Công văn 11693TC/CST

Công văn số 11693 TC/CST ngày 10/11/2003 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002

Nội dung toàn văn Công văn 11693 TC/CST triển khai thực hiện NĐ 60/2002/NĐ-CP


BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số 11693/TC/CST
V/v triển khai thực hiện Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2003

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Để hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 06/6/2002 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Hiệp định GATT), Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2002/NĐ-CP trên cơ sở các quy định của Nghị định 60 và các nguyên tắc của Hiệp định GATT.

Bản dự thảo Thông tư đã nhiều lần được gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành và khối doanh nghiệp ở hai miền Bắc và Nam. Ngày 6/11/2003, Bộ Tài chính đã tiến hành họp với đại diện các Bộ: Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư không tham dự họp) để lấy ý kiến tham gia lần cuối cho bản dự thảo Thông tư. Tại cuộc họp này, các bộ, ngành về cơ bản đã thống nhất với nội dung dự thảo thông tư. Trước khi ký ban hành Thông tư, Bộ Tài chính xin báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về một số nội dung quan trọng liên quan đến dự thảo bản Thông tư để hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2002/NĐ-CP này như sau:

1. Về đối tượng áp dụng:

- Nghị định 60/2002/NĐ-CP được ban hành ngày 6/6/2002 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2002 quy định đối tượng được áp dụng việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Hiệp định về trị giá tính thuế theo GATT) là: "Hàng hoá nhập khẩu theo hợp đồng thương mại có xuất xứ từ các nước hoặc các tổ chức quốc tế mà Việt Nam ký cam kết thực hiện trị giá tính thuế GATT".

Trên thực tế, cho đến nay, Việt Nam chỉ ký kết điều khoản cụ thể, cam kết thực hiện giá tính thuế theo GATT với Mỹ và các nước ASEAN (cho các mặt hàng nằm trong danh Mục CEPT).

- Ngày 25/5/2002 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế có hiệu lực thi hành từ 1/9/2002. Pháp lệnh này quy định:

. Nhà nước Việt Nam phải áp dụng MFN trong thương mại quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi (Điều 4);

. Nhà nước Việt Nam phải áp dụng một phần hay toàn bộ MFN trong trường hợp MFN mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng MFN (Điều 6);

. MFN trong thương mại hàng hoá được áp dụng đói với những quy định và thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá (Điều 7);

Theo Pháp lệnh này, những nước mà Việt Nam đã ký kết Điều Khoản MFN cũng sẽ được hưởng đối xử tối huệ quốc liên quan đến cách xác định trị giá tính thuế nhập khẩu. Như vậy, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các nguyên tắc của Hiệp định trị giá tính thuế theo GATT cho Mỹ và các nước ASEAn cũng sẽ được xem là cam kết thực hiện các nguyên tắc của Hiệp định về trị giá tính thuế theo GATT cho các nước khác mà Việt Nam đã ký MFN trên cơ sở bình đẳng và có đi có lại theo nguyên tắc MFN.

Trong mối liên hệ với quy định về MFN như trên, để hướng dẫn Nghị định 60/2002/NĐ-CP về đối tượng thực hiện, Thông tư đã được dự thảo theo hướng bao gồm các hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ các nước, vùng lãnh thổ, khối liên minh quốc gia mà Việt Nam đã ký kết thực hiện xác định trị giá tính thuế theo GATT theo đúng quy định tại Nghị định. Tuy nhiên, hiện nay có hai phương án có thể được vận dụng trên thực tế đối với quy định này:

Phương án I: Đối tượng áp dụng là bao gồm tất cả hàng hoá từ các nước, quốc gia và vùng lãnh thổ, liên minh mà Việt Nam đã ký kết điều khoản MFN.

- Với phương án này đối tượng thực hiện sẽ bao gồm hàng hoá nhập khẩu từ 89 nước mà Việt Nam đã có ký kết điều khoản MFN, với tổng kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam cho 9 tháng đầu năm 2003 là17.735,24 triệu USD, chiếm 98.63% tổng nhập khẩu của Việt Nam (chưa loại trừ các mặt hàng hiện đang thuộc diện áp dụng giá tính thuế tối thiểu).

- Nếu thực hiện theo phương án này, sẽ thuận lợi trong đối ngoại và đàm phán gia nhập WTO, đơn giản trong thực hiện. Tuy nhiên, do những hạn chế hiện nay của Hải quan trong quản lý thực hiện về trang thiết bị và hệ thống cơ sở dữ liệu, việc áp dụng các nguyên tắc của Hiệp định xác định trị giá theo GATT ngay lập tức đối với hầu như tất cả hàng hoá nhập khẩu (chỉ loại trừ hàng đang chịu giá tính thuế tối thiểu) có thể sẽ mang lại nhiều tác động chưa thể lường trước. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là đối với những hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực ( hơn là hàng hoá từ các nước đã phát triển).

Phương án II: đối tượng áp dụng sẽ bao gồm:

1. Tất cả hàng hoá từ các nước, quốc gia và vùng lãnh thổ, liên minh mà Việt Nam đã ký kết điều khoản MFN.

2. Đồng thời các nước, quốc gia, vùng lãnh thổ này trên thực tế hiện nay có áp dụng việc xác định giá tính thuế theo GATT với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam (có đi có lại).

- Với phương án này, trước mắt sẽ thực hiện ngay đối với hàng hoá từ Mỹ và các nước ASEAN. Trong thời gian tiếp theo (Khoảng 1 năm), Bộ Tài chính sẽ kết hợp với các Bộ, ngành liên quan để xác định rõ và công bố danh sách những nước trên thực tế có áp dụng phạm vi hàng hoá từ các nước khác sẽ áp dụng Nghị định 60 vì hiện nay chưa có đầy đủ số liệu thống kê để xác định cụ thể phạm vi hàng hoá sẽ thuộc đối tượng thực hiện.

- Phương án này sẽ có thuận lợi là đảm bảo an toàn trong thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án này sẽ có thể gây bất lợi trong đối ngoại, đàm phán WTO. Đồng thời việc thực hiện có thể bị động do bất cứ nước nào trong số 89 nước đã ký kết điều khoản MFN với Việt Nam đều có thể đáp ứng ngay yêu cầu có đi có lại (như quy định tại Mục (2) nêu trên.

Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép thực hiện theo phương án 2.

2. Bảo lưu bảng giá tối thiểu

- Điều 17 Nghị định 60/2002/NĐ-CP quy định việc bảo lưu áp dụng hạn chế bảng giá tối thiểu đối với một số mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng Nghị định 60/2002.

- Thực tế quy định của Hiệp định trị giá tính thuế theo GATT có cho phép các nước có thể bảo lưu việc áp dụng giá tính thuế tối thiểu trong một thời gian nhất định, nếu thoả thuận được với các nước đối tác. Tháng 10/2003 vừa qua, trong tài liệu gửi WTO để phục vụ cho phiên đàm phán tới, Việt Nam đã chính thức đề xuất bảo lưu việc áp dụng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu đối với một lộ trình loại bỏ dần cho đến tháng 7/2007 để có thể đàm phàn, thoả thuận với các nước đối tác WTO.

- Trên thực tế, cân nhắc tình trạng gian lận trong thương mại và tỷ trọng số thu từ thuế nhập khẩu hiện nay (48,3% tổng số thu NSNN), đồng thời cân nhắc nội dung về đối tượng thực hiện (như đề cập ở phần trên) thì việc áp dụng giá tính thuế nhập khẩu là nhất thiết cần được duy trì.

- Tuy nhiên, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đều dự kiến đây có thể là một phía Mỹ hiểu rằng Việt Nam đã cam kết không áp dụng giá tính thuế tối thiểu đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính chủ định không đề cập nội dung này trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2002 mà sẽ nghiên cứu ban hành một văn bản khác quy định về việc áp dụng bảng giá tính thuế tối thiểu đối với một số hàng hoá nhập khẩu và xây dựng lộ trình cụ thể loại bỏ dần Bảng giá tính thuế tối thiểu có cân nhắc tới sức ép thực tế đàm phán WTO.

3. Vấn đề đính kèm Bản dịch tiếng Việt của Hiệp định xác định trị giá theo GATT:

Thông tư hướng dẫn xác định trị giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu theo trị giá GATT được soạn thảo trên tinh thần hướng dẫn toàn bộ nội dung Nghị định và quy định chi tiết theo tinh thần của Hiệp định xác định trị giá theo GATT. Tuy nhiên, do khối lượng và tính phức tạp của Hiệp định, và hạn chế về thời gian để đảm bảo thực hiện đúng thời hạn cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Mỹ bản Hiệp định này đã không thể được nội luật hoá 100% trong dự thảo Thông tư. Đồng thời, cũng là do tính kỹ thuật của Hiệp định, bản dịch tiếng Việt của Hiệp định sẽ là một phần không thể tách rời Thông tư để áp dụng cho các vấn đề kỹ thuật nảy sinh khi thi hành Nghị định 60 và Thông tư này.

Về mặt hình thức các Bộ ngành tại cuộc họp đều nhất trí là một bản Hiệp định quốc tế không thể được ban hành kèm theo Thông tư. Vì vậy, trong Thông tư sẽ dự thảo một nội dung dẫn chiếu áp dụng Hiệp định và bản dịch tiếng Việc của Hiệp định sẽ được đính kèm theo Thông tư. Cụ thể trong Thông tư sẽ quy định một nội dung như sau: việc xác định trị giá tính thuế theo GATT quy định tại Thông tư này được tuân thủ theo đúng nguyên tắc và nội dung quy định của Hiệp định. Trường hợp trong quá trình xác định trị giá phát sinh mâu thuẫn về mặt kỹ thuật thì các bên liên quan phải tham khảo bản dịch tiếng Việt của Hiệp định đính kèm theo Thông tư này.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại hiện nay vẫn giữ quan điểm nên đưa toàn bộ nội dung của Hiệp định vào trong Thông tư, do tính phức tạp của Hiệp định và Việt Nam chưa có ký kết thực hiện Hiệp định GATT ( trong WTO) nên bản dịch này chỉ mang tính tham khảo.

4. Một số điểm lưu ý trong quá trình triển khai thông tư

- Cho đến nay, hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp ĐTNN được tính thuế nhập khẩu theo giá ghi trên hoá đơn (kể cả với những mặt hàng nằm trong Bảng giá tính thuế tối thiểu). Ngày 19/3/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp, các bên hợp doanh thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật đầu tư nước ngoài áp dụng theo Điều 1 của Nghị định 60/2002/NĐ-CP.

- Theo Nghị định 60/2002 thì hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN sẽ vẫn phải chịu giá tính thuế tối thiểu (nếu nhập khẩu từ các mặt hàng nằm trong danh mục giá tính thuế tối thiểu).

- Vấn đề áp dụng giá tính thuế tối thiểu với các doanh nghiệp ĐTNN này có thể sẽ gặp phải phản ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các bộ, ngành tại cuộc họp đều nhất trí nên áp dụng giá tối thiểu với các doanh nghiệp ĐTNN theo đúng quy định của Nghị định 60/2002 để đảm bảo sự bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.

Việc xác định trị giá tính thuế theo GATT theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cho hàng hoá từ Mỹ sẽ phải thực hiện từ 10/12/2003. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sớm cho ý kiến chỉ đạo để có thể ký ban hành trong tháng 11/2003.

Trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 11693TC/CST

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu11693TC/CST
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/11/2003
Ngày hiệu lực10/11/2003
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcKế toán - Kiểm toán
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 11693TC/CST

Lược đồ Công văn 11693 TC/CST triển khai thực hiện NĐ 60/2002/NĐ-CP


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 11693 TC/CST triển khai thực hiện NĐ 60/2002/NĐ-CP
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu11693TC/CST
                Cơ quan ban hànhBộ Tài chính
                Người kýTrương Chí Trung
                Ngày ban hành10/11/2003
                Ngày hiệu lực10/11/2003
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcKế toán - Kiểm toán
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Công văn 11693 TC/CST triển khai thực hiện NĐ 60/2002/NĐ-CP

                      Lịch sử hiệu lực Công văn 11693 TC/CST triển khai thực hiện NĐ 60/2002/NĐ-CP

                      • 10/11/2003

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 10/11/2003

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực