Nội dung toàn văn Công văn 1142/TTg-KTTH xử lý tồn đọng tất toán tài khoản cấp phát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1142/TTG-KTTH V/v: xử lý tồn đọng trong tất toán tài khoản cấp phát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản | Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2007 |
|
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể; |
Xét đề nghị của Bộ Tài chính tại tờ trình số 47/TTr-BTC ngày 11 tháng 6 năm 2007, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 4676BKH/TH ngày 04 tháng 7 năm 2007 về việc xử lý tồn đọng trong tất toán tài khoản cấp phát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Đối với các công trình, dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán, nhưng chưa được tất toán, Bộ Tài chính xem xét để sớm hoàn thành các thủ tục tất toán.
2. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp xử lý số dư trên tài khoản cấp phát vốn của những dự án hiện còn tồn tại theo hướng:
a) Yêu cầu các cơ quan chủ quản (Bộ, ngành, địa phương) chỉ đạo chủ đầu tư lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành theo quy định;
b) Đối với dự án hoàn thành hoặc bị đình hoãn, không thi công tiếp nhưng chưa được phê duyệt quyết toán, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương:
- Dự án hoàn thành, bị đình hoãn thi công từ năm 2000 về trước: Trong vòng sáu tháng các chủ đầu tư phải hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành để Kho bạc Nhà nước có cơ sở làm thủ tục tất toán tài khoản.
Nếu sau sáu tháng (kể từ khi có công văn của Bộ Tài chính) mà dự án vẫn chưa được phê duyệt quyết toán thì cho phép Kho bạc Nhà nước tất toán số vốn đã thanh toán cho dự án đó. Mọi phát sinh (nếu có), các Bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm;
- Dự án hoàn thành, bị đình hoãn thi công từ năm 2000 đến 2004: Nếu sau một năm, tức là hết năm 2007 (kể từ khi có công văn của Bộ Tài chính) mà dự án vẫn chưa được phê duyệt quyết toán, Kho bạc Nhà nước sẽ tất toán số vốn đã thanh toán cho dự án đó. Mọi phát sinh (nếu có), các Bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm.
c) Đối với dự án hoàn thành hoặc bị đình hoãn thi công đã được phê duyệt quyết toán, nhưng:
- Số vốn được quyết toán cao hơn số vốn đã thanh toán, cho phép Kho bạc Nhà nước tất toán số vốn đã thanh toán;
- Trường hợp số vốn được quyết toán nhỏ hơn số vốn đã thanh toán, cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ đầu tư nộp ngân sách nhà nước số chênh lệch đó. Sau sáu tháng mà chủ đầu tư vẫn chưa nộp ngân sách nhà nước thì Kho bạc Nhà nước sẽ tất toán số vốn theo quyết toán được duyệt, phần chênh lệch do thanh toán cao hơn quyết toán được chuyển vào tài khoản phải thu để theo dõi, xử lý.
3. Đối với số dự án, công trình hoàn thành từ năm 2005 trở đi, các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp chỉ đạo và kiểm tra sát sao các chủ đầu tư, đảm bảo thực hiện chế độ quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định hiện hành.
4. Từ nay trở đi, các chủ đầu tư nếu chậm thực hiện lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành (chậm quá sáu tháng so với thời gian đã được quy định cho mỗi nhóm dự án về thời gian lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành), mà không có lý do chính đáng sẽ áp dụng biện pháp chế tài như sau:
a) Đối với những chủ đầu tư vi phạm trong việc thực hiện quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thì cấp có thẩm quyền không giao dự án đầu tư mới, trừ những dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và dự án có tính chất đặc thù;
b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính trừ vào tổng kế hoạch vốn đầu tư năm sau của Bộ, ngành, địa phương đó tương ứng với số vốn chưa được quyết toán./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |