô tô chở hàng, ô tô tải hoạt động trong khu vực nội đô thành phố tuân thủ theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về hạn chế và cấp phép xe ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
2. Người đi khám, chữa bệnh:
- Người từ các tỉnh vào thành phố Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến Bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các Bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe phải phải đáp ứng điều kiện y tế nêu trên).
3. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố khác trở về Thành phố Hồ Chí Minh:
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh di chuyển trở về Thành phố Hồ Chí Minh, phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh như: hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em).
- Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).
- Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).
- Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền:
+ Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đi; hoặc
+ Văn bản của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh (trình tự đăng ký theo Phụ lục 02).
4. Người dân đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác trong một số trường hợp cấp bách:
Đối tượng: đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; và một số trường hợp cấp bách khác, đảm bảo các điều kiện sau:
- Là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 (ít nhất 01 mũi đối với loại vắc xin tiêm 02 mũi và 14 ngày sau tiêm);
- Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
- Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện y tế nêu trên).
- Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền:
+ Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đến; hoặc
+ Văn bản của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh (trình tự đăng ký theo Phụ lục 2).
5. Người từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh trong một số trường hợp cấp bách:
Mục đích: đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn tại trước khi đi nước ngoài, một số trường hợp cấp bách khác, phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Được Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận.
- Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
- Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).
6. Vận chuyển người lao động tại các tỉnh, thành phố về Thành phố Hồ Chí Minh:
Thực hiện theo Công văn số 3231/UBND-ĐT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về phối hợp tổ chức vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành phố làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
7. Vận chuyển người dân có nguyện vọng về quê (về các tỉnh, thành khác) theo kế hoạch:
Thực hiện Công văn số 2452/UBND-ĐT ngày 23 tháng 7 năm 2021, Công văn số 2544/UBND-ĐT ngày 30 tháng 7 năm 2021 và Công văn số 2548/UBND-ĐT ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phối hợp tổ chức hỗ trợ đưa người dân có nguyện vọng về quê trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
8. Lưu thông đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất:
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 8272/BGTVT-VT ngày 11 tháng 8 năm 2021 và Công văn số 8573/BGTVT-VT ngày 18 tháng 8 năm 2021 về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Đề nghị Công an Thành phố:
a. Chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm tra tại các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
b. Tăng cường kiểm tra lưu động trên các tuyến đường bộ, việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của các Đơn vị vận tải, người trên phương tiện. Phát hiện và xử lý các trường hợp không chấp hành đầy đủ các nội dung theo quy định tại Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 8 năm 2021, Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.
c. Tăng cường công tác tuần tra, xử lý các trường hợp lưu thông không đúng đối tượng được phép hoạt động, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm quy định phòng chống dịch.
2. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện:
a. Chủ trì tổ chức lực lượng triển khai tại các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo an toàn giao thông, không gây ùn ứ giao thông, không gây cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa.
b. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của các Đơn vị vận tải, người trên phương tiện, đặc biệt tại các điểm tập kết phương tiện vận chuyển hàng hoá. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành đầy đủ các nội dung theo quy định tại Quyết định số 1570/QĐ- BGTVT ngày 24 tháng 8 năm 2021, Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.
c. Tiếp nhận hồ sơ, phương án để rà soát và tổng hợp đề nghị Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện có QR cho các phương tiện của các đơn vị đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao
Tiếp nhận hồ sơ, phương án để rà soát và tổng hợp đề nghị Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện có QR cho các phương tiện của các đơn vị đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các đơn vị hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Đề nghị các Hiệp hội vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh:
a. Triển khai và chấp hành nghiêm các nội dung theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 8 năm 2021, Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 và các nội dung theo yêu cầu tại Phương án này.
b. Tổ chức kiểm tra rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô và công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với đội ngũ lái xe/thành viên/chủ phương tiện thuộc quản lý của đơn vị.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc hoặc có ý kiến góp ý, đề nghị quý cơ quan, đơn vị người dân liên hệ với Sở Giao thông vận tải thông qua số điện thoại (zalo) 0988.205.533 để được hướng dẫn hoặc tiếp nhận các ý kiến phản ánh, góp ý.
Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đề nghị quý cơ quan thông tin, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng liên quan được biết và tổ chức triển khai thực hiện./.
(Đính kèm:
Phụ lục 1: Hướng dẫn công tác cấp giấy nhận diện cho các phương tiện.
Phụ lục 2: Hướng dẫn người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh/thành phố và ngược lại trong một số trường hợp cấp thiết).
| GIÁM ĐỐC |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |